(HBĐT) - Chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa là nơi ghi dấu sự anh dũng của lớp lớp thế hệ thanh niên, chiến sỹ trẻ tham gia chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược. Đến nay, mặc dù đã ngoài 80, 90 tuổi nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn còn sống mãi trong lòng những người lính năm xưa, họ là những nhân chứng sống cho quá khứ hào hùng của dân tộc.


Ông Đường Hồng Ký (bên trái) và ông Nguyễn Quốc Ấn, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) lật giở những trang tư liệu lịch sử, ôn lại một thời hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ông Bùi Văn Chung (SN 1929), ở tổ 7, phường Tân Hoà (TP Hoà Bình) năm nay đã bước sang tuổi 93, có 65 năm tuổi Đảng. Tuy nhiên, khi khoác lên mình bộ quân phục, ông vẫn toát lên dáng vẻ hiên ngang của người chiến sỹ Điện Biên năm xưa. Ông tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ lúc 25 tuổi, thuộc biên chế Trung đoàn 74, Sư đoàn 316 là lực lượng bộ binh chiến đấu. Ông Chung nhớ lại: "Năm đó hành quân từ Hoà Bình lên Điện Biên phải mất 1 tháng đi bộ. Đường hành quân dốc dài, nhiều trắc trở, mỗi chiến sỹ phải mang vác nhiều vật chất, trang bị nặng, nhưng ai nấy đều thoăn thoắt từng bước chân với tinh thần hăng hái tham gia chiến dịch. Đơn vị tôi trực tiếp tham gia đánh chiếm đồi A1. Sau khi đồi A1 thất thủ, quân ta liên tiếp nã đạn pháo hạng nặng xuống các cứ điểm chỉ huy của địch khiến địch giương cờ trắng đầu hàng”.

Một chiến sỹ bộ binh khác là ông Đường Hồng Ký (SN 1934), quê ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), hiện trú tại tổ 3, phường Đồng Tiến (TP Hoà Bình). Tham gia chiến dịch ông được biên chế vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 353 thuộc Trung đoàn 9, Đại đoàn 304. Theo lời kể của ông, đơn vị nhận nhiệm vụ chính là đào hầm và tham gia xây dựng trận địa pháo để pháo binh của ta ẩn nấp. Khi đó, mỗi chiến sỹ luôn mang bên mình 1 khẩu súng trường có lưỡi lê cùng 50 viên đạn, 2 quả lựu đạn, 2 quả thủ pháo và quan trọng nhất là xẻng để đào công sự. Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian chiến đấu, ông cho biết: "Thời đó, đơn vị tôi ít chiến sỹ biết chữ, tôi là một trong số ít người biết chữ trong đơn vị. Thời chiến, ai nấy đều nhớ quê hương, gia đình, bạn bè hoặc người yêu nên họ đều nhờ tôi chắp bút theo lời đọc của họ. Mỗi lá thư được gửi đi như một tia hy vọng, thắp sáng hơn niềm tin chiến thắng trong từng chiến sỹ. Còn nhớ mỗi lần đơn vị làm báo tường tôi đều được phân công phụ trách, khi ấy vui lắm, vừa chiến đấu nhưng cũng vừa được sáng tác”.

Nói đến chiến thắng ở Điện Biên Phủ không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của đơn vị pháo binh khi ấy. Ông Nguyễn Quốc Ấn (SN 1932), trú tại tổ 13, phường Đồng Tiến (TP Hoà Bình) từng tham gia quân đội từ năm 1953 ở Tiểu đoàn Hồng Lĩnh thuộc Trung đoàn 50 Tả Ngạn, Quân khu 3. Sau mới tham gia Trung đoàn 45 là trung đoàn pháo binh hạng nặng đầu tiên của quân đội ta. Tuy nhiên, do vóc dáng nhỏ bé nên ông được đơn vị cử đi làm nhiệm vụ khác, là 1 trong 20 chiến sỹ được tham gia tập huấn ở Việt Bắc về kỹ thuật bảo quản và sử dụng các loại đạn pháo về phục vụ tác chiến của đơn vị tại chiến trường Điện Biên Phủ. Điển hình như đạn pháo loại 105 mm chuyên để bắn tầm xa và phá lô cốt, pháo cối 120 - 160 mm hay súng chống tăng loại 57 - 75 mm. Ông Ấn chia sẻ: "Đợt đó, đơn vị có 24 pháo hạng nặng loại 105 mm đưa đến chiến trường tham gia chiến đấu. Quân ta chiến đấu anh dũng, nhưng cũng rất mưu trí thể hiện qua việc xây dựng trận địa pháo giả để đánh lừa quân địch, khiến cho địch không xác định được mục tiêu hầm pháo của ta đặt giấu ở đâu. Từng viên đạn pháo nã vào lô cốt khiến địch khiếp sợ đầu hàng”.

Mỗi lời kể của người lính cựu kèm theo những giọt nước mắt khi nhớ về thời oanh liệt, nhớ về đồng đội đã hy sinh để giành được độc lập, tự do hôm nay. "Giành được độc lập khó lắm nên các thế hệ sau này phải cố gắng gìn giữ, bảo vệ Tổ quốc, góp sức xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, cường thịnh để không phụ lòng, không phụ sự hy sinh của những chiến sỹ quên mình vì Tổ quốc năm xưa” - ông Bùi Văn Chung gửi gắm.

Thanh Sơn


Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục