Các cô gái Tày, Thái say sưa trong nhịp xoè.

Các cô gái Tày, Thái say sưa trong nhịp xoè.

(HBĐT) - Những ngày cuối năm, trong không khí se lạnh của tiết trời cuối đông, chúng tôi đã có chuyến rong ruổi ngược vùng cao Đà Bắc. Con đường dốc núi quanh co uốn lượn hoà trong màu xanh của ruộng, cây, màu xanh của sắc núi, trời tạo nên khung cảnh thiên nhiên chan hoà, thân thiện và hữu tình. Tiếng suối chảy róc rách, nhịp mõ gặm cỏ lốc cốc của đàn trâu ẩn hiện trong đám cây rừng, những nhà sàn ven đường thấp thoáng gợi lên nét đẹp tự nhiên của vùng cao Đà Bắc.

 

Trên đường đi, qua một bản nhỏ, chúng tôi bắt gặp không khí thật sôi động, tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng. Mọi người tay trong tay say sưa trong điệu xòe, nét tươi cười rạng rỡ. Dừng chân hỏi một mế đang đứng ngoài vòng xòe, mế vui vẻ: Hôm nay bản tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, mọi người cùng tham gia múa xòe nên vui, hào hứng lắm. Mấy anh bạn đi cùng vốn là người thành phố lần đầu lên với vùng cao nên háo hức khi được xem múa xòe. Còn đang mải đứng nhìn bất ngờ có những bàn tay nắm tay kéo vào vòng xòe, ngỡ ngàng đôi chân luống cuống hòa theo nhịp xòe. Cái hay của múa xòe chính là ở chỗ đó, không phân biệt già trẻ, gái trai, người lạ, người quen, tất cả đều có thể tham gia. Điệu múa xòe truyền thống đã gắn bó với đồng bào dân tộc Tày, Thái nơi đây, trở thành một nét sinh hoạt văn hóa đậm bản sắc dân tộc, mộc mạc, hồn nhiên như chính tâm hồn người vùng cao vậy nhưng có sức hút lạ kỳ, mãnh liệt.

 

Ông Lường Đức Chôm, một người đã có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa dân tộc Tày ở xã Trung Thành cho biết: Múa xòe đã có từ rất lâu trong đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Nghe ông bà kể lại, ngày xưa, dân làng thường ở trong rừng sâu, có nhiều thú dữ. Để xua đuổi không cho thú dữ đến gần làng, mọi người liền dóng chiêng, trống, nhảy múa sôi động làm thú sợ bỏ đi xa, dần hình thành các điệu xòe. Theo sách cổ của người Tày ghi lại, múa xòe có 6 điệu tất cả, trong đó có 5 điệu xòe đơn. Mỗi điệu xòe đều có sự mô phỏng về hoạt động lao động sản xuất, tinh thần của nhân dân như xòe vòng tròn mô tả động tác vò lúa của nông dân xưa, xòe tiến lùi diễn tả hành động sàng, sảy thóc, gạo… Điệu xòe nhiều vòng, có vòng trong, vòng ngoài là sự kết hợp của 5 điệu xòe đơn, diễn ra khi đêm hội xòe chuẩn bị kết thúc.

 

Cứ vậy mà từ lâu rồi, mỗi khi có lễ hội, mừng nhà mới, lúa mới, mừng đám cưới, vui tết đến, xuân về, các vòng xòe lại rộng mở. Chỉ cần nghe tiếng chiêng, trống trầm bổng nổi lên mọi người trong bản sẽ tìm đến để hòa vào vòng xòe. Đặc biệt tổ chức xòe nhiều nhất vào dịp năm mới đến, xòe mừng đám cưới. Trong các kiểu xòe hiện còn thông dụng nhất là điệu xòe vòng. Ít người thì một vòng xòe, nhiều người hơn có thể chia ra nhiều vòng hay xếp vòng trong, vòng ngoài, tay trong tay, chân người nọ dịch bước theo chân người kia đi vòng quanh, quây quần bên nhau, vui tươi, đầm ấm. Điệu xòe này thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, gắn bó tình người trong bản, trong làng. Trong vòng xòe, sự rụt rè, ngượng ngập thường ngày biến mất, mọi người tự nhiên nhún bước theo nhịp chiêng, trống rộn ràng.

 

Cuộc sống của đồng bào Tày, Thái Đà Bắc hôm nay dẫu đã có nhiều đổi thay nhưng điệu xòe vẫn là một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu. Múa xòe còn là yếu tố thúc đẩy lao động sản xuất phát triển. Sau những ngày lao động vất vả, không khí tươi vui của hội xòe giúp mỗi người quên đi những mệt nhọc, âu lo, để khi trở lại với cuộc sống đời thường thấy yêu lao động, cuộc sống hơn, thêm hăng say lao động, sản xuất. Khi những cành hoa mơ, hoa mận, hoa đào điểm một màu trắng, hồng khắp các sườn núi báo hiệu xuân về, hãy một lần du xuân đến với vùng cao, hòa mình vào điệu xòe hoa để cảm nhận sức cuốn hút lạ kỳ của vòng xòe, sự thân thiện, mến khách của người dân nơi đây.

 

 

                                                                               Thu Hà

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục