(HBĐT) - Những ngày cuối năm, chuyến xe về xuôi dường như thêm phần tấp nập. Những cành đào phai, lá dong... và những bình rượu cần vàng óng đặc trưng cho ẩm thực xứ Mường cũng nườn nượp theo xe về phố. Đã từ lâu, rượu cần trở thành sản vật quý của núi rừng được cả những người dân miền xuôi yêu thích. Có lẽ không chỉ bởi mùi vị thơm nồng khó tả, rượu cần hấp dẫn lòng người còn bởi những tinh hoa trong chế biến và thưởng thức.

 

Chính sự hấp dẫn của rượu cần với ngay cả những người dân ngoại tỉnh đã thôi thúc chúng tôi tìm hiểu về thức uống đặc trưng này của người Mường. Quả thực phía sau những bình rượu dung dị là cả câu chuyện dài về cách chế biến, thưởng thức... mà xin được gọi ngắn gọn bằng 4 tiếng: “Văn hoá rượu cần”.

Tinh hoa trong chế biến

 

Rượu cần - tiếng Mường gọi là rão tỏng. Không ai biết chắc là người Mường biết làm rượu cần từ bao giờ. Chỉ biết rằng đó là thức uống có men được dùng trong đời sống của họ từ lâu đời, từ trước khi họ biết chưng cất thứ rượu mạnh đóng vào chai, vào nậm mà tiếng Mường gọi là rão thiêu (nghĩa là rượu chưng cất). Trước kia, rượu cần được sản xuất chủ yếu phục vụ nhu cầu của cộng đồng. Rượu cần được dùng để uống trong gia đình, uống chơi vui, tiếp khách, uống trong đám cưới, mừng nhà mới và một số nghi lễ khác.

 

Chúng tôi tìm gặp bà Bùi Thị Sến, chủ một cơ sở sản xuất - kinh doanh rượu cần tại số nhà 4, phố Thống Nhất, TT Vụ Bản (Lạc Sơn). Đã nhiều năm gắn bó với nghề làm rượu cần, bà chia sẻ: Trong mo Mường, người ta kể về cách làm rượu cần chỉ thấy nói đến nguyên liệu chính là gạo. Thực tế, làm rượu cần đầu tiên phải kể đến men, nguyên liệu để làm men gồm vỏ cây mun giã nhỏ, củ riềng, củ gừng, một ít ớt và lá ổi vắt lấy nước. Đem tất cả trộn vào bột gạo nếp (thơm ngon nhất là gạo nếp cẩm) nặn thành bánh nhỏ, ủ vào rơm để lên gác bếp khoảng 3 đêm cho lên men trắng. Sau đó gỡ men ra hong lên gác bếp khoảng 10 ngày, men khô bắt đầu dùng được. Rượu mạnh hay nhẹ là do gia giảm chất liệu từ khâu làm men. Các chất liệu như: vỏ cây mun, gừng, riềng... để tạo nồng độ, còn lá ổi để tạo mùi thơm và góp phần chống đau bụng. Muốn rượu ngon phải ủ vào vò kín. Khi uống lấy nước hoà vào cái rượu rồi hút qua những chiếc cần trúc cong cong đã được chọc thủng đốt.

 

Nghe đơn giản là vậy nhưng muốn làm được những bình rượu ngon là điều không hề dễ. Cũng theo bà Sến, ngay từ nhỏ, bà đã theo cha học làm men rượu nhưng dù cố gắng đến mấy bà cũng không tạo ra đựơc thứ rượu ngon, êm như ông. Khi ấy, nhiều người nói đó là do tay trộn rượu, bà không mấy tin theo. Nhưng sau gần chục năm mày mò, tìm hiểu để tìm ra cách chế biến của riêng mình, bà mới thấy nói thế quả không sai. Thế mới thấy, để tạo ra rượu cần ngon, có nồng độ nặng, nhẹ theo ý muốn phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của người làm rượu. Người có kinh nghiệm nhìn chất liệu men thì biết khi trộn cần tỷ lệ bao nhiêu là đủ để rượu thơm, ngọt, không bị chua hoặc quá cay, có vị đắng vừa khó uống lại chóng say. Làm rượu cần là công việc khá khó và đỏi hỏi sự tỉ mỉ cao. Có lẽ cũng vì thế mà loại rượu này có sức hẫp dẫn thực khách đến thế. Thật không ngoa nếu cho rằng, rượu cần là tinh hoa của người Mường và thưởng thức thứ rượu này là cả một nghệ thuật.

 

Thưởng thức rượu cần

 

Rượu cần gắn với đời sống của người Mường. Có khi dùng để uống chơi trong gia đình, tiếp khách, có khi uống trong đám cưới, mừng nhà mới, thờ trong tang lễ, lễ tạ mộ... Khi uống, người ta đem đặt bình rượu vào vị trí được chọn sẵn, dùng gáo rượu đưa nước vào vò. Cũng có nơi dùng sừng trâu có dùi lỗ để thay thế gáo rượu. Không đơn giản để đưa nước vào vò, chúng còn được dùng để tính lượng rượu uống được và tính thời gian cho việc hút một lượng rượu cụ thể. Sau khi cho nước chờ khoảng 30 phút là có thể thưởng thức rượu cần.

 

Buổi tối, nơi phố huyện có phần yên tĩnh, bà Sến mang một vò rượu cần nhỏ ra mời chúng tôi cùng uống. Bên ánh lửa bập bùng, bà nói: Có nhiều hình thức tổ chức uống rượu cần, tiêu biểu là uống xúm lúm- nội bộ gia đình uống với nhau và rượu cần cộng đồng Mường bản- rượu được uống với đông đảo người trong mường tham gia. Uống như chúng ta được gọi là rượu cần xúm lúm. Cố nhà nghiên cứu văn hoá Bùi Chỉ trong cuốn “Văn hoá ẩm thực dân gian Mường Hoà Bình” khi nói về rượu cần xúm lúm đã viết: Xúm lúm có nghĩa là không muốn cho người ngoài biết một sự việc gì đó, chỉ những người có mặt ở đó cùng biết với nhau thôi. Nhưng những việc: xúm lúm bàn với nhau chuyện gì đó, xúm lúm ăn uống với nhau không phải có nội dung xấu. Trường hợp rượu cần được uống xúm lúm chẳng qua họ không ồn ào... Rượu cần được mang uống xúm lúm với nhau vào buổi trưa nắng, giờ giải lao hoặc buổi tối uống cho đã thèm, đỡ mệt. Ai uống bao nhiêu thì uống chứ không theo luật tục nào. Thường họ hay ngồi uống ở ngay góc bếp nhà sàn, cạnh đó là bộ đồ uống trà, hút thuốc lào. Trước khi uống hướng tất cả cần rượu về phía bếp một lúc với ngầm ý để ba vị vua bếp uống trước, sau đó người mới được uống. Bên cạnh đó còn có ý uống giấu thần thà ma quỷ bên ngoài. Bà nói rành rọt như thuộc từng câu chữ. Không chỉ là tình yêu, dường như rượu cần đã trở thành niềm tự hào của không ít người con xứ Mường.

 

Khác với rượu cần xúm lúm, uống cộng đồng Mường bản thường có đông người tham gia. Những cuộc vui như thế thường không gắn với công việc gì và thường tổ chức vào ban đêm. Đây là cuộc rượu vui nhất vì mọi người do thích mà tham gia. Với cách uống này, vò rượu sẽ được đặt ở giữa nhà cần quay về hướng cửa voóng. Một người đàn ông biết mo sẽ vào mo rượu hoặc “bảo rượu”. Nội dung bài mo mời tất cả các vị thành hoàng, ma quan, thần thánh ở khu vực ấy cùng tổ tiên gia đình về uống trước, nếu không có thể bị cho là người đang sống coi thường họ. Rượu cần cộng đồng Mường bản được uống theo phe. Thường mỗi phe vào uống ba lần thay phiên nhau. Họ ngồi bên vò rượu cần và bàn nhau thuận lòng, thuận sức đưa ra định mức về lượng rượu cần uống được trong đơn vị thời gian là bao nhiêu. Bên nào uống được tổng rượu ít hơn thì bị phạt. Bên cạnh đó còn có hình thức kiện rượu, chấp người, kết thúc...

 

Bà Sến nói thêm: Luật rượu còn một số biến thể khác nhau, nhưng cơ bản vẫn là uống thi nhau, từ đó có cớ phạt nhau cho vui. Khách ra về trong khi vò rượu chưa nhạt sẽ làm cả chủ lẫn khách cảm thấy áy náy vì làm niềm vui chưa trọn vẹn, phí rượu của chủ nhà. Vừa nói, bà vừa cho thêm gáo nước vào bình rượu đã vơi bớt. Vị ngọt ngọt, cay cay tan nhanh trên đầu lưỡi,  thơm nồng hương vị rượu cần quê hương.

 

                                                                                                    Hải Yến 

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục