Hướng dẫn viên Bảo tàng tỉnh Sơn La giới thiệu cho khách thăm quan về những hiện vật lịch sử trưng bày tại bảo tàng.

Hướng dẫn viên Bảo tàng tỉnh Sơn La giới thiệu cho khách thăm quan về những hiện vật lịch sử trưng bày tại bảo tàng.

(HBĐT) - Những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi cùng đoàn nhà báo trẻ tỉnh Phú Thọ rời thành phố Hòa Bình để ngược lên miền Tây Bắc thăm mảnh đất lịch sử Sơn La. Dù đã nhiều lần được đến Sơn La nhưng mỗi lần trong chúng tôi đều có một cung bậc tình cảm khác nhau. ấn tượng của chúng tôi không chỉ là những cung đường ngoằn nghèo như sợi chỉ mảnh nằm lưng chừng núi, màu trắng tinh khiết của hoa ban rừng mờ ảo trong sương; những dân tộc chất phác, mộc mạc, hiếu khách trong các bản làng giữa đại ngàn mà ở vùng đất này đang lưu giữ nhiều chứng tích lịch sử, ghi dấu một thời cha ông đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

 

Nhà tù Sơn La - Nơi thử lửa cách mạng

 

Trước khi hành trình lên Tây Bắc, cô bạn phóng viên Báo Phú Thọ lần đầu lên Sơn La cứ háo hức mãi vì được đến xứ sở của hoa ban, của những điệu múa xòe hoa, múa khèn và không gian văn hóa dân tộc Thái, Mông. Vượt qua được mỗi cung đường lên Tây Bắc là những kỷ niệm khó quên của chúng tôi về một thảo nguyên Mộc Châu với đàn bò sữa và nương đồi chè; về những nương ngô bạt ngàn; về Nhà máy Thủy điện Sơn La  công trình lớn nhất Đông Nam á hiện nay vừa khánh thành cuối năm 2012.

 

Gần 4 giờ vượt đèo dốc, thành phố Sơn La hiện ra trước mắt làm chúng tôi choáng ngợp khi chứng kiến sự đổi thay của một đô thị giữa rừng núi Tây Bắc. Giữa lòng thành phố đang phát triển đó có ngọn đồi mang tên Khau Cả nằm soi mình bên dòng suối Nậm La, nơi đây còn lưu giữ chứng tích lịch sử Nhà tù Sơn La - minh chứng của một thời kỳ lịch sử đấu tranh cách mạng, tinh thần bất khuất của những người cộng sản kiên cường đã bị đầy ải bởi thực dân Pháp giam cầm.

 

Cô hướng dẫn viên người Thái của Bảo tàng tỉnh Sơn La và nhà báo Lê Hải Nam, Trưởng phòng Báo điện tử Sơn La dẫn chúng tôi thăm quan các điểm di tích, nơi đã từng giam giữ những người tù trung kiên của các mạng. Những cái tên như xà lim ngầm, xà lim chéo, trại ba gian làm chúng tôi rùng mình căm phẫn vì sự hà khắc, tàn ác của giặp Pháp đối với những chiến sỹ cách mạng của ta. Cô hướng dẫn viên cho chúng tôi biết: Thời Pháp thuộc, cứ mỗi lần nhắc đến Sơn La là người ta thường gắn với cụm từ “rừng thiêng, nước độc”. Hồi đó, không riêng gì người tù mà cả những người dân nơi đây thường mắc các căn bệnh như phù thũng, kiết lỵ, thương hàn, sốt rét. Thực dân Pháp lợi dụng sự khắc nghiệt về thời tiết, dịch bệnh làm vũ khí để giết dần, giết mòn tù nhân. Nhớ lại những năm tháng bị giam cầm trong nhà tù, nhà báo Xuân Thủy đã viết: Lại đến Sơn La lại núi rừng/ Nằm trên đỉnh núi mà như bưng/ Lờ mờ cửa ngục thông ba lỗ/ Thăm thẳm hầm giam, sâu mấy tầng/ Tháng tháng cơm sôi đâu cả bụng/ Đêm đêm sàn đá buốt sau lưng/ Ai ơi, sốt rét đừng ra máu/ Non nước chờ xem ta vẫy vùng.

 

Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Nơi đây đã giam giữ tổng cộng 1.007 lượt tù nhân cộng sản, trong đó có nhiều đồng chí là Thành ủy, Xứ ủy, Trung ương ủy viên như Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Cơ Thạch, Xuân Thủy, Song Hào... Giặc Pháp muốn biến nhà tù thành nơi đè bẹp ý chí đấu tranh cách mạng của những chiến sỹ trung kiên, mượn nơi rừng thiêng, nước độc này để thủ tiêu những người cộng sản. Thế nhưng, sự hà khắc, tàn ác của thực dân Pháp không làm nhụt chí những chiến sỹ cộng sản. Cuối năm 1935, với quyết tâm biến chốn tù đày thành nơi rèn luyện ý chí của người cộng sản, tổ chức Hội đồng thống nhất do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch được bí mật thành lập. 4 năm sau, chi bộ lâm thời Nhà tù Sơn La được hình thành, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử làm Bí thư chi bộ. Tổ chức Đảng được bí mật thành lập đã lãnh đạo các tù nhân ở Nhà tù Sơn La khôn khéo đấu tranh để không ra gốc ôi- có nghĩa là đấu tranh để sống trong hàng ngũ, để sống với Đảng, với cách mạng, không phải gửi nắm xương tàn nơi nghĩa địa gốc ôi. Chi bộ Nhà tù Sơn La bắt liên lạc với bên ngoài thông qua hộp thư cây đa bản Hẹo. Nhiều quần chúng tốt được giác ngộ cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Tiêu biểu là Lò Văn Giá, một thanh niên người dân tộc Thái đã mưu trí dũng cảm dẫn đường cho đoàn tù vượt ngục thành công. Hoạt động của Chi bộ Nhà tù Sơn La gắn liền với tên tuổi của nhiều đảng viên cộng sản trung kiên, nổi bật nhất là vai trò của đồng chí Tô Hiệu. Cảm phục ý chí kiên cường của những người tù cộng sản bị giam cầm tại Nhà tù Sơn La, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa, việc đó lại chứng tỏ rằng, chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn cản được bước tiến của cách mạng. Mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng càng thêm cứng rắn. (Trích bảng ghi tại Phòng trưng bày hiện vật lịch sử tại Nhà tù Sơn La).

 

Suối Reo tờ báo của những người cách mạng trung kiên

 

Thăm lại Nhà tù Sơn La lần này, những người làm báo trẻ chúng tôi mong muốn được nghe kể, tận mắt ngắm nhìn và cảm nhận sự khó khăn, vất vả nhưng rất đỗi vinh quang của những người chiến sỹ cộng sản trong tù đầy đã sáng tạo, sản xuất và duy trì tờ báo Suối Reo một trong những công cụ, tài liệu đặc biệt tuyên truyền, giác ngộ, nuôi dưỡng lý tưởng cách mạng không chỉ cho những người tù cộng sản mà cho cả những quần chúng yêu nước ở địa phương.

 

Đã nhiều lần vào thăm Nhà tù Sơn La nhưng đối với nhà báo Lê Hải Nam, nơi mà anh ghé đến nhiều nhất là khu vực mô hình bảo tàng tái hiện lại hình ảnh những chiến sỹ trung kiên đang làm báo Suối Reo. Anh kể cho chúng tôi nghe những thông tin về việc ra đời của báo Suối Reo: Tháng 2-1941, hội nghị lần thứ nhất của những người cộng sản ở nhà tù Sơn La bí mật họp thành lập chi bộ. Hội nghị gồm 11 đảng viên, cử đồng chí Trần Huy Liệu làm bí thư - sau đó, chi bộ chủ trương xuất bản tờ báo Suối Reo do đồng chí Xuân Thủy làm chủ bút nhằm tuyên truyền, giáo dục đảng viên nâng cao lập trường, ý kiến chiến đấu, sinh quan cộng sản. Bắt đầu từ tháng 5-1941 đến tháng 3-1945, báo phát hành mỗi tháng 1 kỳ, 2 trang, viết tay trên giấy tận dụng, khổ 20 x 24 cm. Báo viết ra được truyền từ tay người này qua người khác, từ trại này sang trại khác, từ đảng viên tới quần chúng. Tờ báo đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần, giúp các chiến sĩ cộng sản vượt qua khó khăn, thử thách.

 

Dẫn chúng tôi thăm mô hình tái hiện lại hình ảnh về việc sản xuất tờ báo Suối Reo của những người tù cộng sản, cô hướng dẫn viên Bảo tàng cho biết kỹ hơn: Giặc Pháp cai quản tù nhân ở đây rất xảo quyệt, chúng cấm tất cả mọi hình thức tụ tập, kiểm tra rất gắt gao nơi ở của người tù. Thực hiện chủ trương của chi bộ nhà tù, những người được phân công làm báo đã vận động bạn tù đấu tranh đòi cai tù cung cấp giấy viết thư gửi về cho gia đình, sau đó giấu thật kỹ những tờ giấy trong các khu vệ sinh. Đây là nơi được coi là cất giấu bí mật nhất, giặc Pháp rất sợ phải đến những khu vực này vì chúng coi đó là nơi chứa đựng mọi dịch bệnh gây chết người. Có giấy, những người làm báo đã tận dụng ánh sáng lờ mờ của trăng để viết báo. Khi không có trăng thì thắp đèn dầu và cử người canh gác. Vượt qua bao nhiêu khó khăn, cuối cùng tờ báo Suối Reo đầu tiên cũng được ra đời và bí mật truyền đến tay những người bạn tù trong các khám, xà lim. Trong tờ báo đầu tiên có ghi lời tựa của đồng chí Xuân Thủy: Thu sang, hoa cỏ già rồi/ Suối reo lên để cho đời trẻ trung/ Thu sang non nước lạnh lùng/ “Suối Reo lên để cho lòng ta reo. Báo cứ đều đặn phát hành mỗi tháng 1 kỳ, 2 bản. Báo có nhiều thể loại bài viết. Ngoài nghị luận chính trị, tuyên truyền, trên báo còn có truyện ngắn, mục châm biếm vui cười và đặc biệt là rất nhiều bài thơ ca ngợi quê hương, đất nước và tình cảm anh em tù nhân với gia đình, đồng đội. Báo được trang trí đẹp với nhiều nội dung phong phú với nhiều kiểu chữ khác nhau. Vào những ngày lễ như ngày Quốc tế lao động 1/5, cách mạng tháng Mười Nga 7/11, Tết Nguyên đán báo được ra với số trang nhiều hơn, được trang trí cầu kỳ hơn và đẹp hơn. Báo không chỉ được lưu hành trong ngục mà còn được bí mật truyền ra với cơ sở cách mạng bên ngoài để quần chúng truyền tay đọc, làm tài liệu tuyên truyền, khích lệ tinh thần đấu tranh cách mạng của những người yêu nước.

 

Mùa xuân còn mãi trên cây đào Tô Hiệu

 

Trải qua hai trận đánh phá bằng bom của giặc. Lần thứ nhất vào năm 1952. Khi rút khỏi Sơn La, thực dân Pháp cho máy bay thả bom phá nhà tù nhằm xóa dấu vết bao tội ác trời không dung, đất không tha do bọn chúng gây ra ở địa ngục trần gian. Lần thứ hai vào năm 1965. Đế quốc Mỹ đánh phá thị xã Sơn La đã thả bom phá hủy phần còn lại của Nhà tù Sơn La.... Mặc dù Nhà tù Sơn La bị phá huỷ gần hết như có một phép màu kỳ lạ, cây đào do đồng chí Tô Hiệu tình cờ nhặt được hạt, gieo trồng bên cửa sổ nơi bị giam giữ vẫn như còn nguyên vẹn. Cây đào tiếp tục bám rễ, vươn cành và nở hoa mỗi dịp xuân về như một chứng nhân của lịch sử, khẳng định sức sống vĩnh hằng, ý chí quật cường, đấu tranh gian khổ của những con người cộng sản trung kiên, giành độc lập cho dân tộc, cho đất nước.

 

Sau ngày hòa bình thống nhất, năm 1980, Bảo tàng tỉnh Sơn La bắt đầu tiến hành phục chế lại nhà tù; xây dựng lại một số đoạn tường rào bao quanh, phục chế lại 2 tháp canh, nhà bếp, trại giam lớn, gia cố lại hầm ngầm, xà lim ngầm, xây dựng các bức tường của các phòng giam theo dấu vết của các nền móng cũ. Đặc biệt là cây đào Tô Hiệu vẫn được giữ nguyên và được chăm sóc cẩn thận.

 

Hiện nay, mỗi năm, tại di tích lịch sử Nhà tù Sơn La đã đón tiếp hàng vạn lượt du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập Mỗi người đến đây không chỉ để được trải nhiệm, hồi tưởng lại cuộc chiến tranh diễn ra hơn một thế kỷ đã qua mà quan trọng hơn là nhắc nhở các thế hệ tiếp nối hãy sống, làm việc và học tập sao cho xứng đáng với những gì mà các bậc tiền bối đã dày công gây dựng.

 

 

                                                                         Đỗ Quyên

 

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục