Đại diện cấp uỷ, chính quyền xã, thôn thăm hỏi thân nhân gia đình nạn nhân Bùi Văn Thảo (xóm Suối Con, xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi).

Đại diện cấp uỷ, chính quyền xã, thôn thăm hỏi thân nhân gia đình nạn nhân Bùi Văn Thảo (xóm Suối Con, xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi).

(HBĐT) - Chiều ngày 25/3, chiếc xe chở 21 người từ huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cũng đã về đến xóm Suối Con (xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi). Đây là nhóm thứ hai vào đào bới, kiếm tìm thi thể của 3 thanh niên, nạn nhân của vụ sập hầm vàng thảm khốc trong tối 10/1/2014 tại khu vực Bãi Cao, thôn 8, xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn (Quảng Nam).

 

Điều kỳ diệu đã không xảy ra và tang thương đã trùm lấp các gia đình bị nạn cùng xóm làng từ ngày 10/1 nhưng vẫn có điều an ủi: sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, họ đã lần lượt tìm kiếm được thi thể các nạn nhân và đã an táng ở một cánh rừng xa vắng nơi đại ngàn... Xóm Suối Con đã trải qua những ngày đầu năm buồn bã nhất. Dịp Tết, không có nhà nào bật loa đài, nhạc hiệu, không có những lời ồn ã chúc tụng. Dịp Tết, những gia đình có con bị nạn như ngồi trên đống lửa mà lòng buồn lạnh khôn nguôi... Chuyến đi làm vàng đó có 7 người, giờ còn lại 4 người.

 

Những cảnh ngộ, những nỗi niềm…

 

Chưa nói được câu nào sau lời chia sẻ của đồng chí lãnh đạo UBND xã, chị Bùi Thị Thắng (43 tuổi), mẹ của nạn nhân Hà Văn Tuấn (sinh năm 1994) đã ôm mặt khóc và lê bước vào buồng. Tuấn năm nay vừa tròn 20 tuổi, chưa lập gia đình, đã học xong lớp 12, học xong lớp máy xúc, lần đầu theo các anh trong xóm vào miền Trung đào vàng (trước đó, đi làm ăn ở Bắc Ninh). Đêm 10/1, Tuấn làm ca đêm tại một hầm vàng khai thác trái phép và thảm hoạ đã xảy ra.  Tiếp lời chị gái, chị Bùi Thị Lợi cho biết: Em vào tìm kiếm đợt 1 cùng mọi người (33 người, trước Tết Giáp Ngọ). Xuống ô tô ở thị trấn Phước Sơn, 2 mẹ con đi xe ôm hết 500.000 đồng, còn các anh, các cháu khác đi bộ khoảng 6 giờ đồng hồ thì lên đến điểm sập hầm vàng. Người của gia đình, thôn, xóm mình và người của đơn vị thuê lao động đã đào tại điểm sập sâu 9 m, chiều rộng 30 m và chiều dài 70 m. Gia đình ông Bùi Văn Xuân có 3 người con trai tham gia làm vàng ở chính điểm sập đó, ca đêm đó có 1 người con trai thứ 2 bị nạn (anh Bùi Văn Hưng, sinh năm 1986). 2 em tiếp theo của anh H không thể quên khoảnh khắc kinh hoàng khi hàng ngàn m3 đất đổ ập xuống trong tiếng kêu, khóc tuyệt vọng. Chính họ cũng là các hướng đạo viên, chỉ dẫn, tham gia đào bới thân nhân, anh em làng mạc mình trong suốt những ngày qua. Bà Bùi Thị Tét nghẹn ngào: Gia cảnh khó khăn, 3 cháu bỏ học và vào đời sớm. Hưng mới học hết lớp 3 thì bỏ, 2 em sau học đến lớp 7, lớp 8 thì nghỉ. Thương các con 14-15 tuổi đã rời nhà đi làm ăn kiếm sống, nay đã bỏ mạng vì vàng. Gia đình có 5 khẩu, giờ chỉ còn 4 nhân khẩu”. Ngôi nhà của anh Bùi Văn Thanh (sinh năm 1967) dù đã xây nhưng chưa trát, chít nên còn tạm bợ, loang lổ. Việc mất người con trai đầu (anh Bùi Văn Thảo, sinh năm 1989) khiến anh suy sụp. Ngước đôi mắt buồn bã nhìn lên tấm ảnh con, anh bộc bạch: Cháu nó mới học hết lớp 5 thì bỏ học, cũng đi vào đó làm ăn 3-4 năm nay rồi. Trước Tết, 2 anh em nó cùng mọi người vào đó mong kiếm chút ít lo tết nhất, không ngờ đó là chuyến đi cuối cùng. Bà nội, bác gái, em họ đôi mắt mọng nước vì câu nói của anh Thanh. Mẹ của cháu, nằm lặng trong nhà không thể ra để tiếp khách. Tiễn khách ra về, anh Thanh nói khẽ: đứa con thứ 2 (22 tuổi) có thể không trở lại Phước Sơn để làm nghề vàng nữa…Mỗi gia đình một nỗi niềm khác nhau nhưng đều đau vì các con ra đi còn quá trẻ; 3-4 năm sau, mới lại có thể “đón” các con về với quê hương, bản quán. Hàng năm, làm sao có thể đến để cắm cho con nén hương cho đỡ cô quạnh…

 

Những sự sẻ chia và điều đọng lại…

 

Tuy những ngày qua 3 gia đình gặp nạn thấy mình vơi đi nỗi đau rất nhiều khi nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ của anh em, làng xóm. Huyện đã trợ cấp đột xuất, Hội CTĐ huyện và xã Kim Bôi hỗ trợ một phần kinh phí; hội phụ nữ, đoàn thanh niên giúp các hộ việc đồng áng (cấy, làm cỏ). 2 chuyến vào miền Trung tìm kiếm, cán bộ thôn (anh Bùi Văn Dũng, Bùi Văn Quyền) cùng trên 50 lượt người trong xóm tích cực tham gia. Trong hoạn nạn mới thấy được tình làng, nghĩa xóm đậm đà biết bao. Việc đau của 3 gia đình cũng là nỗi đau của xóm Suối Con trong những ngày qua. Trở lại những câu chuyện về những cái chết thương tâm ở Suối Con, đồng chí Bùi Xuân Đợi, Chủ tịch UBND xã trầm ngâm chia sẻ: Dù xã còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển KT-XH nhưng cũng mong các hộ đã và có ý định sẽ đến các bãi vàng ngoài tỉnh kiếm sống cần xem lại sự lựa chọn của mình bởi những cái chết trẻ, thương tâm và đầy bất trắc của nghề “phu vàng” đã chỉ ra kết cục thường xảy ra ở các bãi vàng khai thác trái phép. Ông cho biết: Nếu tính cả 2 trường hợp từng tử vong vì sập hầm vàng trước đây (ở Mỵ Hoà - Kim Bôi và Phước Sơn - Đà Nẵng), thì xóm Suối Con đã có 5 người “mất mạng” vì vàng. Thực tế ở Kim Bôi hiện nay, tình trạng thanh niên “ly nông-ly hương” không phải là hiếm nhưng chẳng lẽ chỉ có một điểm đến là bãi vàng? Các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và các thôn đã có những tuyên truyền, vận động để bà con nhận ra điều hay, lẽ phải trong làm ăn, xoá đói - giảm nghèo. Điều trăn trở của đồng chí Chủ tịch UBND xã là có cơ sở, vì hiện nay, dù đã xảy ra vụ sập hầm vàng tang thương đó nhưng số thanh niên, người lao động ở Suối Con khoác ba lô vào Quảng Nam làm vàng vẫn không dừng lại. Tại thời điểm này vẫn còn 5-7 thanh niên (cả có vợ và chưa vợ con) vẫn “ôm mộng” làm giàu tại các điểm khai  thác vàng miền Trung. Ai cũng mong họ “chân cứng, đá mềm” vượt qua những hiểm nguy, bất an của nghề làm vàng đầy may rủi nhưng chẳng một người nào ở Suối Con dám khẳng định về một miền tươi sáng chờ đón phu vàng ở phía trước. Nhìn rộng ra cả tỉnh thấy rằng, phận người làm vàng sao mong manh trước những diễn cố khó lường tại các bãi vàng. Bài học năm vừa qua, 8 thanh niên Lạc Sơn (xã Tuân Đạo, Tân Lập, Qúy Hoà) bỏ mạng ở bãi vàng huyện Văn Bàn (Lào Cai) vẫn còn là điều nóng hổi trong tâm thức bao người. Liệu bao giờ chấm dứt được tình trạng người Hoà Bình bỏ mạng vì sập hầm vàng nơi xa xứ ?

 

 

                                                                                  Bùi Huy

 

 

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục