Phụ nữ bản Xô, xã Nà Mèo (Mai Châu) tranh thủ thời gian nông nhàn,  thêu hàng thổ cẩm, phụ thêm kinh tế cho gia đình.

Phụ nữ bản Xô, xã Nà Mèo (Mai Châu) tranh thủ thời gian nông nhàn, thêu hàng thổ cẩm, phụ thêm kinh tế cho gia đình.

(HBĐT) - Từ trung tâm xã Nà Mèo (Mai Châu), có hai cách để vào được bản Xô. Một là đi bộ khoảng gần 10 km theo con đường mòn xuyên rừng. Hai là quay ra thị trấn Mai Châu và ngược thêm gần 25 km đến xóm Lọng Sắng, xã Bao La, rẽ phải, đi thêm gần 3 km là vào đến bản.

 

Tháng 3 ở vùng cao sương mù ẩm ướt, e ngại lũ vắt rừng nên chúng tôi quyết định chọn con đường thứ 2 để vào bản Xô. Thấy có người lạ hỏi đường vào bản Xô, anh Hà Văn Khái nhà ở đầu bản Lọng Sắng ngăn: “Từ đây vào bản Xô chỉ khoảng 3 km nhưng không quen đường thì không đi xe máy được đâu, đường rất khó đi và nguy hiểm”. Nghe theo lời anh Khái, chúng tôi gửi xe, chuẩn bị hành trang gọn nhẹ “cuốc bộ” vào bản. 

"Nghề" soi nhái ở bản Xô

Đón chúng tôi ở đầu bản là ông Hà Công Xanh, Bí thư chi bộ bản Xô. Ông Xanh dẫn chúng tôi về nhà với mâm cơm chiều đã được chủ nhà chuẩn bị sẵn. Tay nâng chén rượu men rừng sóng sánh, ông Xanh hỉ hả: Hôm nay, tiếp nhà báo toàn món đặc sản của bản Xô! Vừa nói, ông vừa giới thiệu: Đây là nhái gói trong lá chuối, vùi chín trong tro bếp; đây là nhái cho vào ống nứa lam chín như cơm lam; đây là nhái nấu măng chua giang; đây là nhái băm viên rán chả; đây lá nhái rán giòn với lá lốt... Chà chà!!! Đây thực sự là một bữa tiệc đặc sản đích thực của bản Xô với hàng loạt món ăn được chế biến từ con nhái.  

Nhái nướng trong lá chuối có vị ngọt ngậy, nhái rán lá lốt có vị giòn thơm, chả nhái có vị đặm đà thơm cay, nhái nấu măng chua ăn với cơm trắng thì thật tuyệt vời! Bữa cơm chiều với đặc sản nhái khiến cho chúng tôi có ấn tượng ban đầu thật đặc biệt đối với bản Xô. 

Nhanh chóng kết thúc bữa cơm chiều, tôi được chủ nhà “trang bị” cho một chiếc đèn pin, một chiếc túi đeo ngang hông khâu tay bằng bao tải cũ và một đôi ủng. Đó là hành trang đầy đủ để tôi trở thành một “thợ bắt nhái”.  

Biết chúng tôi từ nơi khác đến, anh Hà Công Hiêm vui vẻ trò chuyện: Mùa soi nhái bắt đầu từ tháng 3. Đó là khi đông qua đi, xuân về, thời tiết bắt đầu ấm lên. Khi bắt đầu có mưa xuân, nhái từ trên núi xuống, nhái từ trong hang ra. Nhái tập trung nhiều nhất ở các ruộng nước, triền đồi. Cứ soi đèn sẽ thấy rồi dùng tay bắt. Soi tìm thấy nhái thì dễ vì khu vực này rất nhiều nhái vì rừng còn nhiều, bà con cũng trồng sắn, trồng ngô, trồng lúa nhiều, nhái có chỗ ở và có thức ăn. Nhưng bắt nhái thì khó vì con nhái nhảy rất nhanh, người bắt phải nhanh nhẹn và kiên trì. Bây giờ đầu mùa, một đêm một người chỉ bắt được khoảng vài lạng đến một cân nhưng một hai tháng nữa vào mùa mưa, một đêm bắt được 4 - 5 kg là bình thường. Nhái bản Xô thường được bán tại chợ Săm Khòe và nếu đi được xuống thị trấn Mai Châu thì sẽ bán được giá hơn. Mùa mưa nhái có giá từ 40 - 50.000/kg, còn đầu mùa thì nhái có giá 70 - 80.000 đồng/kg.  

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết hiện nay, nhái là một món ăn đặc sản được khá nhiều các nhà hàng, quán bia ưa chuộng. Trong khi đó nhái chủ yếu được bắt ngoài tự nhiên nên lượng cung luôn ít hơn so với cầu. Nhái do bà con bản Xô bắt được bán khá đắt hàng tại các chợ. Thậm chí vào mùa cao điểm, tư thương còn lặn lội vào tận bản Xô, đến từng hộ gia đình thu mua.  

Theo nhẩm tính của bà con bản Xô, một đêm đi soi nhái có thể kiếm được cả trăm nghìn đồng, bán đi cũng đong được 7 - 8 kg gạo. Nếu không bán thì nhái trở thành món khoái khẩu và tiện lợi, được bà con người Thái nơi đây rất yêu thích trong bối cảnh đường tới chợ xa quá là xa... Do đó, tranh thủ sau bữa cơm tối gia đình nào cũng có người đi soi nhái, thường là hai bố con. Vào mùa mưa, nhái từ nương sắn, ruộng ngô ra nhiều thì cả nhà đi soi nhái.  

Ở bản Xô, người ta coi đi soi nhái như một nghề vì vào mùa cao điểm, có đến hơn 50% người dân bản Xô đi soi bắt nhái đêm. Ánh đèn pin sáng loang loáng khắp thửa ruộng. Tiếng cười, tiếng nói râm ran khắp các sườn đồi.  

Bản Xô đêm bình yên  

Trong khi ở ngoài các thửa ruộng, trên các sườn đồi đàn ông thanh niên đi soi nhái thành từng đoàn thì trong những ngôi nhà sàn truyền thống, phụ nữ bản Xô chăm chỉ ngồi thêu tay.  

Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi đến thăm là gia đình chị Hà Thị Huân. Đón chúng tôi, chị ngừng tay thêu trò chuyện: “Tranh thủ lúc nhàn rỗi, tôi lại ngồi khâu thêu những tấm vải này để bán cho bà con người Mông may váy hoặc có đợt thì khâu thuê do khách dưới thị trấn đặt. Mỗi tháng cũng kiếm thêm được vài trăm nghìn. Có thêm tiền mua quần áo, sách vở cho con cái đi học”. 

Đưa chúng tôi đi qua những ngôi nhà sàn chưng đèn sáng, rộn ràng tiếng cười nói, đồng chí Bí thư chi bộ Hà Công Xanh tự hào: “Bản Xô có 98 hộ với hơn 400 khẩu. Hàng năm trồng được hơn 60 ha ngô và 15 ha lúa nước. Ngoài ra, tận dụng lợi thế có rừng, có chỗ chăn thả nên hộ gia đình nào cũng chăn nuôi trâu, bò, ít thì 1 - 2 con, nhiều thì 5 - 6 con. Người dân bảo Xô có truyền thống chăm chỉ, ban ngày đi làm nương, làm đồng; tối về đàn ông đi soi nhái bán kiếm thêm tiền hoặc để làm thức ăn, phụ nữ thì ở nhà làm thêm nghề phụ là khâu thêu tay các tấm vải. Bà con trong bản rất đoàn kết, đồng lòng, bản không có tệ nạn xã hội, không có người nghiện, không có người mua bán trái phép chất ma túy. Tuy giao thông đi lại khó khăn nhưng trong bản không có trẻ em bỏ học. Liên tục nhiều năm liền, bản được công nhận là Làng văn hóa cấp huyện, là đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của huyện Mai Châu. Chi bộ xóm Xô nhiều năm liền là chi bộ trong sạch vững mạnh.  

Trong ngôi nhà sàn khang trang là nhà văn hóa ở giữa bản, anh Hà Văn Tuấn, Trưởng xóm phấn khởi cho biết: “Nhà văn hóa được hoàn thành vào năm 2010 với tổng trị giá khoảng 160 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 16 triệu đồng, còn lại là do nhân dân đóng góp vật liệu và ngày công. Nhà văn hóa được bà con nhân dân trong bản cùng chung tay tích cực xây dựng nên chỉ một tháng đã hoàn thành. Giờ đây, nhà văn hóa là nơi sinh hoạt chung rất nhiều hoạt động của bản. Từ khi có nhà văn hóa, mọi công việc, hoạt động của bản Xô trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn nhiều”.  

Có nhà văn hóa, đời sống tinh thần của người dân bản Xô được nâng lên rõ rệt. Nhiều hoạt động tập thể, cộng đồng được tổ chức. Hoạt động của chi bộ, Mặt trận tổ quốc, các hội đoàn thể cũng sôi nổi, tích cực hơn. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là tác hại của ma túy đến được với người dân sâu sắc hơn. Do đó, nhiều năm liên tục, bản Xô không có người mắc tệ nạn xã hội, không có trường hợp sinh con thứ 3, bản làng bình yên, bà con đoàn kết cùng chung tay phát triển KT-XH, XĐ-GN.  

Trăn trở về những khó khăn của bản Xô, đồng chí Bí thư chi bộ cho biết:  Người dân bản Xô cần cù, chịu khó sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm nghề phụ, nhưng giao thông đi vào bản quá khó khăn. Bản cách quá xa trung tâm xã Nà Mèo, bà con trồng ra hạt ngô, củ sắn nhưng không mang đi bán được. Tư thương vào tận đây thu mua thì ép giá. Do đó, nhiều hộ gia đình chủ yếu vẫn là tự sản tự tiêu, phục vụ nhu cầu gia đình là chính, giá trị hàng hóa không cao. Điều đó dẫn đến tuy diện tích canh tác khá nhiều, sản lượng khá nhưng hiệu quả kinh tế thấp, thu nhập bình quân của xóm năm 2013 mới chỉ đạt mức 6,5 triệu đồng/người/năm và bản còn có tới 40% số hộ thuộc diện hộ nghèo. Người dân bản Xô cứ trông chờ mãi con đường bê tông về bản, phải có đường thì đời sống bà con nơi đây mới khá lên được.

 

                                                                     Dương Liễu

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục