Người lao động tìm thông tin tại Sàn giao dịch việc làm huyện Tân lạc năm 2013.

Người lao động tìm thông tin tại Sàn giao dịch việc làm huyện Tân lạc năm 2013.

(HBĐT) - Không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế mà lao động xuất khẩu đã mang lại. Nhiều gia đình đã đổi đời từ khi có người thân đi lao động ở nước ngoài. Thị trường lao động mà tỉnh ta đang hướng tới như Malaixia, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc... Nhưng từ câu chuyện xuất khẩu lao động, nhiều vấn đề xã hội đã nảy sinh.

 

Những nỗi niềm...

 

Vừa lao xe đến chân dốc Cun (thành phố Hòa Bình) gặp bà cô họ đang hì hụi đạp xe theo hướng ngược lại. Ngoài 70 tuổi nhưng bà già và khắc khổ hơn người khác. “Đi đâu ư, đi đón con thằng M. đi học chiều về... mà còn phải vay tiền mua vài thứ cho nó nữa”. À, bà đang nói về đứa cháu nội đang học đầu cấp THCS đây. Nó là đứa con duy nhất của vợ chồng con trai cả. 2 người này, tuy chưa ra toà nhưng cuộc sống chung coi như chấm dứt. Chị đi lao động xuất khẩu, còn anh đang đi làm ăn tít miền Trung. Tết Giáp Ngọ vừa rồi không về được vì chưa lấy được tiền công. Vẫn tiếng cô: “Cô vừa gọi điện cho bà ngoại nó (ở huyện cuối tỉnh) gửi tiền lên để còn đi mua sắm quần áo cho nó, vậy mà chưa thấy hồi âm. 2 vợ chồng trên 70 tuổi và một đứa trẻ trên 10 tuổi vừa đón một cái tết buồn vì vắng vẻ, đạm bạc... Cách đây trên 10 năm, khi chị đang làm ở công ty nọ ở thành phố Hoà Bình, anh chị lúc nào cũng tình cảm như đôi chim cu. Đùng một cái, chị đòi đi lao động xuất khẩu để nhằm đổi đời khi con gái mới 3 - 4 tuổi. Mọi chuyện đã rẽ sang hướng khác từ đây. Anh ở nhà nghi kỵ chị có người mới, chị ở nơi xa bận rộn làm ăn, không còn nhớ mấy về gia đình, chồng con. Tiền gửi về thưa thớt và cũng chẳng nhiều nhặn gì. Rồi chị cũng về sau một đợt lao động bên đó (3 năm). Về, tưởng nhằm hàn gắn gia đình và bù đắp cho con cái những thua thiệt mà nó từng chịu, nhưng rồi không hiểu vì lý do nào nữa, chị quyết làm thêm cua xuất khẩu mới. Từ đây, coi như hết tình vợ chồng. Tưởng vắng mẹ thì còn bố, đằng này, anh cũng tất bật với những việc của người lớn, tháng đảo qua nhà thăm bố mẹ, thăm con đôi lần rồi dông tuốt vào miền Trung kiếm sống. Từ ngày đấy, cháu bé kia chỉ biết quấn quýt, gần gũi với ông bà. Bố mẹ ở xa, thỉnh thoảng lắm mới được bố, mẹ gọi điện, thăm hỏi. Cô không giấu nổi bực dọc: “Cô là muốn tung hê hết nhưng mà thương con bé quá. Tầm tuổi này, đang ở tuổi dậy thì, giả dụ có con mẹ nó ở nhà nó đỡ thiệt thòi. Đằng này, trăm thứ đều từ bàn tay ông bà. Từ việc ăn ngủ, kèm cặp học hành, giáo dục giới tính mà ở tầm tuổi như cô, biết mấy mà kèm... Những dịp quan trọng như sinh nhật, khai giảng năm học mới, nhìn nó buồn mà mình cũng muốn rơi nước mắt. Con nhà người ta, mẹ con, bố con tíu tít đưa nhau đến nhận lớp, đây 2 bà cháu thui thủi sáng, chiều. May mà nó còn biết điều, chưa sinh hư đấy. Hôm qua, cô vừa gọi điện cho cả bố, mẹ nó mắng cho một trận đấy. Kiểu này, cô trao trả con bé hẳn cho bố mẹ nó, không gắng được nữa đâu... Sau này, về nước, tiền bạc rủng rỉnh mà con không muốn nhận mẹ nữa thì cũng đừng có trách...

 

Nhìn cô còng lưng đạp xe về phía dốc Paciffic mà thấy cám cảnh quá. Lỗi tại ai?

 

Hãy nghĩ về những đứa trẻ...

 

Xóm Mỗ (Bình Thanh - Cao Phong) được lên sách báo nhiều bởi đây là điểm du lịch văn hoá nổi tiếng ở Hoà Bình. Cũng nơi đây, đang có làn sóng xuất khẩu lao động đi Đài Loan. Cũng là điều đáng mừng thôi. Nói như ông trưởng xóm: một bên là đồi, một bên là vách núi, đất sản xuất hạn chế nên phải tính. Nhưng đi được cũng phải diện có khả năng tài chính (kể cả khả năng vay mượn nữa). Vì muốn đến thị trường này phải nặng chi phí (cỡ 100 triệu đồng/suất) và nguồn lợi đem về khấm khá hơn thị trường Malaixia. Như bác trưởng xóm Nguyễn Văn Hậu, cũng cho 2 con trai sang đó đi lao động xuất khẩu Đài Loan (theo mối ở Hà Nội). Cả xóm hiện có gần 30 người đang đi lao động xuất khẩu. Họ có điều kiện và lý do để muốn đến thị trường này. Nhưng từ đây lại nảy sinh một vấn đề rất đáng quan tâm: không phải chỉ có vợ (hoặc chồng) lên đường làm ăn mà nhiều gia đình cả vợ chồng cũng dắt díu nhau đi. Thế nhà bỏ cho ai trông, con ai trông? Bác trưởng thôn thủng thẳng: phải gửi lại cho ông bà nội, ngoại trông thôi. Vợ đi Đài Loan cách đây 3 năm, cuối năm 2013, anh Đ cũng tiếp bước vợ đi ra nước ngoài kiếm sống. Nhà khoá lại, thỉnh thoảng có người đến ngủ trông coi, con gửi bà ngoại. Hiện nay, trong ngôi nhà được xây dựng khang trang, nổi nhất ở xóm Mỗ, bà Ph. đang chăm nuôi 2 cháu (1 gái, 1 trai) mà bố mẹ các cháu đang ở Đài Loan. Bà cho biết: cháu gái con anh chị Đ đang học cuối tiểu học. Cháu học cũng kém lắm, vì chúng tôi chẳng biết kèm thế nào. Kiến thức khác ngày xưa mà cũng có thể con bé đó sinh thiếu tháng nên nhận thức cũng chậm. Còn thằng cháu nội 4 tuổi cũng không mấy ngày được ở bên mẹ vì điều kiện xa cách như thế. Hôm nọ, mẹ nó về thăm, mừng lắm... Biết rằng, những người làm cha, làm mẹ bước lên máy bay ra nước ngoài làm ăn, cũng day dứt vô cùng vì con cái. Nhưng mấy người nghĩ đến con cái nghĩ gì, cần gì? Trào lưu 2 vợ chồng đều đi ra nước ngoài làm ăn, để con nhỏ (2-3 tuổi) ở nhà cho ông bà không hề hiếm ở tỉnh ta. Đôi vợ chồng M. - N. (ở Cao Phong) từng đi Malaixia một đợt. Về nước cưới nhau, sinh con, khi nó tầm 2 tuổi, năm 2013 cả hai lại bay đi 3 năm nữa; mọi chuyện chăm sóc, nuôi dạy con cái đều trông vào ông bà nội, cũng đã ngoài 60 tuổi rồi (vì nhà ngoại ở tận miền Trung). Chị M.L. ở xã T.P. (huyện Cao Phong) cũng sớm xa con nhỏ (gần 3 tuổi) sang Malaixia trước làm tiền trạm, nghe đâu chồng sẽ sang sau trong thời gian tới. Nhiều người thân biết chuyện đó cũng trao đổi khá thận trọng: “Nên không? Vợ đi khi con còn nhỏ là quá rồi, sao lại cả vợ chồng cũng muốn đi là sao. Con cái thì để ai lo?

 

Đối với các gia đình từng gặp và tìm hiểu kia: việc cái ăn, miếng ăn hàng ngày cho trẻ nhỏ cũng không là điều đáng phải quá lo lắng nhưng việc nuôi dạy, chăm sóc con cái (điều không ai có thể thay thế bố mẹ được) có thể lại là lỗ hổng... Đời sống tình cảm, tinh thần của những đứa trẻ trên dưới 10 tuổi sẽ ra sao khi sớm rời xa vòng tay của bố, mẹ?

 

 

Bùi Huy

 

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục