Người dân xem bóng đá tại quán cà phê Bức Tường, phường Tân Thịnh (TPHB).

Người dân xem bóng đá tại quán cà phê Bức Tường, phường Tân Thịnh (TPHB).

(HBĐT) - World Cup 2014 sẽ diễn ra trong vòng 1 tháng với 64 trận đấu. Do chênh lệch múi giờ giữa Việt Nam và Brazil, những trận cầu thường diễn ra vào đêm khuya và rạng sáng. Tuy nhiên, sự “oái oăm” thời gian không ngăn cản được cơn sốt World Cup len lỏi đến nhiều ngõ ngách, gia đình ở tỉnh miền núi Hoà Bình nói chung và TPHB nói riêng. Cùng với sự đam mê lành mạnh đối với môn thể thao vua tại giải đấu lớn nhất hành tinh, vẫn còn những nỗi niềm, đắng cay theo trái bóng lăn.

 

3 giờ sáng, quán cà phê Bức Tường ở phường Tân Thịnh (TPHB) vẫn đông khách. Hơn chục thanh niên ngồi vừa uống cà phê vừa dán mắt vào màn hình xem trận thi đấu giữa đội ArgentinaNigeria. Mỗi khi có pha gay cấn hay những quả sút tung lưới là không khí lại rộ lên “nóng bỏng”. Từ khi khai mạc giải đấu World Cup, hầu như đêm nào, quán này cũng sáng đèn phục vụ khách. Song, theo quan sát của chúng tôi, người dân TPHB chủ yếu xem các trận đấu theo từng hộ gia đình hay xem theo nhóm, không tập trung quá đông tại một địa điểm.

 

Là giáo viên dạy môn thể dục tại trường THPT 19-5 Kim Bôi, anh Nguyễn Văn Thường ở tổ 10, phường Thịnh Lang (TPHB) gần như không bỏ qua một trận đấu nào dù chỉ xem một mình ở nhà. Để chuẩn bị đón xem World Cup, anh đã đăng ký dịch vụ truyền hình cáp và chuẩn bị vài thùng mỳ tôm, phòng xem đêm đói. Anh Thường tâm sự: Để khỏi ảnh hưởng tới giấc ngủ của gia đình, anh cố gắng cho nhỏ tiếng nhưng thỉnh thoảng gặp cú sút hay anh tự nhiên bột phát hét lên làm đứa con trai lớn 9 tuổi cũng vùng dậy và xem cùng. Rất may là cả hai bố con cùng được nghỉ hè, không thì sẽ ảnh hưởng lớn đến công việc và học hành. Bố, mẹ và vợ đôi khi vẫn cằn nhằn nhưng tôi đành xoa dịu và nói những 4 năm mới có một tháng như vậy.

 

Không được thảnh thơi như anh Thường, một cậu học sinh vừa tốt nghiệp lớp 12 từ huyện Cao Phong ra TPHB ở nhờ nhà người thân ôn thi đại học tại trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ cũng không kìm nén nổi niềm đam mê bóng đá. Cậu làm hồ sơ thi vào trường sĩ quan lục quân, thi khối A vào ngày 4 – 5/7 nhưng cứ nhìn cái cảnh cậu sao nhãng việc học, thức đêm xem bóng đá, lại không có bố, mẹ ở bên cạnh kèm mới thấy lo ngại. Lực lượng CB, CC, công nhân cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều bởi World Cup. Một cán bộ xin giấu tên công tác tại UBND TPHB tiết lộ: Em chỉ xem những trận đấu có đội bóng mình yêu thích thôi nhưng sáng hôm sau đi làm cứ ngáp dài ngáp ngắn, người mệt mỏi, đôi khi thấy lơ mơ.

 

World Cup đang trôi về những trận cầu mang tính quyết định, khiến nam giới “căng sức” ra để xem. Ở một khu tập thể chật chội như ở dãy nhà A22, tổ 23, phường Tân Thịnh (TPHB), nhà bên cạnh hét to thì hàng xóm cũng nghe trọn. Vốn hay mất ngủ, chị Nguyễn Thị Hoa ở dãy nhà A22 bực tức khi ông hàng xóm rú lên mỗi khi có pha ghi bàn. Góp ý kiến thì hàng xóm mặt nặng mày nhẹ. Nhiều lần như vậy thành ra mất đoàn kết khu dân cư. Chị chỉ mong World Cup hết nhanh để cuộc sống được trở lại bình thường.

 

Đắt khách dịch vụ cầm đồ

 

Mặc dù không treo biển “cầm đồ” nhưng một quán bán điện thoại di động trên đường Cù Chính Lan, gần khu vực chợ Phương Lâm, (TPHB) vẫn sẵn sàng đón khách muốn “gửi” lại vật dụng có giá trị để vay tiền. Từ bằng lái xe ô tô đến điện thoại di động… Những tấm bằng lái với đầy đủ tên, họ, năm sinh, quê quán… được dán công khai ngay trên tủ hàng. Nhìn vội, chúng tôi cũng thấy tên của các bạn gái chỉ sinh năm 1987, 1988 có địa chỉ ở TPHB hay cả các huyện xa như Lạc Thuỷ. Chủ quán này cho biết: Từ khi trái bóng World Cup lăn đã có trên 20 chiếc điện thoại di động và không ít giấy tờ quan trọng của các chủ nhân mê cá cược bóng đá được “cắm” tại đây. Trong đó, có cả nam và nữ, chủ yếu là thanh niên. Có người “nhổ” ra được, có người không.

 

Còn tại các hiệu cầm đồ có biển và đăng ký rõ ràng, mùa World Cup cũng tấp nập hơn ngày thường. Muốn vay tiền cầm đồ thì phải có tài sản thế chấp như “bìa đỏ”, xe máy… . Nếu cầm dài hạn thì tính lãi hàng tháng, cầm ngắn hạn thì tính lãi hàng ngày. Thông thường, các cửa hiệu cầm đồ đánh giá tài sản cầm cố quy ra tiền, rồi tính lãi suất theo từng triệu đồng. Dù treo biển “cho vay lãi suất thấp” nhưng thực tế mức lãi suất mà các cửa hàng này áp dụng lại cao chót vót so với lãi suất ngân hàng. Nhiều người vay phải trả lãi ngang bằng, thậm chí nhiều hơn cả vốn. Đó là chưa kể tới trường hợp quá hạn trả mà người vay không có đủ cả vốn lẫn lãi, chủ hiệu cầm đồ sẽ tính lãi với mức cao hơn nhiều.

 

Cá cược bóng đá, kẻ khóc, người cười sau những trận cầu nửa đêm về sáng. Dịch vụ cầm đồ cũng “chong đèn” phục vụ thâu đêm để đáp ứng nhu cầu của “kiếp đỏ đen”. Hoạt động cá cược bóng đá hiện nay theo một cán bộ phòng hình sự, Công an tỉnh khá tinh vi. Chỉ cần một máy tính, ngồi một mình trên tầng 3 của ngôi nhà là đã có thể tham gia cá cược qua mạng. Vì vậy, công tác đấu tranh với loại tội phạm này rất khó khăn. Lực lượng công an đang tích cực triển khai các biện pháp nghiệp vụ để cuộc bóc gỡ. Để có một “đại tiệc” bóng đá vui vẻ, xin chia sẻ lời tâm sự của một “tay” cá cược ở phường Tân Thịnh (TPHB) đã giải nghệ: Nhớ về World Cup năm 2010 là tôi nhớ về một người bạn có hoàn cảnh bi đát. Chỉ vì cá cược, vay nóng tiền mà bị “xã hội đen” xử mang thương tật. Mong những “tín đồ” bóng đá hãy dứt khoát nói không với “vận đỏ đen” và đừng biến niềm vui bóng đá thành nỗi đau cuộc đời.

 

                                                                               

 

                                                                   P.V

 

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục