Cán bộ Phòng CSGT - Công an tỉnh hướng dẫn lái xe kiểm tra an toàn phương tiện  trước khi tham gia giao thông tại địa bàn huyện Cao Phong nhằm hạn chế tai nạn giao thông có thể xảy ra.

Cán bộ Phòng CSGT - Công an tỉnh hướng dẫn lái xe kiểm tra an toàn phương tiện trước khi tham gia giao thông tại địa bàn huyện Cao Phong nhằm hạn chế tai nạn giao thông có thể xảy ra.

(HBĐT) - Phía sau những vụ tai nạn giao thông (TNGT), mất mát về con người không gì có thể bù đắp được: con mất cha, mẹ mất con, gia đình, bạn bè mất đi người thân... song tận cùng của nỗi đau còn là sự hối hận, day dứt chưa khi nào nguôi của người trong cuộc; là những ám ảnh kinh hoàng đối với người thân của những nạn nhân tử nạn vì TNGT.

 

6 năm trước, Nguyễn Nam A. (trú tại phường Tân Thịnh, TPHB) vừa tốt nghiệp cao đẳng công nghiệp Hà Nội. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngay khi ra trường, A. nhanh chóng tìm việc làm với hy vọng đỡ đần được cho cha mẹ phần nào. Anh vào Nam “đầu quân” cho một công ty xây dựng với mức thu nhập ổn định. “Dáng người dong dỏng, thư sinh, vẻ ngoài ưa nhìn lại tìm được công việc tốt sau khi ra trường, A. là niềm tự hào, niềm hy vọng lớn của khu phố chúng tôi,  nhất là khi biết cháu có ý định học liên thông lên đại học, A. đã trở thành tấm gương  giàu ý chí, nghị lực cho đám trẻ con trong khu phố noi theo” - ông Nguyễn Văn Bích, Trưởng xóm cho biết. Song niềm vui ấy chẳng tày gang. Một ngày cuối tháng 3/2010, A. gặp tai nạn giao thông khi ngồi sau xe một người bạn. Chiếc xe máy chở A. bất ngờ bị nổ lốp, không làm chủ được tay lái, chiếc xe loạng choạng va phải xe ô tô đi ngược chiều, khiến 2 người ngồi trên xe bị hất văng ra ngoài. A. bị va đập mạnh vào taluy đường gây gãy xương cổ. Sau 4 năm, cuộc sống ăn, nằm, sinh hoạt tại chỗ đã làm cho thân hình A. ngày càng teo tóp dần. Nói chuyện với chúng tôi, đôi mắt A. rưng rưng: “Giá mà thời gian có thể quay trở lại, khi đó, chúng tôi sẽ điều khiển xe máy chạy chậm hơn, sự cố nổ lốp xe có lẽ đã không nghiêm trọng đến vậy. Giờ đây khi nằm một chỗ, nhìn cha mẹ ngày càng héo mòn mà không thể đỡ đần gì được, nỗi đau ấy quả là quá lớn.

 

Với những người trong cuộc là vậy nhưng với người thân của các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông, cuộc sống của họ cũng không dễ dàng. Với họ nỗi ám ảnh thường trực không chỉ bởi sự đau thương, mất mát mà còn là cảm giác ghê rợn khi luôn đối diện với ký ức kinh hoàng. Chúng tôi đến thăm nhà chị Bùi Thanh V. (thị trấn Bo, Kim Bôi), căn nhà hai tầng nằm giữa trung tâm huyện song vẫn trống trải đến nao lòng. Đã 4 năm trôi qua nhưng nỗi đau dường như chưa khi nào nguôi trong lòng người phụ nữ ngoài 40 tuổi ấy. Run run thắp nén nhang cho chồng và con trai, chị kể lại: Đúng dịp chuẩn bị nghỉ lễ 30/4, 1/5, chồng tôi ra thành phố Hoà Bình đón con trai (đang theo học THPT ngoài thành phố) dự định hôm sau cả nhà sẽ cùng đi du lịch 1 chuyến. 18h vẫn chưa thấy chồng, con về đến nhà, gọi điện cho chồng thì không liên lạc được... Ruột gan nóng như lửa đốt, 21 giờ chị quyết định nhờ người hàng xóm đưa ra thành phố tìm chồng. Đến địa phận dốc Cun, thấy vụ tai nạn kinh hoàng, chiếc xe container đổ ra giữa đường, nghe nói có nạn nhân bị chiếc xe đè lên xong chưa thể lấy xác ra, do đó chưa xác định được danh tính, chị có phần bàng hoàng xong tự chấn an chắc chắn đó không phải là chồng, con mình. Đến xóm trọ của con, người chủ xóm trọ cho biết hai cha con đã ra về từ trưa, chị càng thêm lo lắng, song vẫn cùng người hàng xóm trở về nhà với hy vọng, chồng, con chị cũng đã về tới nơi. Cả đêm không ngủ, chị chờ đợi tin chồng, con. Sáng hôm sau, nhận hung tin chồng và con chính là nạn nhân trong vụ tai nạn tại dốc Cun mà chị đã đi ngang qua hiện trường, chị mới biết mình đã mất tất cả. Bần thần như người mất hồn, tôi chỉ nhớ đã khóc cạn nước mắt. Lo hậu sự xong, trở về một mình trước bàn chồng và con, lòng tôi quặn thắt, suốt ngày chỉ biết nằm lỳ trên giường rồi thắp nhang cho bàn thờ những người thân yêu nhất. Nhiều đêm, không thể chợp mắt, tôi chỉ biết nhìn di ảnh chồng, con và mong trời mau sáng... - chị V. đưa tay lau những giọt nước mắt đang giàn giụa.

 

Sự hối hận muộn màng của A., nỗi đau chưa khi nào nguôi ngoai của chị V. chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi chúng tôi trực tiếp tiếp xúc với người thân, nạn nhân của những vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Có không ít gia đình, nỗi đau nối tiếp nỗi đau khi người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh rồi vì quá đau buồn cũng ra đi mãi mãi; không ít em bé sinh ra không biết mặt cha và biết bao đứa trẻ lớn lên không thể hình dung ra khuôn mặt mẹ... Dù là những người xa lạ, rất có thể cũng không có nhiều cơ hội để gặp lại trong đời nhưng với mỗi chúng tôi, niềm xót thương cho những số phận ấy cứ đeo đẳng mãi.

 

Trao đổi với đồng chí Lê Tuấn Anh, Đội trưởng Đội tuyên truyền, phòng CSGT Công an tỉnh, người trực tiếp đưa chúng tôi đi thăm các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông, đồng chí chân thành chia sẻ: Nỗi đau phía sau những vụ tai nạn giao thông là điều luôn thường trực trong lòng mỗi CBCS của Phòng CSGT, chính vì vậy, chúng tôi thường động viên nhau tích cực tham gia phân luồng vào giờ cao điểm; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các lỗi là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông như: chạy quá tốc độ, sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng gây mất trật tự ATGT. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, đường thuỷ đến đông đảo người dân...

 

Bằng nhiều biện pháp đồng bộ, hiệu quả của các ngành hữu quan trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng CSGT, tình hình tai nạn giao thông 5 tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể: tính đến hết ngày 20/5, toàn tỉnh đã xảy ra ra 40 vụ TNGT, làm chết 41 người và bị thương 21 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 2 vụ (2/4 vụ bằng 4,8%), giảm 2 người chết (41/43 người, bằng 5%) và giảm 19 người bị thương (21/36 người, bằng 42%). Song về độ tuổi, địa bàn, phương tiện, thời gian xảy ra các vụ tai nạn vẫn chưa có sự chuyển biến đáng kể. Thực tế đó cho thấy, điều cốt lõi để giải quyết vấn nạn tai nạn giao thông không chỉ của cơ quan chức năng mà thuộc về chính ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Hậu quả của những vụ tai nạn giao thông không chỉ là những con số thương vong, phía sau đó là những bi kịch không thể lường hết với mỗi gia đình. Phía trước tay lái là sự sống; “Hãy lái xe bằng cả trái tim"; “Nói không với rượu bia trước khi lái xe";... là những khẩu hiệu, lời kêu gọi không bao giờ thừa trước thực trạng an toàn giao thông như hiện nay.

 

 

 

                                                                                Hải Yến

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục