(HBĐT) - Không phải lần đầu đến với Hạ Long (Quảng Ninh) mà sao chuyến đi lần này vẫn có điều gì đó háo hức, mới mẻ. Không chỉ vì dư âm câu hát “Tôi về đây nghe sóng / Sóng hát từ bao giờ” của nhạc sĩ Nguyễn Cường viết về vùng biển Hạ Long tuyệt vời mà còn vì những dấu ấn, kỷ niệm từng qua trên vùng đất, vùng biển này. Một sự tình cờ mà đã có đêm nghỉ ở khu vườn Đào (Bãi Cháy). Chợt bừng thức nhớ tới lần đầu tới nơi này vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước...

 

Lần đó, gọi là đi thăm quan, du lịch nhưng mọi chuyện ăn, nghỉ khá qua loa, đại khái. Dịch vụ ăn nghỉ ở khu vườn Đào hồi đó còn xập xệ. Đêm đầu tiên, có thành viên trong đoàn phải trải chiếu nghỉ ở ban công vì giường chiếu của nhà nghỉ chật chội, xộc xệch, ẩm mốc. Cũng vì  thế mà sau này, khi có các chuyến đi du lịch biển trong nước, tạm gọi là được nâng cấp, các đồng nghiệp vẫn nhắc về chuyến đi đó như một kỷ niệm nhỏ trong chuyến lữ hành về Hạ Long. Đêm nay, trong ánh điện muôn màu, đi trên những khúc cua đường cũ ở khu vườn Đào, không thể tìm nổi dấu tích nhà nghỉ cũ nữa. Tất cả đã thay đổi đến choáng ngợp: những khu nhà nghỉ, khách sạn khang trang, đẹp mắt dọc những con dốc, chạy về hướng vịnh. Phía khơi xa, những con tàu đang trở mình và thiêm thiếp khi đêm về, quầng sáng lấp lánh ấy như mời gọi. Mai sẽ tới...

Bình minh Hạ Long ngày hôm nay không rực rỡ mà dịu nhẹ trong hanh hao nắng vàng. Du khách ngoại tỉnh và du khách ngoại quốc dập dìu, tràn ngập các con đường dẫn về bến tàu ngoài bờ vịnh. Ngày nghỉ, khách đông hơn ngày thường nên việc mua vé, chờ tàu là chuyện đương nhiên. Nhưng hôm nay, chưa phải là đỉnh điểm. Một nữ nhân viên soát vé du lịch mặc đồng phục trắng, khẽ mỉm cười chia sẻ: “Hôm nay còn vắng đấy như dịp 30/4, 1/5 vừa rồi, khách đông đột biến, chúng em phục vụ không xuể”. Theo ước tính, có đến 90.000 lượt người đã đến thăm quan Hạ Long dịp đó. “Ha Long bay” có điều gì hấp dẫn, thu hút du khách gần xa đến vậy? Câu hỏi dù xưa cũ và không hàm chứa hết tầm Hạ Long nhưng vẫn phải đặt ra như vậy. Bác Việt Thành, một đồng nghiệp có hàng chục năm gắn bó với Quảng Ninh tâm tình: Mấy năm gần đây, mỗi năm, vì những lý do khác nhau, tôi đều được ngang dọc vịnh Hạ Long chừng 20 chuyến. Nhưng có điều này khiến tôi cũng bất ngờ với chính mình là lần nào cũng thấy được nét riêng, sự kỳ thú ở Vịnh Hạ Long. Có thể từ vẻ đẹp lộng lẫy của các hang động, núi đá lô nhô trên vịnh, sóng nước hay có thể từ những cuộc gặp gỡ với các du khách gần xa trên các chuyến thong dong trên vịnh...

Vịnh Hạ Long, tứ thơ muôn đời của các thi sĩ bao miền - nơi khơi gợi những cảm hứng âm nhạc, thi ca, hội họa, nhiếp ảnh của bao thế hệ nghệ sĩ. Với người thường, như chúng tôi trong chuyến lữ hành này, Hạ Long đẹp, thân thiện và bí ẩn biết bao. Con tàu chở khách Toàn Thắng 05 không lớn lắm, sau 5-7 phút dập dình chờ các thủ tục cũng đã rời bến. Phía xa, bán đảo Tuần Châu hiện lên trong lãng đãng sương, khói và ánh nắng nhẹ ban mai. Anh Đình Hồng, đúng vào vai chủ nhà được dịp say sưa kể về Hạ Long cùng những câu thơ hay về vùng biển Hạ Long. Biết bao nhà thơ, ca sĩ đã thành danh đều gắn các tác phẩm nghệ thuật với vịnh đẹp như thơ, như mơ này như Trần Nhuận Minh, Trương Thiếu Huyền, Ngô Tiến Cảnh (thơ), Lê Dung, Quang Thọ, Hoàng Tùng, Anh Tuấn, Quỳnh Hương (ca sĩ) cùng biết bao ca sĩ, nghệ sĩ nghiệp dư đã đi, gắn bó lời ca, tiếng hát từ vùng biển này như Phương Hồng Nhung, Phương Hồng Cúc, Biên Hòa... Vịnh Hạ Long, di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới, một trong những điểm đến kỳ thú, hấp dẫn đối với du khách; đã hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và năm 2011 được bầu chọn là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Vịnh có diện tích rộng hơn 1.553 km2 với 1.969 hòn đảo lớn, nhỏ. Trong lòng vịnh có nhiều hang động đẹp và nổi tiếng mà chỉ cần nhắc đến đã được coi như một phần không thể thiếu của Hạ Long sơn thủy hữu tình như hang Sửng Sốt, Đầu Gỗ, Trinh Nữ, Bồ Nâu... cùng các hòn đảo đá tạo nên các hình khối giàu tính thẩm mỹ như hòn Gà Chọi, Đỉnh Lư Hương, hòn Con Cóc... Các dịch vụ phục vụ các cuộc thăm quan của du khách được đa dang, phong phú hơn (hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, các du thuyền, bãi tắm, bến tàu, vật phẩm lưu niệm). Không chỉ cảnh quan và vẻ đẹp thiên nhiên lộng lẫy, Hạ Long còn hàm chứa truyền thống, lịch sử, văn hóa, bản sắc và cốt cách con người nơi đây. Nhiều năm gần đây, mỗi năm, Hạ Long đón từ 2,5 - 2, 7 triệu lượt du khách trong và ngoài nước. Mới đây, một trang thông tin điện tử có uy tín ở nước ngoài đã xếp vịnh Hạ Long thuộc tốp 15 trên thế giới “Phải đến một lần trong đời” và vịnh Hạ Long được xếp thứ 2. Tới thời điểm này đã có trên 60 dự án với số vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng được triển khai nhằm không ngừng làm đẹp thêm, tôn thêm những giá trị hiện hữu của “Ha Long bay”...

Đêm chia tay Hạ Long, chia tay bạn bè tại một nhà hàng khá lớn phía Hòn Gai. Dù khá xa, không nghe được tiếng sóng đêm vọng vỗ, ru ngủ thành phố nhưng chúng tôi lại bất ngờ khi được gặp một Hạ Long nữa. Vì thay những con số khô khan cho mỗi phòng ốc, nhà hàng đã lấy tên các địa chỉ du lịch đặt tên cho mỗi phòng như “Đầu Gỗ”, “Sửng Sốt”, “Trinh Nữ”, “Thiên Cung”, “Ti-tốp”... Đây cũng là một điều thú vị khi đến Hạ Long lần này.

 

                                                                           Bùi Huy

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục