(HBĐT) - Nhà nghèo, hoàn cảnh éo le, tưởng chừng chạm đến tận cùng của sự đau khổ, nước mắt chàng trai đã rơi. Thậm chí, có lúc em định tạm dừng việc học nhưng với ý chí, nghị lực và sự hỗ trợ, động viên của thầy cô, bạn bè, cộng đồng, Bùi Mạnh Dũng, dân tộc Mường, học sinh lớp 12A1, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PT DTNT) THPT tỉnh đã rắn rỏi vươn lên. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, em đỗ thủ khoa khối B của trường.


Em Bùi Mạnh Dũng chăm sóc bố bị bệnh tâm thần phân liệt.

Nghịch cảnh

Sinh ra ở vùng sâu - xóm Gia Phú, xã Gia Mô (Tân Lạc), gia cảnh em Bùi Mạnh Dũng khiến bao người phải xót xa. Căn nhà sàn ọp ẹp là nơi sinh sống của gia đình em. Tai ương dồn dập đến. Bố bị bệnh tâm thần phân liệt, mấy năm nay trở nặng, phải xích chân để không bỏ nhà đi. Mẹ là lao động chính phải lam lũ làm phụ hồ, rửa bát thuê… Ông nội đến ở cùng hỗ trợ trông nom bố. Gia đình là hộ nghèo, em đã nỗ lực thi vào Trường PT DTNT THCS&THPT huyện, PT DTNT THPT tỉnh để không phải lo học phí. Số tiền học bổng 300 nghìn đồng/tháng em dùng để ăn sáng, mua đồ thiết yếu và dành dụm chút ít phụ giúp mẹ.

Vậy nhưng, năm 2022, lúc học lớp 11, mẹ em mắc bệnh ung thư gan. "Có hôm em khóc cả đêm vì thương mẹ. Là con một, đi học xa từ lâu, khi biết mẹ bệnh, em xin thầy cô tạm dừng việc học để về chăm sóc. Thầy cô, bạn bè đã động viên em không bỏ dở học tập. Căn bệnh quái ác đã cướp mẹ đi xa sau đó không lâu. Em hụt hẫng, suy sụp nhưng nghĩ về bố và ông nội già yếu 85 tuổi ở quê, cùng sự giúp đỡ của mọi người, em dần lấy lại tinh thần. Em tự nhủ, phải cố gắng học tập để sau này lập nghiệp, làm chỗ dựa cho ông và bố” - Bùi Mạnh Dũng tâm sự. Từ khi mẹ Dũng ốm, mất, họ hàng mỗi tháng góp vài cân gạo nuôi bố và ông.

Vượt khó

Trong ngôi nhà sàn trống hoác, không giường, nhìn thấu cả nền đất, có lẽ tài sản giá trị nhất là những tấm giấy khen của em. Ba năm THPT, em đều đạt học sinh giỏi. Năm lớp 12, em đoạt giải nhì môn Hóa cấp tỉnh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, em xuất sắc đạt thủ khoa khối B của trường với tổng điểm 26,35 (Toán 8,6, Hóa 9, Sinh 8,75). 

Chia sẻ việc học, Mạnh Dũng cho rằng môi trường DTNT giúp em tự lập. Nhà nghèo, không phải lo bữa ăn, chỗ ngủ là tốt lắm rồi, chứ ở nhà rau đậu qua ngày nên em cố gắng học. Trong giờ học, chú ý nghe thầy cô giảng, nắm kiến thức ngay trên lớp, tối tiếp tục lên giảng đường ôn bài. Không đi học thêm, em đến thư viện trường và tìm hiểu thêm trên internet, bài khó nhờ thầy cô chỉ giúp. Thời điểm ôn thi tốt nghiệp, nhiều lúc em học đến 1 giờ sáng. Mỗi lần về nhà nhìn bữa cơm chay của bố và ông càng thôi thúc em học tập vì tương lai. Biết gia cảnh, cộng đồng giúp đỡ, động viên nhiều cũng là động lực giúp em vươn lên. 

Mạnh Dũng học lớp chuyên Toán nhưng em thấy đề thi Ngữ Văn năm nay ý nghĩa với câu nghị luận về sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống. Không ai muốn gặp "bão giông” nhưng cuộc đời vẫn vậy, quan trọng là cách mình đối diện và em đã đạt 8,25 điểm môn Văn.

Thầy Bùi Tuấn Dũng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, Trường PT DTNT THPT tỉnh nhận xét: Mạnh Dũng là học sinh ngoan, nghị lực vượt lên nghịch cảnh, là tấm gương sáng trong học tập, rèn luyện, vươn lên.

Xây ước mơ

Cảnh nghèo nên Mạnh Dũng trăn trở rất nhiều khi đăng ký chọn trường đại học. Em nghĩ nên tiếp tục chọn trường không phải lo học phí, đầu ra và ước mơ đỗ vào Học viện Kỹ thuật quân sự. Song lại éo le khi sơ tuyển không được vì lý do sức khoẻ. Một cánh cổng được coi như cứu cánh với em đã đóng lại, nhưng em không nhụt chí, tin rằng vẫn có cánh cửa khác mở ra. Bởi em tin vào nghị lực của mình như chính tên được đặt và còn nhiều tấm lòng nhân ái giúp đỡ em. Em đăng ký nguyện vọng 1 ngành trí tuệ nhân tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, theo đuổi đam mê kỹ sư công nghệ. Con đường phía trước còn lắm gian nan, nhất là lo học phí. Em dự định sẽ làm gia sư để kiếm thêm tiền trang trải. 

Nhiều người thương đã kêu gọi giúp đỡ để em tiếp tục xây ước mơ lập nghiệp, thay đổi cuộc sống. Mạnh Dũng chia sẻ: Em biết ơn những tấm lòng nhân ái đã giúp đỡ. Số tiền nhận được, em sẽ dành dụm để đi học. Mong các bạn khó khăn khác cũng được giúp đỡ. Sau này, nếu có điều kiện, em sẽ giúp những mảnh đời éo le, có trải qua mới thấu hiểu. 

Lau tay cho bố bằng miếng giẻ tận dụng từ quần áo cũ, Mạnh Dũng không dám mở lời nhưng thẳm sâu trong tâm em mong có căn nhà xây nhỏ, có phòng để đưa bố vào, không còn bị xích. Cậu học trò mảnh dẻ với nghị lực phi thường và lòng hiếu thuận đã chạm đến trái tim của nhiều tấm lòng hảo tâm.


Cẩm Lệ



Các tin khác


Bí thư chi đoàn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá lồng

Qua tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Lân, Bí thư chi đoàn tổ Vôi, phường Thái Bình, TP Hòa Bình đã tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của quê hương, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn.

Thoát nghèo từ mô hình nuôi ong và trồng bưởi đỏ

Tận dụng lợi thế đồi rừng, những năm qua, nông dân xã Tử Nê, huyện Tân Lạc đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó có nghề nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là gia đình anh Bùi Văn Liêm ở xóm Cú. Với ưu thế nhà gần rừng có nhiều loại cây và các loại hoa rừng, tốt cho việc nuôi ong, anh Liêm đã tìm tòi, học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hộ nuôi ong trong vùng, từ đó đầu tư trên 50 tổ ong nuôi lấy mật.

Khởi nghiệp từ đặc sản quê hương

Nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, anh Hà Công Hưng, Phó Bí thư Đoàn xã Mai Hịch (Mai Châu) bắt tay vào làm sản phẩm thịt gác bếp với mong muốn mang đặc sản của quê hương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bùi Đình Văn - gương sáng phát triển kinh tế

Trong những năm qua, phong trào đoàn viên, thanh niên vượt khó làm kinh tế được tuổi trẻ xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc tích cực hưởng ứng. Ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.

Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục