(HBĐT) - Trong những năm gần đây, làm nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, không ít người phải trắng tay, thậm chí phá sản sau một vụ bị dịch bệnh, thời tiết, thị hiếu người tiêu dùng thay đổi. Nhưng với anh Nguyễn Văn Năm, xóm Hồng Dương, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) không những trụ vững mà còn làm giàu cho gia đình.


Nghề trồng đào cảnh phù hợp thị trường cho anh Nguyễn Văn Năm, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Đến xóm Hồng Dương hỏi nhà anh Năm ai cũng biết. Chị chỉ đường bảo: Chú cứ đến nhà gần cuối ngõ kia kìa. Cứ nhà nào to đẹp, khang trang nhất là nhà anh Năm. Quả thật, khi đến tôi cũng ngỡ ngàng trước cơ ngơi của anh nông dân năm nay mới 43 tuổi. Các cụ ngày xưa có câu "một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, nhưng với anh Năm lại không như vậy. "Ôm” cả đống nghề, từ nuôi lợn, nuôi gà, trồng cây ăn quả, trồng đào cảnh, buôn bán chè, thuốc lào, làm chổi chít mà mỗi năm anh thu hàng trăm triệu đồng.

Sau tuần trà thơm, đậm ngon, anh đưa chúng tôi đi thăm quan cơ ngơi của gia đình. Ngoài khuôn viên nhà, gia đình anh có hơn 4.000 m2 đất vườn. Khu chuồng trại nuôi lợn choán giữa khu đất được đầu tư bài bản, từ khu chế biến cám, kho dự trữ đến hệ thống cho ăn, xử lý phân. Anh chia sẻ: Giờ chuồng chỉ còn 3 con lợn nái. Năm ngoái, khi cả nước bị dịch trên đàn lợn tôi xử lý dịch tốt nên bán được giá cao. Ngoài chi phí cũng bỏ ra vài trăm triệu đồng. Quan trọng là chăm sóc đàn lợn tốt, cách ly được với môi trường dịch bệnh. Nhiều người khi nghe tin có dịch thấy hoảng bán tháo giá rẻ. Tôi vẫn kiên trì bám trụ phòng bệnh nên thắng. Từ đầu năm đến giờ giá giống cao, lợn thịt không ổn định nên tôi chưa vào đàn.

Ngoài diện tích nhà, chuồng trại là cả vườn đào cảnh. Các luống cây trồng ngăn nắp, làm cỏ sạch sẽ, từ cây to đến cây nhỏ không bị chồng tán nhau. Tuy mới nảy lộc nhưng anh đã uốn tán theo ý mình. Nghề trồng đào cảnh là anh học được từ những người làm đào ở Nhật Tân. Cách đây 20 năm, anh đi làm ăn ở Hà Nội. Thấy người Nhật Tân làm đào cho thu nhập cao, anh nghĩ ở Hòa Bình người chơi đào nhiều mà người trồng thì ít. Giá thành cây đào mang lên đây cao, khó đáp ứng được túi tiền người miền núi. Nghĩ vậy anh tự đến nhiều nhà trồng đào mày mò học hỏi, tìm nguồn mua giống. 20 năm nay, năm nào anh cũng cung cấp ra thị trường Tân Lạc, TP Hòa Bình và các huyện xung quanh gần 1.000 gốc đào thế. Anh cho biết, do mình tự trồng nên khách đến tận vườn mua, giá phù hợp bán cũng được.

Sau khi thăm vườn đào, anh dẫn chúng tôi ra một khu vườn cách đó gần 1 km. Khu vườn này có diện tích gần 1 ha đã trồng bưởi năm thứ 3. Anh coi đây là "của để dành và dưỡng già”. Vườn bưởi được đầu tư bài bản từ trồng đúng cự ly, phân bón hữu cơ, hệ thống tưới. Năm 2021 vườn sẽ bắt đầu vào kinh doanh. Để lấy vốn ngắn nuôi vườn bưởi, đầu tư nuôi lợn, vợ chồng anh nhập chè từ Lương Sơn, thuốc Lào từ Thanh Hóa để đi các chợ lân cận bán. Vợ anh nhiều năm nay duy trì nghề làm chổi chít bán chợ, vừa trông nhà, vừa lo nuôi dạy các con.

Khi tôi thắc mắc anh làm nghề như này có lúc nào rối không? Anh Năm chia sẻ: Do mình sắp xếp thôi, điều quan trọng nhất là phải chịu khó. Nhưng không làm thế không được. Như mấy năm trước, tôi "gãy” vụ nuôi lợn mất hàng trăm triệu đồng, nếu không có nghề đi buôn, chổi chít, trồng đào thì phá sản mất.

Với cách làm kinh tế tổng hợp, anh Năm đã đa dạng được nguồn thu và đi lên làm giàu, được nhiều người ở Tân Lạc học hỏi.

Việt Lâm


Các tin khác


Nguyễn Thị Thanh Bình - cán bộ công đoàn tiêu biểu

(HBĐT) -Nhẹ nhàng, ân cần, cởi mở, nhiệt tình và luôn quan tâm giúp đỡ người bệnh cũng như các đồng nghiệp trong cơ quan, đó là nhận xét của mọi người dành cho chị Nguyễn Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Chuyện về Dung - người đi “gieo” hy vọng cuộc sống

(HBĐT) -Thân thiện, hòa đồng là những ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc, trò chuyện với chị Đỗ Thị Dung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Thiện nguyện Hòa Bình. Người phụ nữ trẻ có trái tim ấm vẫn hàng ngày, hàng giờ âm thầm mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình gặp phải hoàn cảnh bất hạnh. "Hạnh phúc không tự nhiên mà có, nó đến từ chính hành động của bạn” là câu nói mà chị Dung luôn tâm đắc, hướng đến trong cuộc sống.

Gương nông dân điển hình làm kinh tế giỏi của huyện Mai Châu

(HBĐT) - Trong những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” được phát động và có sức lan tỏa rộng khắp trên toàn huyện Mai Châu, qua đó xuất hiện nhiều điển hình nông dân làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo. Tiêu biểu như gia đình anh Nguyễn Văn Bình, xóm Xuân Tiến, xã Xăm Khòe với mô hình trang trại tổng hợp đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Đảng viên nêu gương trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng Đú Sáng B

(HBĐT) - Gần 10 năm làm Bí thư chi bộ (2010- 2020), dấu ấn trong 4 nhiệm kỳ vừa qua của Bí thư chi bộ Bùi Văn Thuấn, xóm Bái Tam, xã Đú Sáng (Kim Bôi) là việc khởi xướng và duy trì hiệu quả phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Qua đó, góp phần quan trọng xóa bỏ tập quán sản xuất manh mún, tự sản tự tiêu, 100% hộ dân trên địa bàn chuyển sang chuyên canh cây màu tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống ngày càng được cải thiện.

Những người hùng thầm lặng

Bài 2 - Lời nhắn gửi từ vùng lõi

(HBĐT) - "Chúng tôi ở trong vùng lõi, tiếp xúc trực tiếp hàng ngày với hơn 100 con người về từ vùng dịch nhưng cuộc sống vẫn vui tươi, lạc quan, chiều chiều vẫn đánh bóng chuyền. Cả khu cách ly đã trở thành một gia đình lớn. Gạt đi sự sợ hãi, chúng tôi đã cùng chia sẻ, cởi mở, đồng lòng để vượt qua những tháng ngày đặc biệt này”. Đó là chia sẻ của bác sỹ CK II Bùi Cao Ngữ, Trưởng phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sau 1 tuần thực hiện nhiệm vụ trong khu vực cách ly tập trung phòng dịch Covid-19 tại Trường Quân sự tỉnh (TP Hòa Bình).

Những người hùng thầm lặng

Bài 1 - Trắng đêm chờ đón đồng bào về từ vùng dịch

(HBĐT)-Từ ngày 4/3, 106 công dân Việt Nam từ Hàn Quốc về nước được cách ly phòng, chống đại dịch Covid-19 tại Trường Quân sự tỉnh, phường Thịnh Lang (Thành phố Hòa Bình). Bất chấp hiểm nguy có thể xảy ra nếu lây nhiễm chéo, chấp nhận xa gia đình cách ly 14 ngày để "ăn cùng, ở cùng, sinh hoạt cùng” và chăm sóc sức khỏe người dân về từ vùng dịch, các cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) Bộ CHQS tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã viết lên hình ảnh thật đẹp về tinh thần trách nhiệm, cống hiến, vì sức khỏe cộng đồng. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục