Bài 2 - Lời nhắn gửi từ vùng lõi

(HBĐT) - "Chúng tôi ở trong vùng lõi, tiếp xúc trực tiếp hàng ngày với hơn 100 con người về từ vùng dịch nhưng cuộc sống vẫn vui tươi, lạc quan, chiều chiều vẫn đánh bóng chuyền. Cả khu cách ly đã trở thành một gia đình lớn. Gạt đi sự sợ hãi, chúng tôi đã cùng chia sẻ, cởi mở, đồng lòng để vượt qua những tháng ngày đặc biệt này”. Đó là chia sẻ của bác sỹ CK II Bùi Cao Ngữ, Trưởng phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sau 1 tuần thực hiện nhiệm vụ trong khu vực cách ly tập trung phòng dịch Covid-19 tại Trường Quân sự tỉnh (TP Hòa Bình).


Cán bộ, bác sỹ, chiến sỹ làm nhiệm vụ trong khu cách ly thường xuyên tìm hiểu, nắm tâm tư nguyện vọng người dân trong khu cách ly.

Trường Quân sự tỉnh đã dành 1 dãy nhà ở 3 tầng 29 phòng cho việc cách ly. Khu vực cách ly được bố trí thành 4 vòng. Ngoài cùng là chốt của lực lượng công an, bên trong là vòng bảo vệ, tiếp đến là vòng ngoài và trong cùng là vòng lõi.

Đại tá Vũ Hải Ninh, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Trưởng Ban điều hành cơ sở cách ly cho biết: Công dân cách ly tập trung được bảo đảm ăn uống theo quy định là 60.000 đồng/người/ngày, được hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết, sử dụng miễn phí wifi tốc độ cao, được cung cấp sim 4G Viettel dùng miễn phí trong thời gian cách ly... Khi tiếp nhận công dân vào khu cách ly, cán bộ, bác sỹ, chiến sỹ các đơn vị đã khẩn trương tiếp nhận và thực hiện nhiệm vụ. Các phòng ở của Trường Quân sự không có bình nóng lạnh nên ngay sau công dân đến, chúng tôi đã bổ sung thêm bình siêu tốc, chăn bông cho các phòng cách ly. Trong số các đối tượng cách ly có 3 cháu nhỏ dưới 7 tuổi, cán bộ thực hiện nhiệm vụ cũng sẵn sàng nấu cháo, pha sữa cho các cháu nếu bố mẹ các cháu có yêu cầu.

Cùng với nhu yếu phẩm, đồ bảo hộ, doanh cụ… thì một vấn đề đặc biệt quan trọng để việc cách ly đạt hiệu quả là sự vào vào cuộc có thể nói là "dũng cảm” của các cán bộ, bác sỹ, chiến sỹ làm nhiệm vụ trong khu vực cách ly. Trong vùng lõi khu cách ly từ ngày 4/3 đến nay có 12 đồng chí làm nhiệm vụ, trong đó có 1 sỹ quan phụ trách, 2 quân nhân chuyên nghiệp, 3 bác sỹ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và 6 chiến sỹ vệ binh. Các cán bộ trong vùng lõi có nhiệm vụ trực tiếp phục vụ, hỗ trợ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt như đưa cơm, thu gom rác, kiểm tra sức khỏe, nắm tư tưởng, tình cảm của các đối tượng đang cách ly để kịp thời báo cáo.

Là 1 trong 2 nữ bác sỹ thực hiện nhiệm vụ trong vùng lõi, bác sỹ quân y Nguyễn Thùy Dung chia sẻ: Sau khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi chỉ có vài tiếng đồng hồ để sắp xếp, chuẩn bị cho gia đình, chồng con những gì cần thiết trong thời gian 14 ngày tôi phải cách ly xa gia đình. 22h ngày 3/3, chúng tôi có mặt để nhận nhiệm vụ. 14 ngày cách ly, tiếp xúc trực tiếp với người về từ vùng dịch, đặc biệt đây lại là dịch bệnh rất dễ lây, thú thực chúng tôi cũng có chút băn khoăn, lo lắng nhưng xác định đây là nhiệm vụ, trách nhiệm cao cả. Gạt bỏ những lo lắng sang một bên, chúng tôi cùng tập trung cho một mục tiêu duy nhất là thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, khám sức khỏe cho công dân; kịp thời phát hiện những trường hợp ho, sốt, mệt mỏi để chuyển sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị, lẫy mẫu xét nghiệm.

Trong số 106 đối tượng cách ly không có trường hợp nào là người Hòa Bình, nhiều trường hợp sống ở miền Trung, miền Nam hoặc sống ở Hàn Quốc nên những ngày đầu cũng có chút khoảng cách, lo lắng. Bác sỹ Bùi Cao Ngữ cho biết: Sự thật là cả đối tượng cách ly cũng như cán bộ, bác sỹ, chiến sỹ đều có chung sự lo lắng về tình hình dịch bệnh, lo lắng về việc xuất hiện dịch bệnh và lây lan ngay trong khu cách ly. Do đó, vừa đảm bảo về nhu yếu phẩm, ăn nghỉ cho đối tượng cách ly, vừa thường xuyên, ân cần theo dõi, chăm sóc sức khỏe, chúng tôi còn phải quan tâm, động viên các đối tượng cách ly. Xây dựng mối quan hệ thân thiện, cởi mở trong khu cách ly; cán bộ, bác sỹ, chiến sỹ đối xử với người cách ly như quan tâm, chăm sóc chính người thân trong gia đình mình. Vì vậy, sau vài ngày cách ly, không khí trong khu cách ly đã không còn nặng nề, căng thẳng, mệt mỏi như ngày đầu. Mọi người đều có tâm trạng tốt hơn, đối tượng cách ly cởi mở chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống, hoàn cảnh, đặc biệt là hành trình những địa điểm đã đi qua, tình trạng sức khỏe. Qua đó, cán bộ, bác sỹ, chiến sỹ làm nhiệm vụ kịp thời nắm tình hình, có phương án xử trí phù hợp. Tính đến ngày 10/3, khu vực cách ly đã chuyển 7 trường hợp có biểu hiện ho, sốt, mệt mỏi sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đã có 5 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính. Mỗi trường hợp phải chuyển sang bệnh viện tỉnh, mỗi lần còi xe 115 nháy đèn đưa người đi là chúng tôi cảm thấy nghẹn lòng lo lắng. Cả khu cách ly mong ngóng từng giờ, từng phút kết quả xét nghiệm. Mỗi trường hợp báo về là âm tính, cả khu cách ly cùng thở phào nhẹ nhõm, mỗi bệnh nhân được đưa trở lại từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh sau khi đã điều trị ổn định được cả khu cách ly mừng rỡ chào đón như đón người thân trở về.

Trước tình hình diễn biến dịch của nước ta những ngày gần đây và cả những lo lắng của người dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua, bác sỹ Bùi Cao Ngữ trăn trở: Chúng tôi lo lắng không, có chứ! Sợ hãi không, có chứ! Vì các cán bộ, bác sỹ, chiến sỹ ở đây đều là con người và thực tế thế giới đã có hàng nghìn cán bộ y tế bị lây nhiễm, một số trường hợp tử vong. Nhưng chúng tôi xác định, đây là một nhiệm vụ nguy hiểm, khó khăn nhưng cũng rất vinh quang. Chúng tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ, đã và đang nỗ lực hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chúng tôi trấn an chính mình, trấn an đồng nghiệp, trấn an mỗi công dân đang cách ly tại đây rằng hãy bình tĩnh, lạc quan, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh. Trong khu cách ly này, trong hoàn cảnh rất khó khăn này mọi người đã xích lại gần nhau, cùng đồng lòng sẻ chia, động viên nhau. Chúng tôi đã cùng nhau đi được gần hết chặng đường 14 ngày cách ly, chúng tôi sẽ nỗ lực để kết thúc 14 ngày cách ly an toàn, mọi người đều khỏe mạnh, sớm trở về bên gia đình. Rồi có thể sẽ có những khu vực cách ly khác, sẽ có thêm người phải vào khu cách ly, có thêm những cán bộ, bác sỹ, chiến sỹ phải xa gia đình, gạt đi sự sợ hãi dịch bệnh để làm nhiệm vụ. Nhưng từ vũng lõi của khu cách ly tập trung, chúng tôi muốn nhắn nhủ rằng, bà con hãy vững tâm, tin tưởng, cùng chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đang được ngành Y tế triển khai. Chỉ cần thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế là chúng ta có thể khoanh vùng và từng bước dập dịch.

Dương Liễu

Bài 1:Trắng đêm chờ đón đồng bào về từ vùng dịch

Các tin khác


Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Đại úy Công an xã nhiệt huyết, tận tụy với công việc

Năng nổ, nhiệt huyết, tận tụy trong công tác chuyên môn và công tác đoàn, đó là cảm nhận của nhiều người khi tiếp xúc với Đại úy Nguyễn Thành Nam, cán bộ Công an xã, Phó Bí thư kiêm nhiệm Đoàn Thanh niên xã Cao Dương (Lương Sơn).

Gặp Nghệ nhân Ưu tú tâm huyết sưu tầm, phục dựng và bảo tồn văn hoá dân tộc

Nhiều lần gặp anh trong các sự kiện văn hóa của tỉnh, của huyện và ở khu dân cư Vôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) với vai trò biên đạo các tiết mục văn nghệ. Gần đây nhất, anh trực tiếp biểu diễn tại Lễ khai hội chùa Tiên năm 2024, xã Phú Nghĩa... Nghệ nhân Ưu tú trẻ tuổi Nguyễn Mạnh Tuấn luôn để lại cho chúng tôi ấn tượng về một nghệ sỹ vui vẻ, tâm huyết, tài năng, có nhiều đóng góp trong sưu tầm, phục dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Gương sáng phát triển kinh tế và hoạt động thiện nguyện ở xã Yên Trị

Không chỉ điển hình trong lao động sản xuất, ông Nguyễn Thế Hùng, xóm Á Đồng, xã Yên Trị (Yên Thuỷ) còn được biết đến là người năng nổ, nhiệt tình, tích cực trong các hoạt động xã hội, là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế và hoạt động thiện nguyện.

Phó Bí thư chi đoàn làm kinh tế giỏi

Những năm gần đây, với phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, xã Tân Thành (Mai Châu) đã xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên dám nghĩ, dám làm, tích cực lao động sản xuất, làm giàu chính đáng, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trong đó, Phó Bí thư chi đoàn xóm Chiêng Lường Văn Hân là tấm gương thanh niên nông thôn tiêu biểu làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục