(HBĐT) - Khu đất rộng hơn 300 m2 ở xóm Vãng, thị trấn Mai Châu (Mai Châu) được cán bộ người dân tộc Mông Sùng A Chênh, hiện là Chủ tịch Hội Nông dân huyện mua lại từ năm 2005, 2006. Năm 2007, anh cất một ngôi nhà nhỏ để tiện cho việc công tác dưới huyện. Kế bên, anh xây dãy nhà trọ gồm 7 phòng với khu nấu ăn riêng, nhà vệ sinh khép kín. Nhiều người nghĩ anh làm thế để kinh doanh, song kỳ thực không phải vậy.


Anh Sùng A Chênh kiểm tra con em người Mông tự giác học hành, tự quản khi trọ học xa nhà.

Nơi níu chân con em người Mông học thêm con chữ

Lâu nay, trẻ em người Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò chỉ thuận lợi học đến THCS vì có các trường, chi trường ở gần nhà. Muốn học lên THPT, các em phải về trường huyện cách nhà vài ba chục cây số. Xa xôi cách trở, điều kiện sinh hoạt ăn ở thiệt thòi, vất vả chính là lý do mà trẻ em người Mông về huyện học không nhiều. Một số em theo học một thời gian thì bỏ về vì không chịu được cảnh thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần lúc xa nhà.

Nỗi niềm của bọn trẻ cũng là trăn trở của anh Sùng A Chênh bằng cách này hay cách khác động viên tinh thần, níu giữ con trẻ ở lại trường huyện, kiên trì học thêm con chữ giúp ích cho cuộc sống về sau. Hơn 10 năm qua, xây nhà trọ, đón con em người dân tộc mình về ở miễn phí là cách mà anh Sùng A Chênh bền bỉ, âm thầm thực hiện giúp con em yên tâm, vơi đi khó khăn trong hoàn cảnh học xa nhà.
Có vị trí gần trường PTDTNT huyện, dãy nhà trọ gồm 7 phòng, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt tương đối tốt. Tại chốn đi về này, chủ nhà trọ là anh Sùng A Chênh tiếp nhận con em người dân tộc Mông thuộc 2 xã Hang Kia, Pà Cò về đây trọ học, quy định 2 - 3 em ở chung một phòng. Anh Chênh cho biết, bọn trẻ ở đây không phải thuê tiền phòng. Điện, nước dùng hết bao nhiêu trả bấy nhiêu. Có những cháu được anh giúp luôn cả chi phí điện, nước hoặc chỉ phải trả 50%. Hàng năm, các cháu đến ở miễn phí có thể hỗ trợ chủ nhà một phần nhỏ để sửa sang nơi trọ nhưng quan điểm của anh Chênh là tùy các cháu đóng góp, anh không đưa ra mức cụ thể nào.

Thay các bậc phụ huynh quán xuyến con em

Với lũ trẻ chân ướt, chân ráo từ các xóm, bản người Mông xa xôi về trường học, chuyện học hành, ăn ở, sinh hoạt năm đầu cấp khá nhiều bỡ ngỡ. Đã tiếp nhận các cháu, anh Sùng A Chênh lo thêm phần trách nhiệm quán xuyến con em trong thời gian theo học xa nhà.

Để làm được điều đó, anh Chênh xây dựng thời gian biểu cho từng ngày, từng tuần, từng kỳ học, năm học. Ngoài học tập trên lớp,  việc học ở nhà, giờ giấc sinh hoạt từ nấu ăn, nghỉ trưa, ôn bài của các em đều quy định cụ thể. Bên cạnh đó, anh chia ra các nhóm lớp lớn, lớp dưới, giao nhiệm vụ cho nhóm lớp lớn quản việc học tập, sinh hoạt ở nhà của nhóm lớp dưới. Anh cũng luôn gần gũi, bảo ban con em trong việc học, nắm bắt tâm tư, tình cảm để động viên kịp thời. Quá trình học tập, sinh hoạt có gì khó khăn, khúc mắc, anh quan tâm động viên, chia sẻ, giúp đỡ cũng như tạo mọi điều kiện. Việc học, ăn ở của con em cũng được anh kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên, không để các bậc cha mẹ phải lo lắng.

Vì tương lai trẻ em người Mông sáng lạn hơn

Sinh năm 1979, anh Sùng A Chênh là một trong số ít con em người Mông học lên đại học, sau đó về công tác tại Trạm KN - KL huyện rồi làm Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Mai Châu. Tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2018 - 2023, anh được bầu là Chủ tịch Hội Nông dân huyện. Anh Chênh tâm niệm giúp đỡ, hỗ trợ con cháu học tập vươn lên hoàn cảnh là việc nên làm vì đồng bào người Mông, vì tương lai của con em mai sau sáng lạn hơn.

Cho tới nay, khu nhà trọ miễn phí của anh Sùng A Chênh đã đón nhận gần 200 trăm lượt con em người Mông từ 2 xã vùng cao Hang Kia, Pà Cò về học trường huyện. Hơn 10 năm qua, khu trọ duy trì nề nếp, không xảy ra vấn đề gì ngoài ý muốn. Con em người Mông ở khu trọ đều tốt nghiệp THPT, không có trường hợp bỏ học giữa chừng. 1/3 em sau tốt nghiệp đã theo học các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học hoặc đi lao động xuất khẩu như trường hợp em Sùng A Thông ở xóm Chà Đáy, xã Pà Cò...  


Bùi Minh


Các tin khác


Bùi Đình Văn - gương sáng phát triển kinh tế

Trong những năm qua, phong trào đoàn viên, thanh niên vượt khó làm kinh tế được tuổi trẻ xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc tích cực hưởng ứng. Ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.

Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Đại úy Công an xã nhiệt huyết, tận tụy với công việc

Năng nổ, nhiệt huyết, tận tụy trong công tác chuyên môn và công tác đoàn, đó là cảm nhận của nhiều người khi tiếp xúc với Đại úy Nguyễn Thành Nam, cán bộ Công an xã, Phó Bí thư kiêm nhiệm Đoàn Thanh niên xã Cao Dương (Lương Sơn).

Gặp Nghệ nhân Ưu tú tâm huyết sưu tầm, phục dựng và bảo tồn văn hoá dân tộc

Nhiều lần gặp anh trong các sự kiện văn hóa của tỉnh, của huyện và ở khu dân cư Vôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) với vai trò biên đạo các tiết mục văn nghệ. Gần đây nhất, anh trực tiếp biểu diễn tại Lễ khai hội chùa Tiên năm 2024, xã Phú Nghĩa... Nghệ nhân Ưu tú trẻ tuổi Nguyễn Mạnh Tuấn luôn để lại cho chúng tôi ấn tượng về một nghệ sỹ vui vẻ, tâm huyết, tài năng, có nhiều đóng góp trong sưu tầm, phục dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Gương sáng phát triển kinh tế và hoạt động thiện nguyện ở xã Yên Trị

Không chỉ điển hình trong lao động sản xuất, ông Nguyễn Thế Hùng, xóm Á Đồng, xã Yên Trị (Yên Thuỷ) còn được biết đến là người năng nổ, nhiệt tình, tích cực trong các hoạt động xã hội, là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế và hoạt động thiện nguyện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục