(HBĐT) - Hưởng ứng phong trào thanh niên khởi nghiệp, những năm qua, trên địa bàn xã Yên Trị (Yên Thủy) có nhiều tấm gương thanh niên dám nghĩ, dám làm. Cùng với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự nỗ lực học hỏi, tìm tòi của bản thân, anh Bùi Phi Nam (SN 2001) đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Yên Trị, từ đó phát triển các sản phẩm từ cây xạ đen đem lại hiệu quả kinh tế cao.


Anh Bùi Phi Nam, Giám đốc HTX nông nghiệp Yên Trị, xã Yên Trị (Yên Thủy) giới thiệu sản phẩm cao xạ đen.

Sinh ra tại mảnh đất Yên Trị, anh Nam luôn mong muốn phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương. Nhận thấy xạ đen là loại cây có nhiều công dụng, được các hộ trong xóm trồng nhiều nhưng không tận dụng và sử dụng được hết, thêm sự hậu thuẫn từ gia đình khi bố anh là người có sự am hiểu về dược liệu và được học hỏi, chỉ dẫn từ nhiều thầy lang có tiếng trong làng. Ý tưởng ban đầu chặt nhỏ xạ đen phơi thành loại dược liệu khô để bán, sau khi biết xạ đen có thể nấu thành cao, giá thành cao hơn nhiều so với làm dược liệu khô, anh quyết định đầu tư sản xuất cao xạ đen.

Cuối năm 2019, anh Nam đăng ký thành lập HTX nông nghiệp Yên Trị với vai trò giám đốc nhằm liên kết các hộ trồng xạ đen nhỏ lẻ, manh mún trên địa bàn tạo thành chuỗi sản xuất, qua đó không chỉ giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của gia đình và các hộ dân mà còn góp phần phát triển các sản phẩm của địa phương. HTX nông nghiệp Yên Trị có 9 thành viên, thời gian đầu mới thành lập gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nồi nấu bé, chất lượng không đảm bảo, kinh nghiệm sản xuất chưa nhiều. Cao được nấu bằng củi nên không duy trì cũng như điều chỉnh được nhiệt độ nấu theo ý muốn. Quá trình làm dần dần cơ sở vật chất được nâng cao hơn, anh Nam và gia đình đã vay mượn vốn đầu tư hệ thống nồi nấu điện, gồm 2 nồi chân không dung tích 1.500m3 và 1 nồi dung tích 2.000m3. Sản phẩm cao xạ đen đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Rót cốc nước xạ đen mời khách, anh Nam giới thiệu: "Cây xạ đen có nhiều tác dụng cho sức khỏe như làm mát gan, ổn định huyết áp, có khả năng phòng ngừa, hỗ trợ điều trị ung thư. Để làm ra 1 lọ cao cần khoảng 1,5 - 1,8kg xạ đen khô. Hiện, HTX bán cả sản phẩm thô là cây xạ đen khô và cao xạ đen đã qua xử lý, 1kg xạ đen khô giá bán khoảng 60 nghìn đồng, đối với cao xạ đen bán 250 nghìn đồng/lọ/ lạng. Doanh thu trong năm 2022 đạt hơn 200 triệu đồng”.

Chia sẻ về những khó khăn khi làm nghề, anh Bùi Phi Nam cho biết: "Thời gian đầu người tiêu dùng đánh giá chưa tốt lắm do việc bảo quản cao không được lâu, nắng nóng cao bị chảy, dần dần sản phẩm được hoàn thiện hơn. Thêm nữa, do ảnh hưởng của 2 năm dịch Covid-19 nên việc kinh doanh không thuận lợi, sản phẩm chủ yếu bán qua người quen, mạng xã hội facebook nhưng chưa nhiều người biết đến. HTX chuẩn bị nhập thêm một số máy móc, thiết bị nâng cao hơn hiệu quả sản xuất, hiện dây chuyền đóng gói hầu hết thủ công, sau này hướng tới dây chuyền sản xuất tự động”.

Đồng chí Bùi Tuấn Thành, Bí thư Huyện Đoàn Yên Thủy cho biết: Để tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên vươn lên phát triển kinh tế, thời gian tới, Huyện Đoàn phối hợp Đoàn Thanh niên các xã, phòng, ban liên quan tổ chức các hoạt động hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, xây dựng mô hình phát triển kinh tế, tạo nền tảng vững chắc để đoàn viên, thanh niên làm giàu mảnh đất quê hương. Mô hình sản xuất cao xạ đen của đoàn viên Bùi Phi Nam không chỉ cải thiện đời sống gia đình mà còn khẳng định tinh thần dám nghĩ, dám làm, thể hiện ý chí vươn lên của tuổi trẻ xã Yên Trị nói riêng và tuổi trẻ huyện Yên Thủy nói chung.

Hoàng Dương


Các tin khác


Bí thư chi đoàn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá lồng

Qua tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Lân, Bí thư chi đoàn tổ Vôi, phường Thái Bình, TP Hòa Bình đã tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của quê hương, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn.

Thoát nghèo từ mô hình nuôi ong và trồng bưởi đỏ

Tận dụng lợi thế đồi rừng, những năm qua, nông dân xã Tử Nê, huyện Tân Lạc đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó có nghề nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là gia đình anh Bùi Văn Liêm ở xóm Cú. Với ưu thế nhà gần rừng có nhiều loại cây và các loại hoa rừng, tốt cho việc nuôi ong, anh Liêm đã tìm tòi, học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hộ nuôi ong trong vùng, từ đó đầu tư trên 50 tổ ong nuôi lấy mật.

Khởi nghiệp từ đặc sản quê hương

Nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, anh Hà Công Hưng, Phó Bí thư Đoàn xã Mai Hịch (Mai Châu) bắt tay vào làm sản phẩm thịt gác bếp với mong muốn mang đặc sản của quê hương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bùi Đình Văn - gương sáng phát triển kinh tế

Trong những năm qua, phong trào đoàn viên, thanh niên vượt khó làm kinh tế được tuổi trẻ xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc tích cực hưởng ứng. Ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.

Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục