(HBĐT) - Tháng 10/2017, mốc thời gian sẽ không bao giờ quên đối với người dân trong tỉnh, nhất là ở huyện vùng cao Đà Bắc, nơi được coi là "rốn lũ” lúc bấy giờ. Những trận mưa lớn kéo dài năm ấy khiến tình trạng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét xảy ra nghiêm trọng, không ít hộ mất đi người thân và hàng trăm ngôi nhà buộc phải di dời khẩn cấp về nơi ở mới. Để đảm bảo an toàn cho người dân, 5 khu tái định cư (TĐC) đã được khẩn trương xây dựng gồm: Xóm Kế (xã Mường Chiềng), xóm Túp (xã Tiền Phong), xóm Bưa Cốc (xã Suối Nánh – nay là xã Nánh Nghê), xóm Nhạp (xã Đồng Ruộng) và xóm Lau Bai (xã Vầy Nưa). Những ngày đầu di dời về nơi ở mới với trăm mối lo, nhưng giờ đây những mùa xuân ấm no đang dần hiện lên ở những khu TĐC này.


Đời sống vật chất và tinh thần của người dân Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) ngày càng được nâng cao.

Ngỡ ngàng ngày trở lại xóm "dã chiến”

Những ngày cuối tháng 11/2017, chúng tôi có chuyến đi thiện nguyện đến với xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa. Khi đó, bản Dao có hơn 30 nóc nhà phải di dời cấp bách các hộ dân đến nơi ở mới vì tình trạng sạt lở đất. Hình ảnh của Lau Bai khi ấy bộn bề như  thời chiến, với những chiếc lều dã chiến được dựng trên nền đất vừa được san lấp. Tâm lý của bà con cũng đầy hoang mang, lo lắng nhưng họ luôn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Đã hơn 4 năm trôi qua, chúng tôi thực sự tò mò và háo hức khi trở lại thăm Lau Bai trong một ngày tiết trời ấm áp khi Tết Nhâm Dần đã chạm ngõ. 

Từ TP Hòa Bình vào đến Lau Bai mất chừng 1 giờ 40 phút, rút ngắn hơn nửa tiếng đồng hồ so với cách đây 4 năm. Không chỉ tuyến đường từ trung tâm huyện Đà Bắc vào đến Vầy Nưa đang được mở rộng thuận lợi, mà con đường độc đạo đi giữa núi đồi vào Lau Bai ngày nào nay đã được cứng hóa. "Trên này giờ bà con phát triển kinh tế khá tốt, nhà cửa cũng cơ bản được xây dựng mới hết rồi. So với một số xóm khác có khi Lau Bai giờ phát triển nhanh hơn” - anh Công, cán bộ Văn phòng UBND xã Vầy Nưa khoe khi làm "xe ôm” đưa chúng tôi vào Lau Bai. Xưa, người dân ở xóm Lau Bai sinh sống khá thưa thớt. Còn nay, hơn 30 mái nhà nằm san sát, tọa trên ngọn đồi được san lấp bằng phẳng với thế "tựa sơn, hướng thủy”. Đường giao thông được cứng hóa thuận lợi, đường điện cao thế được kéo đến các hộ dân. Những lều bạt "dã chiến” ngày nào giờ thay thế bằng những ngôi nhà xây kiên cố. 

Theo Bí thư Chi bộ xóm Lau Bai Lý Quang Hoàn chia sẻ: Trong 2 năm đầu chuyển đến nơi ở mới, bà con không còn nỗi lo sạt lở đất nữa nhưng phải tập trung để xây dựng nhà ở nên cũng gặp nhiều khó khăn. Điều an ủi nhất là Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, hỗ trợ để bà con sớm ổn định cuộc sống. Hai năm trở lại đây, sau khi đã dựng được nhà ở mới, chúng tôi tập trung phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống. Đường giao thông được mở rộng, đổ bê tông chắc chắn nên ô tô vào tận xóm để thu mua nông sản. Quan sát thực tế, chúng tôi ví von hình ảnh của Lau Bai ngày nay như một vùng quê đang "đô thị hóa” giữa mênh mông đồi núi, phía trước hướng ra vùng lòng hồ Hòa Bình đầy thơ mộng. 

Ghé thăm ngôi nhà của gia đình cụ Lý Văn Tòng (74 tuổi), chúng tôi ngỡ ngàng vì cơ ngơi khang trang mà gia đình cụ đã xây dựng được sau 4 năm về nơi ở mới. Một ngôi nhà mái Thái rộng rãi, chi phí xây dựng hơn 1 tỷ đồng được sơn màu xanh nổi bật giữa khu TĐC Lau Bai. Nói về sự thay đổi của xóm, cụ Tòng rất phấn khởi: Đời sống của bà con đã thay đổi nhiều, nhà nào cũng tiến lên đều đều. Bà con đã nhạy bén hơn trong phát triển kinh tế, như tập trung trồng rừng, đưa nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, phát triển thêm nghề chăn nuôi thủy sản. Đặc biệt, các hộ dân sống quây quần hơn, không rải rác như trước nên có việc gì cũng giúp đỡ nhau, tình làng, nghĩa xóm ngày càng thắt chặt hơn.  

Đón cái Tết thứ tư ở vùng đất mới

Đón Tết Nhâm Dần đầy ấm áp nhưng người dân Lau Bai sẽ không thể nào quên cái Tết đầu tiên ở nơi định cư mới này. Theo  lời kể của cụ Tòng, anh Hoàn, đó là cái Tết thiếu thốn đủ thứ. Bởi, khi ấy cả xóm phải sống trong những chiếc lều bạt được dựng tạm do Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ. Nhưng bù lại, Tết năm ấy ấm áp tình người bởi sự sẻ chia với nhiều món quà được các cấp chính quyền, Nhân dân trong và ngoài tỉnh gửi đến người dân Lau Bai. Đó cũng là cái Tết đã đưa những người dân Lau Bai xích lại gần nhau để vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Và như lời cụ Tòng khẳng định, từ đó đến nay, người dân Lau Bai ngày càng đoàn kết gắn bó, biết yêu thương, chia sẻ với nhau hơn. 


Cơ sở hạ tầng xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) được đầu tư xây dựng khang trang.

Lau Bai là bản làng sinh sống của hơn 30 hộ đồng bào Dao. Khi xưa, người Dao có tập quán du canh, du cư nên thường không ở cố định một nơi. Ở bản Dao này, chúng tôi cũng đã được gặp gỡ và trò chuyện với những vị cao niên về những lần thay đổi chỗ ở của họ. Như câu chuyện của cụ Lý Văn Xuyên (80 tuổi), một trong 2 người cao tuổi nhất ở Lau Bai. Trước khi sống ổn định ở mảnh đất Lau Bai hiện nay, cụ Xuyên và gia đình đã nhiều lần thay đổi chỗ ở. Cụ sinh ra ở xóm Mó Nẻ, sau chuyển ra sinh sống ở Suối Cụt nhưng được 2 năm thì chuyển trở lại. Đến năm 1962, gia đình cụ chuyển xuống sinh sống ở xóm Lau (nay là xóm Lau Bai). Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn thì chuyển lên xóm Thín. Sau 4 năm định cư ở Thín thì xảy ra dịch bệnh sốt rét khiến nhiều người chết. Lúc này, gia đình cụ Xuyên chuyển trở lại Lau Bai và định cư lâu dài. Đến tháng 10/2017, thiên tai xảy ra, cả xóm Lau Bai phải di dời đến chỗ ở hiện nay. "Lần này thì không chuyển đi đâu nữa. Nếu chấm điểm thì đạt 9 điểm rồi đấy” - cụ Xuyên hóm hỉnh chia sẻ. 

Những lời chia sẻ hết sức phấn khởi, chân tình đó cũng chính là mục tiêu hướng đến của các cấp chính quyền khi di dời xóm Lau Bai và hộ dân ở các vùng có nguy cơ cao  sạt lở đến nơi ở mới. Theo đồng chí Lường Văn Thi, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: Sau trận mưa lũ lịch sử vào tháng 10/2017, bằng nhiều nguồn lực khác nhau, huyện đã quy hoạch xây dựng các khu TĐC với các hạng mục đồng bộ nhằm đảm bảo cho 364 hộ đến sinh sống ổn định. Trong những năm qua, thông qua các chương trình, dự án, huyện đã thực hiện các chính sách hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, khoa học kỹ thuật để tạo sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng của thiên tai. Đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường giao thông, nước sinh hoạt, kè chống sạt lở ở các vị trí xung yếu cho các khu TĐC. Đến nay, đời sống của bà con ở các khu TĐC đã cơ bản ổn định, an toàn. 

Viết Đào


Các tin khác


Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động câu lạc bộ “Bình đẳng trong hôn nhân”

Tại huyện Lạc Sơn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vừa tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động câu lạc bộ "Bình đẳng trong hôn nhân”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” do Quỹ JIFF - EU JULE tài trợ, được triển khai tại 4 xã: Lạc Thịnh, Đoàn Kết (Yên Thủy) và Hương Nhượng, Định Cư (Lạc Sơn).

Thẩm định điển hình tiên tiến các sở, ban, ngành năm 2024

Sáng 26/4, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình tiên tiến năm 2024 của các sở, ban, ngành.

Viettel Hoà Bình tổ chức Lễ trao thưởng chương trình “Lên 4G, lên đời”

Ngày 25/4, Viettel Hoà Bình tổ chức Lễ trao thưởng cho khách hàng trong chương trình khuyến mại "Lên 4G – Lên đời”.

Thẩm định điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Lạc

Ngày 25/4, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Lạc.

Thẩm định điển hình tiên tiến trên địa bàn huyện Lạc Sơn

Đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn vừa tổ chức thẩm tra điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Lạc Sơn.

9 đội tham gia Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” huyện Kim Bôi

Sáng 25/4, UBND huyện Kim Bôi tổ chức Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ "Tổ liên gia an toàn PCCC” năm 2024. Tham gia hội thi có 9 đội từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục