(HBĐT) - Vũng Tàu là thành phố du lịch nổi tiếng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với đường bờ biển trải dài 20km. Biển xanh bát ngát, núi non trùng điệp cùng những ngôi chùa thanh tịnh và công trình kiến trúc đặc sắc đã tạo nên một thành phố thơ mộng với truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Trong đó, không thể không nhắc tới Bạch Dinh - di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.



Với kiến trúc đặc sắc, sự cổ kính, sang trọng, Bạch Dinh là điểm du lịch thu hút du khách khi đến thành phố Vũng Tàu.

Bạch Dinh nằm ở phía nam núi Lớn, cách mặt nước biển gần 30m. Đứng tại nơi này, du khách có thể chiêm ngưỡng cả trung tâm TP Vũng Tàu sầm uất, đẹp nao lòng. Bạch Dinh không chỉ là dinh thự sở hữu kiến trúc cổ điển độc đáo mà còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử - văn hóa.

Qua tìm hiểu được biết, tại đây, năm 1820, Hoàng đế Minh Mạng cho xây dựng pháo đài Phước Thắng để kiểm soát cửa biển Cần Giờ. Ngày 10/2/1859, quân dân pháo đài Phước Thắng đã lập chiến công vang dội khi lần đầu tiên nổ súng kháng quân xâm lược Pháp tấn công Nam Kỳ, nhận chìm nhiều tàu chiến của giặc.

Tuy nhiên, sau khi chiếm được quyền cai trị Đông Dương, từ năm 1898, đồn Phước Thắng đã bị san phẳng để xây dựng nhà nghỉ mát cho Toàn quyền Pháp tại Đông Dương. Đề án được chính Toàn quyền Paul Doumer phê chuẩn và ông cũng là người đặt tên cho dinh thự này là Villa Blanche. Do màu sơn bên ngoài toàn bộ là màu trắng cũng như tên gọi Villa Blanche nên người dân gọi dinh thự này là Bạch Dinh. Tháng 9/1907, dinh được dùng làm nơi giam lỏng vua Thành Thái - một vị vua yêu nước, có tư tưởng chống thực dân Pháp. Chúng giam ông trong gần 10 năm nên người dân địa phương còn gọi nơi đây là Dinh ông Thượng.

Năm 1916, cựu hoàng Thành Thái cùng con trai là vua Duy Tân bị thực dân Pháp đưa đi đày ra đảo Réunion (Châu Phi). Bạch Dinh tiếp tục sử dụng làm nơi nghỉ mát của các Toàn quyền Đông Dương. Năm 1934, dinh nhượng lại để làm nơi nghỉ dưỡng của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Trong những năm sau đó, dinh luôn được dùng làm nơi nghỉ ngơi của nguyên thủ hoặc các quan chức cao cấp của chính quyền Việt Nam cộng hòa.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, ngày 27/4 năm đó, xe tăng của quân giải phóng đã tấn công chiếm dinh và cắm cờ chiến thắng. Hiện nay, trước khi vào chiêm ngưỡng dinh thự, du khách không thể bỏ qua khu đặt hai khẩu đại bác và mười khẩu thần công hiên ngang chĩa nòng ra biển như khẳng định sức mạnh của nơi từng là trận địa pháo chống quân xâm lược. Ngày 4/8/1992, Bạch Dinh đã được công nhận là di tích kiến trúc và danh thắng theo Quyết định số 983/VH.QĐ của Bộ Văn hóa - Thông tin.

Vừa có giá trị lịch sử to lớn, Bạch Dinh cũng là công trình nghệ thuật đặc sắc theo kiến trúc châu Âu thời cuối thế kỷ XIX. Dinh cao 19m, rộng 15m, dài 28m, gồm 3 tầng: Tầng hầm làm nơi nấu nướng; tầng trệt vừa làm nơi khánh tiết vừa dùng để trưng bày nhiều hiện vật cổ xưa như: Song bình bách điểu chầu phụng, bộ tràng kỷ hoàng gia có niên đại Khải Định (năm 1921), cặp ngà voi châu Phi dài 170cm… Tầng lầu thoáng đạt dành làm nơi nghỉ dưỡng. Điểm nhấn ấn tượng không thể bỏ qua là 8 bức chân dung tạc các vị thần Hy Lạp thời cổ đại gắn trên một đường thẳng bao quanh ba mặt tường chính của tòa nhà. Từ gương mặt, mắt, mũi đến sắc thái của các bức tượng đá này đều biểu hiện rõ ràng, sắc nét và tinh tế.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, giờ đây, Bạch Dinh vẫn giữ nguyên sự sang trọng, hài hòa, uy nghiêm và trở thành điểm du lịch nổi tiếng, hút khách. Từ năm 1991 đến nay, một phần của Bạch Dinh được dùng làm bảo tàng, trưng bày 8.000 hiện vật độc bản nằm trong bộ sưu tập cổ vật gốm sứ có niên hiệu Khang Hy (thế kỷ XVII) được trục vớt từ Hòn Cau - Côn Đảo, cùng nhiều hiện vật có giá trị khác được tìm thấy qua các đợt khai quật khảo cổ ở Bà Rịa - Vũng Tàu…

Nằm ở vị trí đắc địa, đến Bạch Dinh, du khách sẽ được thỏa sức tận hưởng nắng vàng, biển xanh, không khí trong lành hòa với gió biển mát dịu. Vẻ đẹp cổ kính, sang trọng của Bạch Dinh hòa lẫn với thiên nhiên trong khu rừng nhỏ với nhiều loại cây cổ thụ, đặc biệt là những cây hoa đại có tuổi đời hàng trăm năm đã mang về nét riêng chỉ có ở thành phố biển Vũng Tàu.


Thu Hiền


Các tin khác


Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Kích cầu du lịch từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Còn khoảng ba tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm "vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè.

Bảo vệ vịnh Nha Trang để phát triển du lịch bền vững

Thành phố Nha Trang, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa đang trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024).

Ẩm thực giúp quảng bá, giới thiệu điểm đến và giữ chân du khách lâu hơn

Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, bởi nó góp phần quảng bá, níu giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng mỗi vùng miền.

Du lịch Hòa Bình thu hút khách quốc tế

Những tháng đầu năm 2024, du khách nội địa và du khách đến từ nhiều quốc gia tấp nập tham quan, khám phá các điểm đến du lịch Hoà Bình. Đáng chú ý, một số khu, điểm du lịch thuộc huyện Mai Châu, Đà Bắc, Lương Sơn đón lượng khách quốc tế tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục