(HBĐT) - "Đã hơn 2 tháng trôi qua kể từ khi cơn bão số 2 gây mưa lớn trong nhiều ngày khiến lượng đất, đá lớn trên đồi sạt lở xuống nhà tôi làm cột nhà bị gãy đổ, rất may không có thương vong. Hiện nay, gia đình tôi phải dựng tạm lán để ở, chờ khắc phục hậu quả thiên tai. Cuộc sống của gia đình bị đảo lộn. Chúng tôi tha thiết đề nghị chính quyền địa phương xem xét, hỗ trợ nơi ở mới an toàn để yên tâm sinh sống”. Đây là nguyện vọng của ông Hà Công Liền ở xóm Bách 1 cũng như gần 30 hộ dân tại xã Lũng Vân (Tân Lạc) trước thực trạng sạt lở đất, đá tại xã vào mùa mưa bão.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hà Văn Khuê, Chủ tịch UBND xã Lũng Vân cho biết: "Từ năm 2012 đến nay, tình trạng sạt lở đất, đá vào mùa mưa bão thường xuyên xảy ra trên địa bàn xã, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Nguyên nhân chính là do diễn biến thời tiết phức tạp, thường xuyên xảy ra các trận mưa lớn trong nhiều ngày khiến nền đất không được vững chắc. Nguyên nhân khác là địa hình xã Lũng Vân nằm ở khu vực nhiều đồi, núi cao, diện tích đất ở hạn hẹp. Theo thống kê, toàn xã có 2.105,6 ha, trong đó, đất ở có 24 ha. Chính vì vậy, nhiều hộ dân phải sinh sống tại khu vực chân đồi, thậm chí là trên đỉnh đồi. Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 30 hộ dân thuộc các xóm Bách 1, Bách 2, Nghẹ 1, Hượp 1 nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở cao. Trung bình mỗi năm có khoảng 15 - 20 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sạt lở đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh. Rất may chưa có thương vong xảy ra. Đặc biệt, tháng 9/2015, tại khu vực xóm Chiềng đã xảy ra hiện tượng sạt lở đất, đá với khối lượng lớn từ sườn núi cao đổ xuống khuôn viên trường tiểu học Lũng Vân làm hư hỏng 1 phòng học và ảnh hưởng đến toàn bộ khu nhà 2 tầng của nhà trường.
Gia đình ông Hà Công Liền, xóm Bách 1, xã Lũng Vân (Tân Lạc) bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sạt lở đất, đá.
Trước thực trạng trên, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo lực lượng PCTT&TKCN xã nhanh chóng kiểm tra, rà soát lại những khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời. Tuyên truyền, vận động nhân dân di dời người và tài sản có giá trị đến nơi an toàn khi xảy ra mưa bão. Lực lượng PCTT&TKCN tổ chức trực 24/24h nhằm ứng phó với các tình huống đột xuất, bất ngờ, kịp thời hỗ trợ các hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm. Năm 2016, chính quyền xã đã tạo điều kiện giúp đỡ 4 hộ dân tại xóm Nghẹ 1 được di chuyển đến nơi an toàn.
Cùng cán bộ UBND xã, chúng tôi đi khảo sát thực tế tại xóm Bách 1, khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao nhất trên địa bàn xã. Qua quan sát cho thấy, sau nhiều ngày tháng mưa lớn kéo dài khiến nhiều gốc cây to bị bật gốc, xuất hiện nhiều vết rạn, nứt to. Địa hình khu vực xóm Bách 1 chủ yếu là đồi núi có độ dốc cao, do đó, các hộ dân phải xây dựng nhà sát với khu vực chân đồi. Hiện nay, toàn xóm có 15/32 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở. Để khắc phục tạm thời tình trạng sạt lở đất khi xảy ra mưa bão, nhiều hộ phải nắn dòng chảy, tránh không để nước từ trên đồi xối thẳng vào trụ nhà. Ngoài ra, một số người dân phải sử dụng cọc tre, mái tôn để gia cố nhà cửa.
Ông Đinh Văn Tuyên, hộ dân sinh sống tại xóm Bách 1 chia sẻ: "Cứ mùa mưa đến chúng tôi lại sống trong thấp thỏm, lo âu trước viễn cảnh sập nhà do sạt lở đất. Vì vậy, mong muốn chính quyền xã có phương án giải quyết hỗ trợ chúng tôi có nơi ở mới để yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế”.
Bên cạnh việc nằm trong vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở đất, đá, các hộ dân các xóm Bách 1, Nghẹ 1, Hượp 1 thuộc trong Chương trình 135, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê năm 2016, thu nhập bình quân tại các xóm trên chỉ đạt từ 7 - 9 triệu đồng/người/năm, thấp hơn mức thu nhập bình quân chung toàn xã 13 triệu đồng/người/năm. Nguyên nhân chính là người dân không có đất để canh tác, chủ yếu là phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ và đi làm thuê. Chính vì vậy, người dân mong muốn được chuyển xuống sinh sống tại khu vực bằng phẳng để thuận tiện phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa và cải thiện chất lượng cuộc sống.
"Việc di dời các hộ dân đến nơi ở mới là việc làm cấp thiết đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân, tuy nhiên, chính quyền xã còn gặp nhiều khó khăn do quỹ đất hạn hẹp. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền xã đang kiểm tra, rà soát lại những khu vực có nguy cơ sạt lở cao để báo cáo UBND huyện có phương án giải quyết, xử lý kịp thời. Qua đó, trong thời gian sớm nhất sẽ di dời các hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm đến nơi ở mới an toàn”, đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm.
Đức Anh
(HBĐT) - Là địa phương thường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, gây thiệt hại về các công trình cũng như sản xuất, tài sản của nhân dân nên ngay từ đầu năm, UBND huyện Mai Châu đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trường học, doanh nghiệp và các xã, thị trấn xây dựng, triển khai kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Với phương châm "4 tại chỗ”, lấy phòng là chính, các xã, thị trấn tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra.
Các nhà lãnh đạo toàn cầu cần hợp tác để giảm thiểu 'nguy cơ tuyệt chủng' do công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra.
Nhiều cán bộ ở cơ sở chưa đảm bảo chuyên môn, nghiệp vụ; thiết bị phần mềm ứng dụng chuyển đổi số chưa kết nối đồng bộ, người dân chưa tin tưởng vào các dịch vụ trực tuyến… là những điểm nghẽn cản trở chuyển đổi số ở các cấp chính quyền, cơ quan cấp cơ sở của TPHCM.
(HBĐT) - Thời gian qua, nắng nóng gay gắt nên nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nhưng hạn hán kéo dài khiến việc cung ứng điện gặp nhiều khó khăn. Ngành Điện đang triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện an toàn. Trong đó, kêu gọi khách hàng tiếp tục nêu cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm (SDĐTK).
(HBĐT) - Ngày 29/11/2022, Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy ký ban hành Quyết định số 25 về việc "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai" đối với hộ ông Nguyễn Văn Phong ở xóm Minh Sơn, xã Yên Trị do không thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác. Cụ thể, hộ ông Phong tự ý xây dựng chuồng trại chăn nuôi với diện tích 0,06 ha trên đất trồng cây hàng năm. Ngoài xử phạt hành chính, quyết định yêu cầu ông Phong phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm trong thời hạn 10 ngày. Tuy nhiên đến nay, gần nửa năm đã trôi qua, hệ thống chuồng trại của gia đình ông Phong vẫn tồn tại, phớt lờ quyết định của Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy. Đáng nói, việc chăn nuôi của gia đình ông Phong gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.