Lực lượng dân quân giúp dân dùng bao cát chẳng chống nhà cửa ở Đà Nẵng.

Lực lượng dân quân giúp dân dùng bao cát chẳng chống nhà cửa ở Đà Nẵng.

Người dân và chính quyền địa phương các tỉnh miền trung đang khẩn trương chuẩn bị chằng chống nhà cửa, tích trữ lương thực thực phẩm và các đồ dùng cần thiết để đối phó với bão.

 

* Ở Quảng Bình, theo ghi nhận của PV Báo Nhân Dân điện tử, từ sáng nay không khí phòng chống siêu bão đang hết sức khẩn trương.

Để đối phó với siêu bão Haiyan, chính quyền và người đang khẩn trương neo buộc tàu thuyền, chằng chóng nhà cửa, công sở; sơ tán người dân ở các vùng nguy hiểm, cố gắng giảm thấp nhất thiệt hại do siêu bão gây ra.

Sáng 9-11, Tỉnh uỷ Quảng Bình truyền công văn hoả tốc chỉ đạo công tác phòng chống siêu bão Haiyan. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài chủ trì cuộc họp khẩn với lãnh đạo các ngành, địa phương để triển khai công tác phòng chống siêu bão này.

Tàu ngư dân Quảng Bình di chuyển lên thượng nguồn sông Nhật Lệ trú bão.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, đến 7 giờ ngày 9-11, toàn tỉnh có 3.632 tàu với 15.471 lao động được thông báo về diễn biến của siêu bão Haiyan.

Trong đó có 3.575 tàu với 15.059 lao động đã neo đậu bờ. Hiện còn 57 tàu cùng 412 ngư dân đang trên đường vào bờ trước 16 giờ ngày 9-11.

Toàn bộ bao được huy động để dựng cát đặt lên cứu mái nhà

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh Quảng Bình phân công lực lượng và điều động phương tiện cắm chốt tại các địa bàn trọng yếu, sẵn sàng ứng cứu nhân dân khi bão đến.

Các ngành Thông tin và Truyền thông, Giáo dục- Đào tạo đã có phương án bảo đảm thông tin liên lạc, kế hoạch cho học sinh nghỉ học đúng thời điểm và chằng chống phòng học, bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh và cơ sở vật chất.

Mái ngói vừa lợp lại sau bão số 10 nay sắp hứng chịu trận bão lớn số 14 đang được gia cố thêm.

Các địa phương cũng đã chuẩn bị phương án di dời hơn 10.000 người ở các vùng trọng yếu trước khi bão đến.

Ngay sau cuộc họp, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức ba đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch và Quảng Ninh, Lệ Thủy.

Về phía người dân, không khí chuẩn bị chống bão cũng hết sức khẩn trương. Nhiều người dùng bao cát đặt lên mái, chằng néo nhà cửa đề phòng bão thổi bay. Tại các cửa hàng bán vật liệu xây dựng, những mặt hàng đắt khách nhất là bao tải, thép buộc, bạt phủ…

Kê dọn tài sản đưa lên cao cho an toàn phòng lũ ập vào.

Chủ một cửa hàng bán vật liệu xây dựng tại phường Hải Đình, TP Đồng Hới cho biết, nếu so với thời điểm trước cơn bão số 10, thì lần này, số lượng bao tải, thép buộc bán nhiều gấp ba đến bốn lần.

Nhiều nơi tại huyện Tuyên Hoá, do sợ nhà cửa không đủ sức chống chọi với siêu bão Haiyan nên người dân đã đào hầm trú ẩm.

Mỗi hầm sâu khoảng hai mét, rộng 1,5mét, dài ba mét, phía trên có lợp mái, đủ cho trú cho khoảng 20 người. Theo người dân xã Mai Hoá, huyện Tuyên Hoá, 30-40 năm nay họ mới đào hầm để tránh bão.

Tại khu neo đậu tàu thuyền sông Gianh, có gần 5.000 tàu vào neo đậu an toàn. Trên các cửa sông Gianh, sông Nhật Lệ, nhiều tàu đang di chuyển lên phía thượng nguồn để tránh bão.

Người dân chen nhau mua thêm lương thực, thực phẩm và xăng dầu, đèn pin…chuẩn bị cho việc đối phó với siêu bão. Cán bộ, nhân viên các công sở, doanh nghiệp néo buộc cửa kính trụ sở, di chuyển các trang thiết bị đề phòng bị ướt, hư hỏng.

Một gia đình ngư dân ở huyện Quảng Ninh không dùng bao cát mà lấy lưới chăng lên mái, giữ ngói.

Đáng nói là người dân Quảng Bình vốn có kinh nghiệm phòng tránh bão lũ nhưng hiện nay, nhà cửa, các công trình…đều bị ảnh hưởng của bão số 10 và 11 nên không còn chắc chắn như trước. Trong đó có hàng trăm hộ sập nhà nay chưa dựng lại được, ở tạm trong lán trại trên nền nhà cũ.

Mặt khác, hệ thống điện lưới và thông tin liên lạc cũng mới dựng tạm để cấp điện, bảo đảm thông tin. Nếu siêu bão Haiyan đổ bộ vào Quảng Bình thì thiệt hại sẽ cực kỳ nghiêm trọng, đẩy người dân vùng lũ này vào sự cùng cực.

Chiều nay, trời Quảng Bình đang yên ả, nắng nhẹ. Theo những người lớn tuối, đây là dấu hiệu của một trận bão lớn sắp tới.

* Tại Thừa Thiên – Huế, sáng 9-11, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã đi kiểm tra Khu neo đậu tàu thuyền xã Phú Hải (huyện Phú Vang) và công tác ứng phó siêu bão Haiyan.

Vừa đáp đáp xuống sân bay Phú Bài - Huế, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Đoàn công tác đã đi kiểm tra tại Khu neo đậu tàu thuyền xã Phú Hải, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế). Tại đây, Phó Thủ tướng đã yêu cầu, các ban, ngành, chính quyền địa phương và nhân dân phải hết sức cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan trước siêu bão Haiyan; công tác bảo vệ an toàn tính mạng ngư dân cần được đặt lên hàng đầu; sau khi tổ chức giằng chống tàu thuyền, khẩn trương đưa toàn bộ người dân lên bờ trú bão, tuyệt đối không để một ai ở lại trên tàu tránh thiệt mạng do bão. Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở, những nhà dân dọc bờ biển, ven phá phải đưa vào sâu trong đất liền tránh bão.

Tàu thuyền của ngưu dân xã Phú Hải, huyện Phú Vang đã được tổ chức neo đậu an toàn.

Từ 13 giờ, xã Phú Hải phải di dời 800 hộ dân với hơn bốn nghìn nhân khẩu trong chiều nay.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế về tình hình triển khai công tác ứng phó siêu bão Haiyan. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhắc nhở, bằng mọi cách phải bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng người dân và hạn chế tối thiểu thiệt hại về tài sản.

Người dân xã Phú Thuận, huyện Phú Vang neo đậu tàu thuyền an toàn tại khu vực tránh bão.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: siêu bão Haiyan là cơn bão mạnh chưa từng có trong lịch sử nên chưa có kinh nghiệm ứng phó, toàn bộ hệ thống chính trị đều vào cuộc phòng chống bão, làm sao giảm thiệt hại đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Mặc dù năng lực và kinh nghiệm ứng phó bão, lũ của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nâng cao, nhưng vẫn hết sức đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan. Để đối phó với siêu bão, tỉnh phải có siêu hành động và siêu nhanh.

Phó Thủ tướng yêu cầu các phương tiện thông tin từ tỉnh đến huyện, xã, phường liên tục thông báo bão và các biện pháp ứng phó, nhà nào thấy không an toàn thì cần sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn; trong bão, người dân tuyệt đối không ra đường, tránh tai nạn đáng tiếc. Các ngành điện, thủy lợi, cấp nước, thủy điện, thông tin cần trực 24/24 giờ, xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Bộ đội biên phòng đồn cảng Thuận An giúp dân xã Hải Dương chằng chống nhà cửa.

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT, Trưởng Ban chỉ huy PCLB-TKCN T.Ư Cao Đức Phát đã khuyến nghị tỉnh nên quyết liệt không để ngư dân sống trên thuyền đò, tốt nhất là đưa hẳn phương tiện tàu thuyền lên bờ để hạn chế hư hỏng khi bão vào.

Để ứng phó với cơn bão 14, ngày 9-11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế và UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp khẩn về việc đối phó và khắc phục hậu quả sau bão.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho biết, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu các địa phương tổ chức neo đậu, đảm bảo an toàn 1.810 phương tiện tàu thuyền trên địa bàn vào bờ trú ẩn. Toàn tỉnh có hơn 29 nghìn hộ với hơn 110 nghìn người dân được tổ chức sơ tán đến nơi an toàn trước khi bão đổ vào bờ; riêng khu vực vùng biển có hơn 11 nghìn hộ với trên 50 nghìn người đã sơ tán trong tối 9-11.

Người dân xã Phú Thuận chằng chống nhà.

Các trường học trên địa bàn cũng đã chủ động cho học sinh nghỉ học để phục vụ việc đón dân sơ tán đến trú ẩn. Trên địa bàn tỉnh có 7.894 du khách đang được quản lý, bảo vệ tại các khách sạn, nhà nghỉ. Tỉnh cũng đã có phương án chỉ đạo các chủ hồ thủy điện, thủy lợi có biện pháp điều tiết, xả lũ hợp lý, đồng thời có phương án bảo vệ an toàn các công trình. Ngành y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc men, dụng cụ y tế sẵn sàng phục vụ công tác ứng phó bão, lũ.

Theo phương án của tỉnh Thừa Thiên – Huế, bắt đầu từ 13 giờ chiều 9-11, các địa phương trong tỉnh phải đồng loạt di dời người dân tại các vùng xung yếu, vùng ven biển đến nơi an toàn để tránh bão. Ngay từ sáng sớm, người dân các xã ven biển huyện Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền đã chủ động dằng chống nhà cửa, tàu thuyền đã được ngư dân dằn néo an toàn tại các khu neo đậu tập trung.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, vào lúc 16 giờ cùng ngày, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã đục lỗ một xà lan nặng 100 tấn của Công ty trục vớt Bến Lức (tỉnh Long An) để chìm xuống biển, nhằm tránh bão an toàn tại khu vực biển Hải Dương, xã Hải Dương (thị xã Hương Trà), cách phao số 2 của Cửa biển Thuận An (huyện Phú Vang) 2km về phí bắc.

Thượng tá Lê Văn Phương, Phó Chỉ huy trường Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Trước đó, chín thuyền viên trên xà lan được đưa vào bờ an toàn. Chiếc xà lan này khi trên đường vào bờ tránh bão 14 đã gặp sóng lớn không vào được. Ngoài ra, có tàu hàng Tiến Đạt 09 mắc cạn tại bờ biển xã Hải Dương từ ngày 6-11 đến nay đang được Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh huy động lực lượng hút 9.000 lít dầu DO trên tàu đưa vào bờ, đề phòng sự cố chìm tàu và tràn dầu. Trên tàu này có chín thuyền viên được đưa vào bờ an toàn.

* Tại Đà Nẵng, từ 12 giờ chiều 9-11, UBND quận Liên Chiểu đã huy động các lực lượng quân đội, công an, dân phòng và Đoàn thanh niên khẩn trương di dời hơn 10 nghìn hộ dân, với hơn 30 nghìn người ở các phường xung yếu ven biển Xuân Thiều về bố trí ở 60 điểm là công sở, trường học, nhà cao tầng tránh bão an toàn.

Các lực lượng dân phòng, công an phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu (tp Đà Nẵng) giúp người già, trẻ em di dời về nơi an toàn tránh bão...

Tại khu nhà liền kề bố trí tái định cư cho người dân làng Vân, ở tổ dân phố số 13 và 14, Trung tá Trần Phước Hành, Trưởng công an phường Hòa Hiệp Nam, cho biết: “Theo chỉ đạo của quận, chúng tôi ưu tiên điều động hàng chục chuyến xe lam chở khách để phục vụ di dời người già và trẻ em của 72 hộ dân với hơn 180 nhân khẩu về nơi tránh trú bão an toàn”.

Giúp người già bị bệnh ở Khu nhà liền kề làng Vân (tp Đà Nẵng) di dời về nơi an toàn trú bão.

Tại quận Sơn Trà, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân thành lập năm tổ cơ động gồm 200 cán bộ, chiến sĩ giúp dân dân các phường Thọ Quang, Mân Thái và Nại Hiên Đông di dời dân về nơi an toàn. Vùng 3 Hải quân huy động tám xuồng cao tốc, chín xuồng cao- su, 10 xe tải, hai xe cẩu, bốn xe cứu thương, năm xe ca và lương thực, thuốc quân y sẵn sàng cứu dân khi có tình huống xảy ra do bão. Bộ Tư lệnh chỉ đạo Lữ 161, 172 chuẩn bị năm tàu trực chiến sẵn sàng lên đường cứu dân đảo Lý Sơn ( Quảng Ngãi), Cồn Cỏ (Quảng Trị).

Giúp dân chằng chống nhà cửa tránh bão.

Khu nhà tạm liền kề làng Vân, quận Liên Chiểu (tp Đà nẵng) được các lực lượng giúp chằng chống tránh bão an toàn…

Người dân Đà Nẵng đổ xô ra biển lấy cát.

UBND quận Liên Chiểu (tp Đà Nẵng) huy động xe lam DASU chở khách giúp dân di dời tránh bão.

Đến 17 giờ ngày 9-11, thành phố Đà Nẵng hoàn thành di dời gần 20 nghìn hộ dân ở các quận Liên Chiểu, Sơn Trà và huyện Hòa Vang vền nơi an toàn tránh, trú bão HaiYan.

* Tại Quảng Trị, ngày 9-11, trước diễn biến phức tạp của bão số 14, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương triển khai công tác chằng chống nhà cửa, kho tàng, tiến hành chặt tỉa cây đề phòng bão đổ bộ vào địa bàn.

Bộ đội Biên phòng giúp dân vùng biển xã Hải An, huyện Hải Lăng đưa thuyền vào nơi an toàn.

Đến chiều 9-11, toàn tỉnh Quảng Trị có 2.486 chiếc tàu, thuyền, với hơn với 6.172 thuyền viên của tỉnh đánh bắt hải sản tại các vùng biển vào các cửa biển, cửa sông, lên bờ giằng néo, trú tránh bão an toàn.

Các đồn Biên phòng ven biển như Cửa Việt, Cửa Tùng đã triển khai lực lượng giúp dân neo đậu tàu, thuyền vào nơi quy định; quản lý các phương tiện, không cho ra khơi...

Bộ đội giúp dân vùng biển Hải Lăng tháo dỡ mái nhà phòng tránh bão.

Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã liên lạc được với 22 tàu, thuyền, với 223 thuyền viên của tỉnh đang neo đậu tại các cửa biển của các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tỉnh Quảng Trị đã lên phương án di dời hơn 13.000 hộ gia đình, với hơn 43.000 người ở 100/141 xã, phường, thị trấn đang sống ven biển, ven sông suối, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lỡ đất, ngập sâu đến nơi an toàn.

Bộ đội giúp dân khẩn trương gia cố mái nhà phòng chống bão.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh Quảng Trị, Sư đoàn 968, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 chuẩn bị lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ sơ tán dân.

Bộ đội biên phòng thông báo cho người dân vùng biển phòng chống bão số 14.

Sáng 9-11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tổ chức họp khẩn cấp để triển khai các phương án phòng, chống bão. Ngoài lực lượng ứng trực, Bộ đội Biên phòng tỉnh chuẩn bị 10 xe ô tô các loại, 5 ca nô, 8 phao bè, 10 nhà bạt...sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Ở Quảng Trị có hai hồ chứa nước lớn là La Ngà, Trúc Kinh và 116 hồ chứa nước nhỏ, 209 đập dâng và 5 hồ thủy điện, phần lớn các hồ chứa đều đạt dung tích thiết kế. Để chủ động phòng chống bão, ngành Nông nghiệp-Phát triển nông thôn đã cho xả nước ở một số hồ đập.

Đưa ngư lưới cụ đến nơi an toàn tránh bão.

Chiều 9-11, tỉnh đã thành lập nhiều đoàn công tác về các địa bàn xung yếu kiểm tra công tác phòng chống bão số 14. UBND tỉnh chỉ đạo, các lực lượng chuyên trách phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung kiểm tra chi tiết các công trình hồ đập, thủy điện và có kế hoạch xả nước điều tiết hợp lý bảo vệ an toàn đập và giảm lũ cho vùng hạ du. Bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư để chủ động xử lý khi có sự cố đối với các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn.

Cho cát vào bao để gia cố mái nhà.

Tỉnh cũng yêu cầu các lực lượng chuyên trách có phương án xử lý đảm bảo an toàn trong mọi tình huống về giao thông, hệ thống điện, thông tin liên lạc, chuẩn bị lực lượng, vật tư thiết bị tại chỗ để sẵng sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Thực hiện triệt để phương châm "bốn tại chỗ" trong công tác phòng chống bão và mưa lũ.

Gia cố xong nhà cửa trước khi bão vào.

Phó Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Bài cho biết: Hiện nay tất cả tàu, thuyền của ngư dân trong tỉnh đã vào nơi neo đậu an toàn. Ngoài triển khai các phương án phòng chống bão số 14, tỉnh Quảng Trị cũng đã lên phương án phòng chống lũ cho những vùng dễ ngập sâu, vùng lũ quét và sạt lở đất...

* Tại Thanh Hóa, sáng 9-11 Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa họp khẩn triển khai biện pháp phòng chống bão số 14.

Theo báo cáo, toàn tỉnh có 7.038 phương tiện với 23.344 lao động đã vào bờ, neo đậu trong các bến. Hiện còn 463 phương tiện với 1.389 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó 438 phương tiện với 1.263 lao động hoạt động gần bờ và hoạt động ở vùng biển ngoài tỉnh có 25 phương tiện, 126 lao động. Tất cả các phương tiện đều nắm được thông tin cảnh báo tình hình, hướng đi của bão Haiyan để chủ động tránh, tìm nơi neo đậu an toàn.

Nước từ hồ Cửa Đạt xả tràn qua đập Bái Thượng (Thường Xuân).

Tỉnh Thanh Hóa thành lập 13 tổ công tác xuống các địa bàn trọng điểm và lên các huyện miền núi kiểm tra, đôn đốc phòng chống siêu bão Haiyan.

Tỉnh chỉ đạo lực lượng biên phòng, các địa phương tiếp tục kêu gọi tàu thuyền khẩn trương thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, di chuyển phương tiện đã cập bến vào các âu thuyền tránh trú bão, nơi neo đậu sâu trong các con sông.

Kiểm tra máy phát điện dự phòng phục vụ phòng chống bão số 14.

Các huyện rà soát hồ đập, bố trí lực lượng thường trực triển khai phương án bảo vệ an toàn hồ chứa. Những hồ chứa nước đã đầy, nhất là hồ lớn như Cửa Đạt, Yên Mỹ chủ động xả bớt nước, có thể mở thêm cửa xả khi xảy ra mưa lớn, bảo đảm dung tích đón lũ. Riêng ban quản lý hồ Cửa Đạt phối hợp chặt chẽ với ban quản lý hồ Hủa Na trong vận hành xả lũ. Đặc biệt thông báo sâu rộng đến nhân dân vùng hạ du, thực hiện di chuyển dân khu vực ảnh hưởng đến nơi an toàn. Tỉnh cũng quyết định di dân vùng trũng thấp, khu vực bị ngập nước do xả lũ, ven sông suối, nơi có nguy cơ gặp lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn theo phương án và cấp cảnh cáo đã duyệt.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền yêu cầu các ngành chuẩn bị tốt công việc được giao, nhất là chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, lương thực, các mặt hàng thiết yếu đáp ứng yêu cầu chủ động phòng chống lụt bão.

* Tại Quảng Ngãi, từ sáng 9-11, tỉnh đã chỉ đạo cho học sinh trong tỉnh nghỉ học, dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết và cử nhiều đoàn công tác xuống địa phương kiểm tra, chỉ đạo và hỗ trợ di dời dân đến nơi trú bão an toàn.

Người dân thôn Phước Thiện, xã Bình Hải được sơ tán đến nơi trú bão an toàn.

Hiện nay có gần 80 nghìn hộ dân trong vùng nguy hiểm cần di dời, với hơn 400.000 nhân khẩu, nhiều nhất từ trước đến nay. Đến cuối giờ chiều nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai hàng chục điểm sơ tán, di dời hàng chục nghìn dân đến nơi trú bão.

Các xã ven biển Tịnh Kỳ, Tịnh Khê (huyện Sơn Tịnh), Bình Chánh, Bình Thạnh (Bình Sơn), Nghĩa An, Nghĩa Phú (Tư Nghĩa) và Phổ Thạnh (Đức Phổ) đã hoàn tất việc di dời dân trú bão vào cuối buổi chiều nay. Tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn đã triển khai 5 điểm an toàn để bố trí sơ tán 7.300 hộ dân trú bão. Tại thôn Phước Thiện, sáng nay đã di dời gần 5 nghìn dân đến trú bão tại Trung tâm văn hóa-thể thao Dung Quất.

Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi sẵn sàng ứng cứu khi cần.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất hỗ trợ địa phương giúp dân sơ tán tránh bão đã chuẩn bị 10 xe khách (loại 50 chỗ ngồi), nhà đón dân tránh bão và hàng trăm thùng mì tôm, nước uống, thuốc men phục vụ người dân trên Khu kinh tế Dung Quất khi có bão xảy ra…

Người dân trên đảo Lý Sơn chèn chống nhà trước khi bão vào

Trên đảo Lý Sơn, chiều nay đã có gió mạnh cấp 6, cấp 7. Khoảng 10.000 người dân sống gần bờ biển quanh đảo chuyển đến trú ở trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế kiên cố và nơi vùng cao. Số dân sơ tán hiện nay chiếm một nửa tổng số dân trên đảo. Hiện nay tàu thuyền của ngư dân Lý Sơn đã vào nơi tránh trú an toàn. Tại Vũng neo trú tàu thuyền An Hải có gần 400 phương tiện tàu cá đang hoạt động trên biển đã vào nơi tránh trú bão (trong đó, gần 40 phương tiện tàu cá đang khai thác hải sản tại Trường Sa cũng đã kịp chạy về cập đảo, tìm nơi tránh trú an toàn.

Người dân cất thuyền thúng trước khi bão vào.

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Trần Ngọc Nguyên nói: “Chúng tôi đang dồn sức sơ tán dân bảo đảm hoàn tất trong chiều nay; đồng thời tuyên truyền bà con chằng chống nhà cửa, hướng dẫn tàu thuyền trú bão hy vọng sẽ giảm thiệt hại đến mức thấp nhất”.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương tổ chức nhiều đoàn công tác, phân công lực lượng xuống địa bàn để kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão, tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân hiện còn sống ở các vùng có nguy cơ sạt lở về nơi tránh trú an toàn, đảm bảo tính mạng người dân khi bão, lũ xảy ra, nhất là trong đêm tối.

* Tại Phú Yên, công tác phòng chống bão lụt trên địa bàn tỉnh đang được đặt trong trạng thái khẩn cấp.

Trong ngày 9-11 trên địa bàn tỉnh Phú Yên trời không mưa, mực nước các sông giảm dần, thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng gần 1.300m3/s, giảm 2.500m3/s so với chiều ngày 8-11. Tuy nhiên do mưa lớn nhiều ngày trước đó, hiện mực nước các hồ chứa tại một số huyện miền núi vẫn còn cao; nước lũ xâm thực bờ sông Ba, gây sạt lở đất sản xuất và đường giao thông.

Trong hai ngày qua, Ban Quản lý dự án Thủy lợi và Phòng chống thiên tai tỉnh Phú Yên phối hợp với các ngành chức năng khẩn cấp thi công một đoạn kè dài 60m sát bờ biển, nằm về phía Nam khu dân cư xóm Rớ thuộc phường Phú Đông, TP Tuy Hòa. Đến chiều 9-11 đã hoàn thành, sớm hơn một ngày so với dự kiến, kịp phòng tránh bão Haiyan và hạn chế tối đa nước biển xâm thực vào đất liền, bảo vệ tài sản, nhà cửa khu dân cư xóm Rớ.

Khu dân cư xóm Rớ nằm cách bờ biển hơn 100m. Từ năm 2003 đến nay, ven biển khu vực này thường xuyên xuất hiện triều cường với những cột sóng cao từ 5 đến 7m xâm thực vào đất liền, gây thiệt hại nhiều nhà cửa, tài sản của người dân.

Khẩn trương hoàn thành xây dựng kè Xóm Rớ, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa vào chiều 9-11 để bảo vệ dân cư trước khi bão vào.

Mưa lũ những ngày qua đã gây thiệt hại tại các huyện miền núi Sông Hinh và Sơn Hòa. Tại huyện Sông Hinh, các tràn trên quốc lộ 29 thuộc thôn Suối Biểu, xã Sơn Giang, tràn suối EaBia trên đường liên xã từ thị trấn Hai Riêng đi các xã EaBia, EaTrol; tràn đường tạm qua cầu EaTrol đang thi công bị nước cuốn trôi, hiện cầu mới đã được lao dầm nhưng chưa đổ bê tông, đã được đơn vị thi công lót ván để người dân đi tạm nhưng rất nguy hiểm. Một số tuyến đường đất, đường cấp phối, đất đắp lề đường bị cuốn trôi, nhưng chưa thể thống kê đường sá đi lại khó khăn; 4 đập dâng thủy lợi ở bị bồi lấp nặng; mái bảo vệ bờ kênh thuộc công trình hồ chứa nước buôn Đức bị xói lở…Hiện có 5,9ha sắn bị ngập úng, nhiều diện tích mía bị đổ ngã; ba con trâu, bò bị lũ cuốn trôi; nhiều diện tích đất sản xuất bị sạt lở tại suối buôn Diêm, TT Hai Riêng, buôn Quang Dù, xã Đức Bình Tây và xã Sông Hinh.

Huyện Sông Hinh liên tục phát đi các thông báo, công điện khẩn đến các địa phương, các đơn vị và các thành viên Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện, yêu cầu trực ban theo dõi diễn biến của mưa lũ để chủ động ứng phó. Chỉ đạo các địa phương cử lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các điểm giao thông bị nước tràn qua. Đội quản lý đô thị và vệ sinh môi trường chặt tỉa cây trong đô thị, hạn chế đổ ngã khi bão đến để tránh xảy ra sự cố, tai nạn, ách tắc giao thông.

Phòng GD-ĐT huyện, hiệu trưởng các trường học phối hợp với các địa phương cho học sinh nghỉ học từ ngày 9 đến ngày 11-11-2013. Điều động các thành viên Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện bám sát địa bàn để đôn đốc, phối hợp với địa phương ứng phó; rà soát lại kế hoạch phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của địa phương để điều chỉnh bổ sung kịp thời thiếu sót, đặc biệt là công tác di dân vùng ngập lũ tại các xã Sơn Giang, Đức Bình Đông, Đức Bình Tây; hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, di chuyển tài sản đến nơi an toàn trước khi bảo đến.

Tại huyện miền núi Sơn Hòa, các địa phương chủ động, sẵn sàng sơ tán dân cư vùng trũng thấp, vùng ven suối, vùng bị ảnh hưởng khi có mưa to, gió lớn theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là các khu dân cư xóm Bãi Điều, Bắc Lý, khu phố Đông Hòa, thị trấn Củng Sơn và các đội 4, 5, 6 ở thôn Thạnh Hội, xã Sơn Hà. Đài truyền thanh huyện và xã liên tục thông báo tình hình mưa bão và công tác phòng chống trên sóng phát thanh (1 giờ/lần) để người dân nắm bắt, chủ động. Các địa phương đã hoàn tất chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh có nguy cơ gãy đổ. Các lực lượng vũ trang, thanh niên xung kích ứng trực 24/24 giờ, đảm bảo quân số 100% tại các địa phương, kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.

 

                                                                           Theo Báo ND

 

 

Các tin khác


Công nghệ mưa nhân tạo có thể dẫn đến ‘cuộc chiến thời tiết’ giữa các quốc gia

Nhà khí tượng học cảnh báo "cuộc chiến thời tiết” giữa các quốc gia có thể nổ ra nếu việc gieo hạt mây vượt tầm kiểm soát, sau khi lũ lụt ở Dubai làm nảy sinh lo ngại về công nghệ gây mưa nhân tạo.

Thời tiết ngày 22/4: Bắc Bộ mưa dông, Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 22/4, chiều tối và đêm ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, có nơi trên 50 mm; ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông cục bộ.

Mưa to, dông lốc kèm mưa đá gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong 

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, chiều và đêm 20/4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa, mưa đá, dông lốc, sét cục bộ tại thành phố Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Cao phong, Lương Sơn. Tại một số điểm có mưa to như: Tiến Sơn (Lương Sơn) 34,4 mm, Độc Lập (TP Hòa Bình) 32,2 mm, Tân Pheo (Đà Bắc 21,8 mm), Xuân Phong (Cao Phong) 15,6 mm... Mưa đá, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong.

Sét đánh cháy rừng ở xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi

Trận mưa đá tối 20/4 đã gây cháy rừng tại khu đồi Cằn Kẻo, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi.

Hà Nội, Hòa Bình xuất hiện mưa đá

Nhiều quận huyện ở Hà Nội và Hòa Bình xuất hiện mưa giông lớn kèm mưa đá, hạt đá to bằng đầu ngón tay, nhanh chóng tan khi tiếp đất.

Thời tiết ngày 20/4: Nắng nóng nhiều nơi trên cả nước, mưa dông vào chiều tối

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/4, Tây Bắc Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt, với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 35-40%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục