(HBĐT) - Cá ngần hay còn gọi là cá tuyết trên lòng hồ sông Đà là loại đặc sản. Cá rất hiếm, chỉ xuất hiện một lần vào khoảng tháng 5 - 6 dương lịch. Vì vậy, loại cá này không nhiều và chỉ có dân sành ăn mới săn tìm.


Cá ngần sông Đà được bày bán tại chợ Nghĩa Phương (thành phố Hòa Bình). 

Theo các ngư phủ trên hồ Hòa Bình, cá ngần là loại cá sạch. Mùa này, cá bơi thành từng đàn như cá mương, đánh bắt rất khó vì thấy động là chúng rẽ nước, tản ra mất tăm, khi yên ả mới tụ thành đàn bơi lội. Phải là người có kinh nghiệm sông nước mới có thể đánh bắt. Mỗi lần đơm lưới cũng được dăm ba cân. Loài cá này có cơ thể rất lạ, toàn thân trong suốt hay trắng muốt, mắt cá như hạt vừng đen nhánh, chỉ có 1 hàng vẩy trước vây hậu môn. Đầu của chúng nhọn và có nhiều răng. Thời gian đầu hè - thời điểm nước hồ chuyển màu hoa mơ, chúng thường bơi ngược dòng nước để đẻ trứng. Cá ngần hay họ cá ngân (danh pháp khoa học: Salangidae) là một họ cá trong bộ Osmeriformes, có quan hệ họ hàng gần với cá ốt me, được tìm thấy chủ yếu trong môi trường nước ngọt và nước lợ tại Đông á (Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Xibia) và Việt Nam. Cá trưởng thành được coi là duy trì tình trạng ấu nhi (neoteny), giữ lại một số đặc trưng của cá non. Xương cá chủ yếu là chất sụn. Cá ngần được sử dụng làm thực phẩm ở dạng cá khô hay chả cá. Loại cá này không nuôi được, chỉ sống trên sông nên giá khá đắt khoảng 100.000 - 120.000 đồng /kg nhưng vẫn được các bà nội trợ "săn lùng”.

Cá ngần có thể chế biến nhiều món như: rang (tẩm ướp vừa đủ, có lá lốt, lá sung, lá nhội hay lá gừng gói) chấm tương ướt hoặc nước mắm, ăn có vị dai ngọt (như cá mực) thơm ngon; có thể chao qua mỡ, dầu, khi đã tẩm ướp, cá ròn, có độ dai, thơm ngậy, quấn lá bưởi, lá lốt, trở thành món nhậu khoái khẩu không thể bỏ qua. Những ngày hè ỏi ả, cá ngần nấu canh chua cũng thật tuyệt. Cá không tanh, vị ngọt, mát có tác dụng giải nhiệt rất tốt… Người dân vẫn kháo nhau, cá sông Đà là an toàn, nhưng cá ngần an toàn hơn cả vì chúng tụ nơi nước chảy thượng nguồn, ăn rong rêu, phù du, cây cỏ, thế nên thịt trắng trong, ăn thơm ngon lạ kỳ. Món ăn chế biến từ cá ngần có thể chữa được nhiều bệnh như giảm mỡ máu, tốt cho tim mạch, điều hòa huyết áp, đầu óc minh mẫn, sảng khoái. Cá nấu canh chua với lá cây rừng, thanh nhiệt, giải độc, xua tan mệt nhọc… Cá ngần bán rất chạy ở các chợ tại thành phố Hòa Bình và Hà Nội. Loại cá này muốn mua nhiều cũng chẳng có, may mắn đặt hàng cũng chỉ được vài chục cân và chỉ những người sành ăn mới mong có điều kiện thưởng thức.

Xác định cá ngần là loại cá hiếm trên hồ Hòa Bình, hiện, người dân đang tổ chức khai thác quá mức cho phép. Nhằm bảo vệ loài cá quý hiếm này, mới đây, Sở NN &PTNT đã khuyến cáo các địa phương, tổ chức, cá nhân không áp dụng các biện pháp khai thác tận thu, tận diện loài cá này nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản một cách bền vững.

                                                                                  L.C


Các tin khác


Sức sống trên dòng Đà Giang

Bài 1 - Chuyển giao sứ mệnh

(HBĐT) - Đà Giang - sông Đà vốn hoang sơ, hùng vĩ và nổi tiếng với những dòng thác oai linh. Từ khi có bàn tay, khối óc của con người đắp đập, ngăn sông, trị thủy để tích nguồn điện sáng, dòng sông Đà không còn hung dữ. Nhưng, dòng Đà Giang vẫn chảy, bồi lấp những vạt phù sa màu mỡ với nhiều nguồn sống sinh sôi.     

Đá Bia - một ngày không... wifi

(HBĐT) - Đá Bia (nay là xóm Đức Phong) - điểm du lịch cộng đồng thuộc xã Tiền Phong (Đà Bắc) không chỉ có núi non hùng vĩ, sông nước hữu tình, con người thân thiện, hiền hòa mà còn có điều đặc biệt, giờ không ở mấy đâu có...

Lưu giữ miền ký ức thác Bờ - phố Bờ xưa

(HBĐT) -Nhà văn Lê Va, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh, người nặng lòng với quá khứ, có mặt tại chợ Bờ từ những năm 70 của thế kỷ trước, chứng kiến trọn vẹn công cuộc di dân, chuyển huyện khỏi vùng ngập để phục vụ xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Ông luôn đau đáu hoài niệm về sông Đà, phố Bờ xưa. Sau nhiều năm dày công sưu tầm, ông vừa xuất bản tập sách ảnh "Bờ xưa" với 100 trang và hơn 70 bức ảnh thác Bờ, chợ Bờ, phố Bờ thời chưa đắp đập thủy điện Hòa Bình. Cuốn sách giữ lại những bức ảnh, tư liệu quý cho các thế hệ độc giả về những kỷ niệm, ký ức nay đã chìm sâu dưới đáy hồ sông Đà, nối dài quá khứ với hiện tại và tương lai.

Mở rộng những cung đường đến với khu du lịch hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Được ví như một vịnh Hạ Long thu nhỏ, có điểm nhấn là quần thể di tích tâm linh Thác Bờ, từ nhiều năm qua, hồ Hòa Bình đã trở thành điểm du lịch thu hút du khách. Thực hiện Quyết định số 1528/QĐ-TTg, ngày 1/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030, tháng 6/2017, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU về phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành khu du lịch quốc gia. Từ đây, công tác đầu tư, tôn tạo di tích, phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm nhiều hơn, góp phần mở rộng những cung đường đến với khu du lịch hồ Hòa Bình.

Đánh thức những "Nàng công chúa ngủ quên" ven hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, cảnh quan nguyên sơ, hồ Hòa Bình được ví như "Vịnh Hạ Long trên núi”. Ven hồ Hòa Bình có những xóm, bản như những "nàng công chúa ngủ quên" nằm ẩn mình nơi sông nước mênh mang, núi rừng huyền bí. Mỗi nàng công chúa mang một vẻ đẹp riêng. Sau giấc ngủ dài, bản Ngòi, xã Ngòi Hoa - nay là xã Suối Hoa (Tân Lạc), xóm Ké, xã Hiền Lương (Đà Bắc) hay xóm Đá Bia - nay là xóm Đức Phong và xóm Mó Hẻm - nay là xóm Đoàn Kết (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc)... được đánh thức trước sự ghé thăm của du khách trong và ngoài nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục