(HBĐT) - Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của tỉnh đã có bước tiến quan trọng, các giải pháp phòng ngừa được thực hiện đồng bộ, nhất là việc công khai, minh bạch hoạt động của bộ máy Nhà nước, cải cách hành chính (CCHC), quản lý, sử dụng tài sản công... 



Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh luôn cố gắng vì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về PCTN đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị được chú trọng, đã làm thay đổi nhận thức, hành động của đội ngũ cán bộ, không có vụ án tham nhũng mới phát sinh.

UBND tỉnh đã cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của T.Ư và thực tiễn công tác PCTN ở tỉnh để ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN đảm bảo kịp thời, đầy đủ nội dung theo quy định. Xác định nhiệm vụ trọng tâm của Luật PCTN năm 2018 là xây dựng một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, qua đó góp phần xây dựng cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch để "không thể tham nhũng”, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động theo đúng quy định. Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành nghiêm túc triển khai việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, trong đó thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Triển khai và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 142/KH-UBND, ngày 29/7/2019 của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp (DN) trong giải quyết công việc.

Bên cạnh đó, để phòng ngừa tham nhũng, một trong những biện pháp được UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường thực hiện là chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn và thực hiện CCHC. 6 tháng đầu năm nay, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã thực hiện chuyển đổi 112 vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC). Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 16 quyết định công bố 271 thủ tục hành chính (TTHC), trong đó, công bố mới 182 TTHC; sửa đổi, bổ sung 39 TTHC; bãi bỏ, hủy bỏ 50 TTHC. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục được duy trì tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả 10 huyện, thành phố và 100% đơn vị cấp xã, góp phần tích cực vào việc cải cách TTHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước các cấp.

Ngoài ra, việc thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được siết chặt. Từ đầu năm đến nay, có 898 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Có 8.331 người phải kê khai tài sản, thu nhập lần đầu, trong đó, 33 người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên thuộc diện kiểm soát của Thanh tra Chính phủ; 8.298 người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập thuộc kiểm soát của Thanh tra tỉnh. 8.325 người đã kê khai tài sản, thu nhập lần đầu, chiếm 99,93%.

Các cơ quan thanh tra đã tiến hành 33 cuộc thanh tra, hoàn thiện 1 cuộc thanh tra đột xuất năm 2020 chuyển sang, ban hành kết luận đối với 7 cuộc thanh tra. Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi nộp NSNN 27,322 triệu đồng, yêu cầu giảm trừ khi thanh toán 24,892 triệu đồng; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 1 tổ chức trong lĩnh vực đất đai và truy thu tiền thuê đất theo quy định, yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm 4 tập thể, 8 cá nhân. Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan điều tra Công an tỉnh đã điều tra 4 vụ án tham nhũng từ kỳ trước chuyển sang với 7 bị can. Tổng số tiền, tài sản tham nhũng phát hiện trên 359,4 triệu đồng; thu hồi tài sản tham nhũng trên 348,4 triệu đồng.

Đặc biệt, để góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, công tác PCTN trong DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước được chú trọng. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 187/KH-UBND, ngày 28/12/2020 về thực hiện công tác PCTN năm 2021, trong đó tập trung vào việc phát huy vai trò của DN, Hiệp hội DN, Hiệp hội ngành nghề trong PCTN, thực hiện văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng; phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, phát hiện kịp thời hành vi nhũng nhiễu; rà soát, tổng hợp những vướng mắc trong quá trình đầu tư, hoạt động SX-KD, đặc biệt là các TTHC gây khó khăn, phiền hà và khó thực hiện, kiến nghị UBND tỉnh có hướng xử lý.

Đồng chí Nguyễn Văn Trường, Chánh Thanh tra tỉnh cho biết: "Thanh tra tỉnh và Hiệp hội DN tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin, kiến nghị, phản ánh về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và PCTN nhằm hỗ trợ DN, nhà đầu tư có môi trường kinh doanh lành mạnh; kịp thời tiếp nhận thông tin và xử lý nghiêm CB, CC, VC có hành vi nhũng nhiễu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết các TTHC cho người dân, DN, nhà đầu tư nhằm đẩy lùi, ngăn chặn hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức của DN, góp phần cải thiện môi trường đầu tư”. Về nội dung này được ông Hà Trung Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh khẳng định: "Hai năm gần đây, Thanh tra tỉnh và Hiệp hội DN có sự phối hợp chặt chẽ qua việc ký kết quy chế phối hợp đã mang lại hiệu quả tốt. Qua công tác thanh tra đôn đốc, nhắc nhở những mặt còn hạn chế, sai sót để kịp thời uốn nắn, khắc phục, giúp DN hoạt động SX-KD tốt hơn và đúng với quy định của pháp luật”.


Thu Hiền

Các tin khác


Không lạc lối trong không gian mạng

Giờ đây, trên tay ai hầu như cũng đều có điện thoại thông minh (smartphone). Cũng chỉ cần có vậy là bất cứ ai, khi nào, ở đâu đều có thể truy cập internet, "sống” trong không gian mạng. Thời đại công nghệ phát triển và chuyển đổi số, việc tiếp cận thông tin chưa bao giờ dễ dàng như hiện nay. 

Vạch trần các hoạt động lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo gây mất an ninh trật tự ở nước ta

Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, được quy định cụ thể trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật nước ta.

Phản bác luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị cuốn sách của Tổng Bí thư

Ngay khi cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt bạn đọc, thông qua mạng Internet, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, zalo, blog, telegram, twitter…, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị đã cố tình xuyên tạc, phủ nhận ý nghĩa và giá trị của cuốn sách nhằm phủ nhận những kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam.

Đừng để văn hóa nước nhà lâm nguy trước làn sóng sùng ngoại, lai căng

Một trong những nguy cơ lớn nhất đối với các quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa, trong đó có Việt Nam, là nguy cơ mai một, mất bản sắc văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ dễ bị choáng ngợp, thậm chí bị "mù màu” trước các làn sóng văn hóa ngoại lai xâm nhập, từ đó thiếu tỉnh táo suy xét, nhận biết, phân biệt đúng-sai, hay-dở, tốt-xấu, cao thượng-thấp hèn và bị hòa lẫn vào cái ma trận văn hóa mà người ta gọi là sùng ngoại, lai căng.

Phát biểu của Tổng Bí thư về công tác nhân sự có ý nghĩa chiến lược, gắn liền với sự phát triển của đất nước

Tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban đã phát biểu: "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng".

Kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch

Nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta kiên quyết đấu tranh với các tổ chức, cá nhân có hành vi lan truyền, tiếp tay, cổ súy những quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ. Đồng thời, những biểu hiện thờ ơ, vô cảm, né tránh không dám đấu tranh với các quan điểm xấu, độc cũng cần được nhận diện và lên án vì những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục