(HBĐT) - Đường về xã Yên Thượng (Cao Phong) vẫn ngoằn ngoèo, nhiều dốc nhưng đã được nâng cấp, đi lại thuận lợi hơn, đem lại cho xã vùng cao này diện mạo mới. Trên những triền đồi xưa kia là ngô, sắn hay ở những cánh đồng lúa 1 vụ nay được phủ sắc xanh của cam, bưởi và mía. Đó là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân xã Yên Thượng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế.


Thực hiện chuyển ruộng 1 vụ không ăn chắc và diện tích đất đồi sang trồng mía đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, giúp nông dân xã Yên Thượng (Cao Phong) từng bước XĐ-GN.

 

Yên Thượng là xã vùng 135 của huyện Cao Phong, cách trung tâm huyện gần 20 km. Xã có 12 xóm, 606 hộ, trên 2.500 nhân khẩu, bà con dân tộc Mường chiếm 99,8%. "Là xã vùng cao, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, chúng tôi rất trăn trở để tìm cho mình hướng đi phù hợp, khai thác được thế mạnh, lợi thế. Ba năm trước, chúng tôi đã mạnh dạn đưa cây mía trắng ép nước vào trồng thí điểm, kết quả đem lại rất khả quan. Cây mía to, dóng dài và ngọt hơn cả mía ở các xã lân cận. Từ đó, trong Nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, Yên Thượng xác định, cùng với trồng cây có múi, cây mía là cây trồng chủ lực giúp nông dân thoát nghèo”, đồng chí Bùi Minh An, Bí thư Đảng ủy xã cho biết.

Từ 10,5 ha (năm 2012), đến năm 2015, diện tích trồng mía ở xã Yên Thượng đã tăng trên 62 ha. Đến nay, con số này tăng lên 100 ha. "Do đồng đất phù hợp nên cây mía trắng không cần đầu tư, công chăm sóc quá nhiều như cây mía tím. Giá bán tương đối ổn định, năm 2016, bình quân bán tại vườn 7.000 đồng/cây, có thời điểm cao nhất được 8.700 đồng/cây. Như vậy, so với trồng lúa, hiệu quả kinh tế mà cây mía đem lại cao hơn nhiều. Trước đây, để trong một năm thu được 30 – 40 triệu đồng rất khó khăn. Từ khi trồng mía, nhiều hộ thu trên 100 triệu đồng. Một số hộ thu trên 200 triệu đồng/vụ, làm nhà cửa khang trang. Cũng nhờ trồng mía, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, riêng năm 2016, giảm gần 8%”, đồng chí Bí thư Đảng ủy cho biết thêm.

Những hộ thu được trên 200 triệu đồng/vụ như: Bùi Văn ỏn, Bùi Văn Khuê (xóm Bãi Thoáng) hay Bùi Văn Tư, xóm Bãi Sét. Gia đình ông Bùi Văn ỏn đã trồng mía nhiều năm qua với diện tích gần 1 ha. Nhờ chịu khó làm ăn và trồng mía, gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định, xây được căn nhà giá trị trên 1 tỷ đồng. ông ỏn cho biết: "Trước khi chuyển sang trồng mía, gia đình chủ yếu trồng sắn nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau này, phá các đồi tre, bương để trồng mía. Nhìn chung, cây mía trắng đem lại nguồn thu nhập ổn định và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng trên này”.

Cùng đồng chí Bùi Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND xã đến thăm cánh đồng mía bạt ngàn ở xóm Bãi Thoáng. Theo chia sẻ của bà con, vụ này mía không tốt bằng vụ trước nhưng với chúng tôi, mía ở Bãi Thoáng có màu vàng óng, bắt mắt, cây to và dóng dài. Là một trong những hộ bán mía sớm, ông Bùi Văn Ngợi đang vun xới làm đất để trồng vụ mới. "Trước đây, trồng 1 vụ lúa chỉ được khoảng 2 tạ thóc thôi. Chuyển qua trồng mía như vụ vừa rồi được 17 triệu đồng, tính ra thóc được 2 - 3 tấn rồi”. Cùng với gia đình ông Ngợi, một số bà con ở xóm Bãi Thoáng và xóm khác đã bắt đầu bán mía với giá dao động từ 5.500 - 6.000 đồng/cây.

Ngoài chú trọng trồng mía, xã Yên Thượng cũng tích cực chuyển đổi đất đồi sang trồng cam, bưởi. Hiện, xã đã trồng trên 40 ha, trong đó, hơn 30 ha đã cho thu hoạch. "Để chuyển đổi cơ cấu kinh tế hiệu quả, trước hết, Yên Thượng chú trọng đảm bảo an ninh lương thực. Trong đó, 70 ha ruộng 2 vụ tập trung chuyên canh cây lúa. Xã sẽ chuyển đổi các diện tích đất có tiềm năng sang trồng mía và cây có múi, coi đây là hướng đi chính trong XĐ-GN, nâng cao thu nhập cho người dân”, đồng chí Bùi Minh An, Bí thư Đảng ủy xã Yên Thượng nhấn mạnh.

 

                                                                                       Viết Đào

 

Các tin khác


Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Triển vọng nghề nuôi dê núi ở vùng cao Đà Bắc

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về bãi chăn thả, nguồn thức ăn, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Đà Bắc chú trọng chuyển đổi từ nuôi trâu, bò sang nuôi dê. Với ưu điểm "chỉ ăn cỏ, uống nước lã”, nuôi dê trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục