(HBĐT) - Dấu hỏi lớn đặt ra sau 7 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện nghèo Đà Bắc. Càng quan ngại hơn khi giờ đây, sau đợt mưa lũ lịch sử hồi tháng 10/2017, NTM ở huyện vùng cao này gần như trở lại vị trí ban đầu.


Đoạn ngầm Suối Trầm, xã Tân Minh (Đà Bắc) được đầu tư tu sửa khắc phục hậu quả đợt thiên tai lịch sử hồi tháng 10/2017, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

So với các xã dọc đường tỉnh 433, xã Mường Chiềng có điều kiện KT-XH phát triển hơn, tuy nhiên, sau trận lũ khủng khiếp, thực trạng hạ tầng NTM trở nên gian nan hơn bao giờ hết. Nhiều tuyến đường liên xã, cầu, cống, các công trình thủy lợi bị lũ quét phá hủy. Cây cối, hoa màu và nhiều diện tích lúa đang trong thời kỳ cho thu hoạch cũng bị lũ cuốn gần hết. Đời sống người dân vô cùng khó khăn, giao thông ách tắc, lương thực phải chờ cứu trợ. Hơn 50 gia đình lâm vào tình cảnh bị mất nhà cửa do lũ quét, sạt lở đất, tập trung ở các xã: Tân Pheo, Mường Tuổng, Suối Nánh, Đoàn Kết, Đồng Nghê, Yên Hòa, Tiền Phong, Mường Chiềng, Giáp Đắt, Đồng Chum và Đồng Ruộng. Chưa kể việc học hành, chăm sóc sức khỏe, thông tin liên lạc của người dân bị ngưng trệ do công trình trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc… bị mưa lũ làm cho hư hỏng.

Thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề đối với huyện nghèo Đà Bắc với 6 người chết, 5 người mất tích, 9 người bị thương. Về nhà ở, có 51 nhà dân bị sập hoàn toàn; lũ cuốn, sạt lở đất vào 325 nhà, buộc di dời người và tài sản khẩn cấp 211 hộ khỏi vùng nguy hiểm. Về tài sản của nhân dân đã trôi 2 ô tô, 36 xe máy, chìm 17 thuyền và 15 lồng cá, chết 67 con trâu, 134 con bò, 15 con ngựa, 247 dê, 443 con lợn, trên 7.600 con gia cầm. Sản xuất nông nghiệp thiệt hại 355 ha lúa, 206 ha ngô, 57 ha sắn, 10 ha cây màu khác, 57,53 ha cây lâm nghiệp, gần 74 ha ruộng bị đất, đá vùi lấp…

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM càng khó nhọc chồng chất khi gần như toàn bộ các công trình giao thông, thủy lợi, hạ tầng điện, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc bị thiệt hại và ảnh hưởng. Các tuyến đường bộ bị sạt lở nghiêm trọng, hàng trăm vị trí sạt lở, ngầm, cống, mặt đường bị cắt đứt trên đường tỉnh 433. Các đường liên xã từ xóm Nhạp đi xóm Hà – xã Đồng Chum, từ xóm Mọc đi các xóm Nghê, Dăm, Lài – xã Đồng Nghê, từ xóm Đắt 1 đi các xóm Đắt 4, Thu Lu – xã Giáp Đắt, từ xóm Thín đi xóm Lau Bai – xã Vầy Nưa…bị phá hủy. Những tuyến đa mục tiêu đang thi công như đường từ UBND xã Tân Pheo đi xóm Thùng Lùng cũng bị sạt lở, xói lở lề đường, bong bật xói vỡ rãnh xây thoát nước, sạt 2 bên mang cống, sân tràn chân khay. Hồ Cháu, hồ Thảng – xã Tu Lý, hồ Nà Rồng – thị trấn Đà Bắc, hệ thống bai mương, nước sinh hoạt tại nhiều xã bị phá hỏng hoàn toàn, nhiều công trình bị cuốn trôi, vùi lấp đất, đá không thể khắc phục.

Con số thống kê cụ thể phần nào nói lên những thiệt hại khó gắng gượng và còn rất lâu nữa mới có thể khắc phục đối với sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung, chương trình xây dựng NTM nói riêng với thiệt hại về nhà ở 15 tỷ đồng, chăn nuôi 6,34 tỷ đồng, thủy sản 2,86 tỷ đồng, nông nghiệp 13,72 tỷ đồng, giao thông 57 tỷ đồng, hồ đập và công trình thủy lợi 44,55 tỷ đồng, nước sinh hoạt 11,62 tỷ đồng, điện 8 tỷ đồng, trường học và các công trình khác 15,5 tỷ đồng, tài sản của người dân 3,1 tỷ đồng, thiệt hại của doanh nghiệp 72 tỷ đồng. Tổng giá trị thiệt hại xấp xỉ 250 tỷ đồng.

Theo đồng chí Xa Đức Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc, mỗi năm, từ các chương trình, dự án lồng ghép đầu tư xây dựng NTM đã vượt con số hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng sau mưa lũ lịch sử hồi tháng 10/2017, chương trình vốn đã nhiều trở ngại trong quá trình triển khai thực hiện càng bị tác động bởi lực cản nặng nề hơn. Trong năm 2017, tổng nguồn vốn huy động của các chương trình, dự án trên 151,7 tỷ đồng, trong đó vốn chương trình NTM xấp xỉ 13,5 tỷ đồng, vốn lồng ghép trên 135 tỷ đồng và vốn nhân dân góp 2,4 tỷ đồng. Hầu hết các công trình đều bị ảnh hưởng và thiệt hại do mưa lũ. Đến thời điểm hiện nay, bài toán khắc phục, sửa chữa về lâu dài còn lắm gian nan.

Với nguồn kinh phí mỗi năm từ 10 - 12 tỷ đồng từ chương trình xây dựng NTM năm 2017 đầu tư trực tiếp về hạ tầng nông thôn "chẳng thấm vào đâu” với nhu cầu đặt ra trong chương trình, càng không đủ làm gì để giải quyết những thiệt hại ngổn ngang mà những ngày qua người dân trên địa bàn gánh chịu. Việc huy động vốn xã hội hóa từ cộng đồng cũng rất khó bởi sức dân. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM huyện Đà Bắc về đâu khi tính đến thời điểm này, đây là huyện duy nhất của tỉnh chưa có xã về đích NTM, chưa có xã nào đạt tiêu chí về hộ nghèo và chỉ duy nhất xã Tu lý đạt được tiêu chí về thu nhập 100% số xã chưa đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa?!

 Bùi Minh

Các tin khác


Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Triển vọng nghề nuôi dê núi ở vùng cao Đà Bắc

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về bãi chăn thả, nguồn thức ăn, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Đà Bắc chú trọng chuyển đổi từ nuôi trâu, bò sang nuôi dê. Với ưu điểm "chỉ ăn cỏ, uống nước lã”, nuôi dê trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục