(HBĐT) - Trên địa bàn huyện Lương Sơn hiện có 2 doanh nghiệp Nhà nước sau khi cổ phần hoá có quản lý, sử dụng diện tích đất phi nông nghiệp tại địa phương gồm: chi nhánh Công ty cổ phần Công nghệ phẩm (CNP) Hòa Bình và chi nhánh Công ty cổ phần Lương thực (CPLT) Hà Sơn Bình. Qua đánh giá, hiện nay, các doanh nghiệp này đều nắm giữ diện tích đất ở những vị trí thuận lợi nhưng không phát huy được hiệu quả...


Khu đất "vàng” của Công ty cổ phần công nghệ phẩm Hoà Bình nắm giữ tại tiểu khu 8, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) nhiều năm qua không phát huy hiệu quả, cơ sở vật chất xuống cấp.

Lãng phí đất "vàng”

Theo Hợp đồng số 91/HĐTĐ ngày 01/10/2012 giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với Công ty CPLT Hà Sơn Bình thì công ty được thuê 3.312,3m2 tại tiểu khu 8 thị trấn Lương Sơn với mặt tiền hàng chục mét ngay sát tuyến Quốc lộ 6A để làm cơ sở sản xuất, kinh doanh (SX- KD). Thời hạn thuê đất đến hết ngày 20/11/2056.

Theo Báo cáo số 56, ngày 26/3/2018 của Công ty CPLT Hà Sơn Bình, từ khi được thuê đất, Công ty đã sử dụng đúng mục đích toàn bộ 3.312,3m2. Trên diện tích này, Công ty không cho thuê, không cho mượn, không có lấn chiếm, tranh chấp hay liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư. Công ty cũng không tổ chức giao khoán cho các tổ chức, cá nhân. Toàn bộ diện tích này đã được sử dụng đúng mục đích và đảm bảo phương án, bao gồm xây dựng nhà làm việc, ki - ốt bán hàng, kho chứa hàng, lò sấy nông sản và cân điện tử. Hàng năm, Công ty tổ chức thu mua nông sản (sắn, ngô) cho người dân quanh vùng và vùng Tây Bắc. Kho chứa được từ 2.000 – 3.000 tấn hàng luân chuyển liên tục trong mùa vụ bán cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi...

Tuy nhiên, mới đây qua kiểm tra thực tế thì việc quản lý, sử dụng diện tích "đất "vàng” của Công ty không giống như báo cáo. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhà kho xuống cấp, văn phòng giao dịch, lò sấy nông sản, kho bãi qua một thời gian dài không hoạt động, cơ sở vật chất xuống cấp, nhếch nhác; sân bãi từ lâu đã được người dân tận dụng để dựng rạp... đám cưới.

Lý giải về hiện trạng này, theo bà Từ Tố Uyên, Phó phòng Kế hoạch - Đầu tư Công ty CPLT Hà Sơn Bình thì: "Hiện trạng như hiện nay là do Công ty đang sửa chữa, nâng cấp”... Tuy nhiên, theo UBND huyện Lương Sơn đánh giá, trong quá trình thuê đất tại địa phương, Công ty CPLT Hà Sơn Bình chưa có kế hoạch để sử dụng đất phù hợp, hiệu quả. Còn để đất cho các hộ dân, cán bộ công nhân viên (cũ) mượn không có giấy tờ từ năm 2005 đến nay và kho (cũ) chứa hàng nông sản xây dựng từ những năm 1975 chưa được sửa chữa, nâng cấp...

Không chỉ Công ty CPLT Hà Sơn Bình mà Công ty cổ phần CNP Hoà Bình mặc dù đã giải thể hoạt động tại chi nhánh Lương Sơn nhưng theo ông Hoàng Văn Việt, Phó Giám đốc Công ty, hiện nay, Công ty vẫn 239,5 m2 đất nằm ngay trên tuyến Quốc lộ 6 thuộc tiểu khu 8, thị trấn Lương Sơn. Do không còn hoạt động nên Công ty đã cho cán bộ nhân viên trực tiếp quản lý, kinh doanh.

Đánh giá về hiệu quả sử dụng đất của Công ty trên, UBND huyện Lương Sơn nêu rõ: Hiệu quả sử dụng đất của Công ty thấp. Các gian nhà xây dựng từ năm 1960 đến nay đã cũ, hỏng nát và cho thuê một số gian nhà để bán hàng ăn uống gây ô nhiễm môi trường, xấu cảnh quan của huyện.

Sử dụng không hiệu quả nhưng không có phương án khả thi

Mặc dù đang nắm giữ những khu đất "vàng” có giá trị, tiềm năng kinh doanh cao nhưng trong nhiều năm qua, Công ty cổ phần CNP Hoà Bình và Công ty CPLT Hà Sơn Bình đã không phát huy hiệu quả, thậm chí gần như không hoạt động. Thế nhưng khi làm việc với các ngành chức năng, các Công ty này đều khẳng định có ý định tiếp tục thuê, nắm giữ diện tích đất đang quản lý, sử dụng. Bà Từ Tố Uyên, Phó phòng Kế hoạch - Đầu tư, Công ty CPLT Hà Sơn Bình khẳng định: Hiện nay, Công ty đang nghiên cứu, xây dựng phương án kinh doanh phù hợp. Do vậy, Công ty không có phương án trả lại cho tỉnh diện tích đất 3.312,3m2 mà đơn vị đang quản lý tại thị trấn Lương Sơn.

Còn về phía Công ty Cổ phần CNP Hòa Bình, ông Hoàng Văn Việt, Phó Giám đốc cho biết: Hiện nay, Công ty đang chuẩn bị Đại hội cổ đông, do vậy cũng chưa tập trung nghiên cứu, xây dựng phương án kinh doanh phù hợp. Tới đây, sau khi tổ chức xong Đại hội cổ đông, Công ty sẽ nghiên cứu, xây dựng phương án để cải tạo, nâng cấp đầu tư kinh doanh phù hợp với thực tế tại địa phương cũng như cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phù hợp với quy hoạch của huyện.

Về vấn đề này, đồng chí Bùi Văn Dậu, Bí thư Huyện ủy Lương Sơn nêu rõ quan điểm: Do hiện nay Công ty cổ phần CNP Hòa Bình đã giải thể chi nhánh Lương Sơn. UBND tỉnh vừa thu hồi một phần diện tích đất cho Công ty thuê để giao cho Chi nhánh Ngân hàng BIDV xây dựng trụ sở làm việc. Vì vậy, diện tích đất của Công ty cổ phần CNP Hòa Bình ở Lương Sơn chỉ còn gần 240 m2. Dù ở vị trí mặt tiền có giá trị kinh doanh nhưng trên thực tế, hiệu quả sử dụng đất của Công ty còn thấp. Cảnh quan xuống cấp, nhếch nhác. Đề nghị Công ty có phương án sử dụng hiệu quả, cải tạo lại cảnh quan phù hợp với quy hoạch của huyện. Nếu Công ty không có nhu cầu sư dụng thì đề nghị tỉnh thu hồi cho các hộ dân đấu giá để sử dụng theo quy hoạch của huyện, giảm bớt gánh nặng cho Công ty khi làm nghĩa vụ với Nhà nước.

Còn đối với Công ty CPLT Hà Sơn Bình, đồng chí Bí thư Huyện ủy Lương Sơn nêu kiến nghị: Mặc dù được tỉnh cho thuê đất với diện tích lớn, ở vị trí thuận lợi cho việc đầu tư, kinh doanh nhưng trong nhiều năm qua, việc sử dụng đất của Công ty trên địa bàn huyện không hiệu quả, gây lãng phí. Một số diện tích sử dụng không đúng mục đích, bỏ hoang hóa; nhà kho đã lâu không hoạt động. Cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, nhếch nhác, những cam kết về đảm bảo môi trường, phòng cháy, chữa cháy Công ty không thực hiện. Do vậy, đề nghị UBND tỉnh thu hồi giao cho các đơn vị để có phương án sử dụng hiệu quả hơn.

Từ thực tế nêu trên, có thể thấy, các doanh nghiệp Nhà nước sau khi được cổ phần hóa mặc dù đã được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ tích cực trong việc bố trí mặt bằng, cho thuê đất SX-KD. Tuy nhiên, do chưa có phương án phù hợp nên các đơn vị này không phát huy được giá trị của đất tạo nên giá trị gia tăng. Ngược lại, hầu hết diện tích đất của các doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đều trở thành "bất động” đã gây ra sự lãng phí lớn. Bởi nguồn thu cho ngân sách Nhà nước không chỉ trông vào nguồn thu thuế đất hàng năm của doanh nghiệp, ở đây cần có sự đầu tư, kế hoạch SX-KD một cách phù hợp để doanh nghiệp phát triển góp phần cùng với các thành phần kinh tế của địa phương tạo động lực cho sự phát triển chung của xã hội.

 

Mạnh Hùng

Các tin khác


Nông dân lao đao vì giá lợn hơi sụt giảm

(HBĐT) - Sau nhiều kỳ vọng sự ấm lên của thị trường tiêu thụ lợn, đến nay, giá lợn hơi vẫn chưa có dấu hiệu tăng, thậm chí tiếp tục đà giảm. Thời điểm này, sau mỗi lứa lợn bán ra, thứ mà người nông dân thu lại là những hẫng hụt, trăn trở...

 Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng nông sản

(HBĐT) - Mã số vùng trồng (MSVT) là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành NN&PTNT và các địa phương trong tỉnh đã chủ động, tích cực hướng dẫn người dân xây dựng MSVT.

Tăng trưởng xanh trông vào nguồn vốn tư nhân

Dự kiến từ nay đến năm 2030 ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng tối đa 30% nhu cầu vốn tăng trưởng xanh cho doanh nghiệp. Do đó, cần có cơ chế thúc đẩy chương trình tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các công cụ tài chính xanh.

Trao bằng bảo hộ và chứng nhận nhãn hiệu “Rượu Mai Hạ”

(HBĐT) - Ngày 28/3, tại xã Mai Hạ, UBND huyện Mai Châu tổ chức lễ công bố, trao bằng bảo hộ và chứng nhận nhãn hiệu (CNNH) "Rượu Mai Hạ” cho sản phẩm rượu của huyện Mai Châu.

Ngành Ngân hàng kết nối hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất – kinh doanh

(HBĐT) - Những năm qua, ngành Ngân hàng tỉnh Hòa Bình đã chủ động, tích cực đầu tư vốn tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế, đặc biệt là đáp ứng các nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh (SX-KD) của  doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.

WB cảnh báo về triển vọng kinh tế toàn cầu đến năm 2030

WB cho biết GDP của kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trên diện rộng và việc không thể đảo ngược quá trình này sẽ tác động sâu sắc đến khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm đói nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục