Với việc lọt vào nhóm 30 nước đứng đầu về khả năng tiếp cận tín dụng theo công bố của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam từng bước được cải thiện và nâng cao. Ðể duy trì chỉ số này cũng như hướng tới các chỉ tiêu nhằm tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay, đòi hỏi những nỗ lực của không riêng ngành ngân hàng.

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Maritime Bank.

Mở rộng khả năng tiếp cận

Ðánh giá của WB cho thấy, chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam xếp thứ hạng 29 trong số 190 nền kinh tế được khảo sát, đạt 75 trên 100 điểm, cao hơn mức trung bình của nhóm các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và khu vực Ðông Á - Thái Bình Dương. So sánh với năm 2017, chỉ số này đã tăng 5 điểm, cải thiện ba bậc, đóng góp tích cực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, giúp xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc so với năm 2017, đứng vị trí 68 trong tổng số 190 nền kinh tế.

Theo Vụ trưởng Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN) Nguyễn Ðức Long, chỉ số tiếp cận tín dụng là chỉ số tổng hợp đánh giá về sự dễ dàng, thuận lợi của các chủ thể kinh tế khi vay vốn ngân hàng. Chỉ số này không chỉ đánh giá việc doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng mà còn đánh giá cả các khuôn khổ pháp lý để bảo vệ người cho vay, minh bạch thông tin tín dụng qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng thực hiện cho vay an toàn, hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của người đi vay.

Trên cơ sở bám sát các nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, NHNN đã tích cực tổ chức triển khai nhiều giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng, từng bước cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam. NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất và kiểm soát tỷ giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) bảo đảm cân đối vốn, kịp thời hỗ trợ vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ giảm chi phí vay vốn cho các doanh nghiệp.

Hành lang pháp lý cũng đã được thực hiện trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, Nghị quyết số 42/2017/QH14, nhất là cơ chế do NHNN ban hành… tạo cơ sở pháp lý xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, các khoản nợ của các TCTD, bảo đảm quyền lợi người vay cũng như thực hiện Ðề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.

Chỉ số độ sâu thông tin tín dụng cũng đã có sự cải thiện mạnh mẽ từ mức 4/6 năm 2013 lên mức 7/8 hiện nay. Chỉ tiêu duy nhất Việt Nam chưa đạt được liên quan đến việc thông tin tín dụng Việt Nam, ngoài các thông tin của khách hàng vay có quan hệ với các TCTD thì chưa có các thông tin của khách hàng vay quan hệ với các nhà bán lẻ hoặc các công ty cung ứng dịch vụ. Ðể cải thiện tình hình, từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã mở rộng thu thập thông tin từ một số đơn vị ngoài ngành (như Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, hơn 30 tổ chức tự nguyện), qua đó làm phong phú thêm kho dữ liệu của CIC. Cụ thể, theo Tổng Giám đốc CIC Ðỗ Hoàng Phong, nguồn thông tin của CIC đã mở rộng tới tất cả các TCTD, kể cả các tổ chức có quy mô nhỏ như Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và các tổ chức ngoài ngành. Tính đến nay, tổng số khách hàng vay lưu trữ đã đạt hơn 36,6 triệu, độ sâu thông tin là 7/8 điểm, độ phủ thông tin là 51% trên số người trưởng thành, cao hơn khu vực Ðông Á - Thái Bình Dương và nhóm các nước OECD. Số lượng sản phẩm dịch vụ cung cấp cho NHNN và các TCTD đã đạt hơn 18 triệu báo cáo năm 2017 và hơn 10 triệu báo cáo trong sáu tháng đầu năm vừa qua. Từ tháng 7-2017, CIC chính thức cung cấp sản phẩm xếp hạng tín dụng doanh nghiệp theo mô hình tiêu chuẩn quốc tế.

Nỗ lực rút ngắn khoảng cách

Ðể duy trì cũng như nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng vẫn là cả một chặng đường dài phía trước. Cùng với đó là bài toán đưa chỉ số tiếp cận tín dụng theo cách tiếp cận của Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF (hay còn gọi là "Sự dễ dàng, thuận lợi trong việc tiếp cận vốn vay”) lên vị trí 40. Ðây là một khoảng cách khá xa so với hiện tại là 69/137, dù trong vòng hơn hai năm qua NHNN đã nỗ lực cải thiện 19 bậc, với điểm số 3,9 trên thang điểm 7.

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, kết quả về chỉ số tiếp cận tín dụng cũng như xếp hạng môi trường kinh doanh nói chung của Việt Nam là tích cực, đáng mừng. Nhưng nhìn rộng và sâu hơn, vẫn còn những trăn trở, lo âu và đằng sau là vấn đề chính sách, thực thi. Với khung đánh giá về tiếp cận tài chính của các nước ASEAN mà Việt Nam đang ở vị trí trung bình, ông Võ Trí Thành gợi mở một số chính sách có thể nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và cả sức bật của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp, như khung pháp lý cho địa chính (bao gồm quyền sử dụng đất); quyền của người cho vay; cơ sở vật chất tài chính vi mô, chương trình bảo lãnh tín dụng; cho thuê;... Cũng theo TS Võ Trí Thành, thể chế vẫn đang còn khoảng trống về việc bảo vệ quyền lợi người cho vay. Ðơn cử như Nghị quyết số 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu, tuy đã giải tỏa rất nhiều nút thắt song vẫn có bất cập ở một số quy định, như cần sự đồng thuận của chủ tài sản trong xử lý, gây khó khăn cho ngân hàng.

Cũng liên quan đến độ mạnh của các quyền pháp lý - một trong hai thành tố của chỉ số tiếp cận tín dụng mà WB cũng như của WEF đưa ra, theo một số phân tích, đây là chỉ số mà Việt Nam ít có sự cải thiện trong gần 10 năm qua. Năm 2010, chỉ số này của Việt Nam là 8/10, không thay đổi cho tới năm 2014 theo thang điểm cũ, sau đó tiếp tục ở mức 7/12 theo thang điểm mới từ năm 2015 đến năm 2017; năm 2018, chỉ số này mới được cải thiện lên 8/12 do Luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Bốn chỉ số Việt Nam chưa đạt được chủ yếu liên quan quyền lợi pháp lý bảo vệ người cho vay, phản ánh những vướng mắc hiện tại liên quan đến tính minh bạch và hiệu quả của hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm, các cơ sở pháp lý để bảo vệ ngân hàng khỏi những thất thoát các khoản cho vay, tài sản bảo đảm của các khoản vay khi khách hàng bị phá sản.

Tuy nhiên, việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý này thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan. Khi được xử lý, một mặt sẽ cải thiện được chỉ số theo đánh giá của WB, đồng thời sẽ bảo vệ và tạo điều kiện cho các TCTD mạnh dạn mở rộng tín dụng đối với các doanh nghiệp, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp. Do vậy, để tháo gỡ vướng mắc, nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng, cần sự nỗ lực của NHNN, sự vào cuộc của Chính phủ, doanh nghiệp, các TCTD, định chế tài chính, cũng như các bộ, ngành, đơn vị liên quan. 


                                                                                          Theo báo Nhân Dân

Các tin khác


Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục