(HBĐT) - Có một điều đặc biệt, nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ Hòa Bình ở 2 xã Bình Thanh, Thung Nai không chỉ các hộ gia đình có điều kiện kinh tế khá giả mới nuôi. Trong số những hộ tham gia nuôi cá lồng, có hộ hoàn cảnh còn nhiều khó khăn. Nhờ vậy, nghề nuôi cá lồng ở các xã vùng lòng hồ Hòa Bình của huyện Cao Phong đang trở thành hướng phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần làm thay đổi cuộc sống người dân...


Sau 3 năm chuyển sang nuôi cá lồng, gia đình anh Nguyễn Xuân Sang ở xóm Mới, xã Thung Nai (Cao Phong) đã mở rộng lên 12 lồng với các loại cá có giá trị cao như lăng, trắm đen...

Đổi thay cuộc sống từ nghề nuôi cá lồng

Xóm Tráng, xã Bình Thanh địa bàn chủ yếu là diện tích mặt nước. Những năm trước, đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào khai thác lâm sản và đánh bắt thuỷ sản. Do vậy, đa phần các hộ đều có hoàn cảnh khó khăn. Tuy vậy, theo đồng chí Lê Thanh Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã thì từ khi phát triển nghề nuôi cá lồng, đời sống người dân ở xóm Tráng đã có sự đổi thay rõ rệt. Nhiều hộ từ chỗ hoàn cảnh khó khăn đã từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Theo thống kê, toàn xã Bình Thanh có 67 lồng cá của 23 hộ nuôi thì xóm Tráng có 20 hộ và 58 lồng cá, chiếm đến 87% số hộ và 86,5% số lồng cá của cả xã. Đáng nói hơn, trong 20 hộ tham gia nuôi cá lồng ở xóm Tráng, nhiều hộ điều kiện kinh tế khó khăn và các hộ thuộc diện cận nghèo. Tuy nhiên, bằng nguồn vốn vay ưu đãi, các chính sách hỗ trợ phát triển nghề nuôi cá lồng của tỉnh, huyện Cao Phong, người dân ở xóm Tráng đã biến tiềm năng về mặt nước thành lợi thế để phát triển nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ.

Theo đồng chí Lê Thanh Quyết, ban đầu chỉ có gia đình anh Đinh Văn Linh mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi cá lồng thương phẩm với các loại cá đặc sản như lăng, ngạnh, nheo, trắm đen. Sau quá trình nuôi, thấy rõ được hiệu quả đem lại, nhiều người trong xóm đã học tập, làm theo. Tiếp sau gia đình anh Linh là gia đình các anh: Nguyễn Văn Thuỷ, Đỗ Văn Thuật, Bùi Mạnh Thảo, Nguyễn Văn Lĩnh... rồi nhiều hộ trong xóm cũng làm. Hộ làm nhiều thì 15 - 20 lồng như gia đình anh Đinh Văn Linh có 12 lồng, gia đình anh Nguyễn Văn Thuỷ 15 lồng, gia đình anh Đỗ Văn Thuật 8 lồng, Bùi Văn Tuấn 8 lồng, Lê Văn Sinh 16 lồng...

Với nghề nuôi cá lồng thương phẩm, mỗi năm đem lại cho các hộ nguồn thu từ 100 - 200 triệu đồng. Đặc biệt, các hộ từ chỗ hoàn cảnh khó khăn như gia đình anh Đỗ Văn Ba, Đinh Văn Tới, Bùi Văn Quyền, Phùng Sinh Hương... đã từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.

Cũng giống như ở Bình Thanh, người dân ở các xóm ven lòng hồ Hoà Bình của xã Thung Nai những năm qua cũng đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng thương phẩm đem lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao. Ví như gia đình anh Nguyễn Xuân Sang xóm Mới. Là đảng viên dám nghĩ, dám làm, trước đây, anh cũng đã mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, do giá cả thị trường bấp bênh, lượng tiêu thụ không ổn định nên gia đình anh chuyển hướng sang đầu tư nuôi cá lồng. Đến nay, thấy rõ hiệu quả đem lại, gia đình anh đã mở rộng từ 3 lồng cá ban đầu nay phát triển lên 12 lồng với các loại cá có giá trị cao như: rô phi đơn tính, lăng, trắm đen... Việc tiêu thụ có nhiều thuận lợi nên trừ chi phí, bình quân mỗi lồng cá cũng cho thu khoảng 20 triệu đồng/năm. Anh Sang chia sẻ: Từ thực tế của gia đình, tôi thấy nuôi cá lồng có hiệu quả kinh tế cao hơn so với chăn nuôi gà, lợn. Ngoài ra, nuôi cá lồng cũng tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương như ngô, sắn và cỏ.

Ngoài gia đình anh Sang, không kể lồng nuôi cá của các doanh nghiệp, hiện cả xã Thung Nai có 186 lồng nuôi cá của 68 hộ ở các xóm ven hồ như: Tiện, Nai và Mới.

Cần hơn nữa chính sách hỗ trợ người nuôi cá tiêu thụ sản phẩm

Nghề nuôi cá lồng đã làm thay đổi cuộc sống người dân vùng lòng hồ Hoà Bình là thực tế đã và đang diễn ra. Để có được những bước chuyển đáng kể, theo đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong là do những năm qua tỉnh, huyện đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ Hoà Bình. Điển hình là Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nuôi cá vùng lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình giai đoạn 2015 - 2020. Từ đó tạo niềm tin, khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư phát triển, mở rộng diện tích, lồng nuôi cá.

Theo đồng chí Bùi Thị Luyến, Phó Chủ tịch UBND xã Thung Nai thì: Về phía địa phương và người dân rất đồng tình với các chính sách hỗ trợ người nuôi cá của tỉnh, huyện. Các chính sách này đã tạo cú huých khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư phát triển, mở rộng diện tích, lồng nuôi cá đảm bảo chất lượng. Tuy vậy, hiện nay, người nuôi cá vẫn gặp một số khó khăn, đáng kể nhất là không có nguồn tiêu thụ, đầu ra ổn định. Từ khi người dân tập trung mở rộng diện tích, lồng nuôi, xã chưa thấy có thương lái hay đơn vị nào đến liên hệ thu mua, bao tiêu sản phẩm. Như hạt ngô, củ sắn người dân làm ra còn có người đến tận nơi hỏi mua nhưng với con cá thì nuôi xong cũng tự người dân tìm mối để tiêu thụ. Do vậy, giá cả không được ổn định.

Chung quan điểm đó, đồng chí Lê Thanh Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thanh cho rằng: Cũng chính vì chưa có đầu ra tiêu thụ ổn định, giá cả bấp bênh phụ thuộc vào thương lái nên nhiều hộ của xã dù rất muốn mở rộng sản xuất nhưng không dám mạo hiểm. Thậm chí, nhiều hộ còn giảm số lồng nuôi như gia đình anh Đinh Văn Linh ở xóm Tráng trước đây đầu tư 20 lồng cá, nay rút xuống còn 12 lồng.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, đồng chí Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Đối với nghề nuôi cá lồng, thời gian qua huyện rất trăn trở trong việc tìm hướng tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Do vậy, chúng tôi đã kiến nghị với tỉnh và các ngành chức năng quan tâm nghiên cứu xây dựng và ban hành các chính sách về hỗ trợ việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cá lồng cho người dân. Trong đó, việc ban hành các chính sách khuyến khích, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung và tiêu thụ cá lồng nói riêng đang là yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.

                                                                                   Mạnh Hùng

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục