Nông thôn được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng do chiếm đến 70% dân số, thu nhập người dân dần nâng cao, nhưng dường như các doanh nghiệp trong nước đang "bỏ quên” khu vực này. Điều đó đã tạo điều kiện cho các mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, nhái các thương hiệu Việt uy tín có cơ hội "kéo” về vùng nông thôn, nơi trình độ nhận diện thương hiệu sản phẩm của người tiêu dùng còn hạn chế hòng trục lợi. Đây là thực trạng đáng lo ngại, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần sớm thay đổi tư duy và có giải pháp phù hợp để tạo dựng vị thế, nhanh chóng quay lại chiếm lĩnh và phát triển thị trường nông thôn.


Người dân xã Vạn Phái, thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) mua sắm tại chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi” năm 2018. Ảnh: TRẦN HUYỀN

Bài 1: Tràn lan hàng giả, hàng nhái

Lâu nay, các doanh nghiệp chỉ tập trung quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình tại các thành phố lớn, mà thiếu chú trọng phát triển kinh doanh tại khu vực nông thôn. Lý do chính được vin vào là người tiêu dùng nông thôn thường chuộng sản phẩm rẻ tiền, hay so sánh về giá để "nâng lên đặt xuống”. Chính điều này đã khiến nhiều thương hiệu Việt có uy tín trên thị trường chưa được người dân nông thôn biết đến và tin dùng, qua đó biến nơi đây trở thành mảnh đất "màu mỡ” cho hàng giả, hàng nhái.

Thật, giả lẫn lộn

Ðầu tháng 10 vừa qua, chúng tôi có dịp đi khảo sát thị trường tại một số tỉnh miền bắc như Bắc Giang, Hưng Yên và Hà Nam. Khảo sát các sạp hàng tạp hóa tại xã Ðồng Cốc thuộc huyện Lục Ngạn, một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, chúng tôi nhận ra nhiều mặt hàng bị làm giả, làm nhái đang được bày bán công khai bên cạnh hàng thật, nhất là hàng tiêu dùng thiết yếu. Cụ thể, nước uống đóng chai Aquanfon nhái nhãn hiệu Aquafina, bánh Choco pine nhái nhãn hiệu Choco pie, nước rửa bát Sunlek nhái nhãn hiệu Sunlight, bột giặt Tise nhái nhãn hiệu Tide,... và rất nhiều mặt hàng khác bị biến tấu tên gọi. Dù vậy, những mặt hàng này vẫn "sống khỏe" và được khá nhiều người dân ở đây lựa chọn.

Ghé vào một sạp hàng kinh doanh tổng hợp để ngắm nghía, khảo giá, đập ngay vào mắt chúng tôi là một đống hàng hóa bày biện khá lộn xộn. Nhiều loại còn không có nhãn mác hoặc có thì phần lớn là các thương hiệu "lạ", có mẫu mã tương tự nhiều thương hiệu nổi tiếng, dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Thế nhưng cứ dăm bảy phút lại có người đến mua hàng, chủ yếu là đồ ăn, thức uống và các thứ hàng lặt vặt. Những người đi mua hàng ở đây thường dắt theo con, cháu và họ không tiếc mấy nghìn đồng để mua đồng quà, tấm bánh cho bọn trẻ ăn vặt. Chưa biết chất lượng sản phẩm thế nào, chỉ cần nhìn thoáng qua các loại bánh, kẹo không ghi tên nhà sản xuất, không hạn sử dụng, không bao bì, không nhãn mác thường được những người bán hàng tại đây gọi là kẹo vừng, kẹo dẻo, kẹo bắp, kẹo nhân, bánh quẩy,… được đựng trong các bịch ni-lông to, có giá bán chỉ 10 nghìn đồng/kg mà các cháu bé đòi ăn đã thấy không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Biết chúng tôi là khách vãng lai, lại đang tỏ vẻ ái ngại và xì xào về hàng hóa nhưng bà Hiền, chủ sạp hàng vẫn rất cởi mở giải thích: "Chúng tôi bán hàng ở thôn quê thế này lời lãi chẳng là bao cho nên cứ phải nhập những thứ hàng mà người dân ưa thích và bán chạy thôi. Thường cứ 10 ngày người ta "đánh" một chuyến xe lên giao hàng một lần, cái nào thiếu thì mình nhập chứ ít khi trực tiếp đi lấy hàng. Khi nhập hàng, cũng chỉ để ý đến hạn sử dụng của sản phẩm để tránh lấy phải hàng hết "đát", còn thật, giả tôi cũng chẳng để ý. Cứ hàng nào hợp với túi tiền của người dân và có đầu ra là mình nhập". Miệng nói, tay làm, bà Hiền đưa cho chúng tôi xem hai hộp bánh sáu chiếc có mầu đo đỏ khá giống nhau, một hộp tên Choco pie có giá 35 nghìn đồng (hàng thật), còn hộp kia có tên Choco pine (hàng nhái) chỉ 20 nghìn đồng và "giải thích": "Hai hộp bánh này nếu nhìn thoáng qua, mẫu mã khá giống nhau, người thành phố "sành" ăn như các chú mới phát hiện được đâu là hàng "xịn". Vẫn biết tiền nào của ấy, bánh Choco pine ăn vào bở bồn bột, nhưng được cái mẫu mã đẹp không khác gì hàng "xịn", vì thế người dân chúng tôi khi thì mua đi ăn giỗ, khi thì đi biếu, miễn cứ loại nào rẻ thì mua cho tiết kiệm. Và tất nhiên, loại bánh này bán chạy hơn Choco pie nhiều".

Tại một khu chợ phiên ở xã Ðại Cương, huyện Kim Bảng (Hà Nam), gọi là chợ nhưng thực chất chỉ là các sạp hàng hai bên đường. Ở đây, dù có hơn 10 sạp hàng hóa, nhưng bày bán đủ loại. Ðiều đáng nói, mặc dù là chợ quê, phải chịu thêm chi phí vận chuyển nhưng giá những mặt hàng này vẫn "mềm" hơn nhiều so với các sản phẩm cùng chủng loại được bán ở các cửa hàng, siêu thị có uy tín trên thành phố. Tuy nhiên, đến khi trực tiếp đi mua hàng cùng người dân mới thấy ngoài những sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu, việc chọn các sản phẩm ưng ý có đầy đủ nhãn mác, bảo đảm chất lượng không phải chuyện dễ dàng. Một số hàng hóa đang bày bán tại chợ quê này còn không có nhãn mác, hoặc có thì của những cơ sở sản xuất không mấy tên tuổi. Lật mặt sau chỉ thấy các thông tin sản phẩm khá chung chung, không rõ ràng cho việc truy xuất nguồn gốc. Nhiều địa chỉ sản xuất lúc thì ghi ở Thường Tín, khi thì ở Hoài Ðức rồi Thanh Oai (Hà Nội), nhưng đều không cụ thể. Bởi vậy, giá cả cũng hết sức hợp lý khi một chai nước mắm 500 ml được rót ra từ chiếc can nhựa 5 lít có giá bán chỉ 5.000 đồng. Hay một chai dầu thực vật Cái Lân nhái loại 1 lít có giá chỉ 25 nghìn đồng, trong khi dầu Cái Lân "xịn" khoảng 35 nghìn đồng. Ngoài ra, các loại giấy vệ sinh mang tên Tosyo hoặc không nhãn mác bán với giá chỉ 20 đến 25 nghìn đồng/bịch 12 cuộn, các loại băng vệ sinh giá từ 5 đến 10 nghìn đồng/bịch tám miếng cũng được bày bán nhan nhản,…

Chưa được kiểm soát chặt

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" Trương Thị Ngọc Ánh, việc kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh tại các chợ nông thôn vẫn còn những hạn chế nhất định. Một phần do lực lượng quản lý mỏng, một phần do các hộ kinh doanh chủ yếu là nhỏ lẻ, hoạt động theo thời vụ, không ổn định cho nên rất khó kiểm soát. Việc xử lý các vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng nhái vẫn gặp trở ngại do chế tài xử phạt còn nhẹ, mới dừng ở tiêu hủy hàng, xử phạt hành chính nên chưa có tác dụng thiết thực trong việc hạn chế tình trạng vận chuyển, tiêu thụ hàng nhái, kém chất lượng tại các chợ, cửa hàng nhỏ lẻ ở thị trường nông thôn. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, để ngăn chặn tình trạng này, các địa phương cần tuyên truyền, đề nghị hộ kinh doanh ký cam kết bán hàng bảo đảm rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, hướng họ quan tâm hơn tới nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm thay vì chỉ chú trọng tới yếu tố giá cả.

Có thể thấy, ở nông thôn lâu nay, phần lớn người dân có thu nhập ở mức thấp hơn nhiều so với khu vực thành thị, cho nên dù nhu cầu lớn, hàng hóa về nông thôn buộc phải có mức giá rẻ hoặc hợp lý mới có người mua. Theo tìm hiểu, ngoại trừ những mặt hàng đã có thương hiệu được bán ở các đại lý phân phối tại địa phương, hầu hết hàng hóa bán lẻ ở vùng nông thôn đều được nhập từ các xe hàng di động đi theo chuyến. Ưu tiên chính để người bán nhập hàng là hàng hóa có giá rẻ, do đó khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm và khi xảy ra vấn đề không biết kêu ai. Còn người mua chẳng mấy quan tâm đến nơi sản xuất hay chất lượng vì thực tế cũng không nhiều người có cơ hội kiểm chứng, so sánh với hàng thật. Ðây chính là lý do khiến thị trường nông thôn trở thành địa bàn cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tung hoành.

Thực tế cho thấy, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái không chỉ cần nỗ lực từ phía cơ quan chức năng mà rất cần sự chủ động của người tiêu dùng. Việc tẩy chay hàng hóa vi phạm vừa để bảo vệ sức khỏe người dân, đồng thời hỗ trợ những nỗ lực của cơ quan chức năng trong công cuộc chống hàng giả, hàng nhái, nếu không cũng chỉ như "đá ném ao bèo". Vì vậy, cần có những giải pháp mang tính đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người tiêu dùng để uy tín của thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao có thể đứng vững tại thị trường nông thôn, được người dân đón nhận, từ đó đẩy mạnh sức mua của thị trường.

Trong năm 2017, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã kiểm tra và xử lý hơn 19 nghìn vụ vi phạm liên quan hàng giả, hàng nhái; xử phạt hành chính hơn 73 tỷ đồng, giá trị vi phạm hơn 518 tỷ đồng. Riêng sáu tháng đầu năm 2018, với lĩnh vực an toàn thực phẩm, lực lượng này đã xử lý gần 4.700 vụ vi phạm, xử phạt 11,2 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 8,9 tỷ đồng.

(Nguồn: Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương)

(Còn nữa

 

                                                                         Theo báo Nhân Dân

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục