(HBĐT) - Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Kỳ Sơn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới.


Xã Độc Lập (Kỳ Sơn) chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau, đậu 
có giá trị kinh tế cao.

Trên cơ sở điều kiện thực tế, tiềm năng, lợi thế của huyện, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong giai đoạn 2013-2018, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp khá và ổn định, bình quân đạt trên 4%/năm; tổng sản lượng lương thực có hạt bình quân hàng năm đạt 15.000 tấn. 

Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của huyện Kỳ Sơn là đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng NTM. Theo đó, huyện đẩy mạnh thực hiện các chính sách phát triển sản xuất trồng trọt, làng nghề, nuôi cá lồng và tiêu thụ nông sản, cải tạo vườn tạp, khuyến khích đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn của UBND tỉnh; đăng ký thực hiện Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm. Huyện tập trung phát triển các cây trồng chính có lợi thế như cây có múi, mía trắng, rau an toàn. Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả có múi của huyện phát triển lên 180 ha, thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/ha/năm. Cây mía có diện tích  320 ha, chủ yếu là mía ăn tươi, thu nhập bình quân đạt  100-120 triệu đồng/ha/năm.  Đồng thời, huyện tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, hợp tác xã. Toàn huyện có 7/9 xã có hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm đồng sở thích hoạt động có hiệu quả. 

Từ định hướng này, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Kỳ Sơn được thực hiện lồng ghép với việc hoàn thành các tiêu chí về NTM. Đến hết năm 2017, huyện có 4/9 xã đạt chuẩn NTM, số tiêu chí NTM trung bình đạt 15,3 tiêu chí/xã. Hiện, xã Dân Hạ đang hoàn thiện các tiêu chí để về đích NTM vào cuối năm 2018. 

Trong 5 năm qua, từ nhiều nguồn vốn và chương trình, huyện Kỳ Sơn đã tổ chức hàng trăm lớp chuyển giao KHKT cho hơn 4.000 lượt người tham gia và triển khai nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao như trồng lúa; ngô giống mới; dưa chuột Nhật; bí xanh; nấm sò; rau an toàn; nuôi ong lấy mật; chăn nuôi gà thịt, lợn nái… Các xã chủ động chuyển đổi 35 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như bí xanh, dưa chuột, mía trắng, cây ăn quả có múi... Ngoài ra, huyện phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị như chuỗi sản xuất - tiêu thụ dưa chuột; dự án trồng và tiêu thụ các sản phẩm từ cây Sacha trồng xen nghệ đỏ; chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm nấm ăn, nấm dược liệu… Do vậy đời sống của người  dân được nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt trên 40 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn trên 6%.

Đồng chí Hoàng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục có chính sách ưu đãi dành cho các HTX, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở các địa phương để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, có giá trị gia tăng. Trong đó trọng tâm là các doanh nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất, chế phẩm sinh học, chế biến nông sản… Có đánh giá, dự báo và cảnh báo về nhu cầu thị trường làm cơ sở định hướng phát triển nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.       


                                                                            Đinh Thắng


Các tin khác


Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Triển vọng nghề nuôi dê núi ở vùng cao Đà Bắc

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về bãi chăn thả, nguồn thức ăn, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Đà Bắc chú trọng chuyển đổi từ nuôi trâu, bò sang nuôi dê. Với ưu điểm "chỉ ăn cỏ, uống nước lã”, nuôi dê trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục