(HBĐT) - Trung tuần tháng 11, không khí làm vụ đông tại các xã dọc tuyến đường 12 B: Vĩnh Đồng, Hạ Bì, Kim Bình, Nam Thượng, Sào Báy (Kim Bôi)... diễn ra khẩn trương. Màu xanh mướt của vụ đông đã hiển hiện trên cánh đồng xóm Mớ Đồi, Mớ Khoắc, Mớ Đá, xã Hạ Bì. Hàng trăm nông dân hối hả làm vụ đông cho kịp khung thời vụ. Chỗ này làm đất, chỗ kia ủ phân, chỗ làm dàn cây leo, khu tưới cây.


Nông dân xóm Rạnh, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) chăm sóc ngô đông.

Chủ tịch UBND xã Hạ Bì Bùi Ngọc Thảo cho biết: Các loại rau màu vụ đông vừa phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán, vừa phải bảo đảm khung thời vụ sản xuất chiêm xuân nên đòi hỏi phải khẩn trương. Hạ Bì là một trong những xã có truyền thống làm vụ đông, vụ sản xuất thứ 3 của năm. Người dân có ý thức tự giác rất cao, ngay sau thu hoạch lúa mùa, nông dân khẩn trương triển khai kế hoạch làm vụ đông. Hầu như các gia đình không để đất trống. Bà con nắm chắc khung thời vụ và quy trình kỹ thuật gieo trồng nên hiệu quả sản xuất khá cao.

Xã Hạ Bì đặt kế hoạch gieo trồng 80 ha  cây vụ đông. Diện tích ngô 20 ha nhưng do thời tiết mưa nhiều đã bị thiệt hại, giảm đáng kể, các cây trồng khác bảo đảm kế hoạch. Bà con tập trung trồng các loại rau ngắn ngày như: khoai tây, su hào, bắp cải, súp lơ, các loại hoa, cơ bản bảo đảm kế hoạch. Khoai tây là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế khá, bắt đầu trồng từ tháng 11, đến gần Tết cho thu hoạch, giá bán khá ổn định, có khi tới 15.000 - 16.000 đồng/kg, tính ra thu nhập đạt khoảng 200 triệu đồng/ha. Năm nay, xã đặt kế hoạch trồng 8 ha khoai tây. Xã hỗ trợ toàn bộ giống với 4,2 tấn giống khoai tây Đức trồng 8 ha tại xóm Mớ Đồi và Mớ Khoắc. Bà con chỉ bỏ phân bón, công sức đầu tư. Mỗi hộ trồng từ 150 - 300 m2, sau mấy tháng cũng thu được vài triệu đồng.

Giá su su, súp lơ, các loại rau khác cũng khá ổn định. Đơn cử như năm ngoái, súp lơ giá 9.000 - 10.000 đồng/cây, mỗi hộ trồng 200 - 300 cây cũng có từ 2 - 3 triệu đồng. Su hào đầu vụ bán được 5.000 - 6.000 đồng/củ. Riêng HTX Dịch vụ  nông nghiệp Hạ Bì có 6.000 m2, trồng các cây vụ đông có hiệu quả kinh tế cao, giá bán cao hơn hẳn của nông dân. Sản phẩm vụ đông của xã bán khắp thị trường trong và ngoài huyện. Sản xuất vụ đông vừa cải tạo đất, vừa giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Tiền bán rau, màu góp phần cải thiện cuộc sống. Thu nhập của bà con đạt 31 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo còn 9,6%. 

Vĩnh Đồng cũng là xã trọng điểm triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông của huyện Kim Bôi. Các xóm Chiềng 1 đến Chiềng 5, xóm Chanh… đang ra quân làm vụ đông với phương châm không để đất trống và bảo đảm khung thời vụ cho vụ đông - xuân 2018 - 2019. Xã có diện tích đất canh tác ít nhưng nhờ làm vụ đông mà bà con có cuộc sống ổn định. 

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Đồng Bùi Thanh Hải cho biết: Xã có khoảng 90% dân số làm nông nghiệp. Vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm, góp phần đem lại thu nhập cho người dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Xã vẫn duy trì các cây trồng chính như khoai tây, ngô, củ đậu, các loại rau su hào, bắp cải, ngô nếp, dưa chuột thơm... tiêu thụ chủ yếu ở chợ Rạnh, xã Đông Bắc và một số nơi trong, ngoài huyện.

Phó phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi Bùi Văn Bộ cho biết: Vụ đông có vai trò quan trọng cải thiện đời sống nông dân. Thời gian sản xuất vụ đông không chỉ bó gọn vài tháng. Từ trung tuần tháng 9, huyện đã có kế hoạch triển khai và chỉ đạo các xã sản xuất vụ đông. Đến thời điểm này, huyện Kim Bôi cơ bản hoàn thành kế hoạch gieo trồng vụ đông, đạt gần 2.000 ha với các cây trồng chủ yếu là rau ăn lá, ngô, khoai tây, khoai lang, dưa chuột... 

 L.C


Các tin khác


Doanh nghiệp trong xu thế kinh tế xanh

Trong những năm qua, Ðảng, Nhà nước rất quan tâm và tích cực thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Qua đó, ban hành nhiều chính sách định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, chú trọng thu hút các dự án chất lượng cao. Tuy nhiên trên thực tế, ở Việt Nam, xu hướng phát triển kinh tế xanh mới chỉ đang ở xuất phát điểm.

Huyện Lạc Sơn khai thác tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội

(HBĐT) - Với tổng diện tích tự nhiên trên 58,7 nghìn ha, huyện Lạc Sơn có 24 đơn vị hành chính, trên 15 vạn dân, gồm nhiều dân tộc cùng sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến hết năm 2022 là 19,32%, có 10 xã đã về đích nông thôn mới. Tuy không thuộc vùng động lực của tỉnh nhưng huyện Lạc Sơn có những tiềm năng, lợi thế riêng để phát triển, như về giao thông có tuyến đường 12B đấu nối với quốc lộ 6 và đường Hồ Chí Minh đi qua. Tiềm năng đất đai của huyện dồi dào, thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Dân số trong độ tuổi lao động chiếm trên 60%, hàng năm có gần 1.300 học sinh tốt nghiệp THPT tham gia vào lực lượng lao động.

Giữ đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, kết quả tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước quý I năm 2023 ước tính đạt 3,32% so cùng kỳ khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã từng bước phát huy hiệu quả.

UBND tỉnh làm việc với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc

(HBĐT) - Sáng 29/3, đoàn công tác Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) do ông Lee Sang Back, Tổng Giám đốc khu vực tư nhân tổ chức KOICA Hàn Quốc đã làm việc với UBND tỉnh về dự án Hợp tác công tư liên quan đến lĩnh vực giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng cộng thêm (REDD+). Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.

Nông dân lao đao vì giá lợn hơi sụt giảm

(HBĐT) - Sau nhiều kỳ vọng sự ấm lên của thị trường tiêu thụ lợn, đến nay, giá lợn hơi vẫn chưa có dấu hiệu tăng, thậm chí tiếp tục đà giảm. Thời điểm này, sau mỗi lứa lợn bán ra, thứ mà người nông dân thu lại là những hẫng hụt, trăn trở...

 Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng nông sản

(HBĐT) - Mã số vùng trồng (MSVT) là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành NN&PTNT và các địa phương trong tỉnh đã chủ động, tích cực hướng dẫn người dân xây dựng MSVT.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục