(HBĐT) - Chiều 13/5, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh đã tổ chức buổi làm việc về công tác triển khai thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ đường Hòa Lạc - Hòa Bình thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT. Dự buổi làm việc có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các Bộ: GTVT, Công an, Tài chính; lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh; UBND các huyện: Kỳ Sơn, Lương Sơn, TP Hòa Bình; Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình...


Theo Báo cáo của UBND tỉnh, từ khi Trạm thu phí km 17+100 đường Hòa Lạc - Hòa Bình đi vào hoạt động, tình hình ANTT tại khu vực diễn ra hết sức phức tạp. Đặc biệt, trong các ngày từ 7- 9/5 đã có nhiều xe ô tô và khoảng 100 người dân chặn 4 làn xe ô tô 2 chiều, gây ùn tắc giao thông, dẫn đến phải xả trạm để đảm bảo lưu thông trên tuyến. Nguyên nhân là do người dân địa phương chưa đồng tình với phương án miễn, giảm phí đối với các phương tiện là xe ô tô của những đối tượng được ưu tiên khi đi qua trạm; đối với xe chưa đăng ký chính chủ chưa được hưởng chính sách giảm giá. Đồng thời, người dân đề nghị nhà đầu tư hoàn trả đường tỉnh 446 để nhân dân đi lại như trước...

Sau khi sự việc xảy ra, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương và cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động nhằm đảm bảo ANTT, ATGT tại khu vực.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh kiến nghị, đề xuất không thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với toàn bộ phương tiện của chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú trong khu vực 5 km xung quanh Trạm thu phí km 17+100 địa phận huyện Kỳ Sơn và km 42+730 thuộc địa phận huyện Lương Sơn.


Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận buổi làm việc.

Trong trường hợp không được xem xét giải quyết thì đề nghị đối với Trạm thu phí km 17+100 trong khoảng thời gian chưa đầu tư xây dựng hoàn trả lại đường tỉnh 446 (đối với những đoạn mà đường Hòa Lạc - Hòa Bình đã đi trùng) và hệ thống hầm chui kết nối hai bên đường Hòa Lạc - Hòa Bình, UBND tỉnh đề nghị không thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các phương tiện của các tổ chức, cá nhân có trụ sở cơ quan hoặc hộ khẩu thường trú trong phạm vi bán kính 5 km xung quanh Trạm km 17+100 không phân biệt chính chủ hay không chính chủ.

Thực hiện mức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với toàn bộ phương tiện của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú trong khu vực 5 km xung quanh trạm, ưu tiên tính đến địa giới hành chính và hết địa bàn ảnh hưởng, phạm vi thôn hoặc xóm, kể cả xe chính chủ hoặc chưa đăng ký chính chủ.

Áp dụng thực hiện mức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tương tự như với các đối tượng thuộc phạm vi áp dụng tại Trạm km 42+730 huyện Lương Sơn theo các phương án đã thực hiện.

Đề nghị Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình tích cực tổ chức đối thoại với người dân địa phương, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn...

Đối với trạm thu phí QL6 địa phận huyện Lương Sơn, UBND tỉnh đề nghị có lộ trình về thời gian (3 tháng) chưa thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc phạm vi áp dụng tại phương án điều chỉnh số 1728 ngày 20/9/2016 để địa phương có thời gian tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và ủng hộ.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành, địa phương cho biết, hiện nay, cuộc sống người dân quanh khu vực Trạm thu phí km 17+100 còn nhiều khó khăn, các hộ sống thưa thớt, tuyến đường 446 cũ đang bị đường Hòa Lạc - Hòa Bình chồng lên một số đoạn. Người dân hàng ngày phải trả tiền qua trạm, có ngày qua lại nhiều lần tạo thêm áp lực chi phí cho gia đình. Nhà đầu tư nên chia sẻ khó khăn này, không nên tạo căng thẳng. Nếu vấn đề này không được giải quyết hợp lý, dự báo người dân sẽ tiếp tục có hoạt động cản trở gây ách tắc giao thông trên khu vực Trạm thu phí Hòa Lạc - Hòa Bình.

Đại diện Bộ GTVT, nhà đầu tư bày tỏ mong muốn tỉnh, các địa phương và người dân chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư để đảm bảo phương án tài chính và đồng thuận với mức thu phí được thống nhất trên cả nước.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh đã chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư và cho rằng những khó khăn này cũng là khó khăn của tỉnh cần tháo gỡ. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, qua ý kiến tại buổi làm việc, tỉnh thống nhất, đối với Trạm thu phí QL6 giữ ở mức thu 30% và tuyên truyền đến người dân trong 3 tháng.

Đối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình, tỉnh đề xuất giảm 50% đối với các xe trong phạm vi 5km với số lượng 278 xe. Thống nhất xác định người dân là chủ sở hữu hợp pháp của các xe trong khu vực được giảm để đảm bảo quyền lợi của người dân. Giao UBND huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn chỉ đạo rà soát, kiểm tra số lượng xe được xác nhận là chủ sở hữu hợp pháp. Người ký xác nhận phải chịu trách nhiệm với cấp trên về độ chính xác, trong 1 tháng, báo cáo UBND tỉnh. Đề nghị Bộ GTVT sớm có ý kiến thực hiện trong thời gian tới. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Công an tỉnh, UBND huyện Kỳ Sơn, Lương Sơn có trách nhiệm tuyên truyền, tổ chức thực hiện những nội dung có liên quan đến thu phí để bảo đảm ANTT trên địa bàn.


H.N


Các tin khác


Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Triển vọng nghề nuôi dê núi ở vùng cao Đà Bắc

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về bãi chăn thả, nguồn thức ăn, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Đà Bắc chú trọng chuyển đổi từ nuôi trâu, bò sang nuôi dê. Với ưu điểm "chỉ ăn cỏ, uống nước lã”, nuôi dê trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục