(HBĐT) - Từ mùng 4 Tết Canh Tý, không khí vui xuân vẫn còn rộn ràng trên khắp các nẻo đường, nhưng tại nhiều địa phương, nông dân đã hối hả xuống đồng sản xuất với quyết tâm cao, mong muốn một vụ mùa thắng lợi. Các cánh đồng ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh dần được phủ màu xanh của mạ non.

 


Nông dân xóm Gò Khánh, xã Kim Tiến (Kim Bôi) đẩy nhanh tiến độ cấy lúa trà xuân muộn, đảm bảo theo khung thời vụ.

 

Gác lại những ngày vui Tết, thời tiết lập xuân, bà Bùi Thị Vân, xóm Đầm Rừng, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) và nhiều nông dân nơi đây tập trung hoàn thành việc cày bừa, bón lót phân trên những diện tích đất cuối cùng để chuẩn bị gieo mạ. Bà Vân cho biết: Trước Tết, gia đình tôi đã cố gắng thu hoạch xong những diện tích cây màu vụ đông, khẩn trương chuẩn bị đất để cấy lúa trà xuân muộn. Khâu làm đất giờ được cơ giới hoá hoàn toàn mang lại hiệu quả nên hoàn thành công đoạn này nhanh chóng. Hiện, chúng tôi tiếp tục cấy mạ trên những diện tích còn lại, năm nay, gia đình tôi cấy lúa trà xuân muộn trên 4 sào ruộng, sử dụng 4 kg lúa giống. Đầu năm mới đã có những trận mưa, nguồn nước tưới nhờ đó đảm bảo đủ cho sản xuất.

Tính đến hết tháng 1, diện tích làm đất lúa của huyện Kim Bôi đạt gần 2,1 nghìn ha, mạ gieo trên 110 tấn. Đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn thành khâu làm đất để gieo trồng cây vụ xuân các loại. Diện tích lúa đã cấy gần 800/2.427 ha, đạt khoảng 30% kế hoạch.

Tại huyện Yên Thuỷ, từ mùng 6 Tết, các cánh đồng đã nhộn nhịp người xuống đồng với tiếng máy cày âm vang. Năm nay, bà con đón Tết với những cơn mưa lớn, các hồ, đập, bai có thêm nguồn nước tích trữ phục vụ cho hoạt động sản xuất. Năm 2019, từ nguồn kinh phí cấp bù thuỷ lợi phí, nguồn kinh phí bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, huyện đã đầu tư nâng cấp 8 công trình thuỷ lợi phục vụ cho sản xuất với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Các công trình tiếp tục đem lại hiệu quả, khả năng dẫn nước, tích nước phục vụ sản xuất tốt, góp phần khắc phục một phần hiện tượng hạn hán của địa phương. Trong Tết, có những nơi nhiệt độ xuống thấp khoảng 15oC, tuy nhiên, huyện không để xảy ra tình trạng mạ và trâu, bò chết rét. Vụ chiêm xuân này, ngoài cây lúa, Yên Thủy tập trung trồng một số cây thế mạnh như ngô, lạc, bí xanh, khoai sọ, rau các loại... Đến nay, toàn huyện đã gieo trồng được 2.533/7.854,5 ha, đạt 32,25% kế hoạch. Huyện đã chuyển đổi 650 ha cấy lúa, đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang chuyên màu ở các xã Bảo Hiệu, Lạc Lương; các loại rau ở xã Yên Lạc...

Để đảm bảo tiến độ gieo cấy lúa và cây màu vụ chiêm xuân đúng khung thời vụ, đồng thời, chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết, Sở NN&PTNT chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ làm đất trên diện tích không gieo trồng cây vụ đông và diện tích cây vụ đông đã thu hoạch. Tập trung sản xuất các giống lúa ngắn ngày (thời gian gieo trồng dưới 130 ngày). Cần tập trung gieo mạ ngay sau tiết đại hàn, từ ngày 20/1 - 5/2 và đẩy nhanh tiến độ cấy trong tiết lập xuân (cấy xong trong khoảng trung tuần tháng 2 dương lịch), đảm bảo toàn bộ diện tích lúa trỗ từ ngày 5 - 25/5, trỗ tập trung từ ngày 10-15/5 để có điều kiện nhiệt độ, ánh sáng tốt nhất.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn T.Ư, thời tiết trong thời gian tới sẽ có các đợt rét đậm, rét hại nhưng không kéo dài và ít ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất trồng trọt. Tổng lượng mưa từ tháng 12/2019 - 4/2020 dự báo chỉ đạt khoảng trung bình 20 - 40 mm/tháng, cùng với lượng nước tích trữ ở nhiều hồ, đập thấp hơn cùng kỳ năm 2019. Vì vậy, nguy cơ có khả năng thiếu nước cho gieo cấy, tưới dưỡng cho lúa, các địa phương cần tích cực chỉ đạo, xây dựng phương án chống hạn. Đồng thời, tổ chức sản xuất trên cơ sở bố trí diện tích và cơ cấu, thời vụ gieo trồng phù hợp với thực tế lấy nước và năng lực nguồn nước tại các đập, hồ chứa. Đối với những diện tích cấy lúa khó khăn về nguồn nước, khả năng không đảm bảo đủ nước tưới suốt vụ chủ động chuyển đổi sang trồng các cây trồng cạn, nhu cầu sử dụng nước ít.

Các huyện, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai kế hoạch sản xuất vụ chiêm xuân. Tính đến ngày 6/2, các huyện: Yên Thủy, Lạc Thủy, Đà Bắc, Mai Châu, Kim Bôi, Cao Phong, Lương Sơn và TP Hòa Bình đã hoàn thành việc làm đất, đạt 100% kế hoạch; tổng diện tích đã làm đất toàn tỉnh là 15.153/15.403 ha (bằng 98,4% kế hoạch); diện tích lúa đã cấy 8.603 ha (đạt 56% kế hoạch), ngô 1.664 ha (đạt 9% kế hoạch).

Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Qua kiểm tra sản xuất đầu năm, nhìn chung, các địa phương đều tích cực, chủ động trong sản xuất vụ chiêm xuân. Việc chuẩn bị vật tư, phân bón cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Các địa phương tuân thủ nguyên tắc, che phủ nilon, đảm bảo cho mạ phát triển tốt, vì vậy không có mạ bị chết rét; khâu làm đất được hoàn thành nhanh, đảm bảo khung thời vụ. Dự kiến, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, tiến độ gieo cấy lúa cơ bản hoàn thành trong tháng 2, đối với diện tích cây màu sẽ hoàn thành việc gieo trồng trước ngày 15/3, các cây trồng khác cũng đảm bảo tiến độ và khung thời vụ. Vụ chiêm xuân năm nay, các giống lúa ngắn ngày, năng suất và chống, chịu được sâu bệnh được lựa chọn để gieo cấy trà xuân muộn trên 90% diện tích. Để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, các địa phương cần thực hiện đồng bộ những giải pháp nhằm chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả cho cây trồng.

Cùng với nỗ lực hoàn thành kế hoạch sản xuất lúa, các địa phương tiếp tục chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đối với 17 xã chưa công bố hết dịch tả lợn châu Phi cần thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm giảm dần tình trạng dịch và sớm công bố hết dịch, góp phần hoàn thành thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ chiêm xuân, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện tốt kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2020.

Thu Hằng

Các tin khác


Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Triển vọng nghề nuôi dê núi ở vùng cao Đà Bắc

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về bãi chăn thả, nguồn thức ăn, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Đà Bắc chú trọng chuyển đổi từ nuôi trâu, bò sang nuôi dê. Với ưu điểm "chỉ ăn cỏ, uống nước lã”, nuôi dê trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục