(HBĐT) - Những năm qua, huyện Kim Bôi đã tập trung phát triển các cây trồng chính với quy mô lớn gắn với thị trường, trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương. Vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa, đưa những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Cùng với đó, khuyến khích người dân phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa thành vùng tập trung gắn với liên kết theo chuỗi sản xuất và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).


Nông dân xã Tú Sơn (Kim Bôi) phát triển cây ăn quả có múi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong đó phải kể đến mô hình liên kết với doanh nghiệp trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, cho hiệu quả kinh tế cao của xã Đú Sáng. Từ năm 2013, xã Đú Sáng đẩy mạnh triển khai mô hình liên kết với doanh nghiệp trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, cho hiệu quả kinh tế cao. Sau 6 năm thực hiện mô hình đạt hiệu quả rõ rệt. Hiện nay, diện tích đất trồng lúa trên địa bàn xã đang chuyển dần sang sản xuất các loại cây ăn quả và hoa màu đem lại giá trị kinh tế cao gấp 5-6 lần trên một diện tích canh tác; mở rộng trồng các loại cây như: bí xanh, bí đỏ, mướp đắng, rau các loại... với tổng diện tích 205 ha, tập trung chủ yếu ở các xóm: Bãi Tam, Đồng Bãi, Gò Bùi, Vó Mái... Ngoài ra, diện tích cây ăn quả như cam, bưởi... dần mở rộng với 133,3 ha, trong đó năm 2019 trồng mới 19,4 ha. Đặc biệt, Bãi Tam là xóm đã chuyển đổi thành công 100% diện tích lúa sang các loại rau, màu. Tổng diện tích trồng màu của xóm hiện đạt gần 50 ha, riêng diện tích trồng cây lấy hạt chiếm 60%. Trung bình, 1 ha cho thu trên 700 kg hạt, bán với giá trung bình 600.000 đồng/kg, mỗi vụ người nông dân thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/ha. Nhờ chuyển đổi cây trồng hiệu quả, thu nhập của người dân được cải thiện qua từng năm, tỷ lệ hộ nghèo của xóm giảm đáng kể.

Huyện đã xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung tạo ra sản lượng lớn. Cây ăn quả có múi đã hình thành các vùng sản xuất tập trung tại Tú Sơn, Vĩnh Tiến, Bắc Sơn, Kim Lập, Mỵ Hòa. Tính đến hết năm 2019, diện tích cây có múi khoảng 1.360 ha, trong đó, diện tích kinh doanh khoảng 760 ha, sản lượng đạt trên 15.200 tấn. Diện tích cây nhãn tập trung tại các xã Sơn Thủy, Bắc Sơn, Xuân Thủy với tổng diện tích gần 350 ha, trong đó diện tích kinh doanh trên 180 ha, sản lượng trên 1.650 ha. Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện triển khai đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, hỗ trợ phát triển sản xuất, chứng nhận ATTP, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có gần 170 ha cây ăn quả có múi được chứng nhận đảm bảo ATTP và đạt tiêu chuẩn VietGAP; 34 ha nhãn được chứng nhận đảm bảo ATTP. Có 3 sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể là "nhãn Sơn Thủy", "cam Mường Động", "bưởi Mường Động"; 3,8 ha cây có múi được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ. Đã có nhiều vùng được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, hữu cơ, PGS tại thị trấn Bo và các xã: Nam Thượng, Sào Báy, Vĩnh Tiến, Nuông Dăm; có 5 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao... Các mô hình hợp tác, chuỗi liên kết sản xuất ngày càng nhiều giúp hộ nông dân yên tâm trong đầu tư sản xuất.

Năm 2019, trên địa bàn huyện có 14 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa hộ nông dân với các HTX, doanh nghiệp với diện tích trên 410 ha như chuỗi cây ăn quả có múi 140 ha tại các xã Tú Sơn, Đú Sáng, Bình Sơn, Vĩnh Tiến, Kim Lập; chuỗi ngô ngọt 65 ha tại các xã Mỵ Hòa, Tú Sơn, Đú Sáng; chuỗi cây lấy hạt 92,9 ha tại các xã Đú Sáng, Hợp Tiến, Xuân Thủy, Vĩnh Đồng; chuỗi sản xuất cây dược liệu 38,8 ha tại các xã Hùng Sơn, Hợp Tiến, Xuân Thủy; chuỗi dưa chuột Nhật tại xã Đú Sáng... Bên cạnh đó, việc ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi cơ cấu, tập quán và tăng hiệu quả sản xuất. Giá trị sản xuất thu được trên 1 ha canh tác đạt trên 152 triệu đồng/năm.

Đồng chí Lê Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Mặc dù việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, tâm lý mạnh dạn đổi mới còn dè dặt. Việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn thấp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để phát triển nông nghiệp hiệu quả, huyện thực hiện các giải pháp tích tụ ruộng đất, tạo thuận lợi cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Thời gian tới đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao thu nhập trên 1 ha canh tác, nâng cao thu nhập cho người dân. Bảo đảm diện tích gieo trồng với cơ cấu các giống có năng suất, chất lượng cao, từng bước tạo nền tảng cho một nền nông nghiệp hiện đại - nông nghiệp công nghệ cao.

Đinh Thắng


Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục