(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn gây ra tâm lý hoang mang cho người chăn nuôi trong việc tái đàn, nhất là thời điểm giá lợn giống đắt đỏ.
Hộ chăn nuôi xóm Sống, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) giữ vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ, sử dụng thức ăn, nước uống có nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi.
Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và thú y, năm 2019, DTLCP đã xảy ra ở 137 xã, phường, thị trấn, với 445 thôn, 1.362 hộ có dịch. Tổng số lợn phải tiêu hủy là 14.528 con, chiếm 3,2% tổng đàn lợn của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, dịch vẫn còn xuất hiện ở một số địa phương, chủ yếu do tái phát dịch. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng số lợn phải tiêu hủy là 729 con, trọng lượng tiêu hủy trên 24 tấn. Đến nay, toàn tỉnh có 14 xã còn dịch, trong đó, 6 xã đã qua 30 ngày, nhưng chưa làm thủ tục công bố hết dịch, gồm: Bắc Phong, Tân Phong - nay là xã Hợp Phong, Bình Thanh (Cao Phong); Yên Trị, Phú Lai (Yên Thủy); Quy Hậu - nay là thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc). Có 8 xã chưa qua 30 ngày, gồm: thị trấn Hàng Trạm, xã Đoàn Kết (Yên Thủy); Tú Lý, Hiền Lương, Vầy Nưa, Cao Sơn, Trung Thành, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc).
Như vậy, hiện nay, huyện Đà Bắc là địa bàn DTLCP đang tái phát với diễn biến phức tạp, 6 xã, thị trấn đang có dịch. Tú Lý là một trong những xã của huyện hiện chưa qua 30 ngày kể từ khi công bố DTLCP. Đồng chí Đinh Bá Hanh, cán bộ Thú y xã cho biết: DTLCP xảy ra trên địa bàn vào ngày 17/4, khiến 7 hộ dân phải tiêu hủy lợn, gồm 4 con lợn nái, 11 con lợn thịt. Trong đó, một nửa là giống lợn lai, còn lại là giống lợn bản địa.
Đồng chí Quách Công Khang, Phó Chủ tịch UBND xã nhận định: Nguyên nhân khiến DTLCP bùng phát là do xã giáp ranh với địa bàn tỉnh Phú Thọ, nơi có nhiều tư thương thường xuyên vận chuyển lợn ra vào khu vực, nên rất khó để kiểm soát mầm bệnh. Chuồng trại chăn nuôi của các hộ dân chưa đảm bảo an toàn sinh học, cũng là nguyên nhân khiến DTLCP tái phát. "Hiện nay, giá lợn giống cao, lại xuất hiện DTLCP, nên các hộ chăn nuôi e dè trong việc tái đàn. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền bà con chủ động thực hiện các biện pháp chống dịch, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát việc vận chuyển lợn từ các vùng khác đến địa phương, để ngăn chặn việc đưa lợn mắc bệnh đến tiêu thụ trên địa bàn xã"- đồng chí Quách Công Khang bày tỏ.
Bảo vệ đàn lợn trước dịch tả lợn châu Phi
Đánh giá nguyên nhân về sự tái phát DTLCP ở một số xã, thị trấn của huyện Đà Bắc, đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh cho rằng: Việc một số tư thương lái đưa thịt lợn, lợn giống ở các địa phương khác, tỉnh khác đến địa bàn huyện Đà Bắc tiêu thụ, là một trong những nguyên nhân khiến lợn ở địa phương này mắc bệnh. Những năm trước, khi DTLCP xảy ra, cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo bà con thực hiện các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học, để hạn chế thấp nhất việc DTLCP xâm nhiễm vào địa bàn. Thời gian qua, những trang trại chăn nuôi quy mô lớn đã áp dụng các biện pháp chăn nuôi lợn đảm bảo an toàn sinh học. Theo đó, tất cả các khâu về con giống, thức ăn, nước uống, tiêm phòng bệnh, đều được kiểm soát chặt chẽ, thậm chí các trang trại thực hiện "nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Điều này giúp ngăn chặn việc đưa mầm bệnh vào trang trại.
Tuy nhiên, rất khó để áp dụng ở quy mô chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, vì chi phí đầu tư lớn. Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và thú y, chăn nuôi lợn an toàn sinh học đối với quy mô nông hộ gồm các biện pháp như: Lợn giống phải có nguồn gốc rõ ràng, được nuôi cách ly riêng 7 ngày để theo dõi, ghi chép đầy đủ các biểu hiện bệnh lý; con giống phải khỏe mạnh, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phù hợp với lứa tuổi lợn theo quy định của thú y. Thức ăn cũng phải có nguồn gốc rõ ràng, còn hạn sử dụng, được bảo quản riêng biệt, khô ráo, nếu sử dụng thức ăn thừa phải được nấu chín. Nước uống phải đáp ứng theo nhu cầu của từng loại lợn, nguồn nước đảm bảo chất lượng, hợp vệ sinh. Hạn chế khách thăm quan và những người không phận sự ra vào khu chăn nuôi...
Đặc biệt, trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, chủ cơ sở chăn nuôi phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, tiến hành xử lý lợn theo chỉ đạo của chuyên môn thú y. Thực hiện "5 không”: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt để chăn nuôi lợn.
(HBĐT) - Để phát triển kinh tế rừng bền vững, huyện Đà Bắc đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, chuyển đổi tập quán sản xuất lâm nghiệp từ quảng canh sang thâm canh, tăng tỷ lệ trồng rừng gỗ lớn, phục vụ chế biến gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
Đồng hành với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước qua nhiều thời kỳ, kinh tế tư nhân đã phát triển không ngừng cả về quy mô và chất lượng, được khẳng định là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân phát triển bền vững, Đảng và Nhà nước cần có thêm nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi môi trường kinh doanh, tiếp cận các nguồn lực, tạo đà cho kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển lâu dài, hoạt động bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh lành mạnh.
(HBĐT) - Chiều 5/6, tại Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức Diễn đàn Báo chí - doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững. Diễn đàn có sự tham gia của gần 200 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc TP Hà Nội; các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia, luật sư, cơ quan báo chí các tỉnh phía Bắc.
(HBĐT) - Từ ngày 1- 7/6, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa diễn ra "Hội chợ Thương mại – du lịch quốc tế Nha Trang 2023” nhằm hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và hưởng ứng Chương trình Festival biển Nha Trang – Khánh Hòa 2023.
(HBĐT) - Xã Suối Hoa (Tân Lạc) có địa hình phức tạp, chủ yếu là núi đá xen kẽ đồi nên vấn đề giao thông gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, xã huy động mọi nguồn lực, từ nguồn đầu tư của Nhà nước và nội lực trong Nhân dân từng bước xây dựng mạng lưới giao thông hoàn thiện, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.
(HBĐT) - Đến cuối năm 2021, xã Yên Trị (Yên Thủy) hoàn thành 4/4 tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Từ một xã thuần nông, Yên Trị như được "khoác chiếc áo mới" với cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.