(HBĐT) - Những tấm biển thông tin, quảng cáo về dự án liên tục được làm mới như có sự trùng hợp ngẫu nhiên mỗi khi có đoàn kiểm tra của cơ quan chức năng để mắt tới. Đó là thực trạng của hàng chục dự án chậm tiến độ, trong đó có dự án "đắp chiếu” cả chục năm nằm rải rác trên khắp địa bàn toàn tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến 30/11/2020, toàn tỉnh có 105 dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm tiến độ, đáng chú ý có tới 48 dự án chưa làm bất cứ một thủ tục hành chính nào để triển khai thực hiện. Trong số 105 dự án chậm tiến độ, có 33 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, 32 dự án đầu tư vào lĩnh vực thương mại, còn lại thuộc nhiều lĩnh vực đầu tư khác nhau. Địa phương có dự án chậm tiến độ nhiều là huyện Lương Sơn và TP Hòa Bình - nơi được coi là vùng động lực tăng trưởng của cả tỉnh. Cũng cần nói thêm, đây mới là con số rà soát bước đầu nên trong danh sách chắc chắn còn lọt nhiều dự án, bởi tiêu chí rà soát, đánh giá dự án chậm tiến độ khó vượt qua được sự đối phó của các nhà đầu tư. Theo quan sát, ngay trung tâm TP Hòa Bình còn tồn tại hàng chục dự án "lô cốt” hoang hóa cả chục năm vẫn nằm trơ trơ như thách thức sự kiên nhẫn của chính quyền và dư luận.
Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh, nguyên nhân các dự án chậm tiến độ là do vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật, về giải phóng mặt bằng hoặc năng lực của các chủ đầu tư yếu... Vì vậy, việc các cơ quan quản lý nhà nước và hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tháo gỡ khó khăn cùng các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ để dự án sớm đi vào hoạt động, đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh là việc phải làm. Tuy nhiên, còn một nguyên nhân khiến hàng loạt dự án "không hẹn ngày về” mà không nhiều người biết, hoặc giả dụ có biết cũng khó xử lý, đó là thực tế đang tồn tại một "liên minh ngầm” chuyên lập các dự án "ma” với các chủ đầu tư không có năng lực, nhu cầu đầu tư thực, nhưng dựa vào các mối quan hệ thân quen với cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước để lập các dự án xin giao, cho thuê, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở các khu vực quy hoạch, chờ cơ hội chuyển nhượng dự án hưởng chênh lệch.
Để các dự án "ma” ôm đất chờ thời không chỉ vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật đầu tư, làm thất thoát, lãng phí nguồn lực rất lớn, mà còn tạo ra thế lực ngầm thao túng môi trường đầu tư, làm méo mó chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, làm tha hóa một bộ phận cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước bởi hành vi tiếp tay, móc nối. Thực tế thời gian qua có không ít nhà đầu tư tầm cỡ được ví như "đại bàng” về tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh, nhưng khó tìm được đất sạch nên đành ngậm ngùi ra đi, bởi quỹ đất không còn phù hợp với dự án đầu tư và sự quấy nhiễu, mặc cả của đám "chim sẻ” chiếm đất.
Dù muốn hay không cũng cần thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân chủ quan để hàng loạt dự án "đắp chiếu, trùm mền” là các cơ quan quản lý nhà nước đã làm chưa hết trách nhiệm. Sổ tay người giám sát cũng không quên lưu ý vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong công tác lãnh đạo, công tác kiểm tra, giám sát thực thi chính sách pháp luật về đầu tư, đất đai, tài chính, thuế đối với các dự án đầu tư nói chung và với các dự án chậm tiến độ nói riêng.
Là tỉnh được đánh giá có tiềm năng, lợi thế phát triển, tuy nhiên, Hòa Bình vẫn là tỉnh còn nghèo, vì vậy, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2025, kinh tế của tỉnh đạt mức trung bình của cả nước; chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 100 triệu đồng, thu ngân sách đạt trên 10 000 tỷ đồng... Để đạt được mục tiêu tưởng như đơn giản ấy với Hòa Bình là một sự nỗ lực vượt bậc, cần chắt chiu mọi nguồn lực, tận dụng mọi cơ hội để phát triển, trong đó, giải phóng nguồn lực đất đai, tài nguyên từ những dự án "đắp chiếu” là một giải pháp rất quan trọng.
Đã đến lúc cần tỏ thái độ dứt khoát nói không với những dự án chậm tiến độ, với những nhà đầu tư "dỏm”; rà soát quyết liệt loại bỏ những dự án đắp chiếu, thu hồi dành quỹ đất cho phát triển; chấn chỉnh quy trình đánh giá thẩm định năng lực nhà đầu tư, chất lượng dự án trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép đầu tư, quyết định giao, cho thuê đất, chuyển đổi, chuyển nhượng dự án đầu tư. Tăng cường năng lực quản lý, giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định của pháp luật đi đôi với xử lý nghiêm các vi phạm, đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức thi hành công vụ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nâng cao năng lực quy hoạch và quản lý quy hoạch, xử lý các dự án "treo” theo quy định của pháp luật.
Nhìn ra tỉnh bạn, để xử lý các dự án chậm tiến độ, năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã thu hồi trên 80 dự án, tỉnh Quảng Ngãi thu hồi 296 dự án… Bên cạnh đó, các địa phương này đã áp dụng các biện pháp quyết liệt chấn chỉnh môi trường đầu tư, vì vậy đã thu hút nhiều nhà đầu tư có tầm cỡ đến làm ăn, tạo nên một địa phương phát triển, đây là những kinh nhiệm đáng để cho chúng ta suy ngẫm.
Nguyễn Tiến Sinh
(Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ)
(HBĐT) - Sản phẩm măng Kim Bôi của Công ty CP Kim Bôi vừa lọt vào top 20 hàng Việt tốt vì quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp phát triển vững mạnh, thương hiệu vàng Việt Nam, sản phẩm dịch vụ chất lượng vàng vì quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
(HBĐT) - Sáng 22/3, UBND huyện Đà Bắc tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý báo cáo "Phương án phát triển vùng trồng cây dược liệu quý tại huyện Đà Bắc”. Dự hội nghị có lãnh đạo Viện Dược liệu (Bộ Y tế); một số sở, ban, ngành của tỉnh và huyện Đà Bắc.
(HBĐT) - Ngày 22/3, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban Quản lý chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) tổ chức hội nghị bàn tròn cấp tỉnh tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất rừng và trang trại. 4 năm qua, chương trình được triển khai tại một số xã ở 2 huyện Tân Lạc, Lạc Thủy.
(HBĐT) - Triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Lạc Sơn hiện có 10 sản phẩm của 10 chủ thể được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
(HBĐT) - Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội (NƠXH) trong thời gian qua nhằm thực hiện chủ trương bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và ổn định thị trường bất động sản. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg, ngày 25/1/2017 về đẩy mạnh phát triển NƠXH. Tuy nhiên, việc phát triển NƠXH vẫn tiến triển rất chậm với nhiều khó khăn, vướng mắc.
(HBĐT) - Sau khi tới thị trường Anh, cam Cao Phong bước đầu nhận được những phản hồi tích cực từ người tiêu dùng sở tại, đánh dấu sự trở lại của loại trái cây đặc sản miền Bắc trên thị trường thế giới sau hơn 40 năm. Đây là động lực lớn, tiền đề để các cấp chính quyền cũng như doanh nghiệp, HTX, nông dân trồng cam trên địa bàn huyện tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản đặc trưng của vùng đất Mường Thàng.