(HBĐT) - Hoà Bình đang bước vào thời điểm nắng nóng nhất trong năm. Điều này đồng nghĩa với những người làm nghề sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị điện tử, điện lạnh cũng tất bật "vào vụ” bởi nhu cầu của người dân mỗi ngày một tăng.
Thợ bảo dưỡng máy điều hoà không khí cho hộ dân tại phường Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình).
Những ngày này, nhiệt độ ngoài trời trên địa bàn trong tỉnh luôn ở mức cao. Mới gần 8h, cái nóng đã bao trùm. Hiệu ứng bê tông hóa khiến nơi đâu cũng như một chảo lửa khổng lồ. Từ phòng trọ đến chung cư hay cả nơi công sở..., quạt hơi nước, quạt điện bình thường đều không thể đáp ứng được nhu cầu làm mát của người dân. Do đó, những chiếc máy điều hoà không khí (ĐHKK) dễ bị hỏng vì luôn phải hoạt động ở cường độ lớn. Chị Nguyễn Thị Thư, xã Hợp Thành (TP Hoà Bình) cho biết: máy ĐHKK của gia đình đã lâu không vệ sinh nên làm mát kém, tôi đã gọi thợ quen tới sửa nhưng do khách quá đông nên hẹn 2 ngày sau mới đến. Nóng lắm nhưng gia đình cũng phải chờ vì mùa này tìm thợ rất khó. Tôi cũng đã gọi vài chỗ đều nhận được câu trả lời tương tự.
Với những thợ bảo dưỡng, lắp đặt ĐHKK như anh Hồ Danh Đông, chủ một cửa hàng chuyên mua bán, bảo dưỡng, lắp đặt các thiết bị điện tử, điện lạnh tại phố Tân Lập 1, phường Trung Minh (TP Hoà Bình), cao điểm nắng nóng cũng là những ngày vất vả làm không hết việc, nhiều khi đến bữa không kịp ăn cơm vì lịch bảo dưỡng cho khách trong ngày chưa kết thúc. Anh Đông chia sẻ: Từ 1 tuần nay, khách hàng có nhu cầu bảo dưỡng, lắp đặt ĐHKK tăng lên mỗi ngày. Tuy cửa hàng có vài nhân viên cùng làm, phân công từng nhóm khách để đi làm như: Doanh nghiệp, cơ quan, hộ gia đình... nhưng vẫn có những ngày không kịp làm hết cho khách, phải hẹn sang hôm sau. Có hôm đi làm buổi trưa ngoài trời, nắng dội xuống người bỏng rát vẫn cố gắng hoàn thành nhanh công việc để kịp thời mang lại không khí mát mẻ, trong lành cho khách hàng, cũng là để giữ uy tín, niềm tin của khách đối với cửa hàng. Thời gian này, cửa hàng của anh Đông bảo dưỡng đều đặn trên 10 máy ĐHKK/ngày. Ngoài ra, nhu cầu lắp mới máy lạnh của người dân cũng tăng với 3 - 4 máy/ngày.
Nắng nóng khiến nhu cầu bảo dưỡng, lắp đặt thiết bị làm mát tăng đột biến dù là ở khu vực thành thị hay nông thôn, ở nhà dân, công sở hay các doanh nghiệp. Nhu cầu cao, thợ làm không xuể nên không ít thợ, cửa hàng phải hẹn khách hàng vài ngày sau mới tới sửa chữa được. Anh Vũ Văn Phong, phố Bằng, xã Tây Phong (Cao Phong) cho biết: Ở địa phương, thợ bảo dưỡng, lắp đặt thiết bị làm mát không nhiều như các khu vực trung tâm huyện hay thành phố. Vì thế gần đây, có ngày tôi nhận hàng chục cuộc điện thoại khách giục sửa, lắp đặt máy. Khách ai cũng muốn làm cho nhanh mà một mình làm không xuể nên tôi phải thuê thêm người đi cùng. Thông thường, máy ĐHKK bị hỏng ở các lỗi như: Lốc máy chết, hết gas, hơi lạnh yếu, máy nén (cục nóng) bị ồn... Để vệ sinh mỗi bộ máy ĐHKK công suất từ 9.000 - 18.000 BTU mất khoảng 30 phút, chi phí từ 100 -150.000 đồng, chưa kể công lắp đặt mới và sửa chữa thiết bị mỗi ngày. Không thể phủ nhận, thu nhập từ nghề này tăng gấp mấy lần trong mùa cao điểm. Tuy nhiên, những người thợ đều "đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết để có được những đồng thù lao xứng đáng với công sức lao động của mình.
Hàng năm, dịch vụ bảo dưỡng, lắp đặt điện tử, điện lạnh thường bắt đầu nhộn nhịp từ tháng 4 - 7. Thời gian này, nghề sửa chữa điện lạnh trở thành nghề có thu nhập cao, thu hút được nhiều lao động, tuy nhiên cũng là nghề vất vả, nguy hiểm. Vào những ngày cao điểm, công việc có thể kéo dài từ 6 - 23h, thậm chí tới 1h hôm sau. Chưa kể, nghề này đòi hỏi người thợ phải nhanh nhẹn, giỏi về kỹ thuật, am hiểu tận tường các loại máy móc.
Để tránh "tiền mất tật mang” khi sửa chữa, bảo dưỡng ĐHKK ngày nắng nóng, các đơn vị, cửa hàng lắp đặt, bảo dưỡng thiết bị điện tử, điện lạnh, thợ lành nghề khuyến cáo khách hàng nên liên hệ với các trung tâm chính hãng, cửa hàng uy tín khi gặp sự cố sử dụng ĐHKK. Bởi những nơi này, thường có đội ngũ thợ giỏi, có thể xử lý nhanh tình trạng máy hư hỏng. Nếu thợ không giỏi dẫn đến "đoán bệnh” của các loại máy không chuẩn sẽ gây tốn kém về thời gian, tiền bạc cho khách. Thậm chí một số nơi còn lợi dụng sự không am hiểu của khách hàng để "hét" giá hoặc thay hàng kém chất lượng.
Thu Hằng
(HBĐT) - Sáng 22/3, UBND huyện Đà Bắc tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý báo cáo "Phương án phát triển vùng trồng cây dược liệu quý tại huyện Đà Bắc”. Dự hội nghị có lãnh đạo Viện Dược liệu (Bộ Y tế); một số sở, ban, ngành của tỉnh và huyện Đà Bắc.
(HBĐT) - Ngày 22/3, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban Quản lý chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) tổ chức hội nghị bàn tròn cấp tỉnh tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất rừng và trang trại. 4 năm qua, chương trình được triển khai tại một số xã ở 2 huyện Tân Lạc, Lạc Thủy.
(HBĐT) - Triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Lạc Sơn hiện có 10 sản phẩm của 10 chủ thể được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
(HBĐT) - Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội (NƠXH) trong thời gian qua nhằm thực hiện chủ trương bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và ổn định thị trường bất động sản. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg, ngày 25/1/2017 về đẩy mạnh phát triển NƠXH. Tuy nhiên, việc phát triển NƠXH vẫn tiến triển rất chậm với nhiều khó khăn, vướng mắc.
(HBĐT) - Sau khi tới thị trường Anh, cam Cao Phong bước đầu nhận được những phản hồi tích cực từ người tiêu dùng sở tại, đánh dấu sự trở lại của loại trái cây đặc sản miền Bắc trên thị trường thế giới sau hơn 40 năm. Đây là động lực lớn, tiền đề để các cấp chính quyền cũng như doanh nghiệp, HTX, nông dân trồng cam trên địa bàn huyện tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản đặc trưng của vùng đất Mường Thàng.
(HBĐT) - Dự án khu đô thị mới (KĐTM) Trung Minh A là dự án trọng điểm của tỉnh. Trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), một số hộ dân không nhận tiền đền bù, hỗ trợ, không bàn giao mặt bằng, ngăn cản không cho chủ đầu tư thi công, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án.