(HBĐT) - TP Hòa Bình là đô thị loại III, trực thuộc tỉnh, được thành lập theo Nghị định số 126/2006/NĐ-CP, ngày 27/10/2006 của Chính phủ. Sau 15 thành lập và phát triển, TP Hòa Bình ngày càng khẳng định thế mạnh và tiềm năng to lớn của một trung tâm tỉnh lỵ, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá - xã hội của tỉnh, đầu mối giao thông quan trọng của miền Tây Bắc và cả nước.


Một góc TP Hòa Bình bên bờ sông Đà (nguồn ảnh http://consosukien.vn/).

Nếu trở lại TP Hòa Bình sau nhiều năm, chắc nhiều người sẽ bất ngờ trước những đổi thay của thành phố bên bờ sông Đà. Từ một vùng đất bình yên, TP Hòa Bình trở nên sôi động, các khu đô thị mới, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng, khu nhà cao tầng vươn cao, mở rộng, trải dài hai bên bờ sông Đà; phố phường khang trang, tấp nập, đông vui hơn; chất lượng cuộc sống đã có bước tiến dài…

Dạo quanh TP Hòa Bình, thành phố hiện ra trước mắt là những khu cửa hàng, cửa hiệu hào bắt mắt với các hãng thời trang và mỹ phẩm nổi tiếng, mọc lên san sát nhau. Thành phố luôn tràn đầy sức sống, nơi có những không gian thoáng đãng, những trung tâm mua sắm giải trí nhộn nhịp, sôi động và tấp nập...

Về đêm, TP Hòa Bình thật ngỡ ngàng với vẻ đẹp lung linh, huyền ảo. Đứng trên những tòa nhà cao tầng, thành phố hiện ra như một thiên đường ánh sáng. Quảng trường Hòa Bình sôi nổi các hoạt động vào những ngày lễ, Tết. Nơi đây khi chưa có dịch Covid-19 thường xuyên tổ chức các chương trình ca nhạc, sự kiện lớn của tỉnh, thành phố, cũng là nơi tập trung các hoạt động giải trí của người dân. Vào buổi tối, khu vực Quảng trường Hòa Bình như được "khoác” lên mình một chiếc áo mới với những màu sắc lấp lánh sặc sỡ, ấn tượng. Đây cũng là điểm đến lý tưởng cho du khách khi đến với TP Hòa Bình.

TP Hòa Bình hôm nay đang được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhiều công trình hiện đại, khang trang đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, hướng tới đô thị xanh, thông minh. Sự đổi thay diện mạo của thành phố còn được tô điểm bởi nhiều tuyến đường, đại lộ hiện đại đã, đang được đầu tư xây dựng. Đặc biệt, năm 2018, tuyến đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình hoàn thành, đưa vào hoạt động đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội - Hòa Bình còn khoảng 1 giờ xe chạy, đồng thời cũng tạo sức nóng thu hút các dự án đầu tư. Cầu Hòa Bình 3 đã thông xe vào tháng 1/2020, kết nối khu vực bờ trái với bờ phải của thành phố, kết nối khu vực trung tâm của tỉnh Hòa Bình với các tỉnh lân cận; mở rộng không gian đô thị, tạo động lực phát triển KT-XH cho TP Hòa Bình nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung.

Cùng với đó, trên địa bàn thành phố đang triển khai nhiều dự án, công trình trọng điểm như: Cầu Hòa Bình 2, đường 6 kết nối quốc lộ 6 với đường Chi Lăng, dự án phát triển đô thị miền núi phía Bắc, dự án, cải tạo, nâng cấp đường 435; các dự án khu, cụn công nghiệp… Tất cả đang tạo nên hệ thống giao thông đô thị liên hoàn có sự kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm trong và ngoài tỉnh, thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại, kinh tế, du lịch, dân sinh, đã tạo cho TP Hòa Bình một tư thế mới, động lực mới, mở ra những khả năng phát triển lớn lao về đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, vững mạnh về QP-AN.

Đi trên các tuyến phố ở TP Hòa Bình cảm nhận được sự đổi thay từng ngày: Đường giao thông rộng mở, trường học xây dựng mới khang trang, nhà cao tầng mọc lên san sát, nhiều công trình văn hóa được đầu tư quy mô… Vào những ngày lễ, Tết cờ hoa rực rỡ, ánh điện sáng lung linh, công nghệ thông tin liên lạc đến từng nhà, loa đài phóng thanh vang lên rộn rã, khu phố đông vui nhộn nhịp. Đường phố khang trang, rộng thoáng luôn mang trong mình vẻ xanh - sạch - đẹp.

Với chức năng là "đầu tàu” thương mại, dịch vụ của tỉnh, TP Hòa Bình đã thu hút nhiều tập đoàn lớn và danh tiếng vào đầu tư xây dựng như Tập đoàn Vingroup đầu tư dự án Trung tâm Vincom và nhà mặt phố thương mại Shophouse; Tập đoàn FLC, T&T… Trong những năm qua, trên địa bàn thành phố, lĩnh vực công nghiệp có bước phát triển dần mang tính bền vững. Minh chứng là các doanh nghiệp tại khu công nghiệp (KCN) bờ trái sông Đà thu hút hàng nghìn lao động, hàng chục doanh nghiệp trong KCN hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, hàng trăm doanh nghiệp khác trên địa bàn cũng được các cấp, ngành hỗ trợ đắc lực nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Định hướng phát triển công nghiệp của TP Hòa Bình trong thời gian tới tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực để phát triển nhiều lĩnh vực. Khuyến khích đầu tư công nghệ và kỹ thuật mới cho những ngành công nghiệp truyền thống, chủ lực như: May mặc, cơ khí, chế biến nông sản thực phẩm… Đồng thời, tại các KCN, cụm công nghiệp khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp sạch, có giá trị gia tăng lớn, hàm lượng công nghệ cao. Tái cơ cấu ngành công nghiệp hướng tới sản xuất các hàng tiêu dùng cao cấp, các ngành công nghiệp bổ trợ, công nghiệp thiết bị điện - điện tử. Song song với đó, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường, phát triển mạnh theo hướng các mặt hàng có khả năng xuất khẩu cao... đảm bảo tăng thu ngân sách Nhà nước bền vững trong những năm tới.

Những thành tựu Đảng bộ và Nhân dân TP Hòa Bình đạt được không chỉ là minh chứng cho sự nắm vững và vận dụng linh hoạt chủ trương, đường lối của Đảng, sự năng động, sáng tạo, chủ động nắm bắt thời cơ của Đảng bộ, quân và dân thành phố, mà còn mang dấu ấn đậm nét của sự phù hợp giữa "ý Đảng, lòng dân” và sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Những thành tựu đó là cơ sở quan trọng, nền móng vững chắc tạo nên thế và lực mới để Đảng bộ và nhân dân TP Hòa Bình tiếp tục xây dựng TP trở thành đô thị loại II trước năm 2025, như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hòa Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Với quyết tâm chính trị, mục tiêu rõ ràng, cách làm phù hợp, tin rằng TP Hòa Bình sẽ có sự phát triển bứt phá, sớm trở thành trung tâm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực Tây Bắc.


Hoàng Hữu Hóa
Thị xã Quảng Trị (Quảng Trị)

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục