(HBĐT) - Trong thời gian qua, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Lương Sơn dần được kiểm soát, các doanh nghiệp (DN) trong khu công nghiệp (KCN) Lương Sơn đang khôi phục hoạt động sản xuất, nỗ lực hoàn thành đơn hàng còn dang dở, cũng như đón đầu cơ hội mới trong những tháng cuối của năm 2021.


Hoạt động sản xuất được đảm bảo tại Công ty TNHH Minh Trung, khu công nghiệp Lương Sơn (Lương Sơn).

Ghi nhận trong những ngày trung tuần tháng 10 tại KCN Lương Sơn, tại các phân xưởng của Công ty TNHH Esquel Việt Nam hàng nghìn lao động miệt mài làm việc. Trên khu nhà ăn 2 tầng, hàng trăm công nhân xếp hàng tiêm vắc xin phòng, chống dịch (PCD) Covid-19. Được biết, hiện số công nhân của công ty khoảng 5.000 lao động và làm theo ca. Hầu hết công nhân trong công ty đã tiêm 1 mũi vắc xin chống Covid-19. 

Qua trao đổi với Tổng Giám đốc Công ty TNHH Esquel Việt Nam Teh Thian San được biết, thời điểm giãn cách xã hội, có lúc công nhân công ty giảm còn một nửa, hoạt động sản xuất nhìn chung rất khó khăn, dẫn đến nhiều đơn hàng ứ đọng. Công ty đã kiến nghị với tỉnh và huyện Lương Sơn tạo điều kiện cho công nhân công ty nói riêng, công nhân trong KCN nói chung đi lại thuận lợi hơn từ nơi ở đến công ty. Đồng thời, yêu cầu công nhân tuân thủ, thực hiện đúng quy định PCD Covid-19. 

Tại Công ty TNHH Minh Trung với thương hiệu cháo Bát Bảo nổi tiếng, nhiều sản phẩm cháo đóng hộp cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế. Trong công xưởng, hàng chục công nhân hăng say lao động, tại các dây chuyền sản xuất, công nhân tuân thủ tuyệt đối quy định về PCD bệnh. Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Trung Nguyễn Thị Thủy, thời gian qua, tác động của dịch Covid-19 ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và cung ứng các sản phẩm của công ty ra thị trường. Tuy nhiên, do công tác PCD bệnh và việc triển khai các giải PCD Covid-19 ở mức cao nhất và đúng theo quy định, nên tình hình sản xuất của công ty vẫn được đảm bảo. Trong thời kỳ cao điểm dịch bệnh, công ty vẫn hợp tác tốt với chính quyền tỉnh và các địa phương lân cận nhằm liên kết sản xuất, cam kết đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. "Trong tình hình hiện nay, công ty hết sức nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, tuân thủ đầy đủ các quy định về PCD Covid-19 với mong muốn luôn đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên, đồng thời tạo ra giá trị tốt hơn cho nông sản Việt, từng bước đưa công ty phát triển bền vững” - bà Nguyễn Thị Thuỷ cho hay.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Trường, Ban Quản lý KCN Lương Sơn, là địa bàn giáp ranh với Hà Nội, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất cao. Trước khi thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn huyện đã xuất hiện trường hợp nhiễm Covid-19, chính vì vậy, UBND huyện và Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tích cực chỉ đạo các DN xây dựng phương án PCD, áp dụng nghiêm ngặt nguyên tắc "5K". Yêu cầu người lao động ký cam kết phòng dịch, DN phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để dịch bệnh lây lan.

Các phương án "3 tại chỗ”, "1 cung đường 2 điểm đến” được thực hiện tại DN và toàn bộ lao động trong KCN. Chính vì vậy, hoạt động sản xuất của nhiều DN giảm thiểu tác động ở mức thấp nhất. Đồng thời, công tác PCD Covid-19 ở mức cao nhất, đến nay không có trường hợp lây nhiễm dịch bệnh trong KCN. 

Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có trên 3.800 cơ sở, DN và hộ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động, tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh: Sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, điện tử..., góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Trong đó, KCN Lương Sơn được đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%, thu hút trên 30 dự án đăng ký đầu tư, có 13 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hàng năm, riêng các DN trong KCN Lương Sơn đóng góp 70 - 80% giá trị sản xuất công nghiệp (không tính giá trị sản xuất công nghiệp của thủy điện Hòa Bình) và khoảng 60% giá trị xuất khẩu của tỉnh, tích cực đóng góp ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho trên 1,5 vạn lao động. 

"Với tầm quan trọng của hoạt động trong KCN Lương Sơn, trong thời gian tới, toàn bộ công nhân trong KCN sẽ được đảm bảo tiêm vắc xin chống Covid-19 đầy đủ” - đồng chí Nguyễn Văn Danh nhấn mạnh.

Hồng Trung

Các tin khác


Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Triển vọng nghề nuôi dê núi ở vùng cao Đà Bắc

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về bãi chăn thả, nguồn thức ăn, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Đà Bắc chú trọng chuyển đổi từ nuôi trâu, bò sang nuôi dê. Với ưu điểm "chỉ ăn cỏ, uống nước lã”, nuôi dê trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục