(HBĐT) - Sản phẩm cây ăn quả có múi (CAQCM) được xác định là 1 trong 9 loại nông sản chủ lực của tỉnh, đây cũng là một trong số ít sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có khả năng chi phối thị trường các tỉnh phía Bắc. Để phát triển bền vững và gia tăng chuỗi giá trị trong sản xuất CAQCM, ngày 16/9/2021, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Là một trong những vùng sản xuất CAQCM chủ lực của tỉnh với tổng diện tích chiếm 30%, huyện Cao Phong đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện "Đề án Tái canh CAQCM trên địa bàn huyện Cao Phong giai đoạn 2021 - 2025” nhằm tổ chức lại sản xuất, khép kín, đồng bộ, bền vững từ phát triển vùng nguyên liệu tới sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm (TTSP).


Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (3T Farm), khu 1, thị trấn Cao Phong sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cần thiết tái canh cây ăn quả có múi

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Cao Phong hiện có gần 2.000 ha CAQCM, sản lượng niên vụ 2021 - 2022 ước đạt trên 22.000 tấn. Huyện là một trong những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có điều kiện thâm canh cao, nổi tiếng, với bộ giống đa dạng, năng suất, chất lượng tốt như cam CS1, cam Marrs (cam BH), cam Canh, cam V2… Giá trị thu nhập trong sản xuất CAQCM bình quân đạt 300 - 350 triệu đồng/ha/năm, thuộc diện cao nhất toàn quốc, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giúp nông dân làm giàu.

Tuy nhiên, đến nay, sau quá trình phát triển tăng nhanh diện tích và sản lượng, CAQCM đã nảy sinh những vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của sản phẩm này. Đó là do quá trình canh tác lâu năm, sử dụng nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hoá học… khiến nhiều diện tích đất chai cứng, mất kết cấu. Quá trình tăng nóng diện tích trong thời gian ngắn khiến một số diện tích sử dụng cây giống không đảm bảo chất lượng, nhiễm dịch hại nguy hiểm gây suy tàn, nhanh thoái hoá vườn cây. Mặt khác, đến nay, tại Cao Phong chưa có nhà máy chế biến, chợ đầu mối nông sản, hay các điểm tập kết sản phẩm quy mô lớn có đầy đủ trang thiết bị phục vụ sơ chế, đóng gói; nội tại trong các vùng sản xuất CAQCM tập trung của huyện còn hạn chế về cơ sở hạ tầng (CSHT); nguồn nước tưới không đáp ứng được toàn bộ diện tích; chưa gắn kết giữa khâu sản xuất và bảo quản, chế biến, TTSP thành chuỗi giá trị nên sản phẩm dễ bị tác động của thị trường…

Bắc Phong là một trong những địa bàn có diện tích được quy hoạch vùng lõi sản xuất CAQCM của huyện với trên 350 ha. Tuy nhiên, qua rà soát lại, diện tích được quy hoạch hiện đã giảm chỉ còn gần 270 ha. Phần do nhiều vườn trồng bị bệnh vàng lá gân xanh do nhiễm virus, phần do một số khu vực đất trồng không đảm bảo độ dốc, thiếu nước tưới... Đồng chí Khương Xuân Lịch, Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm trước, một số hộ trên địa bàn xã đã chủ động tổ chức lại sản xuất đối với diện tích trồng cam già cỗi, hết chu kỳ khai thác để cải tạo đất và đã cho thấy hiệu quả. Vì vậy, có thể thấy, tái canh để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tạo đất là rất cần thiết nhằm phát triển vùng sản xuất bền vững. Đối với diện tích CAQCM theo quy hoạch bị giảm khoảng 80 ha, xã đã chỉ đạo nông dân triển khai cải tạo đất chuyển sang trồng cây ngắn ngày. Để đảm bảo các điều kiện CSHT phục vụ hoạt động sản xuất, vận chuyển và TTSP, huyện đã lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện một số nội dung; còn lại hạng mục sửa chữa, nâng cấp hồ suối Lầy trên địa bàn xã đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Nhằm khôi phục, duy trì thương hiệu sản phẩm, UBND huyện Cao Phong đã xây dựng Kế hoạch số 65/KH-UBND về việc triển khai thực hiện "Đề án Tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Cao Phong giai đoạn 2021 - 2025". Theo đó, huyện tập trung tái canh cây cam, quýt quy mô khoảng 1.500 ha, trồng mới 670/1.500 ha, với giống cây đầu dòng và quy trình chăm sóc cam đúng kỹ thuật từ khâu xử lý đất.

Trong năm nay, huyện dự kiến trồng tái canh và tổ chức lại sản xuất với 20 ha. Đã có 5 dự án ưu tiên được xác định và thực hiện tại huyện trong giai đoạn đầu, gồm: Xây dựng, tổ chức khai thác nguồn vật liệu nhân giống từ cây đầu dòng, vườn cây giống 3 cấp, giống gốc ghép phục vụ đề án; cải tạo đất, tạo quỹ đất sạch sâu bệnh phục vụ tái canh vùng CAQCM huyện; xây dựng, nâng cấp CSHT phục vụ vùng tái canh; xây dựng nhà máy chế biến hoa quả Cao Phong; tổ chức mô hình tái canh cây CAQCM tại vùng lõi của huyện. Với 9 nhóm giải pháp và 8 mục tiêu cụ thể, đề án góp phần mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Nỗ lực hôm nay - bền vững ngày mai

Thời điểm này, về tiến độ thực hiện các dự án ưu tiên trên địa bàn huyện, đã công nhận được 227 cây đầu dòng của 9 giống CAQCM trồng phổ biến trong tỉnh. Số lượng cây đầu dòng này hàng năm có khả năng cung cấp trên 350 nghìn mắt ghép làm vật liệu nhân giống. Cùng với đó đã tiếp nhận, đưa vào sử dụng hệ thống nhân giống 3 cấp theo tiêu chuẩn quốc gia. Toàn huyện đã có khoảng 780 ha CAQCM được trồng luân canh cây trồng khác để cải tạo đất. Đối với dự án xây dựng CSHT phục vụ tái canh, huyện lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện một số nội dung. Các dự án xây dựng nhà máy chế biến hoa quả, tổ chức mô hình tái canh vùng lõi đang dừng lại ở việc khảo sát, rà soát và xây dựng phương án.

Những kết quả bước đầu trong việc thực hiện Đề án Tái canh CAQCM trên địa bàn huyện Cao Phong giai đoạn 2021 - 2025 như: Chuẩn bị đủ nguồn vật liệu nhân giống sạch bệnh; tổ chức luân canh cây trồng khác trên diện tích cam đã hết chu kỳ khai thác; lập kế hoạch chi tiết cho diện tích trồng mới từ nay đến năm 2025 hay một số dự án hạ tầng đang triển khai đã thể hiện sự nỗ lực của chính quyền, người dân toàn huyện trong việc giữ gìn và bảo vệ thương hiệu cam Cao Phong. Dù vậy, trong quá trình thực hiện đề án, các đơn vị tham gia đã gặp phải không ít khó khăn về nguồn lực tài chính, tạo quỹ đất phục vụ tái canh, kinh phí thực hiện... Nhận thức về tái canh CAQCM ở một bộ phận cán bộ, người dân còn hạn chế cũng gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, một số diện tích đã chuyển sang trồng các loại cây dài ngày như bơ, đào, nhãn cũng làm phá vỡ quy hoạch vùng cam tập trung.

Đồng chí Bùi Hoài Nhi, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nhằm sớm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án, UBND huyện đã đề xuất UBND tỉnh ban hành cơ chế sử dụng lồng ghép các nguồn vốn cho hoạt động của đề án; tăng cường cán bộ chuyên môn, năng lực của các sở, ngành giúp huyện thực hiện các nhiệm vụ chuyên trách để thực hiện đề án; hỗ trợ kinh phí để thực hiện những nội dung của các dự án ưu tiên, hỗ trợ HTX tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị… Trước mắt nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi đảm bảo an toàn nguồn nước tưới cho vùng tái canh với 7 công trình hồ, đập, 6.700 km kênh mương, tổng kinh phí dự kiến trên 21 tỷ đồng.

Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để đảm bảo triển khai thực hiện đề án đúng kế hoạch đã đề ra, góp phần nâng tầm thương hiệu CAQCM trong những năm tới, cần có sự quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị cũng như cần huy động được nguồn lực từ các nguồn khác nhau. Bởi tái canh CAQCM được xác định là tổ chức lại sản xuất, với vai trò nòng cốt là doanh nghiệp, HTX có liên kết chặt với các hộ sản xuất, theo chuỗi giá trị. Để thực hiện được đầy đủ, đúng tiến độ các mục tiêu cụ thể đề án đã đặt ra, nếu đề án được thực hiện đúng tiến độ và đạt hiệu quả, dự kiến đến năm 2025, thu nhập của người sản xuất tăng ít nhất 1,3 lần so với năm 2020. Đồng thời kéo theo sự tăng trưởng của các ngành kinh tế khác như dịch vụ logistics, công nghiệp chế biến, đào tạo nhân lực, du lịch... Góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp; thay đổi tư duy sản xuất, liên kết hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là giảm thiểu được cường độ và mức độ sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại trong sản xuất để bảo vệ môi trường sinh thái.

 Thu Hằng


Nhóm ý kiến: Chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

Chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp tức là lấy hiệu quả sản xuất đặt lên hàng đầu. Để làm được điều đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp không chỉ về năng suất, chất lượng mà còn có các giải pháp về thị trường tiêu thụ, kết nối, giảm chi phí sản xuất, vấn đề môi trường. Đặc biệt là đa dạng hóa giá trị sản phẩm, có thể sản xuất, chế biến cây ăn quả có múi thành nhiều sản phẩm khác nhau, tận thu những sản phẩm phụ từ cây ăn quả có múi…

Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường năng lực cho các đơn vị chuyên ngành trực thuộc Sở NN&PTNT để có những khu vực nhân giống sạch bệnh, đáp ứng đủ quy mô sản xuất, có những thiết bị kiểm tra nhanh chất lượng giống để phục vụ sản xuất cây ăn quả có múi của huyện Cao Phong.

 

Hoàng Văn Hồng

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT)


Các HTX, tổ hợp tác cần tối ưu hóa hiệu quả hoạt động

Trong quá trình hoạt động, ngoài được hưởng lợi từ nhiều chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ liên kết sản xuất… của Nhà nước, các tổ hợp tác, HTX còn có vai trò quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, liên kết sản xuất cũng như kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên khi có sản phẩm. Đối với Đề án Tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Cao Phong giai đoạn 2021 - 2025, trong quá trình triển khai thực hiện, các HTX, tổ hợp tác không chỉ thực hiện kết nối tiêu thụ mà còn liên quan đến cung cấp vật tư đầu vào cho các thành viên sau này; giúp giảm chi phí và nâng cao chất lượng, tiêu thụ sản phẩm ổn định với giá cao hơn. Vì vậy, khi thành lập các HTX, tổ hợp tác cần bám sát đề án nhằm tránh thất thoát, lãng phí mà vẫn đảm bảo hiệu quả tối đa của việc thực hiện.

 

Nguyễn Hồng Yến

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

 

Quản lý Chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong

Từ năm 2014, sau khi được công nhận Chỉ dẫn địa lý, nhiều người sản xuất, HTX trên địa bàn huyện dường như "say trong chiến thắng” và quên mất việc phải gìn giữ thương hiệu, quản lý Chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong. Cam Cao Phong trở nên có tiếng đồng nghĩa với việc mẫu mã thùng giấy đựng cam khó quản lý, còn tồn tại tình trạng "vàng thau lẫn lộn”, bao bì, thùng đựng in thương hiệu cam Cao Phong nhưng sản phẩm lại của nơi khác.

Vì vậy, phải có biện pháp quản lý sản phẩm từ gốc để cam mang thương hiệu không được trộn lẫn các loại cam kém chất lượng khác. Tăng cường quản lý tem mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đẩy mạnh đưa các sản phẩm cây ăn quả có múi của Cao Phong ra giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại nhằm mục đích tăng cường sự hiểu biết của người tiêu dùng với cây ăn quả có múi có nguồn gốc, xuất xứ.

Phạm Minh Thái

Chủ tịch Hội Người trồng cam Cao Phong


Các tin khác


Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục