Chị Đinh Thị Yến, chi hội trưởng phụ nữ thôn Lũ, xã Phú Thành (Lạc Thủy) là điển hình trong phát triển kinh tế, tạo việc làm tại chỗ ở nông thôn.
Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng chị Đinh Thị Yến, chi hội trưởng phụ nữ thôn Lũ lại xốc vác, tu chí làm ăn, xây dựng thành công mô hình trồng trọt, chăn nuôi để chị em trong thôn học tập. Trên diện tích đất canh tác của gia đình, chị duy trì sản xuất chè, đầu tư máy móc chế biến để bán thành phẩm chè khô. Do không phải phụ thuộc vào tư thương thu mua búp tươi nên việc tiêu thụ ổn định hơn. Chị cũng đầu tư chăn nuôi gà thả vườn với quy mô 2.500 con/lứa, bình quân 2 lứa/năm. Mô hình kinh tế gia đình với 2 lao động chính đạt doanh thu hàng tỷ đồng/năm, sau khi đã trừ chi phí đạt 250 - 300 triệu đồng/năm.
Xã Phú Thành có 1 làng nghề sản xuất đá cảnh thôn Sỏi nổi tiếng với các sản phẩm nghệ thuật được chế tác, điêu khắc, tạo hình từ chất liệu đá tự nhiên, thị trường tiêu thụ mở rộng từ Bắc đến Nam và xuất sang một số nước: Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Từ hoạt động của làng nghề với 68 hộ thành viên đã thu hút, tạo việc làm tại chỗ cho khoảng 300 lao động, chủ yếu là lao động địa phương với thu nhập từ 6,5 - 15 triệu đồng/người/tháng.
Theo thống kê, trên địa bàn xã có 16 doanh nghiệp hoạt động, gồm cả trong và ngoài cụm công nghiệp Phú Thành. Các doanh nghiệp thu hút nhiều lao động vào làm việc là Công ty CP Wilson, Công ty phát triển hạ tầng Phú Thành, Công ty gạch Thành Long, Công ty gạch Đại Minh, Công ty TNHH đầu tư xây dựng SHB Hòa Bình...
Đồng chí Bùi Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thành cho biết: Xã có 10 khu dân cư, hơn 9.900 nhân khẩu, trên 3.700 người trong độ tuổi lao động. Bên cạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp với cây chè và chăn nuôi gia cầm là chủ lực, trên địa bàn phát triển ngành nghề kinh doanh dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ. Nhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển kinh tế gia đình, thúc đẩy công cuộc giảm nghèo bền vững, cấp uỷ, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện để các hộ tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm, đặc biệt là nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn. Đến nay, các ngân hàng đã giải quyết cho 1.500 hộ vay vốn để phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ 182,3 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội 65,1 tỷ đồng, dư nợ Ngân hàng NN&PTNT 117,2 tỷ đồng. Nguồn vốn vay được quản lý chặt chẽ, đồng vốn phát huy vai trò "bà đỡ” cũng như hiệu quả trong công tác giảm nghèo.
Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, với nguồn việc làm dồi dào do người dân chủ động và thu hút các doanh nghiệp về địa phương, người lao động trên địa bàn chủ yếu làm nghề tại chỗ, có thu nhập cao, ổn định, ít trường hợp phải đi làm ăn ngoại tỉnh. Từ năm 2022 đến nay, một số lao động trẻ ở các khu dân cư nông thôn đã quan tâm và tham gia thị trường xuất khẩu lao động để tiếp cận công nghệ cao, mức thu nhập hấp dẫn. Nhờ giải quyết tốt việc làm, việc làm tại chỗ, đời sống kinh tế của người dân được nâng cao. Năm 2022, bình quân thu nhập của xã đạt 63 triệu đồng/người, hộ nghèo giảm còn 9,99% (chủ yếu rơi vào nhóm chỉ tiêu thiếu hụt về đất sản xuất, nhân lực lao động, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường). Ước năm 2023, xã đạt bình quân thu nhập trên 65 triệu đồng/người/năm.
Bùi Minh