Phụ nữ Tày đi chợ Tết.

Phụ nữ Tày đi chợ Tết.

Khi sương mai còn lẩn khuất, ông mặt trời chưa kịp nhô khỏi dãy núi mờ xa, người Tày, người Mường, người Dao nơi vùng cao Đà Bắc đã theo nhau xuống chợ. Chợ vùng cao những ngày giáp Tết lao xao tiếng nói, cười, kẻ bán, người mua tấp nập. Chẳng kém gì chợ Tết dưới xuôi, các chợ vùng cao từ Cao Sơn, Tân Minh, đến Tân Pheo, Giáp Đắt, Mường Chiềng đầy ắp hàng hoá, đặc biệt là không thiếu những sản vật của núi rừng...

8 giờ sáng, tiết trời se lạnh, len lỏi giữa dòng người đông nghịt về chợ Tân Pheo, chúng tôi thoả thích ngắm nghía các mặt hàng không chỉ rực rỡ màu sắc mà còn phong phú về chủng loại từ quần áo, khăn mũ đến thực phẩm, đồ gia dụng, ngắm nghía những chiếc “dạng” (bê, gùi) đã chất đầy lá dong, chất đầy hàng nông sản ngô, khoai, sắn được bà con mang ra chợ bán và trao đổi.

 

Ông Lường Văn Kếnh ở xóm Than, xã Tân Pheo hồ hởi: Mới sáng sớm mà đống khoai sọ vừa bày ra của gia đình đã vơi đi quá nửa. Ngày Tết, sức mua của bà con lớn, cùng với gạo nếp, lá dong, thịt lợn, cá... thì khoai sọ, củ từ, hoa chuối cũng là một trong những mặt hàng bán rất “chạy”. Tiền bán hàng, ông dành để mua lá dong, gạo nếp, một số thực phẩm ngày Tết và không quên sắm cho vợ tấm sửa dao (áo dài) và xìn (váy) mới.

 

Không giống như chợ Tết miền xuôi chỉ rộn rã, tấp nập trong những ngày giáp Tết, chợ Tết ở vùng cao kéo dài từ cuối tháng 10 âm lịch cho đến hết tháng Chạp. Trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, Đà Bắc là nơi cư trú tập trung nhất của bà con dân tộc Tày. Một trong những nét bản sắc văn hoá dân tộc mà người Tày nơi đây còn giữ lại được tương đối nguyên vẹn hiển hiện rõ trong Tết “cơm mới”. Tết cơm mới được bắt đầu trong mỗi gia đình trong suốt 2 tháng cuối năm, thế nên cái Tết của người vùng cao Đà Bắc thường đến sớm. Ngày Tết được người dân vùng cao chuẩn bị chu đáo từ trước đó nhiều ngày. Để có món thịt sóc, thịt chuột làm vật cúng trong lễ cơm mới và dịp Tết, các gia đình thường đi săn ở trong rừng nứa, nương sắn, nương ngô, được bao nhiêu đem phơi, sấy khô trên gác bếp, tích lại để dùng khi có việc. Thịt chuột rừng được xem như đặc sản của vùng cao, phân biệt với chuột đồng ở chiếc đuôi dài (Khi đuôi chuột rừng vắt ngược có độ dài chạm đầu). Đối với người Tày, bữa cơm cúng dứt khoát phải có thịt sóc, thịt chuột khô. Tuy nhiên, những đặc sản này rất hiếm khi được đem bán ở chợ, trừ chợ Tết. Thịt chuột rừng thơm, ngon như thịt sóc. Theo quan niệm của bà con, đầu chuột là quý nhất được dành cho người cao tuổi nhất trong gia đình. Còn với đồng bào dân tộc Dao, ngày Tết không thể thiếu đặc sản thịt muối chua. Giá 1 kg thịt muối chua bằng 5 kg thịt tươi bày bán ở chợ, phải muối từ 3 năm đến vài chục năm, người dao mới đem ra dùng. Giáp Tết, bà con đi chợ sắm thêm mộc nhĩ, nấm hương, muối, mắm, mì chính, hương hoa... để ăn ngày Tết thật thịnh soạn và tươm tất.

 

Cũng như bao người Tày khác, cụ Xa Thị Thích ở xóm Phổn, xã Tân Pheo mong đến ngày chợ Tết để sắm sanh, chuẩn bị cho mâm cỗ cúng Tết cơm mới. Tình cờ, cụ gặp lại cụ Bùi Thị Mái đã 89 tuổi, là người Mường xóm Nhạp, xã Đồng Chum. Đã mấy năm mới có dịp gặp lại, hai người bạn già mừng mừng, tủi tủi, hỏi thăm sức khoẻ con cháu, gia đình. Cụ Thích không quên khoe với bạn về ngôi nhà gỗ mới dựng của đứa cháu trai vừa lập gia đình, hỏi thăm cái chứng mỏi lưng của bà bạn. Thế rồi, đeo bên hông chiếc slò, hai cụ lại có dịp cùng nhau đi chơi chợ, mua sắm, điểm dừng chân đầu tiên bao giờ cũng là quầy bánh mứt và không quên ghé mua gói thuốc lào.

 

Nhộn nhịp một góc chợ là gian hàng bày cơ man quần áo, giầy dép của mấy chị bán hàng người miền xuôi. Đon đả giới thiệu cho khách bằng tiếng dân tộc Tày với giọng không kém vẻ thành thạo, chị Nguyễn Thị Liên, quê ở xã Nghĩa Phong, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) hồ hởi chia sẻ với chúng tôi: Bán hàng cho người vùng cao thoải mái và thú vị. Sự mua bán thường diễn ra chóng vánh, ít khi “nâng lên, đặt xuống”. Bà con thật thà lắm, không bao giờ có chuyện bị mất hàng hoá. Mua hàng, bà con cũng ít khi kỳ kèo mà chỉ cần thích là mua thôi nên chúng tôi thường nói luôn giá bán. Chợ không chỉ là nơi bán mua trao đổi mà còn là nơi gặp gỡ của nam thanh nữ tú, nơi hẹn hò của lứa đôi. Những chàng trai, cô gái người Tày, người Dao sặc sỡ trong sắc áo dân tộc, tay trong tay cùng dạo qua các gian hàng, dừng lại lâu hơn tại gian hàng bày bán hàng điện tử, chụm đầu trao đổi những bản nhạc, hình ảnh đẹp trên chiếc điện thoại di động vừa sắm được sau vụ thu hoạch rong giềng.

 

 

Tết của người Tày, Dao, Mường vùng cao Đà Bắc có đủ cành đào, bánh chưng, mâm ngũ quả và cây mía tím làm “gậy” cho ông, bà. Mâm cỗ cúng đêm ba mươi có gà và 1 - 2 ống cơm lam lá lốt để đón tổ tiên về ăn Tết. Bà Xa Thị Thuỷ, xóm U Quan, xã Mường Chiềng kể thêm: Đến đúng giao thừa, bà con người Tày quê tôi có tục lệ ra suối rửa mặt và hái lộc (búp lá) mang về, lấy đá vứt gầm sàn để “gọi hồn, gọi vía” đồ vật nuôi trong nhà với quan niệm năm mới sẽ phát lộc, phát tài. Mồng 1 Tết, các gia đình thường chọn người già và trẻ con đến “xông nhà”, mời thầy mo cúng “cho ăn, cho chơi”. Đến ngày mồng 2, mồng 3 Tết, các gia đình đến thăm, chơi nhà họ hàng. Từ tháng 11 Âm lịch cho đến Tết cũng là khoảng thời gian các gia đình người Tày làm lễ “cơm mới” tạ tổ tiên cho con cháu được mùa màng. Tuỳ vào điều kiện, hoàn cảnh mà gia chủ bố trí, sắp xếp thời gian làm lễ cơm mới. Vào ngày lễ quan trọng này, mâm cỗ cúng được bày thịt sóc, thịt chuột, cá, cốm, hoa chuối, khoai sọ, củ từ... Cốm ở đây phải được làm từ lúa non đem luộc, phơi khô rồi chà xát trước khi nấu, cá nấu với hoa chuối còn khoai sọ, củ từ được rửa sạch, “ốt” bằng lá rau rừng đem đồ chín.

 

Ông Phạm Văn Đô, Trưởng phòng Công Thương huyện Đà Bắc cho biết: Chợ vùng cao mang những nét đặc sắc về phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc và được ví như “bảo tàng sống” về sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Trong số 10 chợ trên địa bàn hiện nay có 8 chợ hoạt động thường xuyên, hiệu quả, có thể kể đến chợ đầu mối nông sản Đà Bắc, chợ Tân Minh, Tân Pheo, Mường Chiềng. Là nơi hội họp, giao lưu hàng hoá giữa người sản xuất và người tiêu dùng, các chợ ở vùng cao Đà Bắc đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển, tạo cơ hội giao lưu văn hoá giữa các vùng, miền.

 

Cùng với cuộc sống đang chứa đựng những đổi thay, nhân dân các dân tộc nơi đây đến chợ Tết để vừa vui chơi, thăm thú vừa mua sắm hàng hoá, vật dụng. Gian hàng điện tử và các mặt hàng bánh kẹo, mứt được nhiều khách quan tâm, chọn làm điểm dừng chân. Bà Xa Thị Thư ở xóm Nà Mười, xã Mường Chiềng phấn khởi: “Giờ khác xưa rồi, ngày thường thế nào cũng xong nhưng ngày Tết, gia đình nào ở Mường Chiềng cũng đi chợ mua lá dong, gạo nếp và chuẩn bị đủ lương thực, thực phẩm trong 3 ngày Tết. Nhiều nhà sắm được cả ti vi, tủ lạnh, dàn karaoke phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí trong dịp Tết”. Chợ Tết vùng cao Đà Bắc còn được ví như một ngày hội rực rỡ sắc màu váy áo dân tộc Tày, Mường, Dao và sản vật núi rừng. Điều khiến tôi thích thú không riêng những âm thanh, màu sắc đặc trưng mà còn là cách bán, mua ở đây đầy ắp những mộc mạc, chân tình...

 

                                                                                             Bùi Minh

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục