Đầu tiên là tỉ giá USD liên ngân hàng, kế đó là giá xăng, rồi giá điện được điều chỉnh tăng so với mức cũ.

Và, mới đây, lãi suất cho vay ngân hàng cũng thêm biến động đã khiến cho hàng loạt doanh nghiệp (DN) không khỏi lo lắng, khi mà sản xuất - kinh doanh của các DN gần như lệ thuộc hoàn toàn vào việc tăng - giảm từ những lĩnh vực kể trên...

Kinh doanh giảm sút


Dễ thấy nhất là những nhà sản xuất và nhập khẩu ôtô. Bà Huỳnh Thị Kim Loan - phụ trách kinh doanh tại Cty Toyota LTK (TPHCM) – cho biết: “Chỉ trong 3 tháng vừa qua, ngành ôtô phải đối mặt với  2 lần tăng tỉ giá USD/VND và tăng thuế trước bạ - VAT trở lại mức cũ. Sự tăng giá dồn dập này làm cho giá thành xe bán ra tăng chóng mặt. Thiệt hại lớn nhất vẫn thuộc về khách hàng, sau đó là DN.

Đơn cử, một chiếc Corolla Altis 2.0 - trước tháng 11.2009 có giá 671,9 triệu VND. Tỉ giá USD/VND tăng lần 1, chiếc xe đội giá  697,5 triệu đồng; thuế trước bạ - VAT tăng lại mức cũ, chiếc xe lên giá 730,8 triệu đồng. Và, kể từ tháng 3.2010, khi giá USD là 19.100VND/1USD, thì giá chiếc xe trên đã tăng lên 754,5 triệu đồng. Không còn cách nào khác, DN buộc phải tăng giá sản phẩm cho phù hợp, dù biết rằng khách hàng thua thiệt, mà bản thân DN cũng không vui vẻ gì, bởi doanh số bán ra giảm hẳn so với 5 tháng trước đây”. 

Tương tự, việc tăng tỉ giá USD như hiện nay, dẫn tới hiện tượng khan hiếm USD, cũng làm cho hàng loạt DN vận tải hàng hải bề bộn khó khăn.

Ông Phan Thế Hùng – GĐ Cty TNHH giao nhận T&H – tâm sự: “Khi ký hợp đồng giao nhận hàng từ cách đây nhiều tháng là giá USD. Tuy nhiên, tỉ giá USD tăng 3% (600 đồng/1USD), đối tác không thể nào mua đủ USD, nên trả tiền cho chúng tôi bằng VND, theo giá ngân hàng niêm yết. Cầm trong tay hàng tỉ VND, song chúng tôi chẳng cách nào mua được USD từ ngân hàng để giao cho các đối tác là hãng tàu nước ngoài. Hiện các Cty giao nhận hàng hoá quốc tế rất khó khăn”.

Từ áp lực giá USD tăng vọt, đẻ ra bao nhiêu hệ lụy cho những DN giao nhận hàng hoá. Ông Phí Tấn Dũng – GĐ Cty TNHH Du Dũng – cho biết: “Lợi dụng khó khăn trên, có không ít DN ra điều kiện, nếu khách hàng trả bằng USD sẽ được Cty giao nhận cho hưởng giá gốc khi thuê vận chuyển  hàng hoá. Nếu trả bằng tiền VND, chi phí thuê sẽ tăng từ 10 – 15%. Phần tăng này, được Cty giao nhận lý giải là bù đắp cho mua USD ngoài chợ đen để thanh toán cho hãng tàu quốc tế”.

Hiện trạng trên - thật ra - khiến cho khách hàng là những Cty xuất nhập khẩu hàng hoá và Cty giao nhận chẳng vui vẻ gì. Nói như ông Phí Tấn Dũng, “đó chỉ là phương cách... “chòi đạp” của các DN trong bối cảnh tăng giá hiện nay mà thôi”.

Chòi đạp thế nào?


Ngoài ra, việc giá xăng và giá điện vừa được Chính phủ cho tăng giá cũng khiến cho không ít DN sản xuất  lo âu.

Ông Phan Kế Lợi – Phó Tổng GĐ Cty Thái Bình (Bình Dương) – cho rằng: “Giá xăng và giá điện tăng đều tác động xấu đến tuyệt đại đa số DN sản xuất. Bởi giá xăng và giá điện tăng, đồng nghĩa chi phí đầu vào tăng vọt”.

Tại DN của ông Lợi, 2 “cái tăng” này đã làm cho giá thành sản phẩm tăng khoảng 10%; nhưng DN vẫn cắn răng chịu đựng, không lấy bất kỳ đồng nào từ thu nhập của hàng ngàn CN để bù vào. Về lâu dài, với những DN xuất khẩu da - giày như Thái Bình, cần phải có sự chia sẻ khó khăn từ những đối tác đặt hàng ở nước ngoài.

Theo ông Cao Tiến Vị - Tổng GĐ Cty cổ phần giấy Sài Gòn – áp lực tăng giá nhiều mặt nêu trên đã buộc Cty không thể không tăng giá sản phẩm. Ngay từ đầu tháng 3.2010, Cty cổ phần giấy Sài Gòn đã bắt đầu kế hoạch tăng giá sản phẩm bán ra thị trường. Hiện tượng tăng giá sản phẩm ngoài thị trường đang được khá nhiều DN sản xuất bắt đầu thực hiện kể từ tháng 3.2010.

Theo ông Nguyễn Mạnh Đức – GĐ Cty TNHH thực phẩm Cityfood: “Không DN nào có thể gồng gánh mãi, không tăng giá đầu ra, một khi mọi chi phí đầu vào đều tăng đồng loạt như hiện nay”.

Ông Đức cho biết, nếu như trước đây, khi nhập khẩu một lô hàng thịt gà từ nước ngoài về, chi phí vận chuyển chỉ khoảng 1.500USD, thì nay phải là 2.000USD/container. Chưa kể lúc nhập kho lạnh, giá điện tăng như bây giờ, thử hỏi giá thành trên mỗi kilôgram thực phẩm đến tay người tiêu dung bị đội giá chóng mặt tới bao nhiêu?

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, trước tình hình tăng giá hiện nay, chắc chắn sẽ làm cho không ít DN lao đao. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây, các DN phải làm gì, “chòi đạp” như thế nào trong cơn lốc tăng giá, để có thể đứng vững và tồn tại?

Ông Bùi Thế Hùng - Tổng GĐ Cty cổ phần giày Khải Hoàn – cho rằng: “Không còn cách nào khác là phải... tiết kiệm. Tiết kiệm chi tiêu những cái không cần thiết, tiết kiệm điện, tiết kiệm nhân lực sao cho hợp lý v.v... thì may ra bù đắp phần gia tăng ngoài ý muốn của DN. Bằng không, sẽ là những khó khăn không tính xuể, nếu DN không có một kế hoạch căn cơ giảm thiểu chi phí đầu vào”.

                                                                         Theo Báo Laodong

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục