Là vùng đất có tiềm năng lớn trong nuôi trồng thủy sản, cùng với việc đầu tư phát triển nuôi tôm, nuôi cá lồng bè, những năm gần đây, huyện Vân Ðồn (Quảng Ninh) phát triển mạnh nghề nuôi nhuyễn thể, như tu hài, ốc đá, ốc màu, hầu biển, ốc nhảy, ốc đẻ đen, ốc hương... góp phần xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống của nhân dân huyện đảo.

Cách đây năm năm, ngành thủy sản thử nghiệm một số mô hình nuôi nhuyễn thể ở huyện Vân Ðồn như ngọc trai, tu hài, ốc hương, bước đầu cho hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ðược ngành thủy sản cùng huyện Vân Ðồn khuyến khích, nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư nuôi nhuyễn thể thành công, trở thành một phong trào ở địa phương, giúp người dân Vân Ðồn xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Năm 2008, sản lượng nuôi trồng thủy sản huyện Vân Ðồn đạt 2.070 tấn, trong đó sản lượng tu hài đạt 400 tấn, giá trị hơn 50 tỷ đồng. Dự kiến năm 2010, nếu với giá bán ổn định như hiện nay, riêng thu nhập từ tu hài của huyện Vân Ðồn sẽ đạt hơn 100 tỷ đồng.


Toàn huyện Vân Ðồn hiện có 2.800 ha diện tích đất ao đầm, đất bãi triều có mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó có 1.530 ha nuôi nhuyễn thể, tập trung vào các loài như ngọc trai, tu hài, hầu biển, ốc... với tổng số hơn 400 hộ dân tham gia. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 15 công ty, xí nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi nhuyễn thể, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, với mức lương từ 1,2 triệu đến 2 triệu đồng/người/ tháng. Trong đó, hai công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài là Công ty ngọc trai Phương Ðông và Công ty ngọc trai Taiheiyo Shinju - Việt Nam. Hiện tại, việc sản xuất con giống trai ngọc của hai công ty này ổn định, đáp ứng được nhu cầu nuôi trai nguyên liệu. Sản phẩm ngọc trai của Vân Ðồn chủ yếu xuất thô sang Nhật Bản để gia công, tinh chế làm ra các sản phẩm thời trang có uy tín, chất lượng trên thế giới. Sản phẩm của Công ty ngọc trai Taiheiyo Shinju-Việt Nam đã được trao giải thưởng Sao vàng Ðất Việt.


Năm 2003, nghề nuôi tu hài mới được thực hiện thí điểm trên địa bàn huyện nhưng đến nay đã trở thành phong trào xóa nghèo, làm giàu ở Vân Ðồn. Với những ưu điểm dễ nuôi, vốn đầu tư ít, khả năng rủi ro thấp, giá trị kinh tế cao, tu hài đã nhanh chóng được nhiều hộ gia đình chọn nuôi. Từ năm 2007, nguồn giống tu hài được các cơ sở nuôi tu hài trên địa bàn huyện nghiên cứu thành công và sản xuất tại chỗ đã giúp nhiều người dân tiếp cận được với mô hình này. Nhờ nuôi tu hài mà đến nay nhiều hộ dân ở các xã tuyến đảo như Bản Sen, Ngọc Vừng, Thắng Lợi... đã thoát nghèo, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu. Nhiều công ty nuôi tu hài gây dựng được thương hiệu ở Vân Ðồn như Ðỗ Tờ, Vân Ðồn, Quan Minh... và nhiều hộ gia đình trở thành triệu phú. Anh Trần Văn Thiên, chủ hộ nuôi phấn khởi cho biết: "Trước đây gia đình chủ yếu nuôi cá lồng bè, vốn lớn, rủi ro cao, sơ sẩy là mất hết cả vốn liếng, nhưng từ khi chuyển sang nuôi nhuyễn thể đã cho hiệu quả kinh tế rõ rệt. Lợi nhuận thu từ nuôi nhuyễn thể gấp hơn hai lần nuôi cá lồng bè, vốn đầu tư ít, không tốn công chăm sóc và không bị rủi ro như nuôi cá". Năm 2009, anh Thiên thu hoạch năm tấn tu hài thương phẩm, thu về 600 triệu đồng. Năm 2010, anh Thiên dự kiến sẽ thu hoạch được hơn 10 tấn tu hài thương phẩm. Hiện nay, trên địa bàn huyện Vân Ðồn có hơn 10 công ty và 450 hộ gia đình đầu tư nuôi tu hài, với tổng số vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. Trong đó 50 hộ có thu nhập từ 500 triệu đến một tỷ đồng/năm; 120 hộ có thu nhập từ 100 đến 500 triệu đồng/năm và 280 hộ có thu nhập dưới mức 100 triệu đồng/năm.


Thời gian gần đây, loại nhuyễn thể đang được các hộ dân ở huyện Vân Ðồn đầu tư nuôi nhiều là ốc và hầu. Hiện nay ở xã Ngọc Vừng có khoảng 60 hộ nuôi ốc, với tổng diện tích 90 ha, sản lượng mỗi năm đạt hơn 250 tấn thương phẩm, ước giá trị từ năm đến bảy tỷ đồng. Các sản phẩm ốc hiện đã có mặt ở nhiều thị trường với sức tiêu thụ lớn. Các sản phẩm ốc đá, ốc màu, ốc nhảy là đối tượng mới đưa vào nuôi tập trung, song đã khẳng định hiệu quả. Ưu điểm lớn của nuôi ốc nhảy là không phải đầu tư cho ăn nhưng đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Giá ốc nhảy giống thu gom tự nhiên từ 1.000 đến 2.000 đồng/con, sau khi nuôi khoảng năm, sáu tháng cho thu hoạch ốc thương phẩm với giá bán từ  5.000 đến 6.000 đồng/con. Hiện ốc nhảy đang là một trong những loại nhuyễn thể được lựa chọn đầu tư nuôi của nhiều hộ gia đình ở huyện Vân Ðồn. Nghề nuôi hầu Thái Bình Dương tuy mới được các hộ dân đầu tư nuôi trong vài năm trở lại đây, song đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Năm 2008, tổng giá trị thu về từ nghề nuôi hầu trên địa bàn huyện đạt hơn 20 tỷ đồng. Hiện tại, Vân Ðồn có hai công ty đang đầu tư nuôi hầu Thái Bình Dương có quy mô lớn là Công ty đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long và Công ty Ðỗ Tờ.


Nghề nuôi nhuyễn thể ở Vân Ðồn không chỉ giúp cho nguồn lợi nhuyễn thể tự nhiên trong khu vực được phục hồi từ việc bổ sung nguồn giống một cách ngẫu nhiên trong quá trình nuôi nhân tạo, mà còn mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho người dân nơi đây, giúp họ từng bước vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân và cho xã hội.
 
 
                                                                              Theo ND

Các tin khác


Tháo gỡ vướng mắc đường liên kết vùng

Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành mở ra cơ hội rất lớn kết nối thông thương, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển đô thị, dịch vụ. Với ý nghĩa quan trọng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), chuyển đổi đất rừng, đất lúa, đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Hiệu quả từ tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện

Sử dụng tiết kiệm điện đem lại lợi ích "kép”, giúp giảm áp lực cấp điện trong bối cảnh cung cấp điện gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt giúp chúng ta giảm chi phí sử dụng điện, nhất là trong mùa nắng nóng khi nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến.

Giá vàng sáng 19/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 19/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82,1 - 84,12 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Giá vàng nhẫn công ty này niêm yết ở mức 74,7 -76,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Xã Đồng Ruộng tìm hướng thoát nghèo từ nuôi dê

Thực hiện công tác giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nhiều hộ trên địa bàn xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) đã phát triển, nhân rộng mô hình nuôi dê, đem lại thu nhập đáng kể, giải quyết việc làm, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân.

Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục