Ba ngày nay, tỷ giá thị trường tự do rục rịch tăng giá và tiếp đó là xuất hiện dự báo cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ phá giá VND thêm 4% trên một hãng tin nước ngoài.

 

Trước thông tin này, ngày 13/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Sẽ duy trì tỷ giá ổn định, thông tin Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm giá VND 4% so với USD là thất thiệt, không có cơ sở, gây tâm lý hoang mang trên thị trường”.

Áp lực nhưng chưa căng

Trước đó, một vài ý kiến cho rằng, thời gian tới, áp lực tỷ giá sẽ căng thẳng vì: lãi suất VND giảm, người dân và tổ chức kinh tế sẽ xoay sang nắm giữ USD nhiều hơn, hoặc: doanh nghiệp vay ngoại tệ đến kỳ trả nợ phải mua ngoại tệ trả nợ vay ngân hàng…

Tuy nhiên, qua trao đổi với các bộ phận kinh doanh ngoại tệ ở một số ngân hàng thương mại, họ cho rằng, áp lực tỷ giá không đến mức căng thẳng như vậy.

Thứ nhất, mặc dù nếu lãi suất VND giảm, sẽ làm tăng giá trị của USD và gây áp lực lên tỷ giá mua bán hàng ngày là một nguyên lý nhưng thực tế, lãi suất VND có giảm thì cũng chỉ 1% - 2%/năm và tác động chủ yếu đến lợi ích những người nắm giữ VND cũng như khả năng huy động VND của ngân hàng thương mại.

Còn chuyện lãi suất VND giảm có tác động đến tỷ giá hay không, nếu nhìn nhận qua một số yếu tố sau, sẽ phần nào được làm rõ.

Trước hết, lấy ví dụ từ dòng ngoại tệ kiều hối. Năm 2009, dòng kiều hối vào Việt Nam khoảng 6 - 7 tỷ USD nhưng bao nhiêu phần trăm trong đó vận hành trên thị trường, bao nhiêu phần trăm bị găm giữ trong két sắt của người dân vẫn là một ẩn số. Cứ hình dung, đối với nhóm dân cư giàu có thì việc giảm lãi suất VND thực ra không tác động nhiều đến quyết định “nắm giữ đồng tiền nào”; Và điều ngược lại chỉ xảy ra đối với nhóm có thu nhập trung bình trở xuống do họ muốn tìm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất giữa “đô - đồng” mà thôi.

Còn ở nhóm tổ chức kinh tế, với cơ chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ hiện hành chỉ 1%/năm, lãi suất VND giảm thêm vài phần trăm cũng không thay đổi hành vi găm giữ hay bán cho ngân hàng. Bởi, nếu giữ lại, họ sẽ bị mất lợi tức 1%/năm, mất chi phí cơ hội quay vòng vốn, do đó, bán hoặc gửi vào ngân hàng có lẽ là lựa chọn tối ưu.

Thứ hai, áp lực tỷ giá hậu chu kỳ vay ngoại tệ (3 - 6 tháng), doanh nghiệp phải mua ngoại tệ để trả nợ vay là hoàn toàn có cơ sở nhưng cũng phải xem xét vấn đề này với một thái độ khách quan, thận trọng.

Mặc dù gần đây, nhiều cảnh báo gióng lên rằng, tổng huy động tiền gửi ngoại tệ thấp hơn nhiều so với tổng cho vay nhưng đó là con số của mấy tháng đầu năm, chưa bao gồm cân đối của cả năm 2008 và 2009. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong hai năm qua, tổng lượng ngoại tệ huy động trong hệ thống khá dồi dào và con số này đến nay ước 20 tỷ USD, trong khi tổng cho vay ra khoảng 14 - 15 tỷ USD. Với tốc độ cho vay tăng 3%/tháng, tính chung cả hệ thống, mỗi tháng chỉ tăng khoảng 500 triệu USD.

Thực tế, nếu lấy 20 tỷ USD nói trên, trừ đi tỷ lệ dự trữ bắt buộc và một vài khoản khác thì phần còn lại vẫn dư sức cân đối giữa tổng Nợ và tổng Có; từ đó có thể khẳng định trong ngắn hạn, trạng thái ngoại tệ toàn hệ thống không phải ở mức 0 hoặc âm đến mức phải báo động.  

Nên hành xử thế nào?

Nhiều năm nay, bài toán ổn định tỷ giá một cách bền vững chưa bao giờ được giải quyết rốt ráo. Ngay cả từ đầu năm đến nay, được coi là thời điểm rất thành công của Ngân hàng Nhà nước trong việc ổn định thị trường ngoại hối thì vẫn còn đó những tiềm ẩn hoặc ứng xử chưa “ổn” của Ngân hàng Nhà nước.

Trước hết là câu chuyện minh bạch những con số liên quan đến dự trữ ngoại hối. Một vị “có máu mặt” trong “làng” tài chính ngân hàng cho rằng, tài khoản ròng của cán cân thanh toán tổng thể đang phản ánh sự thâm hụt mấy tỷ USD và trong điều kiện dự trữ ngoại hối đã mỏng đi thì khả năng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước khó giữ được ổn định tỷ giá.

Trước con số này, cán bộ phân tích đầu tư một ngân hàng cho rằng, nhiều năm nay, chưa bao giờ cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam ở trạng thái dương. Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng thừa nhận là tình trạng này “không xấu hơn các năm trước”. Hay nói cách khác, mất cân đối trên tài khoản thanh toán tổng thể là chuyện quá đỗi bình thường ở Việt Nam. Hơn nữa, có một đặc điểm là cán cân thương mại luôn âm nhưng cán cân vốn luôn thặng dư và hai cán cân này được bù trừ cho nhau; dẫu rằng sự bù trừ đó không phải lúc nào cũng mang lại kết quả như mong đợi.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước không công bố con số dự trữ ngoại hối nên người thì “bói” ra con số 16 tỷ USD, người thì “chắc như đinh đóng cột” 17 tỷ USD. Bao nhiêu thì chỉ có Ngân hàng Nhà nước biết, nhưng có một điều không thể phủ nhận là hiện tại, dự trữ ngoại hối đang được bổ sung hơn 1 tỷ USD mà cơ quan này mua lại từ các ngân hàng thương mại cộng với nguồn từ phát hành trái phiếu quốc tế và các nguồn khác.

Vậy thì, nếu con số dự trữ ngoại hối buộc phải bí mật thì đành vậy, nhưng tại sao Ngân hàng Nhà nước không công bố sớm con số bổ sung hơn 1 tỷ USD nói trên, mà phải đợi đến khi có đồn đoán mới công bố?

Cũng liên quan đến chuyện Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ vào, có ý kiến phàn nàn rằng, khi tỷ giá đi xuống, Ngân hàng Nhà nước mua nhưng lại chọn phương án…“mua mà không nói gì”! Mãi một thời gian sau, nhiều ngân hàng thương mại mới biết Ngân hàng Nhà nước mua nên lỡ cơ hội được bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước vì không được hướng dẫn mua, bán cụ thể ra sao.

Bên cạnh đó, cơ chế can thiệp bình ổn thị trường ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước hiện nay vẫn còn bất cập. Chẳng hạn, công văn số 9430/NHNN - QLNH về việc ổn định thị trường ngoại hối ngày 30/11/2009 quy định, chỉ có những tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm 5% trở xuống thì mới được Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ hỗ trợ ưu tiên những mặt hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất. Vậy là những ngân hàng có trạng thái ngoại tệ bằng 0, muốn được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ đành dùng thủ thuật tìm doanh nghiệp bán ngoại tệ cho họ để trạng thái ngoại tệ “âm 5%” bằng được mới thôi.

Hay như, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn ngân hàng thương mại cho vay, bán ngoại tệ cho doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng thiết yếu nhưng đến nay, khái niệm thế nào là “hàng hóa thiết yếu”, chúng gồm những hàng hóa gì, vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công thương làm rõ. Vì thế, khi triển khai, nhiều ngân hàng rất lúng túng và có tình trạng, ngân hàng nào làm nghiêm thì thiệt, ngân hàng nào chịu khó… “lách” thì được lợi. 

                                                                               Theo TBKT

Các tin khác


Tháo gỡ vướng mắc đường liên kết vùng

Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành mở ra cơ hội rất lớn kết nối thông thương, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển đô thị, dịch vụ. Với ý nghĩa quan trọng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), chuyển đổi đất rừng, đất lúa, đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Hiệu quả từ tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện

Sử dụng tiết kiệm điện đem lại lợi ích "kép”, giúp giảm áp lực cấp điện trong bối cảnh cung cấp điện gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt giúp chúng ta giảm chi phí sử dụng điện, nhất là trong mùa nắng nóng khi nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến.

Giá vàng sáng 19/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 19/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82,1 - 84,12 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Giá vàng nhẫn công ty này niêm yết ở mức 74,7 -76,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Xã Đồng Ruộng tìm hướng thoát nghèo từ nuôi dê

Thực hiện công tác giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nhiều hộ trên địa bàn xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) đã phát triển, nhân rộng mô hình nuôi dê, đem lại thu nhập đáng kể, giải quyết việc làm, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân.

Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục