Dây chuyền làm giàu quặng tại nhà máy
tuyển quặng Cam Đường.

Dây chuyền làm giàu quặng tại nhà máy tuyển quặng Cam Đường.

Quản lý mỏ quặng a-pa-tít duy nhất của cả nước, Công ty TNHH một thành viên A-pa-tít Việt Nam đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác hợp lý, khoa học, đầu tư chế biến sâu để tiết kiệm và nâng cao giá trị tài nguyên của đất nước.

 
Ðầu tư thiết bị, công nghệ tiên tiến


Theo kết quả thăm dò được Bộ Công thương phê duyệt, công bố ngày 18-8-2008, mỏ quặng a-pa-tít Lào Cai có trữ lượng 778 triệu tấn, trong đó quặng loại 1 (quặng giàu) là 31 triệu tấn (chiếm 3,9%), quặng loại 2 là 234 triệu tấn (30,3%), quặng loại 3 là 222 triệu tấn (28,5%). Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, trực tiếp là Công ty TNHH một thành viên A-pa-tít Việt Nam đang thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật và quản lý để khai thác và chế biến sâu quặng a-pa-tít, phục vụ sản xuất phân bón, hóa chất trong nước và xuất khẩu.


Tuy là mỏ lộ thiên nhưng sau 55 năm khai thác, hệ số bóc đất đá lớn (7-8 m3/tấn quặng); điều kiện thời tiết, thủy văn phức tạp, khó khăn nhất là tính chất cơ lý của quặng, đất đá cho nên rất dễ lầy thụt khi khai thác xuống sâu. Phần lớn các thiết bị khai thác, vận chuyển được trang bị thời Liên Xô trước đây, to nặng, cồng kềnh, cho nên khi gặp nước ngầm cục bộ là phải dừng khai thác, đóng khai trường. Quá trình khai thác trước đây đã từng xảy ra việc chìm cả một cỗ máy xúc EKG với dung tích gầu xúc 4,5 m3, nặng 280 tấn tại khai trường Mỏ Cóc. Sáu năm qua, Công ty A-pa-tít Việt Nam đầu tư hàng trăm tỷ đồng mua sắm thiết bị hiện đại, phù hợp điều kiện sản xuất như máy xúc gầu ngược, ô-tô ba cầu khớp mềm khung động; áp dụng công nghệ tiên tiến về tháo khô và chống lầy để nâng cao hiệu quả khai thác mỏ theo hướng khoa học, hiệu quả, tiết kiệm.


Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật Phạm Cao Khiêm cho biết: Công ty đang có 91 xe ô-tô đặc chủng vận tải quặng, loại trọng tải 32 tấn; 22 xe Ka-ma và Huyn-dai loại trọng tải 15-20 tấn; 21 máy xúc có gầu dung tích lớn; 22 cụm khoan ép khí hiện đại... Những chiếc xe đặc chủng, ba cầu truyền lực, khớp mềm khung động hiệu Cat, Terek của Mỹ có sức chở lớn; cùng với những chiếc máy xúc thủy lực gầu ngược của Nhật Bản, Mỹ có khả năng khai thác quặng ở cốt sâu, địa hình lầy thụt, khai thác quặng ở mọi địa hình, kể cả những vỉa mỏng. Những thiết bị này có thể vận chuyển được ở những khai trường có độ dốc cao, đường sá gập ghềnh, trơn trượt, bảo đảm an toàn. Nhờ có các thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ khai mỏ tiên tiến cho nên công ty đã khôi phục khai thác nhiều khai trường đã đóng cửa trong thời gian dài như khai trường Mỏ Cóc, khai thác sâu 90 m, tận thu hàng triệu tấn quặng tốt.


Bảo đảm cơ cấu quặng hợp lý


Công ty A-pa-tít Việt Nam đang cung cấp hai triệu tấn quặng thành phẩm mỗi năm cho các nhà máy sản xuất phân bón các loại trong nước và nhu cầu quặng sản xuất phốt-pho vàng của bốn nhà máy tại Lào Cai. Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quang Huy cho biết: Quặng a-pa-tít được phân loại theo chất lượng từ loại 1 đến loại 4 (từ cao xuống thấp). Khách hàng đòi hỏi sử dụng loại quặng tiêu chuẩn, chất lượng cao, trong khi quặng loại 1 nguyên khai tại mỏ có trữ lượng hạn chế. Nếu chỉ khai thác quặng giàu nguyên khai thì nguồn tài nguyên nhanh chóng cạn kiệt, phải đóng mỏ. Ðể giải bài toán này, công ty áp dụng phương án trung hòa hàm lượng quặng và cân đối tương quan khai thác quặng loại 1 và 3, cân đối sản lượng quặng cho các nhà máy tuyển đặt tại các cụm khai trường. Theo đó, công ty mở nhiều khai trường ở những vị trí thân quặng khác nhau để khai thác trung hòa quặng giàu và quặng nghèo, bảo đảm cơ cấu hợp lý, giảm chi phí vận chuyển và hạn chế bãi chứa quặng nghèo chưa sử dụng. Chú trọng khâu điều hòa hàm lượng P205 ngay tại các ga quặng và kho quặng trước khi đưa vào tuyển làm giàu tại hai nhà máy tuyển Tằng Loỏng và Cam Ðường. Công ty đang khai thác quặng tại 12 khai trường, được phân bố kéo dài theo một phương, thuận tiện cho điều hòa quặng và vận chuyển.


Bên cạnh đó, công ty chủ trương khai thác tận thu các khai trường cũ đã tạm dừng, như Làng Cóc, khai trường 17 và bốn khai trường nằm trong phạm vi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Dưới lòng moong sâu hoắm, chúng tôi chứng kiến những chiếc máy xúc thủy lực gầu ngược ngoạm từng khối quặng loại 1 từ rất sâu dưới cốt thông thủy, đưa lên xe đặc chủng trọng tải lớn, bám theo thành moong có độ dốc cao, chở quặng đến bãi tập kết. Giám đốc Xí nghiệp khai thác số 1 Hoàng Văn Ánh cho biết, đây là mỏ có quặng loại 1 nguyên khai chất lượng tốt nhất, nhưng bị đóng cửa từ những năm 90 của thế kỷ trước do ngập úng. Ðơn vị đã áp dụng công nghệ tháo khô, chống lầy và đưa máy móc hiện đại vào khai thác, nhờ vậy có thể lấy thêm được 12 triệu tấn quặng các loại, trong đó có khoảng 2,5 triệu tấn quặng loại 1. Trong số bảy khai trường đã tạm đóng cửa trong quá trình khai thác, vẫn còn  91.000 tấn quặng giàu (33% P205), rất cần cho sản xuất phân bón cao cấp DAP...


Tận thu tài nguyên


Trong số 778 triệu tấn quặng đã được thăm dò, có độ tin cậy cao và đang khai thác thì quặng loại 2, loại 3 và loại 4 chiếm tỷ lệ lớn, tới 70% tổng trữ lượng, trong đó quặng 1 thuộc loại giàu nên có thể đưa thẳng vào sản xuất phân bón. Ðối với quặng loại 2 có hàm lượng P205 thấp hơn, tồn tại ở dạng cục rắn, công ty đã đầu tư các trạm đập sàng, gia công tạo ra các loại quặng có kích thước khác nhau, như loại 10 - 30 mm cho sản xuất phốt-pho vàng (P4), loại 30-100 mm cho sản xuất phân lân nung chảy. Ðối với quặng nghèo, hàm lượng P205 khoảng 14%, công ty đầu tư nâng công suất các nhà máy tuyển. Ở Nhà máy tuyển Tằng Loỏng, Giám đốc Nguyễn Trọng Phú cho biết: Nhà máy đã chạy cả ba dây chuyền tuyển, đạt công suất thiết kế 900.000 tấn/năm, cùng với Nhà máy tuyển Cam Ðường công suất 200.000 tấn/năm, bảo đảm làm giàu quặng loại 3 khai thác tận thu từ các khai trường cũ như Làng Cóc, Cam Ðường 2 và 3, khai trường 17. Công ty còn tận dụng cả quặng loại 3 nghèo tại các kho đưa vào tuyển, nhờ vậy đã triệt để sử dụng quặng 3, giảm hàm lượng quặng đầu vào cho các nhà máy tuyển từ 16% xuống còn 14,5%. Hiện tại, các bên B đang xây dựng Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn, phấn đấu đến quý I-2011 đưa nhà máy vào hoạt động, làm giàu quặng nghèo, mỗi năm tạo thêm 330.000 tấn quặng tuyển loại 1, bảo đảm nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất phân bón trong nước và xuất khẩu.


Ngoài ra, Công ty A-pa-tít Việt Nam đã xây dựng nhà máy sản xuất NPK công suất 30.000 tấn/năm, sản xuất phân bón tại chỗ cung cấp cho thị trường các tỉnh miền núi phía bắc như: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La..., giá bán thấp hơn do giảm được chi phí vận chuyển. Nhà máy sản xuất phốt-pho vàng, công suất 2.000 tấn/năm, sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, góp phần nâng cao giá trị nguồn tài nguyên a-pa-tít lên hàng chục lần, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 3.000 lao động.


Tổng Giám đốc Công ty A-pa-tít Việt Nam Bùi Văn Việt cho biết, tỷ lệ quặng loại 2 và quặng loại 4 chiếm tới 70% tổng trữ lượng bể quặng, nhưng hiện nay công nghệ trong nước mới sử dụng được một phần nhỏ quặng 2 cho sản xuất phân lân nung chảy và phốt-pho vàng, còn quặng 4 (quặng nghèo nhất) chưa có cơ hội sử dụng. Hiện tại, công ty có 11 đơn vị sản xuất, đang liên kết với các đối tác của Thụy Ðiển, Ấn Ðộ để nghiên cứu công nghệ tuyển quặng loại 2 đạt tiêu chuẩn sản xuất a-xít phốt-pho-rích (H3P04), tiến tới xây dựng nhà máy sản xuất H3P04 công suất 200.000 tấn/năm tại chỗ, từ đó có thể làm ra phân DAP, muối can-xi phốt-phát cho thức ăn gia súc và các loại hóa chất tiêu dùng khác.
 
                                                                                Theo Báo Nhandan

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục