“Theo quan sát của cá nhân tôi, một số doanh nghiệp sữa ngoại lợi dụng thị trường Việt Nam đang có tiềm năng và cũng rất mới mẻ để tăng giá bất hợp lý. Điều quan trọng là chúng ta phải kiểm soát được giá sữa qua biên giới”.

 
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết như vậy quanh vấn đề giá sữa hiện nay và Thông tư 122 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10 tới.
 
Thưa ông, còn gần 1 tháng nữa Thông tư 122 sẽ có hiệu lực, nhưng hiện tại trên thị trường các hãng sữa đã đua nhau tăng giá thêm 10%? Ông nghĩa sao về thực tế này?
 
Hiện tại chúng ta đang kiểm soát giá sữa theo Thông tư 104, các DN chưa phải đăng ký giá. Bắt đầu từ ngày 1/10, các DN từ trung ương tới địa phương mới thực hiện đăng ký giá với cơ quan quản lý giá. Khi đăng ký giá các DN phải có thuyết minh về cơ cấu giá thành hình thành lên trên cơ sở giá bán đó, trên cơ sở thuyết minh đó cơ quan quản lý giá địa phương sẽ kiểm soát yếu tố giá của các DN.
 
Trước khi có chính sách mới, DN sẽ thực hiện chính sách của họ sao cho có lợi nhất. Ví dụ như ôtô, trước khi không thực hiện ưu đãi 50% lệ phí trước bạ thì phải chạy lệ phí. Doanh nghiệp là người kinh doanh, người ta kinh doanh phải tìm lợi ích, chính sách từng thời điểm phục vụ bán hàng.
 
Vì sao Thông tư 122 chỉ kiểm soát mặt hàng sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi, “bỏ rơi” sữa cho cho người già, bà bầu?
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính)
 
Thông tư 122 có 2 nội dung, nội dung thứ nhất là đối với các mặt hàng bình ổn giá, trong đó theo quy định của Chính phủ, sữa là mặt hàng bình ổn giá. Nội dung thứ 2, đăng ký giá trên cơ sở nghiên cứu tình hình biến động giá cả vừa qua, Cục quản lý giá tham mưu cho Bộ Tài chính nhặt ra mặt hàng sữa bột cho trẻ em từ 1 - 6 tuổi.
 
Như vậy không phải không xem xét với các mặt hàng khác, mà sữa có tới vài trăm loại, nếu đăng ký giá đồng loạt sẽ tạo ra chi phí xã hội lớn. Đó chưa phải cái cơ quan quản lý mong muốn.
 
Có một nghịch lý đã hiện hữu tại Việt Nam từ rất lâu rồi, đó là thu nhập trung bình của người dân Việt Nam vào loại thấp nhất nhì thế giới nhưng giá sữa lại đắt nhất trên thế giới?
 
Trong một nền kinh tế thị trường, việc giá các mặt hàng tăng hoặc giảm là điều bình thường và chúng ta phải chấp nhận. Tuy nhiên mỗi quốc gia đều chọn cho mình 1 số mặt hàng bình ổn. Theo Nghị định 75, chúng ta chọn ra 14 mặt hàng để bình ổn giá, trong đó có mặt hàng sữa, đặc biệt là sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi.
 
Qua kết quả Thanh tra của Bộ Tài chính năm 2009, giá sữa cao do bị đội thêm rất nhiều chi phí bất hợp lý, đặc biệt là chi phí quảng cáo. Chi phí mà các DN sữa quảng cáo trong 6 tháng cuối năm 2008 tăng gần 20 lần cho phép, 6 tháng đầu năm 2009 tăng 10 lần.
 
Vậy trong Thông tư 122 có quy định chế tài xử phạt đối với DN đội chi phí lên bất hợp lý như thế không, thưa ông?
 
Thông tư 122 chỉ là yêu cầu các DN đăng ký giá thôi, còn thực hiện việc bóc chi phí của các DN xem có hợp lý hay không phải có thước đo. Mà thước đo này là bằng quy chế tính giá chứ không phải là các quy định tại Thông tư 122. Thước đo của quy chế tính giá đó Bộ Tài chính sẽ áp vào và các cơ quan tính thuế cũng sẽ dựa trên thước đo đó để tính chi phí hợp lý trong cơ cấu giá của các sản phẩm.
 
Nếu DN nào thực hiện giá bán bất hợp lý sẽ thực hiện các biện pháp như: đình chỉ giá bán mà DN đó đang áp dụng, yêu cầu DN phải bán đúng mức giá hợp lý theo quy chế tính giá, nếu DN cố tình vi phạm cơ quan quản lý giá sẽ thu hồi phần chênh lệch bất hợp lý để vào ngân sách Nhà nước và một biện pháp mạnh nữa là kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền rút giấy phép kinh doanh.
 
Khi Thông tư 122 đi vào thực tiễn, người tiêu dùng có quyền kỳ vọng giá sữa tại thị trường Việt Nam sẽ bình ổn hơn?
 
Điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào người tiêu dùng. Cơ quan quản lý về Nhà nước sẽ nỗ lực trong khả năng có thể để bình ổn giá. Tuy nhiên, trong một nền kinh tế thị trường có sự định hướng của Nhà nước thì phải có một khoảng nào đó để các DN tự quyết định về giá.
 
Quan trọng nhất là người tiêu dùng phải có định hướng cho mình, phải xem xét hành vi các DN quảng cáo về sữa có đúng như thế không, kênh phân phối của họ ra sao, có độc quyền hay không độc quyền?
 
Nếu các DN lợi dụng sự độc quyền để tăng giá bất hợp lý mà cơ quan quản lý chưa kiểm soát được, người tiêu dùng cũng phải có thái độ đối với việc tăng giá đó. Theo tôi được biết, tại Việt Nam một số hãng sữa bán với giá rất bình thường nhưng chất lượng sữa so với sản phẩm của hãng bán giá cao không kém gì đâu.
 
Khi Thông tư 122 có hiệu lực Bộ có công khai tính toán các chi phí cấu thành nên giá cho người dân được biết không, thưa ông?
 
Đây là việc nội bộ giữa cơ quan quản lý giá và nhà sản xuất, do yếu tố bí mật kinh doanh; chỉ khi nào các hãng sữa vi phạm quy chế tính giá, chúng tôi sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
 
Thật ra, các hãng sữa ở nước ngoài, theo cá nhân tôi, có yếu tố lợi dụng thị trường Việt Nam đang tiềm năng và cũng rất mới mẻ để tăng giá một cách bất hợp lý. Bởi đặc thù của mặt hàng sữa do nguyên liệu sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ, phần nhiều từ nước ngoài cung cấp về nên có hiện tượng người ta thao túng mức giá.
 
- Xin cám ơn ông!
 

Thông tư 122/2010 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 104/2008 hướng dẫn thi hành Nghị định số 170/2003 và Nghị định 75/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá.

Thông tư 122 có 2 điểm chính, thứ nhất là điều kiện áp dụng biện pháp bình ổn giá. Trước đây, Thông tư 104 đưa ra điều kiện tăng giá trong vòng liên tục 15 ngày, mức tăng trên 20% thì cơ quan Nhà nước áp dụng các biện pháp bình ổn. Nay không cứng như thế, khi mà các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh tăng bất hợp lý theo quy chế tính giá của Bộ Tài Chính thì áp dụng các biện pháp bình ổn giá đó.

Thứ hai liên quan đến vấn đề về đăng ký giá, Thông tư 104 quy định DN Nhà nước và DN có vốn nhà nước trên 51% trở lên thì DN đăng ký giá. Như vậy nó cũng không phù hợp với quy định hiện hành, không phù hợp hai nghị định trên. Nay Thông tư 122 quy định tất cả DN, từ DN Nhà nước, DN tư nhân, DN nước ngoài đều phải thực hiện đăng ký giá với cơ quan quản lý nhà nước, bình đẳng trước pháp luật.

 

                                                                                  Theo DanTri

Các tin khác


Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục