Lãi suất tiết kiệm cán mức 18%/năm rồi lập tức giảm xuống còn còn 14%-14,5%/năm chỉ trong một ngày

 

Một số ngân hàng (NH) mạnh tay tăng lãi suất tiết kiệm thêm 3%-4% so với mức lãi suất cũ, đẩy lãi suất huy động vốn kỳ hạn 1-2 tháng lên tới 18%/năm.

Lãi suất huy động của SeABank vào chiều 8-12 lên đến 18%/năm
 
Lãi suất huy động lên đến 17%-18%/năm
 
Sáng 8-12, NH Kỹ Thương VN (Techcombank) gây sốc khi tung ra chương trình “3 ngày vàng tiết kiệm”, lãi suất 17%/năm, thưởng tiền mặt 500.000 đồng cho người giới thiệu khách hàng mới; thưởng 500.000 đồng cho khách hàng đến thời điểm lĩnh tiền nhưng tiếp tục gửi lại. Tuy nhiên, mức lãi suất 17% chỉ áp dụng từ ngày 8 đến 10-12 đối với khoản tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên, kỳ hạn một tháng. Khách hàng không được rút tiền trước hạn. Việc tặng tiền chỉ áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm từ 1 tỉ đồng trở lên. Như vậy, người gửi “bạc tỉ” được hưởng lãi suất thực tế là 17,6%/năm. Tuy nhiên, sổ tiết kiệm chỉ thể hiện lãi suất 13,5%, còn phần chênh lệch được NH chi trả bằng tiền mặt.
 
Ngay sau khi Techcombank huy động vốn với lãi suất mới, nhiều NH khác cũng tăng mạnh lãi suất đầu vào. Cụ thể, NH Quốc tế đẩy lãi suất tiết kiệm lên 17,3%/năm. NH Phát triển Nhà TPHCM (HDBank) cũng nâng lãi suất đầu vào lên 17%/năm. Thậm chí NH Hàng hải còn cho nhân viên phát tờ rơi huy động vốn đến tận nhà dân cũng với lãi suất tương tự... Đặc biệt, lúc 13 giờ, NH Đông Nam Á (SeABank) bất ngờ công bố số tiền gửi từ 5 triệu đồng, kỳ hạn gửi 1 và 2 tháng, lãi suất 18%/năm được thể hiện trên sổ tiết kiệm. Tìm hiểu lãi suất tại SeABank, chúng tôi được nhân viên NH này tư vấn nên gửi tiền gấp vì thông tin nội bộ cho biết mức lãi suất 18% chỉ thực hiện theo phương châm “đánh nhanh rút gọn”.
 
Xáo trộn thị trường
 
Theo các chuyên gia tài chính, một số NH đã rút ra bài học đắt giá từ cú sốc lãi suất giữa năm 2008. Lúc đó, các NH đua nhau tăng lãi suất tiết kiệm lên tới 18%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng và đến thời điểm này có NH còn phải gồng lưng trả lãi. Do đó, đợt này, các NH chỉ áp dụng lãi suất từ 17%/năm trở lên đối với kỳ hạn 1-2 tháng và chỉ diễn ra trong vài ngày. Điểm khác biệt là NH lớn châm ngòi kích thích các NH nhỏ đua tăng theo khiến thị trường lãi suất bùng nổ.
 
Lãnh đạo nhiều NH cho biết trong ngày, lãi suất vay vốn NH bạn (thị trường liên NH) cũng hết sức lộn xộn. Một số NH mạnh vốn nâng lãi suất cho NH bạn vay tiền lên tới 35%/năm. Tổng giám đốc một NH ở TPHCM cho rằng NH huy động vốn từ dân cư với lãi suất 14%-15%/năm là để kinh doanh, còn NH nào tăng lãi suất đầu vào lên trên 17%/năm thực chất là để tồn tại. Trong khi đó, một số người trong cuộc cho rằng các NH chớp nhoáng huy động vốn nhằm tăng nhanh giá trị tổng tài sản của mình, tạo thanh thế trên thị trường chứng khoán... Hệ quả là người gửi tiền rút vốn từ NH này chuyển qua NH khác gây xáo trộn thị trường.
 
Trước tình hình trên, chiều 8-12, NH Nhà nước đã triệu tập tổng giám đốc các NH tăng mạnh lãi suất để định hướng lãi suất thị trường, lập tức những NH này giảm ngay lãi suất đầu vào từ 17%-18%/năm, xuống còn 14%-14,5%/năm ngang bằng với nhiều NH khác. Như vậy, sau 4 giờ tăng “sốc”, lãi suất huy động đã trở lại bình thường. Song song đó, NH Nhà nước cũng có văn bản yêu các NH thực hiện các mức lãi suất huy động và cho vay phù hợp với quy định của pháp luật, chủ trương của Chính phủ và nội dung đồng thuận giữa các thành viên của Hiệp hội NH Việt Nam là 12%/năm. Trong trường hợp thị trường tiền tệ diễn biến bất thường, NH Nhà nước có quyền quy định cơ chế điều hành, xác định lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng.

Nên bơm tiền trực tiếp

 
TS Cao Sỹ Kiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho biết vẫn còn sớm để bình luận về xu hướng lãi suất mới nhưng với việc lãi suất tăng nóng cho thấy tình hình cung cầu vốn đang khó khăn. Lãi suất cao là biện pháp bắt buộc để giảm lạm phát nhưng lãi suất đầu vào 18%/năm, đầu ra ít nhất cũng lên đến 22%-23%/năm là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Để duy trì sản xuất kinh doanh, NH Nhà nước phải có chính sách thích hợp để giảm bớt áp lực lãi suất cho doanh nghiệp, cần can thiệp bằng nghiệp vụ chứ không phải chỉ kêu gọi thực hiện lãi suất hợp lý hoặc can thiệp hành chính.
 
Trong khi đó, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng lạm phát của năm 2010 sẽ bằng phân nửa lạm phát của năm 2008 (trên 20%) nên một số NH tăng lãi suất đầu vào lên 17%-18%/năm là không hợp lý. Tuy lãi suất được áp dụng theo cơ chế thả nổi nhưng khi thị trường biến động bất thường cần phải có sự can thiệp của Chính phủ. Nếu một NH thực sự khó khăn về nguồn vốn, NH Nhà nước nên bơm tiền trực tiếp cho NH đó với lãi suất 12%/năm để ổn định lãi suất thị trường.
 
 
                                                                                         Theo NLD

Các tin khác


UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Thúc đẩy tạo sinh kế cho nông dân dưới tán rừng

Sau một thời gian triển khai, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ tiếp tục phát huy hiệu quả. Các mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được nhân rộng. Đặc biệt, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, biết tận dụng đất rừng vốn có để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Huyện Lạc Thủy: Siết chặt quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Những năm qua, UBND huyện Lạc Thủy thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên cơ sở chấp hành đúng, đầy đủ quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục