Thị trường càng cận Tết càng sôi động.

Thị trường càng cận Tết càng sôi động.

Chỉ còn 2 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, thị trường đang đi vào những ngày sôi động nhất. Đây cũng là thời điểm nhạy cảm nhất của việc kiểm tra kiểm soát thị trường, ổn định giá cả. Theo báo cáo của các địa phương về Bộ Công thương, trong vòng 1 tuần qua, giá hàng hóa vẫn đều đặn nhích lên. Đặc biệt ở các TP lớn như Hà Nội và TP HCM, giá các mặt hàng thực phẩm điều chỉnh từng ngày.

 

Các vi phạm về hàng giả, hàng nhái và vệ sinh an toàn thực phẩm bị phát hiện cũng tăng. Tuy nhiên, chưa có địa phương nào có bất thường về nguồn cung hàng hóa.

Thực phẩm và rau xanh tiếp tục tăng giá

Do thời tiết rét đậm gần một tháng nay, mặt hàng "hot" nhất trong thời điểm này là rau xanh. Tại thị trường Hà Nội, giá rau xanh tại các chợ lẻ đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 ngày thường. Báo cáo của Sở Công thương Hải Phòng cũng cho hay, các loại rau xanh ở địa phương này đã tăng từ 25 - 30% so với ngày thường. Cụ thể: Bắp cải, cải ngọt tăng từ 6.000 đồng/kg lên 8.000 đồng/kg, cải cúc từ 2.000 đồng/mớ lên 4.000 đồng/mớ, rau muống từ 4.000 đồng/mớ lên 7.000 đồng/mớ, các loại đậu quả tăng từ 8.000 đồng/kg lên trên dưới 10.000 đồng/kg... Tại Bắc Giang, do ảnh hưởng xấu của thời tiết, giá một số rau, củ, quả các loại cũng tăng 20 - 25%.

Ở các tỉnh phía Nam, tuy thời tiết ít khắc nghiệt hơn, nhưng nguồn cung rau vẫn thấp. Tại TP HCM, do sản lượng của các nhà vườn thấp, lượng hàng về chợ ít so với nhu cầu mua sắm, các loại rau cũng đã tăng giá từ 5-60% (khảo sát của Sở Công thương ngày 27/1), đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng ngày Tết như tỏi, hành đỏ, kiệu… Tuy nhiên, trong khi giá rau, củ quả tại nhiều chợ đang có xu hướng tăng cao, thì tại một số siêu thị bình ổn giá, giá rau xanh, củ quả không tăng nhiều. Nhiều bà nội trợ vẫn hào hứng với rau bán tại siêu thị, cho dù đắt hơn so với các chợ bên ngoài vì tâm lý mua trong siêu thị sẽ đảm bảo nguồn gốc hàng hóa hơn.

Thị trường càng cận Tết càng sôi động. (Ảnh: Ngọc Thắng).

Ngoài rau xanh, các mặt hàng thực phẩm khác đều tăng cao từ 20 - 25% so với ngày thường. Tại các chợ trên địa bàn TP HCM, thịt bò tăng 20.000 - 30.000 đồng/kg, từ 160.000 đồng/kg lên 190.000 đồng/kg. Thịt lợn cũng tăng 5.000 đồng/kg, gà ta tăng 15.000 đồng/kg, tôm sú loại to tăng 40.000 đồng/kg… Lượng hàng hóa đổ về các chợ vẫn ngày càng nhiều, cao điểm sẽ là từ 26-28 tháng Chạp.

Tại chợ đầu mối Bình Điền, hàng hóa nhập chợ đã bắt đầu tăng lên, dự báo mức tăng có thể lên đến 60-70% vào các ngày cao điểm, đạt đến 2.500 tấn ở các mặt hàng rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm và thủy hải sản. Giá cả tại chợ hiện tương đối ổn định nhưng dự báo vào cao điểm, giá có thể tăng lên 10-20%.

Tại các địa phương có thị trường nhỏ hơn như Long An, Bắc Giang, Huế, An Giang, Yên Bái… đều báo cáo hàng hóa tăng giá khoảng 20% - 30%. Nhờ có gần 40 địa phương trích ngân sách để bình ổn giá (với số tiền gần 1.500 tỷ đồng),  nên nguồn cung hàng năm nay tương đối chủ động. Tuy có xảy ra thiếu hàng cục bộ ở một số mặt hàng và một số điểm, nhưng sau đó đã được bổ sung ngay, đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Xử lý nhiều vi phạm về hàng lậu, hàng giả và vệ sinh an toàn thực phẩm

Dù đến thời điểm hiện tại chưa có diễn biến bất thường nào, nhưng các địa phương đều tỏ ra rất thận trọng trong việc đánh giá thị trường vài ngày cao điểm tới. Sở Công thương Bắc Giang cho rằng giá cả hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Dự báo từ nay đến 30 Tết sức mua của nhân dân sẽ tăng cao so với ngày thường, cộng với diễn biến thời tiết xấu kéo dài trong nhiều ngày sẽ khiến sức ép tăng giá hàng hóa cao hơn. Bởi vậy, công tác kiểm tra kiểm soát thị trường đặc biệt được nhấn mạnh. Lực lượng QLTT các địa phương đều cho biết, các mặt hàng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng "nóng" nhất trong dịp này chính là rượu, bia, thuốc lá, hàng điện tử giá trị cao và thực phẩm.

Tại Hà Nội, trong 3 tuần cận Tết, lượng xử lý vi phạm đã tăng nhiều so với những tháng trước đó. Còn tại TP HCM, tuần vừa qua, lực lượng QLTT đã kiểm tra 529 vụ, tăng 111 vụ so với tuần trước, phần lớn là hàng hóa ngoại nhập không có chứng từ hóa đơn, tạm giữ các mặt hàng vải, quần áo, điện thoại di động, đồng hồ, mắt kính, giày dép, đá trang sức, mỹ phẩm, bia, rượu, sữa, phụ tùng xe máy. Đồng thời, QLTT cũng đã lập biên bản 46 cửa hàng không niêm yết giá và 1 cửa hàng niêm yết giá bằng ngoại tệ không được phép.

Về hàng giả, Đội QLTT 4A cũng đã phát hiện, một điểm gắn niêm van bình gas 12kg giả nhiều nhãn hiệu ở quận 12, tạm giữ 202 bình gas giả nhãn hiệu và nhiều miếng niêm, tem chống giả, chụp van đầu bình. Các vụ việc về VSATTP cũng tăng, đã phát hiện 156 vụ vi phạm về kiểm dịch gia súc gia cầm (tăng 45 vụ so với tuần trước), 52 vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại Huế, trong tháng 1, lực lượng QLTT cũng đã kiểm tra 187 vụ, xử phạt hành chính hơn 155 triệu đồng, tịch thu nhiều loại hàng hóa: tân dược hết hạn sử dụng; thuốc lá Jet; nước giải khát Redbull...

Các địa phương đều ghi nhận năm nay việc niêm yết giá đã được thực hiện khá tốt (các chợ ở TP HCM đạt 80%). Tuy nhiên, một số nơi vẫn còn tình trạng bảng giá niêm yết nhỏ hoặc giá niêm yết chưa rõ ràng. Vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng được ghi nhận đã có bước cải thiện so với thời gian trước đây do áp lực từ sự thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp cũng gặp khó khăn do không kiểm soát được chất lượng hàng hóa từ nơi xuất xứ. 

Hoa Đà Lạt tăng giá

Là một trong những nguồn cung hoa lớn của cả nước, tuy nhiên do thời tiết bất thường, nên Tết năm nay giá hoa Đà Lạt sẽ tăng. Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, vào thời điểm 1 tuần trước Tết, hoa cúc đang có giá 18.000 - 20.000đ/chục, hoa layơn có giá 15.000 - 20.000đ/chục, hoa hồng từ 25.000 đến 30.000đ/chục, hoa lyly từ 20.000 - 50.000đ/cành, hoa lan: 80.000 - 100.000đ/cành. Tuy nhiên, ra đến Hà Nội và các thị trường khác, giá các loại hoa này đều tăng lên khá nhiều, đặc biệt ở các điểm bán lẻ.

Sở Công thương Lâm Đồng nhận định: Riêng giá hoa các loại sẽ có biến động mạnh do năm nay thiên tai ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc lạnh giá kéo dài, khiến cho hoa Tết tại các địa phương này khan hiếm. Mặt khác, vụ hoa Tết năm nay các địa phương ở Lâm Đồng (Đà Lạt, huyện Lạc Dương và huyện Đức Trọng…) diện tích trồng hoa tăng rất ít so với vụ hoa Tết năm ngoái.

Một số vi phạm về xăng dầu bị phát hiện và chấn chỉnh

Xăng dầu là một trong những mặt hàng được Chính phủ và các địa phương tập trung bình ổn giá, và tập trung giám sát rất chặt chẽ, yêu cầu hệ thống các cửa hàng, cây xăng phải duy trì bán hàng phục vụ người dân. Trong thời gian qua, QLTT một số địa phương cũng đã phát hiện một số vi phạm và kịp thời chấn chỉnh. Tại Long An, trong hai ngày đầu tháng 1/2011, trên dọc tuyến quốc lộ 62 có 4 cửa hàng kinh doanh xăng dầu không mở cửa bán hàng do hết xăng và chờ kiểm định cột bơm (cửa hàng xăng dầu Hoài Dũng, Ba Nguyện, Ngọc Bảo, Kim Tấn Hưng). Tuy nhiên, ngay sau đó Sở Công thương tỉnh đã cử đoàn công tác đi kiểm tra, tới nay các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh đều hoạt động bình thường. Tại TP HCM, lực lượng QLTT cũng cho biết đã phát hiện 2 vụ vi phạm về xăng dầu và buộc ngưng hoạt động 2 cây xăng ở huyện Bình Chánh.

 

                                                                                      Theo CAND

 

 

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục