Giá các loại hoa quả tăng cao, người dân cũng không mặn mà lắm.

Giá các loại hoa quả tăng cao, người dân cũng không mặn mà lắm.

(HBĐT) - Sau Tết, giá cả các mặt hàng đều nhích lên, nhất là sau khi xăng-dầu tăng giá, cùng với sự điều chỉnh lại giá điện thì cuộc sống người dân nghèo ở nông thôn thêm phần vất vả.

 

Chị Hồng ở xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) cùng chồng con tranh thủ cấy cho xong mấy sào ruộng để còn ra thành phố Hoà Bình giúp việc cho một gia đình ở phường Tân Hoà những mong đảm bảo cuộc sống hàng ngày và hy vọng dành dụm được chút tiền nhỏ nhoi gửi về cho gia đình chăm lo con cái học hành. Chị giãi bày: Cuộc sống ở nông thôn quanh năm trông vào cây lúa, cây ngô, năm được mùa còn tạm đủ ăn, gặp năm mất mùa coi như trắng tay. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, với mức gia cả tăng cao như hiện nay thì cuộc sống càng thêm phần vất vả. Trong Tết, chị đong gạo loại thường là 9.000 đồng/kg nay đã tăng lên trên 10.000 đồng 1 kg. Nhà 6 miệng ăn, chỉ riêng tiền gạo tiết kiệm cũng mất khoảng 700.000 đồng/tháng. Chị chia sẻ: Mình là phụ nữ, trụ cột gia đình, biết rằng bỏ quê đi làm ô sin cũng không yên tâm khi việc đồng áng ở nhà chồng con phải lo toan nhưng chẳng còn cách nào khác bởi thằng lớn đang học trung cấp chuyên nghiệp nên chi phí cho học hành cũng tốn kém. Đi làm ô sin mỗi tháng trừ tiền ăn còn khoảng 2 triệu đồng/tháng, số tiền này tuy không lớn nhưng cũng phần nào giúp  cho cuộc sống gia đình lúc giáp hạt, nhất là khoản trợ cấp thêm cho con cái học hành.

  

Những ngày sau Tết,  giá cả tăng cao, nhiều bà nội trợ cũng phải “liệu cơm gắp mắm” cắt giảm bớt những phần chi không cần thiết để đảm bảo số tiền chi tiêu hàng tháng không bị bội chi. Chị  Tâm ở xã Dân Chủ (TPHB) xách chiếc làn lượn mấy vòng chợ mà vẫn chưa quyết định mua gì, chị than thở: Từ ngày giá xăng-dầu, điện tăng, đi chợ choáng lên về giá cả, hỏi đến thứ gì cũng tăng giá, từ mớ rau cho đến gói muối. Tiền đi chợ mất nhiều hơn mà bữa ăn  hàng ngày lại phải cắt giảm.

  

Không chỉ các bà nội trợ ngao ngán mà ngay cả các tiểu thương buôn bán tại chợ Thái Bình (TPHB) cũng tỏ ra bức xúc. Chị Dân, chủ một bàn thịt than ngắn thở dài: Giá cả leo thang thế này, buôn bán thứ gì cũng phải bỏ vốn ra nhiều hơn. Không những thế do giá đắt đỏ, người mua tính toán dè xẻn nên  người bán cũng phải cầm chừng, không khéo có ngày ế hàng còn bị lỗ vốn. Thấy khách hàng kêu ca sao giá thịt cao hơn cả dịp Tết, chị Dân giải thích: Hôm nay em phải bắt lợn lên đến 43.000 đồng/kg thịt hơi rồi, gọi là có hàng để bán chứ lời lãi chẳng được là bao. So với trước Tết em chỉ được chút ít gọi là bù tiền xăng và kiếm cơm cho các cháu qua ngày. Giá cả tăng, việc buôn bán  cũng khó khăn nhưng vẫn phải theo, nếu không chẳng biết làm gì. Chị Hoa, chủ hàng hoa quả cũng ở chợ Thái Bình thở dài: Từ ngày tăng giá xăng, đi lấy hoa quả giá lên cao chóng mặt, loại cam Bưng đắt nhất vào dịp Tết cũng chỉ 25.000 đồng/kg, nay lên 35.000 đồng/kg, xoài xanh lên 18.000/kg, thanh long:30.000 đồng/kg, nhãn trái vụ: 50.000/kg… Không những giá cao khó bán mà người mua cũng không mặn mà lắm. Các bà nội trợ tính toán cắt giảm bớt phần chi tiêu cho món quả bởi giá mua 1 kg quả loại ngon thì bằng cả số tiền chi tiêu ăn uống bình dân của gia đình trong một ngày. Chị Hoa cho biết thêm: Trước đây, mỗi ngày bán được khoảng vài chục cân, nay ngồi cả ngày may chăng bán được dăm bảy cân. Nếu nghỉ chợ thì không biết làm gì để sống.

  

Đồng hành với giá xăng, dầu tăng, từ 1/3, giá điện tăng, kéo theo giá các mặt hàng tăng nên cuộc sống của những người dân và công chức nghèo thêm chật vật, nhất là những gia đình có con đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng. Anh Hà ở phường Chăm Mát (TPHB) than phiền: Chi phí cho cả nhà trong một tháng không bằng nuôi một thằng lớn đang học đại học ở Hà Nội. Trước đây, một tháng, gia đình chu cấp cho cháu 1,5 triều đồng thì nay phải cho hơn hai triệu mới tạm đủ do chi phí tiền thuê nhà, tiền điện, nước đều tăng, kể cả việc chi tiêu ăn uống cũng phải tính toán. Tiền vé xe từ 30.000 đồng Hoà Bình - Mỹ Đình, nay tăng lên 40.000 đồng, thay cho việc hàng tháng cháu về “lĩnh lương”, nay gia đình gửi qua nhà xe để cháu ra Mỹ Đình lấy, như vậy sẽ tiết kiệm được khoản tiền chi phí đi xe.

  

Giá cả leo thang không chỉ là nỗi lo của người dân nghèo mà ngay cả những gia đình khá giả cũng bắt đầu thực hiện chính sách cắt giảm chi tiêu những thứ không cần thiết để đảm bảo chi tiêu hợp lý, vừa tiết kiệm cho chính gia đình mình mà còn cho cả xã hội.

 

                                                                                           Ngọc Anh  

 

Các tin khác


Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục