Từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), việc lưu thông, trao đổi hàng hóa với đối tác trong và ngoài khu vực trở nên sôi động, gặt hái được nhiều kết quả to lớn về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, gần đây, song hành với tình trạng nhập siêu gia tăng, hàng loạt mặt hàng giá rẻ, kém chất lượng và độc hại có xuất xứ từ Trung Quốc (TQ) ào ạt tràn vào khiến người tiêu dùng bị thiệt hại và chịu hậu quả khôn lường. Thực trạng này diễn ra ở hầu hết các loại hàng hóa, làm cho người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

 

Bài 1: Hàng độc hại tung hoành!

Mang hàng thực phẩm sản xuất tại Trung Quốc đi giao cho khách hàng. Ảnh: Thanh Tâm

Nhan nhản đồ chơi hiểm nguy

Bất chấp 2 mối nguy hiểm là ung thư và vô sinh mà trẻ có thể mắc phải khi sử dụng những món đồ chơi có nồng độ chì vượt mức cho phép và có chất phụ gia tạo độ dẻo DEHP, vì lợi nhuận, nhiều cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em hiện nay vẫn ngang nhiên bày bán những món đồ chơi không rõ nguồn gốc, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt và tem hợp quy CR có xuất tứ từ TQ.

Ở TPHCM, tại các cửa hàng chuyên bán sỉ đồ chơi trẻ em trên đường Tháp Mười, Trần Bình, Lê Quang Sung quanh khu vực chợ Bình Tây (quận 6) và chợ Kim Biên (quận 5), hầu hết các loại đồ chơi trẻ em đều có giá rất rẻ. Ví dụ như, máy chơi game chỉ 30.000 - 90.000 đồng/cái (trong khi tại các cửa hàng và nhà sách: 100.000- 200.000 đồng/cái).

Theo chị Lương Ngữ, một người kinh doanh đồ chơi trên đường Trần Bình (quận 6), khách đến đây mua hàng thường chọn theo sở thích của trẻ em và giá tiền là chính chứ ít ai quan tâm đến nhãn phụ bằng tiếng Việt và tem hợp quy CR.

Chị Mỹ Ngọc, một trong những thương nhân chuyên kinh doanh đồ chơi ở khu vực chợ Bình Tây cũng cho biết, hiện nay cứ các nhân vật trong phim “Siêu nhân Gaoranger”, “Siêu nhân sấm sét”,” Đường đi Tây Thiên”… sử dụng binh khí gì, phụ kiện gì là ngay tức thời loại đồ chơi ăn theo xuất hiện và hút hàng. Không có gì khó hiểu khi nhiều chuyên gia cho biết, đồ chơi TQ hiện chiếm hơn 90% thị phần trên thị trường đồ chơi tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp nhập khẩu chính thức cho biết một sản phẩm đồ chơi nhập khẩu muốn đủ điều kiện lưu thông trên thị trường phải mất ít nhất 3 tháng để hoàn tất các thủ tục như khai thông hải quan, đưa sản phẩm đến Trung tâm Tiêu chuẩn kỹ thuật đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) kiểm tra chất lượng đánh giá chuẩn hợp quy… rồi được tem CR lưu hành. Trong khi đó, các sản phẩm cùng loại nhưng nhập bằng đường tiểu ngạch đã có mặt rất sớm ở các chợ đầu mối và được bày bán tràn lan.

Tiền mất, tật mang

Tràn lan chất gây ung thư

Sau một đợt kiểm tra gần đây, Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, một số loại hạt dưa nhuộm phẩm màu có chất gây ung thư.

Ví dụ như, mẫu hạt dưa của hộ kinh doanh Nguyên Hưng (phường 5, quận 6) có chất phẩm màu Rhodamine B với hàm lượng 1,19mg/kg. Đây là chất dùng trong công nghiệp dệt, cấm tuyệt đối dùng trong thực phẩm và thuốc, nếu sử dụng lâu dài có thể gây ung thư.

Trong mẫu ớt bột cũng vừa được phát hiện có chất Rhodamine B như kết quả mẩu kiểm tra ở cơ sở sản xuất ớt bột Kim Nga (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân)… Đa phần những sản phẩm trên có nguồn gốc từ TQ.

Sau khi dẫn khách bán cho người bạn căn nhà và được hoa hồng hơn 10 triệu đồng, anh Trần Văn Tâm, ở quận Tân Phú TPHCM, quyết định đổi chiếc điện thoại di động cũ lấy chiếc iPhone “nhái” của TQ với giá 4,5 triệu đồng (hàng chính hãng, ít nhất cũng khoảng 15 triệu đồng). Đáng tiếc, chỉ sau 2 tuần sử dụng, chiếc iPhone “nhái” trở chứng, các cuộc gọi đi - gọi đến lúc được lúc không do sóng chập chờn, nghe tiếng được tiếng mất. Màn hình cảm ứng bớt nhạy hoặc có vùng không nhạy; khi chơi game có nhiều chỗ nhấn hoài mà không tác dụng gì…

Sau kỳ xuất chuồng đàn heo thịt, bác Út Nghiệp, ở huyện Hóc Môn, trích một khoản tiền tậu cái radio “made in China” để nghe. Nhưng sau một tháng sử dụng, cái radio có vấn đề. Các công tắc của máy bị liệt, sơn bị tróc, sóng lúc mạnh lúc yếu. Tiếng nói phát ra từ máy cứ như người bị nghẹt mũi, nghe không được. Tức mình bác Út Nghiệp mang chiếc radio ra cửa hàng yêu cầu đổi máy mới thì được nhân viên cửa hàng phán rằng: “Tiền nào của nấy, bác mua hàng TQ giá chỉ bằng một nửa hàng Nhật Bản nên không có bảo hành, cũng không được đổi dưới bất cứ hình thức nào!”. 

Nhiều chuyên gia điện tử cảnh báo, những sản phẩm chưa qua kiểm soát dễ gây hại sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là hàng có nguồn gốc xuất xứ từ TQ. Ví dụ, đèn LED trong đồ chơi trẻ con đang bán trên thị trường quá sáng gây hại mắt cho trẻ, xe hơi điều khiển bằng radio có cường độ lớn làm tổn thương não trẻ em hoặc âm thanh phát ra từ đồ chơi không thể điều chỉnh được và chứa các tạp âm cùng âm thanh có tần số cao làm ù tai, tác nhân thay đổi hành vi ứng xử của trẻ…

Quỳnh Chi - Mai Thi


Nỗi lo thực phẩm bẩn từ Trung Quốc

  • Gạo nhiễm độc

Một nghiên cứu của Đại học Nông nghiệp Nam Kinh cho biết, có khoảng 10% số gạo bán trên thị trường Trung Quốc chứa hàm lượng kim loại cadmium vượt tiêu chuẩn. GS Phan Căn Hưng, Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường nông nghiệp, Đại học Nông nghiệp Nam Kinh, cho biết, vào năm 2007, nhóm nghiên cứu của ông đã mua ngẫu nhiên hơn 170 mẫu gạo tại 6 khu vực và có tới 10% trong mẫu gạo này chứa hàm lượng cadmium vượt tiêu chuẩn. Thậm chí, 63 mẫu gạo từ các chợ mua tại các tỉnh Giang Tây, Hồ Nam và Quảng Đông có hàm lượng cadmium tới 60%.

Ông Chen Tongbin, Viện Khoa học Trung Quốc, ước tính kim loại nặng có thể gây ô nhiễm khoảng 10% số diện tích đất nông nghiệp của nước này, đặc biệt là cadmium và arsenic. Cadmium là một kim loại nặng nguy hiểm, nếu cơ thể hấp thụ quá nhiều sẽ gây nguy hại cho xương cốt và nội tạng.

  • Ly tách cũng nhiễm độc

Tháng 11-2010, báo chí trong nước đã báo động, Công ty Coca Cola ở Mỹ đã ra lệnh thu hồi 88.000 ly tách quảng cáo các nhân vật hoạt hình nổi tiếng của Mỹ như Superman, Tin Man, Wonder Woman có chứa hàm lượng cadmium rất cao được sản xuất ở Trung Quốc. Trước đó, giữa năm ngoái, công ty đồ ăn nhanh McDonald đã thu hồi các ly tách quảng cáo các nhân vật chính của phim hoạt hình Shrek cũng vì chứa nhiều chất chì độc hại, sản xuất cũng tại Trung Quốc. Các cuộc nghiên cứu ở Hoa Kỳ xác định chất chì và cadmium có thể gây ra ung thư nếu đi vào cơ thể con người với lượng lớn hơn tiêu chuẩn.

  • Thuốc nhuộm tóc chứa chất gây ung thư

5 nhãn hiệu thuốc nhuộm tóc tên tuổi vừa bị các quan chức TP Quảng Châu nêu danh chứa hóa chất lentine có nguy cơ gây ung thư, đều được sản xuất ở tỉnh Quảng Đông. Chúng gồm Revlon Color Silk, Ecosystem No 1 Hair Colorant, Sewame Eshine Colorants, Kangchen 3 in1 và Ouwaiya hair dye (natural black). Độc tố có trong những nhãn hàng này được người ta tìm ra sau cuộc kiểm tra hồi đầu năm nay với các loại thuốc nhuộm tóc được 21 công ty sản xuất. “Hít phải hơi lentine có thể gây bệnh đường hô hấp. Nếu hóa chất này bị hấp thụ qua da, nó có thể gây hư hỏng thận và gan” - Guo Yuhua, phát ngôn viên của cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm tỉnh Quảng Đông, cho biết. Các chuyên gia cũng cảnh báo người tiêu dùng nên thử phản ứng dị ứng trước khi nhuộm bất kỳ loại thuốc nào.

Thanh Hải (tổng hợp)


Bài 2: Tẩy chay hàng tươi sống

Trái ngược với các mặt hàng tiêu dùng vẫn đang làm mưa, làm gió nhờ yếu tố giá rẻ, hàng nông sản thực phẩm Trung Quốc (TQ) sau hơn 5 năm “chinh phục” thị trường TPHCM đã phải lùi bước trước hàng Việt. Một cuộc tẩy chay của người tiêu dùng TPHCM đối với hàng nông sản của TQ đã và đang diễn ra.

  • Giảm mạnh về lượng

Nếu trước những năm 2005 hàng TQ thường rộ lên với táo, lê, trứng gà, rồi đến cá nục bông, cá thu đao thì những năm sau đó là cà rốt, khoai tây, hành tím, gừng, bông cải trắng, bông cải xanh, nho, quýt, lựu… đã “làm mưa, làm gió” tại các chợ bán sỉ và lẻ của TPHCM.

Những người có trách nhiệm thời đó đã rất băn khoăn, sẽ còn loại thực phẩm nào tiếp tục đổ vào VN? Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức nhớ lại, vào thời điểm tháng 5-2005, trong tổng số 1.300 tấn trái cây và rau, củ, quả các loại về chợ mỗi đêm chỉ riêng rau, củ, quả có xuất xứ từ TQ về chợ chiếm khoảng 200 tấn.

Trong đó, nhiều nhất là cà rốt, rồi đến súp lơ, hành tỏi, gừng, khoai tây, táo, lê… Tại chợ đầu mối Hóc Môn, mỗi đêm cũng đón khoảng 100 tấn rau, củ quả của TQ, trong đó cà rốt chiếm khoảng 30 tấn, tỏi 15-20 tấn, khoai tây 20 tấn… Nhưng nay, tình hình đã khác.
 
Cũng tại chợ Thủ Đức, trong đêm 30-5-2011, tổng lượng rau củ quả (không kể trái cây) về chợ khoảng 1.300 tấn nhưng hàng TQ chỉ còn 50-60 tấn, thậm chí nhiều đêm hàng TQ chỉ về chợ khoảng 45 tấn.

Tương tự, hàng trái cây TQ nhập chợ hàng đêm trước đây luôn chiếm khoảng 30% trong tổng lượng trái cây ngoại nhập, nhưng nay cũng giảm mạnh chỉ còn dưới 10%. Theo thống kê từ Tổng cục Hải Quan, trong quý 1-2011, tổng lượng rau củ nhập từ TQ vào VN đã giảm 18,31%, nếu tính riêng trong tháng 3-2011, hàng nhập qua cửa khẩu đã giảm đến 26,57%.

  • Tẩy chay vì... không an toàn

Trên thực tế, nếu so sánh với các loại rau, củ, quả của Đà Lạt thì hàng TQ nhỉnh hơn về nhiều mặt. Chẳng hạn, ở mặt hàng cà rốt thì củ to hơn, màu đỏ hơn, cuống nhỏ lại được cắt, gọt và rửa sạch hơn. Tương tự, gừng củ cũng to, mọng hơn so với gừng nội. Ở mặt hàng súp lơ không chỉ tươi hơn mà còn được bao bọc trong chiếc túi lưới, nhìn rất bắt mắt.

Đáng lưu ý, hầu hết những mặt hàng này đều có “tuổi thọ” cao hơn nhiều so với hàng trong nước. Chính do những ưu thế trên, nên ngay khi đưa vào VN, hàng TQ không chỉ hấp dẫn tiểu thương bán sỉ tại các chợ đầu mối, mà tại các chợ bán lẻ, số lượng cũng như chủng loại hàng TQ ngày càng tăng lên.
 
Tuy nhiên, sau một thời gian, vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là do tâm lý lo sợ hàng TQ được tẩm ướp các loại hóa chất độc hại để giữ độ tươi lâu hơn bình thường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nên sức mua các loại rau củ quả có nguồn gốc từ nước này ngày càng giảm.

Còn với những người tỏ ra hiểu biết, họ cho rằng trong quá trình gieo trồng, có thể các nhà vườn có sử dụng chất kích thích với liều lượng cao nên mới cho ra các loại củ quả vừa to, vừa căng mọng hơn nhiều so với hàng VN.

Mặt khác, dù nhìn rất đẹp mắt nhưng khi chế biến, chất lượng, độ giòn ngọt của các loại củ quả TQ cũng thua xa so với sản phẩm cùng loại của VN. Biểu hiện rõ nhất là cà rốt TQ khi nấu chín có dấu hiện bị phai màu, nhão; khoai tây thì trắng bệch, không có màu vàng, không bở như khoai tây Đà Lạt...
 
Đến đầu năm 2011, việc người tiêu dùng TPHCM ngán ngại hàng TQ không còn dừng ở mức độ tâm lý e dè, lo lắng mà đã thể hiện thành thái độ cụ thể là không mua hàng. Ngoài nguyên nhân không an toàn thì đồng nhân dân tệ TQ (CNY) liên tục tăng giá, đạt đến 3.250 đồng/CNY vào tháng 5-2011, cộng thêm chi phí vận chuyển tăng theo giá xăng dầu đã làm rau củ quả nhập từ nước này mất luôn cả ưu thế giá rẻ.

Người tiêu dùng quay lưng lại với trái cây kém chất lượng trồng tại Trung Quốc (ảnh táo Trung Quốc bán tại chợ ở quận 10). Ảnh: KIM NGÂN

Hiện giá sỉ các loại rau củ quả của TQ so với hàng VN chênh lệch nhau không đáng kể, tùy thuộc vào từng thời điểm, mùa vụ. Chẳng hạn, giá bán sỉ cải thảo của TQ là 4.000 - 5.000 đồng/kg, giá sỉ cải thảo Đà Lạt là 3.800 đồng/kg; cà rốt TQ 4.000 - 4.500 đồng/kg, cà rốt VN 4.500 đồng/kg...
 
Ông Ba Hùng, chủ một sạp kinh doanh trái cây tại chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, trước đây ông thường nhập 3-4 container/đêm, cao điểm có thể lên đến 5 container/đêm nay giảm chỉ còn 1 container, thay vào đó là trái cây nhập từ các nước khác.

Ông Hùng cho rằng, các bạn hàng đã không còn chuộng nữa, họ chấp nhận mua hàng ngoại nhập từ các nước khác với giá cao hơn. Một vài sạp chợ, điểm trái cây lề đường còn mua hàng TQ, chứ các cửa hàng có tủ mát hay sạp lớn trong chợ có tìm đỏ mắt cũng không có hàng TQ.

Đây cũng là lý do khiến hàng TQ bị đổ bỏ khá nhiều khi cung vượt cầu và khi hàng Đà Lạt về chợ nhiều hơn bình thường.
 
Theo chúng tôi, trước hiện tượng người dân TPHCM đang tẩy chay hàng nông sản TQ vì nhiều lý do, nếu người tiêu dùng cả nước đều ý thức được điều này thì không chỉ hàng nông sản mà ngay cả các nhóm hàng tiêu dùng khác của TQ cũng sẽ từng bước bị thoái lui, khi đó, hàng VN sẽ khẳng định được vị thế của mình trên sân nhà.

Đây cũng là cách để chúng ta triển khai thực hiện thành công cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Là người theo dõi, quan sát và có nhiều đề xuất với Bộ Công thương, UBND TPHCM khi hàng TQ có nguy cơ lấn sân hàng trong nước, và nay đang có dấu hiệu thoái lui, bà Nguyễn Thanh Hà nhìn nhận: “Việc rau củ quả TQ về chợ giảm do tác động lớn từ nhận thức và thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Họ sợ chất bảo quản độc hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Với những người có thu nhập từ trung bình trở lên, dù trái cây TQ giá rẻ, họ vẫn chấp nhập trả giá cao hơn để mua hàng nhập từ Mỹ, Australia hay New Zealand, Chile cho an toàn. Còn những người có thu nhập thấp, giá các loại rau củ TQ hiện có giá bằng hoặc mắc hơn hàng nội, nên mua hàng nội được lợi kép, cả về sức khỏe lẫn tiết kiệm chi tiêu”.

THÚY HẢI 


 

Bài 3: Đường đi của hàng “độc”

Trước tình trạng đủ loại hàng hóa Trung Quốc (TQ) chất lượng quá kém, tiềm ẩn nguy cơ độc hại, không đảm bảo cho sức khỏe, chúng tôi lần theo dấu vết đường đi của các loại hàng này… Giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu và phân phối các thương hiệu đồ chơi nổi tiếng châu Âu và thế giới (như LEGO, Mattel, Disney) bức xúc: Không biết bằng cách nào và đường nào, hàng TQ xuất hiện nhiều đến thế.

Đủ loại vải vóc tại thị trấn Hà Khẩu (Trung Quốc) được cửu vạn đưa về Việt Nam. Ảnh: VĂN PHÚC

Ngập chợ biên giới

Hiện nay, phần lớn các loại gia vị, thực phẩm TQ nhập vào nước ta qua các cửa khẩu ở phía Bắc. Trên địa bàn TP Lạng Sơn, khoảng 1-2 năm gần đây, thực hiện chương trình “Người Việt dùng hàng Việt” nên các sản phẩm trong nước cũng đã có nhiều. Tuy nhiên, ở các chợ như Đông Kinh, Đồng Đăng và Kỳ Lừa gần như 100% là hàng TQ, không có chỗ cho hàng Việt.

Theo Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn, hiện trên địa bàn đang có tới hơn 200 mặt hàng TQ. Ngay cả các mặt hàng như thực phẩm và gia vị Việt Nam sản xuất được nhưng hàng TQ vẫn áp đảo ở các chợ biên giới. Tại chợ cửa khẩu Tân Thanh (cách TP Lạng Sơn 25km), các mặt hàng thực phẩm từ TQ ồ ạt tràn sang có thể kể như nước mắm, xì dầu, mì ống, lương khô, bánh bao, sủi cảo, trà xanh đóng gói và nhiều loại thực phẩm, bánh kẹo không rõ tên gọi, nhiều món thức ăn đã chế biến sẵn, đóng gói, tẩm gia vị đỏ lòe loẹt. Cửa hàng nào cũng chất đống các loại chai lọ xì dầu, thùng gói bột nêm, mì chính, nước ép trái cây… nhãn mác bằng tiếng TQ, giá rẻ bất ngờ.

Chị Hoàng Thị Luyện, chủ một sạp hàng đồ khô, gia vị ở chợ Tân Thanh, mời mọc du khách mua loại bánh bao sữa của TQ. Đây là bánh mới tràn sang, được làm sẵn, đóng túi nylon hoặc hộp, ngoài in chữ TQ nhưng không có hạn sử dụng, gồm túi 20 chiếc giá 18.000 đồng và túi 42 chiếc giá 50.000 đồng. Chị bảo: “Nếu muốn mua nhiều đem về Hà Nội kinh doanh cũng có, chỉ cần đợi khoảng nửa tiếng là có ngay”.

Còn ở chợ Đông Kinh, các loại bánh kẹo TQ được bán với giá chỉ 25.000-30.000 đồng/kg bên cạnh các loại thuốc lá, rượu cũng xuất xứ từ TQ. “Nhìn bánh kẹo, rượu TQ thật bắt mắt, màu sắc sặc sỡ… nhưng dùng cứ sờ sợ vì không có đóng gói và thời hạn sử dụng”, chị Nguyễn Thị Huệ, một chủ sạp chuyên bánh kẹo TQ, nói.

Theo chị Luyện, phần lớn các loại đồ ăn, gia vị được nhập lậu từ khu Lũng Vài (TQ) vào Lạng Sơn, do các công ty ở tỉnh Quảng Đông sản xuất. Đây là những mặt hàng kém chất lượng nên không cho phép nhập khẩu. Tuy nhiên, dân buôn lậu vì ham rẻ nên vẫn đua nhau thuê cửu vạn xách theo đường mòn về tập kết ở thị trấn Đồng Đăng, rồi chờ đêm xuống đưa về xuôi. Hàng bán ở chợ Lũng Vài chỉ một vài tệ, chẳng hạn một túi gia vị, bột nêm, mì chính… chỉ khoảng 1,5 - 4 tệ (tùy loại) nhưng về Việt Nam bán lãi gấp 2-3 lần.

Tràn về các tỉnh thành

Không chỉ các loại thực phẩm nhập từ TQ như sữa nhiễm melamin, trứng gà, gia vị lẩu, tương ớt… có nguy cơ gây ngộ độc, ung thư cho người sử dụng, gần đây còn có cả thông tin về chăn đệm, quần áo cũng đe dọa tới sức khỏe của nhiều người. Trong đó, mới nhất là chuyện cốc thủy tinh của TQ bị nhiễm độc chì, nhưng hiện nay các loại cốc của TQ vẫn đang được tư thương nhập ồ ạt về Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn… Tại các gian bày bán đồ gia dụng ở thị xã Cao Bằng, cửa khẩu Tân Thanh và TP Móng Cái, giá một bộ ly thủy tinh TQ, in hoa văn sặc sỡ chỉ có 80.000-100.000 đồng, rẻ hơn một nửa so với ly ở trong nước.

Còn với mặt hàng quần áo, lượng hàng tràn sang Việt Nam chủ yếu qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Mặc dù từ giữa năm 2010, dư luận đã rộ lên vụ quần áo, vải vóc TQ chứa độc tố, liều lượng cao có thể gây ung thư. Phía TQ cũng thừa nhận, gần một nửa mặt hàng quần áo và một phần ba số đồ dùng cho trẻ em được sản xuất tại Quảng Đông (TQ) có chứa chất gây nguy hại cho da. Nhưng hiện nay, hàng may mặc của TQ vẫn ồ ạt tràn vào Móng Cái, trong đó chủ yếu là hàng nhập lậu.

Một đầu nậu ở TP Hải Phòng, tên Lan cho biết, vào mùa hè, cứ độ 2 tuần chị ta lại nhập một lô quần áo trẻ em Trung Quốc về Hải Phòng, sau đó rải về các chợ nông thôn tiêu thụ. Thậm chí có nhiều thời điểm, các tiểu thương ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) còn phải xuống tận Hải Phòng mua lại hàng của chị. “Quần áo trẻ em nhập từ TQ quá rẻ, bán ngoài chợ với giá như cho nên người tiêu dùng vẫn ham”, Lan nói.

Để có hàng, các đầu nậu như Lan phải cắm nhiều chân rết ở bên TP Đông Hưng (TQ) để làm ăn với chủ hàng TQ. Để đưa hàng vào nội địa, các đầu nậu sử dụng chiêu thuê “cửu vạn” ở biên giới cõng từng kiện nhỏ qua cửa khẩu (hàng nhập không bị tính thuế vì hưởng chính sách biên mậu cư dân hai bên biên giới). Hàng về tới Móng Cái thì các đầu nậu gom lại, thuê xe chở về Hà Nội, Hải Phòng rồi từ đó đưa đi khắp cả nước tiêu thụ.

Ông Trịnh Bá Quang, Trưởng Phòng nghiệp vụ, Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, các mẫu kiểm tra đối với quần áo trẻ em Trung Quốc mà chi cục và Tổng cục Đo lường Chất lượng thực hiện đều phát hiện chứa chất formadehyde gây nguy hại cho da.

Quần áo chỉ là một trong mặt hàng gây sự đáng ngờ về độ an toàn và chất lượng của các mặt hàng TQ bên cạnh các loại hàng hóa nhập khẩu đã có dư luận xôn xao như trà sữa trân châu siêu rẻ (bằng polymer), trứng gà rởm, sữa bột nhiễm melamin, vòng đeo trang sức, đồ chơi trẻ em... Vậy nhưng hiện nay vẫn chưa có cơ chế, tiêu chuẩn nào để kiểm soát các mặt hàng của TQ chứa chất độc hại tràn vào Việt Nam.

 

                                                                                               Theo SGGP

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục