Dù có nhiều chính sách ưu đãi song thực tế nhiều ngân hàng (NH) lại không mặn mà cho vay nông nghiệp do đây là lĩnh vực chịu nhiều rủi ro như thiên tai, thời tiết, giá trị khoản vay lại rất thấp.

Anh Khoa - chủ một trại nuôi gà ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) - cho biết dù rất cần vốn nhưng chưa bao giờ tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng - Ảnh: Trần Mạnh

>> Kỳ 1: Bỏ cuộc vì lãi suất cao

Đặc biệt, dù đã có hướng dẫn về cho vay tín chấp nhưng các NH đều đòi hỏi người vay phải có tài sản thế chấp. Đến nay dư nợ lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu tập trung ở NH Nông nghiệp và phát triển nông thôn và một số NH có nguồn gốc từ nông thôn.

Hướng đầu tư vốn vào nông nghiệp, nông thôn

Ngoài các chính sách ưu đãi, hiện NH Nhà nước áp dụng nhiều giải pháp để hướng các NH đầu tư vốn vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có công cụ dự trữ bắt buộc. Cụ thể NH có tỉ trọng cho vay ở khu vực nông thôn chiếm trên 70% vốn cho vay chỉ phải áp dụng tỉ lệ dự trữ bắt buộc bằng 1/20 so với các NH khác; nếu tỉ trọng cho vay ở nông thôn từ 40% đến dưới 70% thì tỉ lệ dự trữ chỉ bằng 1/5. Dự trữ bắt buộc thấp hơn sẽ giúp NH có thêm vốn và lãi suất rẻ hơn để cho vay.

Hiện một số NH đã được áp dụng tỉ lệ dự trữ bắt buộc bằng 1/5 so với tỉ lệ dự trữ bắt buộc thông thường như Agribank, VIB, Kiên Long Bank và Mê Kông.

Phải thế chấp tài sản

Theo bà Mai Thị Ánh Tuyết - giám đốc Sở Công thương An Giang, các doanh nghiệp, đặc biệt là các làng nghề, các hộ kinh tế gia đình khó tiếp cận nguồn vốn đầu tư nông nghiệp. Trong tình hình đó nghị định 41 của Chính Phủ về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vốn được hi vọng sẽ tạo điều kiện cho các hộ sản xuất kinh doanh cá thể, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác được vay vốn không phải thế chấp tài sản. Thế nhưng, trên thực tế NH vẫn yêu cầu thế chấp tài sản, đặc biệt thủ tục còn khó khăn khiến số đối tượng trên không thể tiếp cận nguồn vốn.

Ngoài ra, theo quyết định 63 về hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, các đối tượng sản xuất và doanh nghiệp có thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản và dịch vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp với nông dân sẽ được vay vốn và hỗ trợ lãi suất. Thế nhưng hiện doanh nghiệp và nông dân chưa thể tiếp cận chính sách này.

Lãnh đạo một số NH ở ĐBSCL cho hay hiện nay chưa có nguồn vốn cho vay ưu đãi hay cho vay tín chấp đối với đầu tư nuôi cá tra, sản xuất lúa. Theo ông Nguyễn Tấn Phước - phó giám đốc NH NN&PTNT An Giang, NH cho nông dân vay với định mức 50% giá trị đất nông nghiệp theo khung giá đất do Nhà nước quy định, đối với doanh nghiệp vay nuôi cá thì cũng phải thế chấp tài sản. Do phần lớn các đối tượng vay đều đã thế chấp tài sản vay vốn nên không thể vay thêm.

“Đến nay do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của NH Nhà nước, các NH thương mại cấp trung ương, cũng như của bộ ngành liên quan nên các chính sách hỗ trợ về vốn chưa thể triển khai” - ông Huỳnh Thế Năng, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết.

Theo ông Mai Ngọc Thái - cán bộ kinh tế kế hoạch xã Thạnh Phước (Bình Đại, Bến Tre), trong số 300 hộ dân nuôi tôm của xã có vay vốn NH, tỉ lệ làm ăn thua lỗ dẫn đến mắc nợ quá hạn NH chiếm đến 15%. Đa số các hộ này không nhận được chính sách hỗ trợ khi có nhu cầu vay vốn tái đầu tư. Trong khi đó theo ông Nguyễn Văn Ton - giám đốc NH NN&PTNT huyện Bình Đại, hiện chưa có chính sách nào hỗ trợ các hộ dân nuôi tôm gặp rủi ro.

Nhiều rủi ro

Trong khi đó nhiều NH cũng thừa nhận chưa dám tiến vào thị trường nông thôn do lĩnh vực này quá rủi ro. Phó tổng giám đốc một NH thương mại lớn cho biết dù có chi nhánh tại sáu tỉnh ĐBSCL nhưng tín dụng nông nghiệp, nông thôn chiếm chưa đến 1% tổng dư nợ.

Ông cũng cho biết chủ trương của NH là không đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông dân mà chỉ hướng đến đối tượng doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu nông, thủy sản. Lý do là cho vay nông nghiệp quá rủi ro, giá trị khoản vay lại nhỏ nên chi phí quản lý rất lớn, hiệu quả không cao.

Giám đốc chi nhánh Cần Thơ một NH cổ phần có trụ sở tại TP.HCM dẫn chứng: khoảng 7 năm trước NH có triển khai chương trình cho vay nông thôn, đến nay nợ quá hạn từ chương trình này còn vài chục tỉ đồng do nhiều nguyên nhân: dịch bệnh, mất mùa, người dân sử dụng sai mục đích. Trong khi tài sản thế chấp của nông dân chủ yếu là đất ruộng, bán không ai mua nên NH rất khó xử lý. Vị giám đốc này cho biết dù đóng ở Cần Thơ nhưng hiện nay NH không có khách hàng vay vốn là hộ nông dân.

Ông Lê Hữu Xuân, phó giám đốc Sở giao dịch NH Phương Tây chi nhánh Cần Thơ, cho biết do “gốc gác” từ nông thôn nên nông nghiệp, nông dân là đối tượng khách hàng truyền thống của NH. Dư nợ cho vay nông nghiệp cũng chiếm tỉ trọng lớn trong tổng dư nợ.

Tuy nhiên, ông thừa nhận thực tế nông dân khó tiếp cận vốn của NH do không am hiểu thủ tục. Ông Xuân cho biết do trình độ hạn chế nên tâm lý của nông dân vay vốn NH đều muốn thủ tục nhanh gọn, đơn giản, tuy nhiên NH phải làm đúng quy định nên nhiều trường hợp không thích nghi kịp.

Ngoài ra, việc nông dân khó tiếp cận vốn còn do NH Nhà nước giới hạn tăng trưởng tín dụng ở mức 20%. “Từ đầu năm đến nay giá dầu, phân bón... đều tăng, nhu cầu vay vốn của nông dân cũng tăng theo nhưng NH chỉ có thể cho vay bằng hạn mức của năm trước. Do vậy nông dân cố gắng duy trì quy mô sản xuất như cũ đã khó, nói gì mở rộng sản xuất” - ông Xuân nói.

Nhiều NH cũng thừa nhận dù nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên song đến nay NH khó có cơ chế cho vay với lãi suất ưu đãi do vẫn phải huy động vốn với lãi suất thị trường. Hiện lãi suất cho vay nông nghiệp ở mức 21-22%/năm. Một số NH tuy giảm lãi suất cho vay xuống 18-19%/năm nhưng ít cho vay.

 

                                                                        Theo Báo Tuoitre

Các tin khác


Thủ tướng chỉ đạo xây dựng Nghị định chế độ tiền lương mới

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đề xuất một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập.

Thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Kinh tế hợp tác không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống của thành viên. Thời gian qua, xác định vai trò và tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể (KTTT), trên cơ sở các quy định của Trung ương, tỉnh Hòa Bình đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy KTTT phát triển. Qua đó đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH của địa phương.

Hiệu quả từ trồng dưa - theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Mai Hạ

Những năm qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) nỗ lực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu nhập cho người dân. Trong đó phải nói đến trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp người dân địa phương bước vươn lên thoát nghèo.

Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm Trung ương ký kết giao ước thi đua năm 2024

Sáng 12/4, Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm Trung ương tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua năm 2024. 

Tháo gỡ đầu ra cho cây gai xanh

Chậm thu mua, chậm thanh toán … ! Đó là thực trạng chung đối với các hộ liên kết trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân do kinh tế suy thoái nên các doanh nghiệp khó khăn trong việc thu mua, "đầu ra” không ổn định. Từ thực tế đó, người dân mong muốn chính quyền địa phương và các sở, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn về đầu ra cho cây gai xanh. Qua đó đảm bảo nguồn cung, cầu ổn định, tạo điều kiện cho các hộ trồng gai xanh yên tâm phát triển và nâng cao giá trị cây trồng.

Bền bỉ vượt khó cùng vốn ưu đãi

Với sự đồng hành và hỗ trợ đa chiều của vốn tín dụng chính sách (TDCS) đã viết nên nhiều câu chuyện về hành trình vượt lên nghèo, đói của không ít hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục